Connect with us

Sách hay

Giải thưởng Văn học tuổi 20: Những cá tính cần cho văn học

Được phát hành

,

Trong dòng chảy bộn bề của sự kiện, hầu hết các cuộc thi văn chương đang dần suy giảm độ hấp dẫn với cả người viết lẫn người đọc. Tuy nhiên, Văn học tuổi 20 là một ngoại lệ.

Giải thưởng Văn học tuổi 20: Những cá tính cần cho văn học - Ảnh 1.

Ban tổ chức, hội đồng chung khảo và các tác giả đoạt giải Văn học tuổi 20 lần bảy (hàng trên, cầm hoa, từ trái qua): Hiền Trang, Nguyễn Thu Hằng, cha của Duy Ân (nhận thay tác giả Duy Ân), Yang Phan, Lê Quang Trạng, Nguyên Nguyên và Hoàng Công Danh – Ảnh: LÊ ĐỨC TRUNG

Ở lần thứ bảy được tổ chức, với chủ đề “Tuổi 20 hôm nay – Cuộc sống và góc nhìn”, cuộc thi là cuộc tập hợp đáng để tham dự nhất với các cây bút đang trên hành trình khẳng định bản thân trên địa hạt văn chương và cả những ai mới vừa thử sức với công việc sáng tác.

Con số 511 tác phẩm gửi dự thi và 12 tác phẩm được chọn vào chung khảo cho thấy sức hút cũng như độ cạnh tranh thực sự của cuộc thi. Từ góc độ độc giả, để nhận diện các nhân tố độc đáo và tiềm năng cho văn học tương lai, hay chỉ đơn giản tìm đọc một số tác phẩm đặc sắc của người trẻ ngay tại thời đoạn này, rõ ràng Văn học tuổi 20 là từ khóa đáng tin cậy.

Diện mạo tinh thần giới trẻ

12 tác phẩm vào chung khảo đại diện khá trọn vẹn cho các xu hướng sáng tác của người viết trẻ hôm nay. Ở mùa giải lần sáu, sự đa dạng thể tài và hình thức thể hiện đã ghi dấu đẹp thì ở lần thứ bảy, những vấn đề của cuộc sống và thế giới đương đại được thể hiện bằng góc nhìn mới lạ, thậm chí khác biệt, chính là điểm nhấn đáng kể nhất.

Trong những năm gần đây đã hình thành nên một thế hệ nhà văn trẻ mà các cây bút của Văn học tuổi 20 là những cái tên cần được quan tâm. Như ở hai cây bút Hiền Trang và Nguyên Nguyên, thế giới chúng ta đang sống được trình bày theo cách thức mới mẻ: những đường biên về nơi chốn hay danh tính nhân vật được làm mờ đi, bối cảnh và nhân vật có thể thuộc về bất kỳ nơi đâu trên thế giới này. Để tồn tại, người trẻ không thể không nhận diện bản thân và tự đối diện.

Với tập truyện ngắn Có thú dữ trong thành phố, Nguyên Nguyên chỉ ra được các tình thế của người trẻ hiện đại, những áp lực mà họ phải đương đầu, trạng thái trống vắng, nỗi cô độc và sự bất định. Còn với Chopin biến mất, thông qua các suy nghiệm từ âm nhạc, Hiền Trang đặt vấn đề tìm kiếm bản thể của mỗi cá nhân, ý nghĩa của sự tồn tại và cái chết. Diện mạo tinh thần giới trí thức trẻ phần nào có thể nắm bắt từ hai tác phẩm này.

Đậm chất “đời” hơn, sử dụng linh hoạt yếu tố tín ngưỡng, Bảy bảy bốn chín của Hoàng Công Danh chia sẻ một góc nhìn khá thú vị về nhân duyên, đặt ra phản đề về sự xa lạ giữa vợ và chồng – các cá nhân lẽ ra gần gụi và hiểu nhau hơn cả. Những bất trắc và thất vọng của con người hôm nay phải chăng chính vì họ đã mất đi khả năng thấu hiểu người sống bên mình?

