Được cha mẹ đối xử công bằng, con trẻ sẽ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, biết sẻ chia và yêu thương. Ảnh: J.F. |
Cha mẹ yêu thương con cái cần phải cân phân (công bằng) không nên cưng đứa này, lơ là đứa kia, và săn sóc không cân phân là nguồn gốc của biết bao sự xung đột giữa các anh chị em trong gia đình.
Một ngọn đèn thắp giữa nhà, người nào cũng hưởng một phần ánh sáng chung ấy. Tình yêu của cha mẹ cũng như ánh sáng ngọn đèn kia, các con đều chung hưởng không khinh bên nào, trọng bên nào, mới giữ được hòa khí trong gia đình và tình yêu thương giữa anh chị em.
Sự thiên vị gây ra oán hờn và ghen tị trong lòng của trẻ. Nhiều người thuở nhỏ cha mẹ nghiêm khắc mà không oán. Trái lại thiếu chi người dẫu đã trưởng thành mà còn oán hận cha mẹ ăn ở ngày xưa với con cái không được công bằng, đến khi đã ra đời giữa anh em cứ luôn luôn bất hòa bởi vẫn bị ảnh hưởng sự thiên vị của cha mẹ ngày trước.
Lẽ thường những đứa con khôn ngoan, thông minh, hiếu học và đức hạnh thế nào cha mẹ cũng có thiện cảm và ưu đãi hơn để khuyến khích trẻ mỗi ngày tiến bộ thêm. Nhưng sự thiện cảm và ưu đãi ấy phải rất cẩn thận.
Chớ khen ngợi đứa con quá khôn ngoan để chê bai đứa khác không được giỏi giang bằng, sự khen ngợi và bênh vực quá đáng sẽ gieo sự ghen tị và hờn giận cho trẻ bị thua sút, và có khi tăng sự kiêu căng tự phụ của đứa trẻ được nhận lời khen.
Nhất là cha mẹ tránh lối so sánh để khiển trách con, thí dụ “Mày thua em mày nhiều lắm” hoặc “Mày trông chị mày mà không biết xấu”, hoặc “Việc này anh mày làm sẽ không đến nỗi thất bại như thế”.
Nếu trong đám con ta có đứa nào làm việc lỗi lầm, hư hỏng, thì ta cứ theo việc ấy mà cảnh cáo, khiển trách, trừng phạt cho đúnng là được rồi, không cần phải lấy đứa trẻ này ví trẻ kia, là một phương pháp giáo dục không hay.
Sự ưu đãi liên tiếp làm cho sự trừng phạt nổi bật lên, một trẻ thấy mẹ cứ khen tặng anh mình, còn mình cứ bị la rầy, dẫu việc khen tặng là đúng, la rầy là phải, trẻ cũng cứ nghĩ và nói rằng: “Ở nhà mẹ chỉ thương anh mà ghét tôi” . Sự ưu đãi của cha mẹ cần phải cẩn thận.
Sách Giáo dục nhi đồng của Đạm Phương nữ sử. Ảnh: Hoàng Thanh Thủy. |
Một người mẹ khôn ngoan, thấy trong đám con mình, có trẻ thua sút về tất cả các phương diện thể chất, trí thức và đạo đức lại càng nên chăm nom, săn sóc hơn. Nhờ có sự săn sóc ấy mới thay đổi được tính tình, nâng đỡ được sự thua sút thấp kém của trẻ.
Tuy gặp phải sự nghiêm trị khi phạm phải lỗi lầm, nhưng bình thường lại cần phải có sự âu yếm, làm cho trẻ cảm nhận được lòng khoan dung và yêu thương của cha mẹ, trẻ mới bỏ đường lỗi lầm mà qua đường đức hạnh. Một đứa trẻ tính tình hung dữ, cha mẹ lại đối đãi khắc nghiệt, sau tính tình hung dữ đã không đổi, mà tập thêm tính khắc nghiệt đối với mọi người.
