Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành không chỉ chú trọng làm ra sách hay mà còn tập trung xây dựng tủ sách theo chủ đề. Trong đó, những tủ sách văn chương tập hợp tác phẩm theo một tiêu chí riêng đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu của nhiều thế hệ.
Một số cuốn bản đặc biệt trong tủ sách “Việt Nam danh tác”. Ảnh: Nhã Nam. |
Tôn vinh danh tác
Nhã Nam, đơn vị với thế mạnh làm sách văn học, chủ trương thực hiện tủ sách “Việt Nam danh tác” từ năm 2014. Tủ sách in lại những tác phẩm đã đạt thành tựu lớn về nghệ thuật ngôn từ, những tác phẩm trở thành mẫu mực của thể loại văn chương.
Sách được in trong “Việt Nam danh tác” phải là tác phẩm đã qua thử thách của thời gian, chiếm được tình cảm, sự trân trọng của bạn đọc nhiều thế hệ. Tác phẩm ấy cũng phải mang giá trị nhân văn phổ quát, đi vào đời sống, được độc giả tìm đọc lại, soi chiếu trong những hoàn cảnh mới của xã hội.
Gần 50 tác phẩm thơ, văn đã được phát hành trong tủ sách “Việt Nam danh tác”. Sách in lại thường dựa trên ấn bản lần đầu phát hành hoặc văn bản khả tín nhất khi tác giả còn sống.
Nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn, nhà thơ có mặt trong tủ sách như: Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Bính, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Hồ Dzếnh, Nguyễn Nhược Pháp, Tchya, Bích Khê, Đinh Hùng… Tác phẩm được in trong “Việt Nam danh tác” đều là tinh túy của văn học Việt Nam hiện đại.
Cũng in lại các danh tác, Công ty Đông A chọn lối đi riêng khi kết hợp văn – họa trong tủ sách “Văn chương và Mỹ thuật”. Đơn vị này chủ trương khi in lại một danh tác sẽ đặt một họa sĩ đương thời vẽ bộ tranh minh họa riêng.
Bằng việc mời các họa sĩ hợp tác, Đông A muốn mỗi ấn phẩm đến tay bạn đọc trọn vẹn cả về hình thức và nội dung, chạm đến và nâng lên những cảm xúc đẹp đẽ đối với nghệ thuật nói chung, văn chương và mỹ thuật Việt Nam nói riêng.
Hai ấn phẩm đầu tiên trong tủ sách mới ra mắt là Bỉ vỏ (tác giả Nguyên Hồng, minh họa Hoàng Phượng Vỹ) và Thương nhớ mười hai (tác giả Vũ Bằng, minh họa Duy Hưng).
Trước đó, đơn vị này từng thực hiện một số cuốn sách có sự tham gia của các họa sĩ đương đại như: Truyện Kiều (tác giả Nguyễn Du, nhiều họa sĩ minh họa), Lục Vân Tiên (tác giả Nguyễn Đình Chiểu, minh họa Nguyễn Công Hoan), Số đỏ (tác giả Vũ Trọng Phụng, minh họa Thành Phong), Người kép già (tác giả Kim Lân, minh họa Thành Phong)…
Công ty Đông A có thế mạnh làm sách đẹp trong nhiều năm qua, hứa hẹn sẽ cho ra đời những tác phẩm đáp ứng niềm vui đọc sách và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức hội họa của độc giả.
Một số cuốn trong tủ sách “Văn học trong nhà trường”. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Ươm mầm văn chương
Nhà xuất bản Kim Đồng trong quá trình làm sách thiếu nhi luôn chú trọng xuất bản sách văn học cho trẻ em. “Tủ sách vàng” được đơn vị này thực hiện từ năm 1995, tuyển chọn tác phẩm văn học hay của các tác giả trong và ngoài nước dành cho thiếu nhi.
Từ năm 1995 tới 2004, “Tủ sách vàng” phát hành định kỳ mỗi tuần một tập. Sau đó, tuy không ra sách định kỳ, tủ sách vẫn được bồi đắp thêm bởi hàng trăm tác phẩm mới hoặc tái bản hình thức mới.
“Tủ sách vàng” chia các tác phẩm văn học thiếu nhi theo 5 dòng chính: Lịch sử truyền thống; tác phẩm nổi tiếng; tác phẩm văn học mới; tác phẩm văn học Việt Nam chọn lọc; văn học nước ngoài.
Một số tác phẩm văn học thiếu nhi nổi bật có trong “Tủ sách vàng” như: Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng), Sừng rượu thề (Nghiêm Đa Văn); Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa), Bỉ vỏ (Nguyên Hồng), Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng), Đợi Mặt Trời (Phạm Ngọc Tiến), Bỏ trốn (Phan Thị Thanh Nhàn)…
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng xây dựng một tủ sách văn chương khác là “Văn học trong nhà trường”. Văn học là môn học không có công thức hay định luật bất biến. Văn học có những tác phẩm riêng biệt, nơi cá tính sáng tạo của tác giả làm nên nét đặc sắc của tác phẩm ấy.
Tủ sách “Văn học trong nhà trường” giới thiệu tác phẩm của các tác giả thuộc nhiều trào lưu, thể loại thời kỳ… cần được khuyến khích tìm hiểu trong chương trình học phổ thông. Các chuyên gia trong lĩnh vực văn học và giáo dục tham gia biên soạn, tuyển chọn, bình giảng cho tủ sách.
“Văn học trong nhà trường” in tác phẩm của các tác giả Việt Nam như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính, Tố Hữu… trong thơ; Ngô Gia văn Phái, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Tô Hoài, Nam Cao… trong văn xuôi; Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Quang Vũ… trong kịch; Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan… trong phê bình.
Nhà xuất bản Trẻ luôn chú trọng làm sách nuôi dưỡng tâm hồn cho thanh niên. Cuộc thi Văn học tuổi 20 mà đơn vị này tổ chức qua các kỳ đã phát hiện ra nhiều cây bút tài năng. Một số tên tuổi của văn đàn Việt trưởng thành từ cuộc thi như Nguyễn Ngọc Tư, Phan Việt, Phan Hồn Nhiên…
Trong những lần tổ chức gần đây (từ năm 2019 đến nay), Nhà xuất bản Trẻ thông báo không phát động cuộc thi nữa. Trong các bản thảo gửi về, nhà xuất bản sẽ lựa chọn bản thảo phù hợp tiêu chí để in trong tủ sách “Văn học tuổi 20”. Định kỳ ba năm một lần, Hội đồng chung khảo sẽ chọn trong số các tác phẩm đã in trong tủ sách “Văn học tuổi 20” để xét trao giải thưởng.
Đây là cuộc thi, tủ sách văn xuôi uy tín, không chỉ giới thiệu tới công chúng những tác phẩm hay mà còn góp phần ươm mầm tài năng văn chương Việt.