Viết như là sống, quan niệm này thể hiện rõ nét ở hai tập truyện ngắn Vệt sáng của bụiChuồng cọp trên cao. Trên lớp nền hiện thực cuộc sống hôm nay, nhà văn phát hiện các biến đổi đời sống bên trong của con người, chia sẻ cách họ sinh tồn trong sự biến thiên của thời cuộc. Khi đặt dưới góc nhìn thấu hiểu và nhiều rung cảm, không gian miền Tây sông nước của Lê Quang Trạng hay nông thôn Bắc Bộ của Nguyễn Thu Hằng mang đến cho những ai yêu mến dòng văn học hiện thực niềm hứng thú và hài lòng nhất định.

Giải thưởng Văn học tuổi 20: Những cá tính cần cho văn học - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – giải nhất Văn học tuổi 20 lần hai – tặng hoa cho Yang Phan – giải nhì Văn học tuổi 20 lần bảy – Ảnh: L.Đ.T.

Tôi chọn Văn học tuổi 20 bởi tính cởi mở và phát hiện của cuộc thi. Giải thưởng không hẳn tìm những cây bút lão luyện. Tôi nghĩ đôi khi ta luôn trông chờ những viên kim cương được dọn sẵn. Hoặc người ta săn đón những món đồ đắt khách. Nhưng can đảm là ta đào sâu lớp đất để kiếm vàng thô, xấu xí. Văn học tuổi 20 đã dũng cảm làm được điều đó.

Yang Phan (tác giả Vụn ký ức – giải nhì VHT20 lần thứ bảy)

Viết như hành trình đào sâu tri thức

Một thời đại có quá nhiều phương tiện kết nối nhưng con người mất đi mối liên kết với thế giới xung quanh là chủ đề đang được quan tâm. Công nghệ thay đổi con người và xã hội, mỗi cá nhân đều bị nhào nặn theo những cách thức mà chính họ cũng không ngờ.

Chọn ngôn ngữ – phương tiện kết nối nền tảng – làm chất liệu chính cho tập truyện ngắn Nửa lời chưa nói, Duy Ân mang đến góc nhìn khác lạ, chuyên sâu nhưng vẫn đầy sảng khoái về vai trò của ngôn từ, sự biến đổi và tác động vô hình của nó trong cách mỗi người chúng ta thể hiện bản thân và giao tiếp với nhau.

Cũng trên nền chủ đề kết nối, Vụn ký ức của Yang Phan chạm đến độ sâu cần thiết của văn chương khi anh viết về khoảng trống mỗi cá nhân có thể gửi lại trong thế giới này. Có những câu đặt ra buộc người đọc phải suy nghĩ như “Anh không quen việc gắn kết với ai đó trọn đời. Anh muốn sống thế này, chẳng thuộc về người nào cả”. Chúng ta mưu cầu tự do và đã đạt được nhiều biểu hiện về tự do. Nhưng thoát ra khỏi liên kết của tình thân như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thì ta còn lại gì? Để trả lời câu hỏi ấy, cần đến những trang viết như Vụn ký ức.

Đặt ra các câu hỏi nhân sinh và tự tìm lời đáp là cách những nhà văn của Văn học tuổi 20 khẳng định cái “tôi” chính mình cũng như thế hệ mà các bạn đại diện. “Tôi” không phải thứ có sẵn, mà được nuôi dưỡng khi mỗi cá nhân bước ra cuộc sống ngoài kia, chắt lọc thành trang viết. Với mùa giải lần bảy, những cá tính cần thiết cho văn học đã hiện ra. Dù tác phẩm được giải hay không, dù giải cao hay thấp, bạn đọc và giới viết đặt nhiều kỳ vọng ở Hiền Trang, Mai Thanh Nga, Lê Quang Trạng, Yang Phan, Nguyên Nguyên, Duy Ân, Hoàng Công Danh…

Viết với nhà văn trẻ là hành trình không được phép ngơi nghỉ. Đào sâu tri thức, mở rộng không gian nghệ thuật, chấp nhận đổi thay để sáng tạo, tìm kiếm mục đích mới để theo đuổi, lắng nghe trái tim và những điều tốt đẹp của cuộc sống này… Những thông điệp cốt lõi của Văn học tuổi 20 vẫn ở đấy, luôn đáng giá, dù thế giới chẳng còn như cũ năm năm sau, mười năm sau.

