Cuốn sách này dành cho các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi tiền tiểu học và trong những năm tháng đi học tiểu học hoặc chuẩn bị thi vào trung học cơ sở, quan tâm việc giáo dục tại nhà cho con.
Theo phân tích của tác giả, trẻ em ngày nay cần phải được trang bị về năng lực tư duy, năng lực sử dụng ngôn ngữ và năng lực biểu đạt. Những năng lực này hoàn toàn có thể được bồi đắp tại gia đình thông qua hoạt động giữa cha mẹ và con cái, mà xuất phát điểm là các “trải nghiệm đón đầu”.
Những “trải nghiệm đón đầu” này được bồi đắp trong những hoạt động vui chơi tại nhà. Mẹ thông thái dạy con tại nhà cung cấp một số tình huống cụ thể mà cha mẹ có thể áp dụng.
Sách Mẹ thông thái dạy con tại nhà. Ảnh: Thái Hà Books. |
Theo Shouko Yoshimoto, đầu tiên, phụ huynh nên đầu tư thêm công sức vào những câu chuyện mỗi ngày với trẻ như: Miếng đậu phụ hình chữ nhật này con; hãy chia thành một phần hai nhé; chỗ đậu này mẹ muốn chia đều cho 5 người, vậy không biết mỗi đĩa bày bao nhiêu miếng là đủ nhỉ?…
Từ đó, trẻ dần có được ý thức về khả năng của bản thân có thể hoàn thành được một công việc giống như người lớn. Sẽ có người cho rằng nhờ trẻ giúp thì chỉ tổ vướng chân vướng tay nhưng các bà mẹ cần tận dụng cơ hội này. Đó là lúc trẻ đang rất sẵn lòng và tràn đầy hứng khởi để học hỏi những điều mới.
Thông qua trải nghiệm thực tế và qua việc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái, trẻ sẽ tiếp xúc và có được chút hiểu biết đầu tiên về những kiến thức như khái niệm hình học, phân số trong số học, về vùng sản xuất trong địa lý.
Làm như vậy thì sau này khi trẻ học ở lớp hoặc học trong sách giáo khoa, những ký ức lưu lại của trải nghiệm đón đầu sẽ được “gọi về”, trẻ sẽ ngay lập tức hiểu ra vấn đề và trở nên hào hứng bắt tay vào việc học.
Khi mẹ và con cùng thực hiện trải nghiệm sẽ làm những cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con trở nên phong phú hơn, vốn từ vựng của trẻ cũng nhờ thế mà tăng lên.
Thêm vào đó, việc cố gắng thể hiện ý kiến của bản thân với cha mẹ về những hiện tượng hay kiến thức thu được trong trải nghiệm, trẻ sẽ được bồi đắp rất nhiều về năng lực biểu đạt.
Những trải nghiệm này đồng thời còn giúp nuôi dưỡng sự tò mò và tinh thần ham học hỏi của trẻ. Niềm vui khi trẻ được làm việc cùng cha mẹ có mối liên hệ rất chặt chẽ với sự hăng hái, động lực nội tại của trẻ.
Shouko Yoshimoto có hơn 25 năm kinh nghiệm trong giáo dục ở trung học cơ sở. Trong quá trình tìm kiếm ý nghĩa của năng lực học tập thực sự, khi nhận thấy rõ tính hiệu quả của những “trải nghiệm đón đầu”, tác giả đã đưa ra những phương pháp giáo của mình.