Tìm hiểu cuộc đời cũng như tác phẩm Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng, giúp ta hiểu thêm sự ích lợi của tri thức lĩnh hội được từ sách vở năng đọc đối với tiền nhân dạo xưa.
Trương Quốc Dụng đọc sách chuyên cần
Trương Quốc Dụng, theo thông tin từ hai dịch giả Nguyễn Lợi và Nguyễn Đổng Chi khi dịch và xuất bản Thối [thoái] thực ký văn năm 1944 bởi NXB Tân Việt, cho biết ông người Hà Tĩnh.
Trương Quốc Dụng theo ghi chép của dịch giả Hoàng Văn Lâu trong bản dịch Mẫn Hiên thuyết loại, có tên Khánh, tên tự Dĩ Hành.
Sinh trưởng trong gia đình trung lưu chuộng Hán học, nên Trương Quốc Dụng sau đó cũng theo đòi nghiệp bút nghiên. Năm lên 4 tuổi đã làm quen với chữ thánh hiền. Năm Ất Dậu (1825) đỗ hương cống và Kỷ Sửu (1829) ghi danh tiến sĩ.
Xuất thân khoa bảng bước vào quan trường, ông Phong Khê (tên hiệu Trương Quốc Dụng) kinh qua nhiều chức vụ khác nhau. Riêng về mặt tri thức, ông được Đại Nam liệt truyện ngợi khen: “Quốc Dụng là người trầm tĩnh, dẫu làm quan song chưa từng rời quyển sách, mọi người đều suy tôn là học rộng”.
Sự học của vị quan đất Hà Tĩnh còn được biết đến khi ở trong quân thứ, dẫu ưa rượu nhưng không bao giờ ông sao nhãng việc đọc sách. Nhờ đi khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, nên hiểu biết của ông thêm phần sâu rộng, gắn với thực tế. Ngoài ra, Đại Nam nhất thống chí còn cho biết ông tinh thông cả về thuật số và chiêm tinh học.
Trong đời Trương Quốc Dụng, ông từng được giảng sách hầu vua, coi việc ở Khâm thiên giám, Viện hàn lâm, rồi Phó Tổng tài Quốc sử quán cũng như chấm thi Hương, thi Hội đã chứng tỏ cho kiến thức mẫn tiệp của ông rồi.
Bên cạnh đó, xét về mặt sách vở, Trương Quốc Dụng đã có những đóng góp quý báu khi ông tham gia biên soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Văn quy tân thể…
Đền thờ Trương Quốc Dụng ở Hà Tĩnh. Ảnh: Trương tộc. |
Còn với riêng trước tác của bản thân, theo tác phẩm Trương Quốc Dụng-danh tướng-nhà văn hóa lớn thì ông có Thoái thực ký văn, Trương Nhu Trung thi tập cùng nhiều bài bình, thơ… Qua Thoái thực ký văn cho thấy sự uyên bác của một nhà nho thế kỷ 19.
Vốn Thoái thực ký văn là ghi chép những điều nghe thấy khi nghỉ việc quan về nhà. Nhưng xem qua tác phẩm, thì đây là một bộ sách bách khoa thư về kiến thức với đủ lĩnh vực, từ cương vực, địa lý hành chính (phong vực) đến bổng lộc, khoa cử, binh chế… (chế độ) rồi nhân vật, cổ tích…
Đối với tác phẩm, trong “Thoái thực ký văn mục dẫn” (Bài mục lục dẫn về sách Thoái thực ký văn), tác giả đã có lời tâm sự, qua đó giúp ta biết được về sự ra đời tác phẩm, mà cũng là cái sự học không ngừng của Trương Quốc Dụng.
“Phàm đi làm quan đến đâu, tai nghe mắt thấy, cùng là được các bậc học giả chuyện trò, dưới đến các chuyện thường trong thôn xóm, về cương vực nước nhà, các nhân vật, các sự vật, điều gì có thể tham khảo được, thường thường ghi lên trên giấy. Rồi thì đem cất vào tráp”.
Cái sự thường lắng nghe, năng trao đổi, siêng quan sát để rồi những kiến thức, hiểu biết ấy gồm thâu vào trí não, hiện ra nơi con chữ trên trang giấy, đáng để học hỏi lắm. Và làm ta nhớ đến Trương Quốc Dụng có gì đó giống Bảng nhãn Lê Quý Đôn.
Những gì ghi chép được do không để ý nên qua thời gian, đến khi soạn lại thì mười phần chỉ còn lại một, hai. Thế mà những tờ giấy rời ấy khi biên soạn lại, đem đến cho ta một Thoái thực ký văn đầy ắp thông tin. Nếu như còn đầy đủ thì tác phẩm sẽ dày dặn đến bao nhiêu?