Như là có lỗi với kỳ vọng…

Sau 5 lần liên tiếp tìm ra giải nhất với Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc và Nhật Phi, Văn học tuổi 20 lại vừa có hai lần liên tục chỉ trao được giải nhì. Dù là hai giải nhì, như lần thứ bảy này, thì đó vẫn là một nỗi buồn, nỗi “trống vắng” cho chính những người chấm giải. Như là có lỗi với sự kỳ vọng!

Nhưng biết làm sao. Những tập truyện ngắn viết chưa đều tay, những truyện dài chưa thật dày vốn sống, những diễn đạt đôi chỗ vụng về, những dông dài nhiều khi không đáng có, những mới lạ đôi lúc rơi vào xa lạ… đều có thể là những lý do để tác phẩm này hay tác phẩm khác chưa được điểm 10 trọn vẹn trong mắt ban giám khảo.

Và như không thể khác, tác phẩm của hôm nay, người viết của bây giờ, người đọc của hiện tại, nên giải thưởng của lúc này cũng không hẳn là một “cam kết” trước một con đường còn dài thăm thẳm với không ít những gập ghềnh và lắm khúc quanh. Bảy mùa giải đã trao, nhiều cây bút trẻ đã cất cánh và cũng không ít người trẻ đã bỏ cuộc chơi lâu rồi.

Cuộc thi khép lại, nhưng với nhiều người viết trẻ, sự chờ đợi vẫn ở phía trước. Giải thưởng dù thế nào cũng chỉ là một lời cổ vũ, một bệ đỡ nho nhỏ cho một khát vọng văn chương cần thiết sự dấn thân.

THÚY NGA (nhà báo, thành viên hội đồng chung khảo)

Nguồn: https://tuoitre.vn/giai-thuong-van-hoc-tuoi-20-nhung-ca-tinh-can-cho-van-hoc-20220525081017104.htm

Sách hay

Nghệ thuật tranh kiếng trong ‘Nhà gia tiên’

Được phát hành

,

Bởi

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, nghệ thuật tranh kiếng gắn liền với văn hóa thờ tự và nhiều khía cạnh khác trong đời sống và sinh hoạt của nhiều gia đình Nam bộ.

Phim điện ảnh Nhà gia tiên do Huỳnh Lập đạo diễn gần cán mốc 200 tỷ, gây sốt phòng vé thời gian qua tuy nội dung còn gây tranh cãi song được đánh giá cao ở phần tái dựng bối cảnh. Trong đó, chi tiết nhân vật chính Mỹ Tiên (Phương Mỹ Chi) được ông mình, một người coi sóc đền miếu (nghệ sĩ Trung Dân đóng) kể về nghệ thuật làm tranh kiếng để lại ấn tượng.

Để tái hiện nghệ thuật dân gian này trên màn ảnh rộng, đoàn phim đã mời một nghệ nhân từ Long An thực hiện các tác phẩm tranh kiếng, cũng như đến làng nghề Bà Vệ (An Giang) tìm kiếm, phục chế những bức tranh cũ mục nát, bị vứt bỏ.

Chia sẻ với Tri Thức – Znews, Thạc sĩ Văn hóa học, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, tác giả cuốn sách Tranh dân gian Nam Bộ cho rằng việc tranh kiếng xuất hiện trong phim là một yếu tố không quá bất ngờ. “Bộ phim kể về câu chuyện diễn ra trong một không gian truyền thống với những nội dung phong hóa xưa… mà tranh kiếng là loại công nghệ phẩm ‘trang trí’ không chỉ ở những không gian thờ tự mà cả các không gian sinh hoạt trong nhiều gia đình Nam Bộ”, bà nói.

Sự ra đời và phát triển của tranh kiếng Nam Bộ

Theo nhà nghiên cứu, tranh kiếng có mặt ở cung đình Huế từ thời Minh Mạng – Thiệu Trị, song đó là các sản phẩm mỹ nghệ nhập khẩu. Mãi đầu thế kỷ XX, các di dân Quảng Đông đến lập nghiệp ở vùng Chợ Lớn, mới bắt đầu mở các tiệm kiếng, buôn bán các loại kiếng tráng thủy để soi mặt, lộng khuôn hình, tủ, khung cửa chớp, cửa gió… và các loại tranh kiếng: các bức đại tự và các bức thư họa dùng trong việc khánh chúc tân gia, khai trương, mừng thọ… Tranh kiếng Nam bộ ra đời từ đây.

