Trước đây, thời kỳ kinh tế tự túc tự cấp, người bình dân ở thôn quê tận dụng triệt để tất cả những gì có sẵn hoặc tự trồng tỉa, đánh bắt trong tự nhiên để phục vụ đời sống của mình.
Miền Tây Nam bộ có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Thích nghi với điều kiện đó, người nông dân cấy trồng lúa, nếp mỗi năm một vụ.
Khi những cơn mưa bắt đầu vào khoảng cuối tháng Tư đầu tháng Năm âm lịch cũng là lúc người nông dân làm đất, rồi xuống giống, để chờ đến cuối tháng Mười một, đầu tháng Chạp sẽ bắt đầu gặt, đập đem lúa về sân.
Người nghèo phải mướn đất của chủ điền để canh tác. Họ dựng luôn nhà cửa trên phần đất mướn. Vụ mùa làm xong phải đong lúa ruộng cho chủ.
Quần quật quanh năm lo cái ăn trước hết. May mắn, lúa không bị háp, bị sập, không bị chim, chuột cắn phá, đong trả nợ rồi còn đủ lúa ăn làm mùa tới.
Sách Ăn chơi Tết miền Tây. Ảnh Q.M. |
Dù thế nào, nghèo hay giàu, người ta cũng cố gắng chạy vạy lo cho con, cháu có được mấy ngày Tết được tươm tất.
Vốn tính lo xa, khi chuẩn bị làm mùa, người ta thường hay dành từ một góc tư (khoảng 300 m2) đến nửa công đất (mỗi công đất tầm điền tương đương 1.000 mét vuông, tầm (đơn vị tầm ở miền Tây Nam bộ có những độ dài khác nhau, tùy theo vùng, dao động từ 2,8 m đến 3 m) cấy khoảng 1.300 m2, dân quê thường xài đơn vị tầm cấy) để cấy, sạ ít nếp.
Trong các món chè, xôi khi nhà có đám tiệc hay lễ Tết hoặc muốn thay đổi khẩu vị, nếp được ưu tiên lựa chọn.
Nếp thường khó cấy trồng hơn lúa và năng suất cũng không cao. Vì những điều này mà nếp không được trồng phổ biến trên đồng ruộng miền đất mới. Các giống nếp thường được lựa chọn như nếp Nàng Quớt, nếp Bà Bóng, nếp Bầu, nếp Khnôp, nếp Têvôđa (Hai giống nếp sau của người Khmer),…
Nếu làm lúa (Phương ngữ Tây Nam bộ, làm lúa trồng lúa; canh tác lúa…), người miền quê có thể chọn bằng một trong hai hình thức sạ hoặc gieo mạ rồi nhổ mạ cấy thì khi làm nếp, người ta chủ yếu dùng phương pháp sạ giống.
Bởi đất để làm nếp ít, nếp lại phải làm riêng không được lẫn lộn với lúa, nên việc gieo mạ rồi nhổ mạ và cấy sẽ tốn nhiều công và bất tiện. Tới mùa, gặt nếp về để riêng, đập và vô bao để dành… ăn! Con, cháu, anh em hoặc bà con thân tình hay láng giềng lân cận không có nếp ăn thì sang nhà người quen có làm nếp để… đổi.
Người ta sẽ đem lúa, dừa, chuối, khoai… sang để đổi lấy chục lít hay táu, đơn vị đo lường Tây Nam bộ; loại táu bằng 20 lít và loại táu 40 lít (táu 40 lít dân gian kêu là táu giạ) nếp.
Đổi chác ra sao, người trong cuộc tự thỏa thuận. Không ai tính toán chi li, miễn sao ai cũng có những ngày Tết trọn vẹn thắm đẫm tình làng nghĩa xóm là quý nhất.
Nếp đem về được xay, giã rồi giần sàng cho hết trấu, cám để có nếp hột. Nếp hột ngâm, tẻ nước để gói bánh tét, xôi, quết bánh phồng… hoặc xay bột để gói bánh ít, nấu chè sôi nước cúng ông Táo.
Ngoài việc lo cấy nếp chuẩn bị cho ngày Tết, đến tháng 10, 11, người miền quê bắt đầu chăm chút và lựa chọn những loại trái cây trong vườn nhà để… trưng Tết, ăn Tết.
Những buồng chuối xiêm, những trái mãng cầu, hay bưởi, vú sữa… được lựa chọn để dành Tết. Bằng kinh nghiệm dân gian, người ta phỏng đoán đúng thời gian những loại trái cây này sẽ già và chín đúng dịp cuối năm. Cứ vậy, đến ngày ra vườn cắt, hái về cho những ngày vui thêm màu sắc và hương vậy.
Vậy mới hay, người miền quê lo xa. Từ ngay những lúc xuống mùa đã nghĩ đến lúc thu hoạch. Nó vừa thể hiện sự chu đáo, cẩn thận vừa cho chúng ta thấy ý nghĩa ngày Tết rất quan trọng, đó là dịp để con cháu dâng lên tổ tiên.