Sự hung dữ của đứa trẻ là một bệnh tâm hồn, chứng bệnh ấy cần phải có thuốc trị: Liều thuốc thần hiệu hơn cả, là tình yêu thương của mẹ cha.
Những trẻ khỏe mạnh cả tâm hồn và thể chất thì cần gì mà phải dùng thuốc. Cha mẹ chớ thấy hư hỏng mà bạc đãi, trái lại cần phải gia tâm nâng đỡ và hết lòng yêu thương thì trẻ mới bỏ tà quy chính được.
Trong các trẻ sinh sau đẻ muộn, các trẻ tật nguyền, bệnh hoạn cần phải ưu đãi và phải chăm nom kỹ lưỡng hơn cả. Sự ưu đãi chăm nom ấy không có nghĩa là thiên vị, vì trẻ sinh sau cần phải đùm bọc nhiều hơn mới có thể khôn lớn; trẻ đau ốm, tật nguyền, đã chịu nhiều đau khổ, cần phải có sự an ủi để chia sẻ bớt sự buồn rầu. Cả gia đình phải cùng nhau yêu thương giúp đỡ cho đứa trẻ ấy và không có sự phiền trách ghen tỵ gì cả.
Một quan niệm vừa bất công, vừa hủ bại của người phương Đông là: Trọng nam khinh nữ. Những tà thuyết “thập nam viết hữu, thập nữ viết vô” lưu truyền rất nhiều trong nhân gian. Thậm chí người ta lấy sự đẻ con gái trong gia đình là một điềm rủi. Vì thế nên con gái sinh ra ngươi ta ít quý trọng, ít thương yêu, ít chăm nom và ít dạy dỗ.
Ngày nay trong xã hội Việt Nam ta cũng còn nhiều gia đình giữ cái thành kiến vô nhân đạo ấy.
Không cần phải đem lịch sử ra để làm chứng xã hội ngày xưa từng trải qua chế độ mẫu quyền, không cần đem khoa học ra để chứng nhận người đàn bà cũng có đủ năng lực về trí thức và đạo đức như người đàn ông và có chỗ hơn nữa là khác. Ta chỉ xét về một phương diện con người mà thôi.
Con gái hay con trai cũng là người, cớ sao phải phân biệt hủ lậu như thế. Hơn nữa tạo hóa đã ủy thác cho người đàn bà cái nhiệm vụ rất vĩ đại là sinh con, nuôi con, dạy con. Chỉ một cái nhiệm vụ ấy cũng đủ nâng cao địa vị của người đàn bà đối với xã hội. Mà cũng vì cái nhiệm vụ ấy mà người đàn bà được hưởng nhiều quyền lợi về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục đặc biệt.
Người ta muốn cho con cháu sau này trở nên mạnh khỏe và có trí dục, đức dục hoàn toàn, ấy thế mà họ lại không săn sóc giáo dục cho phụ nữ, chẳng khác nào họ muốn ăn quả cho ngon, mà không vun trồng cội rễ, thật là mâu thuẫn và rất phi lý . Ấy thế mà thiếu chi người ôm sự mâu thuẫn và phi lý ấy một cách tự nhiên.
Con gái hay con trai cũng đều là con cả. Cha mẹ nên quý trọng thương yêu như nhau. Hơn thế các bà mẹ nên nhớ đối với con gái cần phải có sự chăm sóc đặc biệt hơn, giáo dục kỹ lưỡng hơn, để dự bị cho trẻ cái phận sự rất lớn lao sau này là phận sự làm mẹ: Sinh con, nuôi con và dạy con. Đó là trách nhiệm tối quan trọng của sự sinh tồn của chủng tộc mà chưa một người đàn ông nào dẫu ích kỷ đến mấy, cũng không nghĩ đến sự dành phần!
You must be logged in to post a comment Login