Đến những năm 1920, nghề vẽ tranh kiếng chuyển địa bàn về Lái Thiêu (Thủ Dầu Một). Sau đó, khoảng những năm 1940-1950, nghề làm tranh kiếng lan tỏa khắp lục tỉnh Nam Kỳ, trụ lại ở Mỹ Tho, Cai Lậy, Gò Công (Tiền Giang ngày nay), Chợ Mới (An Giang), Chợ Trạm (Long An), Tây Ninh… và thâm nhập vào cộng đồng Khmer tạo nên dòng tranh kiếng Khmer Nam bộ ở Trà Vinh và Sóc Trăng…

Tranh kiếng Nam bộ chiếm tỷ lệ lớn là tranh thờ: Trước nhất là tranh thờ Tổ tiên với loại tranh Đại tự, Cửu huyền thất tổ, Sơn thủy (biểu đạt ý nghĩa hiếu đạo của câu ca dao nổi tiếng: Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra), Lão mai (nhằm biểu ý “Cây có cội”), Tre tàn măng mọc (động viên nỗ lực vươn lên của thế hệ hậu bối). Đặc biệt là tranh chân dung của tổ tiên quá vãng.

Thứ hai là tranh thờ các đối tượng thuộc tín ngưỡng dân gian như tranh Ông Địa, Ông Táo, các thần độ mạng… Thứ ba là tranh thờ của các tôn giáo: tranh thờ của Phật giáo như Phật, Bồ Tát, Tổ sư…; tranh thờ của Đạo giáo như Lão Tử cưỡi trâu, Bát Tiên…, tranh thờ của tín đồ Công giáo; tranh “Thiên nhãn” của đạo Cao Đài… Riêng tranh thờ của cộng đồng Khmer Nam bộ cũng như của cộng đồng người Hoa tạo thành một dòng độc đáo có đặc trưng về đề tài cũng như kỹ pháp tạo hình.

Ngoài ra, tranh kiếng trang trí nội ngoại thất, tranh khánh chúc và đặc biệt là loại tranh trang trí xe bán mì, hủ tíu.

“Tranh kiếng là loại tranh vẽ ngược và tô vẽ ở phía sau mặt kiếng, nên tinh hoa nhất trong nghệ thuật này là tài năng vẽ tranh, vờn màu, sắp xếp bố cục chính phụ sao cho có được một bức tranh đúng với mục đích sử dụng của nó và đẹp mắt về mặt mỹ thuật”, tác giả Huỳnh Thanh Bình chia sẻ. Thách thức lớn nhất của người nghệ nhân tranh kiếng là phải tạo nên những mẫu tranh đáp ứng được đa dạng yêu cầu về đề tài, về chủng loại; và cần sở đắc một vốn liếng chữ Hán để thể hiện thành những câu đối, những đại tự, những tấm hoành, tấm biển tương thích cho từng nội dung tranh.

Ở Nam bộ, hầu như tranh kiếng có mặt ở mọi gia đình, thậm chí nơi đình, đền, chùa, miếu. Việc sử dụng tranh kiếng cho nhu cầu thờ tự, trang trí hoặc chúc tụng… đã trở thành tập quán. Chính vì vậy, tranh kiếng chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa vùng đất này.

Nghệ thuật gắn liền với văn hóa thờ tự

Thờ tự tổ tiên là tập tục quan trọng trong đời sống văn hóa của xứ ta. Nơi thờ tự tổ tiên theo truyền thống là không gian tâm linh chiếm vị trí trung tâm trong mỗi ngôi nhà. Theo đó, việc trang nghiêm nơi thờ tự tổ tiên luôn được coi trọng. Theo tác giả sách Tranh dân gian Nam Bộ, từ cuối thế kỷ 19 đến nay, theo sự phát triển của tranh kiếng, các bộ tranh thờ tổ tiên vẽ trên kiếng ra đời và dần dần thay thế loại tranh thờ tổ tiên ở dạng bích họa hoặc tranh thờ cẩn ốc xà cừ hay các bức chạm gỗ sơn son thiếp vàng hay sơn then thiếp vàng.