Giá trị của sự đọc, học hỏi từ sách
Trong Thoái thực ký văn, chỉ riêng nói về sách và sự đọc, học sách qua những truyện, người mà Trương Quốc Dụng đề cập đến, cũng đáng để chúng ta học hỏi, chiêm nghiệm.
Như ở thời Trần hoặc thời Lê sơ, các quan võ quen vó ngựa đường gươm, nhưng những vị ấy cũng lấy sách làm bạn vì hay đọc. Phạm Ngũ Lão dù là tướng, nhưng thơ ca của ông đọc vào sang sảng chất hào hùng của kẻ nam nhi thời Trần:
“Múa giáo non sông đã mấy thu,
Ba quân hùng hổ át sao Ngưu.
Công danh, nam tử còn mang nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu”.
(Thuật hoài)
Rồi thời Lê sơ, có Lê Niệm là đô đốc, mà thơ thì được vua Lê Thánh Tông giỏi thi phú cũng ái mộ nên “mỗi khi làm thơ thường bảo ông họa lại”; hay Lê Hoằng Dực cũng thân đô đốc được sứ nhà Minh khen là học vấn uyên bác. Tài thi phú, học vấn uyên bác kia của người làm tướng, nếu không có bút nghiên chuyên cần, sách hay siêng đọc nào dễ mà thành được.
Là kẻ hậu sinh ham sách, Trương Quốc Dụng vì thế cũng không bỏ qua gương tiền nhân. Thế nên tác giả mới qua lời kể của “ông Hoàng xã tôi” là người đi sứ cùng Lê Quý Đôn, mà ngưỡng mộ cái tài “Quế Đường (Lê Quý Đôn) xem sách rất nhanh, mười hàng một lần, đã thuộc rồi thì suốt đời không quên, mà tay chưa từng rời sách”.
Cụ già đọc sách. Ảnh: Pinterest. |
Nước Việt ta, phụ nữ thu mình quanh việc gia đình, còn chữ nghĩa là việc của nam nhi. Mấy ai phận má phấn mà vượt lên được sự phân vai xã hội như Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ hay tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu…
Ấy nhưng khi phụ nữ mà được mở mang kiến thức từ chữ nghĩa, sách vở thì đấng mày râu cũng có phen thán phục.
Chuyện là có ông Văn vốn làm Tri phủ Tư Nghĩa, có lần đến nhà người bạn làm quan nhưng bạn vắng nhà, người vợ ra tiếp. Lúc ấy trời nóng nực, khách được mời uống trà gừng. Ông Văn khen trà có mùi vị ngon. Nữ chủ nhà liền đáp: “Vì khát nên dễ uống thôi. Nhưng người xưa có câu: Trên giường để củ cải, dưới giường để gừng, vị quê cũng không tệ”.
Ông Văn tò mò hỏi câu ấy từ đâu mà có, thì được đáp rằng: “Từ sách Cứu hoang” (sách Cứu hoang bản thảo của Chu Túc thời Minh). Nói rồi cắt nghĩa rạch ròi cho ông Văn nghe. Chỉ là người phụ nữ thôi đấy, nhưng vì biết chữ, siêng năng đọc sách, tìm hiểu sự vật mà thực hành đúng làm cho kẻ làm quan cũng phải lấy làm phục thì có thể thấy ích lợi của việc chuyên cần lượm thu kiến thức đến đâu.
Bên cạnh lợi của đọc sách, ta cũng thấy cái hại của kẻ thô bỉ, thiếu tri thức, lễ nghĩa vì không xem sách thánh hiền. Chẳng đâu xa, Trương Quốc Dụng dẫn ra ngay trường hợp dưới đây.
Ấy là ở Biên Hòa có nhà nọ người anh chết nhưng không con nối dõi. Họ hàng bèn bàn lập con người em làm kẻ nối dõi. Người em có hai con, quan địa phương xử lập người con thứ. Nhưng rồi gia đình ấy kiện tụng, cũng bởi nhiều của. Đến khi phúc thẩm, phái viên lập con trưởng, quan Hữu ty cũng theo đó y lời.
Việc bất nhất sai lễ trên bị Trương Quốc Dụng phê rằng: “Có lẽ không họp nhau khảo nghi lễ nên mới vậy. Chu Tử nói: “Sách phần nhiều xem không hiểu”, huống hồ có người chưa từng xem sách”. Đó là cái hại của kẻ kiến thức nông cạn, đã thế khi cần lại không chịu học hỏi, tra cứu mà lại làm quan “phụ mẫu” quản thiên hạ.