“Từ bấy đến nay, tranh thờ tổ tiên vẽ trên kiếng đã không ngừng canh cải, tạo tác nên nhiều loại khác nhau”, bà Huỳnh Thanh Bình cho hay. Có loại chỉ là những bức đại tự, có loại chỉ là “bài vị” với dòng chữ Cửu Huyền thất tổ, đặc biệt là những bộ tranh vẽ cảnh sơn thủy hoặc có loại phát triển từ bộ tranh Tứ thời Mai-Lan-Cúc-Trúc

nha gia tien anh 4

Nhà nghiên cứu, tác giả Huỳnh Thanh Bình với tác phẩm Tranh dân gian Nam Bộ. Ảnh: Quỳnh My.

Cửu huyền thất tổ – bức tranh kiếng đầu tiên xuất hiện trong Nhà gia tiên – là một kiểu loại của bộ tranh thờ tổ tiên thuộc loại tranh đại tự, với dòng chữ “Cửu Huyền thất tổ”. Loại tranh này phổ biến ở miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là các cộng đồng theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hòa Hảo và cả cộng đồng tín đồ đạo Cao Đài Tây Ninh.

Ở loại tranh này thì mỗi bộ gồm năm tấm ghép lại: Tấm biển nằm trên cùng, ghi tên tộc họ: “Nguyễn phủ đường”, “Lê phủ đường”…, hay “Đức lưu phương” hoặc “Phước Lộc Thọ”. Bức chính nằm giữa tranh, ghi bốn chữ Cửu huyền thất tổ và được trang trí bằng đồ hình tứ linh.

Bao quanh tấm tranh chính là bốn tấm tranh khác: bức thượng thổ ở phía trên (vẽ hình cuốn thư, hay năm sản xuất); bức hạ thổ ghép dưới đáy (thường trang trí hoa-điểu hay mâm ngũ quả) và đôi liễn, đặt dọc hai bên tấm chính, nội dung tôn vinh công đức của cha mẹ, tổ tiên.

Ngoài ra còn có bộ tranh thờ tổ tiên ba bức hay giản tiện hơn, loại tranh kiếng thờ tổ tiên này được thu gọn thành một bức duy nhất, đơn giản với chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” ở chính giữa; hai bên là hai câu đối:

“Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bữa,

Vọng Cửu Huyền sớm tối mới mầu”.

Hay “Kính cửu huyền thiên niên bất tận

Trọng thất tổ nội ngoại tương đồng”.

Loại tranh thờ Cửu huyền thất tổ còn thấy trong bộ ba bức chín tròng với bức chính ở giữa từng chữ Cửu huyền thất tổ được thể hiện trong những ô tròn ở cả dạng thức Hán tự lẫn quốc ngữ trên nền sơn thủy hay dọc theo cội lão mai…

Ngày nay, tranh kiếng bị các loại tranh công nghiệp cạnh tranh. Song theo nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, tranh kiếng vẽ thủ công vẫn được công chúng hâm mộ. Đây đó, nghề vẽ tranh kiếng vẫn còn tồn tại; thậm chí có nơi phát triển có quy mô hơn trước, và tiếp thu các kỹ thuật in lụa, in 3D…

Tác giả Huỳnh Thanh Bình sinh năm 1985, hiện công tác tại Bảo tàng TP.HCM. Bà từng xuất bản một số tác phẩm như Tranh kiếng Nam Bộ (2013); Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo (2018, Tái bản 2024); Tranh tường Khmer Nam Bộ (2020); Quy pháp đồ tượng Hindu và Phật giáo Ấn Độ (2021); Tranh dân gian Nam Bộ (2024).

Nguồn: https://znews.vn/nghe-thuat-tranh-kieng-trong-nha-gia-tien-post1535551.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Tăng cường trí nhớ, phòng bệnh Alzeimer

Được phát hành

,

Bởi

“Tăng cường trí nhớ, phòng bệnh Alzheimer” của Tiến sĩ Y khoa Richard Restak là một tác phẩm toàn diện, khám phá cách trí nhớ hoạt động và cách tối ưu hóa khả năng ghi nhớ.

Phát triển một trí nhớ siêu việt giúp tăng cường sự chú ý, tập trung, khả năng trừu tượng hóa, gọi tên, hình dung không gian, khả năng sử dụng lời nói, ngôn ngữ và tiếp thu từ.

Những lo lắng về trí nhớ phổ biến đến mức nào?

Có nhiều lý do để quan tâm đến trí nhớ của bạn. Hãy xem xét những điều này: phát triển một trí nhớ siêu việt giúp tăng cường sự chú ý, tập trung, khả năng trừu tượng hóa, gọi tên, hình dung không gian, khả năng sử dụng lời nói, ngôn ngữ và tiếp thu từ. Nói ngắn gọn, trí nhớ chính là chìa khóa cho việc tăng cường trí não.

Ở Mỹ ngày nay, tất cả những người trên 50 tuổi đều đang sống trong nỗi sợ hãi mang tên Big A – bệnh Alzheimer. Các cuộc gặp gỡ nho nhỏ (bữa tối, tiệc cocktail, v.v.) mang bầu không khí như một phân đoạn từ chương trình đố vui hằng tuần “Chờ đã… Đừng nói là” của đài NPR. Đó là chương trình mà các khách mời sẽ ganh đua với nhau trong những cuộc thi căng thẳng để trở thành người đầu tiên nghĩ ra tên của những thứ như diễn viên đóng một vai nào đó trong loạt phim truyền hình ngắn mới nhất mà mọi người đang say mê theo dõi.

Gần như chắc chắn là ai đó sẽ lấy điện thoại di động ra để kiểm tra độ chính xác của người trả lời đầu tiên. Nhanh, nhanh hơn nữa, nhanh nhất kẻo người khác nghi ngờ bạn đang có những triệu chứng ban đầu của Big A.

Tri nho anh 1

Trí nhớ là một phần vô cùng quan trọng của con người. Ảnh: Nativespeaker.

Mặc dù bệnh Alzheimer không phổ biến như nhiều người vẫn lo sợ, nhưng người ta đang ngày càng bày tỏ lo lắng về chứng mất trí nhớ mà họ cảm nhận được với bạn bè của mình. Chúng cũng là những lời than thở phổ biến nhất mà những người trên 55 tuổi chia sẻ với bác sĩ của họ.

Những lo lắng về trí nhớ như vậy thường phi lý và khơi dậy sự lo lắng không cần thiết. Sự lo lắng phổ biến này đã góp phần tạo ra một mối quan ngại rộng rãi về trí nhớ và các dấu hiệu suy giảm trí nhớ. Một trong những lý do của sự hoảng loạn này là sự nhầm lẫn trong tư duy của nhiều người về cách chúng ta hình thành ký ức.

Hãy cố gắng nhớ lại một chuyện gì đó đã xảy ra với bạn vào đầu ngày hôm nay. Nó không nhất thiết phải là một chuyện đặc biệt – bất kỳ sự kiện thông thường nào cũng được. Giờ hãy xem ký ức đó đã hình thành như thế nào.

Theo yêu cầu của tôi, bạn đã truy xuất ký ức về một chuyện gì đó mà có lẽ bạn sẽ không nghĩ tới nếu tôi không thúc giục bạn nhớ lại nó và bạn không nỗ lực để truy xuất nó.

Về bản chất, trí nhớ là trải nghiệm lại một chuyện gì đó trong quá khứ dưới dạng một hồi ức. Về mặt hoạt động, ký ức là sản phẩm cuối cùng của những nỗ lực của chúng ta trong hiện tại nhằm truy xuất những thông tin được lưu trữ trong não mình.

Ký ức – tương tự những giấc mơ và hành động tưởng tượng – khác nhau tùy theo mỗi người. Ký ức của tôi khác biệt rõ rệt với ký ức của bạn vì chúng dựa trên trải nghiệm sống cá nhân của chúng ta.

Ký ức cũng khác với hình ảnh hoặc video về các sự kiện trong quá khứ. Mặc dù các phiên bản dựa trên công nghệ này của quá khứ có thể đóng vai trò là công cụ kích thích trí nhớ, nhưng bản thân chúng không phải là ký ức.

Nguồn: https://znews.vn/tai-sao-ban-nen-quan-tam-den-tri-nho-cua-minh-post1535566.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Vương miện xanh

Được phát hành

,

Bởi

Tập sách là hành trình từ hậu trường sân khấu các cuộc thi người đẹp, nơi người thắng cuộc được yêu quý nhưng cũng hứng chịu các phán xét khắt khe của công chúng, đến các dự án xanh của Hoa hậu Môi trường Thế giới Nguyễn Thanh Hà.

Hai năm nhìn lại, tôi tự hỏi về bản thân, về phiên bản khác của chính mình giữa có và không có vương miện, giữa những gì tôi đạt được và đánh mất.

Năm 2022, tôi bước lên bục cao sân khấu Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh đăng quang Hoa hậu Môi trường Việt Nam.

Năm 2023, tôi tiếp tục trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục vương miện Miss Eco International 2023 (Hoa hậu Môi trường Thế giới) tại Cairo, Ai Cập giữa những phấn khích và xúc động.

Chiếc vương miện đã thay đổi tôi. Từ một cô bé vô tư trong chiếc “tổ kén” gia đình nuôi dưỡng gần 20 năm qua, nay tôi bước ra thế giới rộng lớn và choáng ngợp với những điều không thể ngờ đến. Thế giới đã “dạy” tôi lớn lên, trước những vô lo, niềm vui, nỗi buồn, cảm xúc của tuổi vừa rời ghế nhà trường.

Nhiệm kỳ hoa hậu của tôi đã kết thúc, nhưng tôi vẫn tiếp tục sứ mệnh trên con đường đã chọn, đó là tình yêu, là trái tim, là thanh xuân, là giá trị sống.

Hai năm nhìn lại, tôi tự hỏi về bản thân, về phiên bản khác của chính mình giữa có và không có vương miện, giữa những gì tôi đạt được và đánh mất. Thế giới đó, có gì ở lại cùng tôi? Có gì đã khiến tôi dũng cảm đi tiếp trong khoảng thời gian đầy khó khăn đó?

Hoa hau anh 1

Hoa hậu môi trường thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà. Ảnh: Vietnam.vn.

Một mình trên sân khấu

Ngay khi vừa đạt cột mốc “đủ tuổi”, tôi lập tức đăng ký cuộc thi Hoa hậu Môi trường Việt Nam. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ rằng, phải thực hiện ước mơ của mình ngay khi có cơ hội. Ước mơ làm hoa hậu? Không hẳn! Đó là ước mơ được làm gì đó, thật cụ thể, thật thiết thực cho môi trường sống này, cho hành tinh này.

Nếu trở thành hoa hậu, tôi sẽ có ưu thế hơn, có thể xuất hiện trước nhiều người để bày tỏ những vấn đề về môi trường, đánh động sự quan tâm của nhiều người hơn. Nghĩ là làm, thật may mắn, tôi đã thành công và đăng quang khi lần đầu thử sức ở một đấu trường sắc đẹp mà mục tiêu không phải để trở thành người đẹp được ca ngợi hay được công nhận về nhan sắc. Tôi chỉ muốn nhắm tới sứ mệnh vì môi trường như chính danh hiệu mà cuộc thi đã trao.

Tôi bỗng nhớ đến câu nói trong Nhà Giả Kim: “Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được nó”. Phải chăng, tôi thành công vì tôi khao khát điều đó mãnh liệt?

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nhiều lần tự đặt câu hỏi cho bản thân: Là một người trẻ lớn lên trong điều kiện sống đầy đủ, được ăn ngon mặc đẹp và có nhiều cơ hội học tập hơn thế hệ ông bà, ba mẹ ngày xưa, liệu tôi có thể làm ngơ trước những mối đe dọa đang rình rập môi trường sống của chúng ta như rác thải, ô nhiễm, hạn mặn, lũ lụt, phá rừng hay hiệu ứng nhà kính không? Chính vì vậy, tôi đã quyết định tham gia cuộc thi Hoa hậu Môi trường. Hai chữ “môi trường” trong danh hiệu chính là nguồn sức mạnh và động lực để tôi hành động.

Ban đầu, tôi cũng mang trong mình rất nhiều lo ngại: Liệu mình có đủ khả năng không? Liệu có thể vượt qua những thí sinh tài năng khác? Tuy nhiên, tôi nhận ra, niềm khao khát mạnh mẽ muốn thử thách bản thân và tìm kiếm những cơ hội mới để trưởng thành còn lớn hơn. Điều thôi thúc tôi tham gia không chỉ là mong muốn thể hiện bản thân, mà còn ở khát khao được lan tỏa những giá trị tích cực về bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Nguồn: https://znews.vn/chiec-vuong-mien-thay-doi-cuoc-doi-hoa-hau-moi-truong-the-gioi-post1535563.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng