“Chọn chữ chắt chiu chan chứa chữ / Thắm thiết tình ta thấy tỏ tường” – hai câu thơ cho ta thấy sự tâm huyết, tỉ mẩn nghiên cứu, khảo sát tiếng Việt qua nét văn hóa từng vùng, miền của tác giả Lê Minh Quốc.
Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng mọi người đều có “mẫu số chung” với tình yêu ngôn ngữ đầy tự hào của dân tộc mình. Hơn 40 năm làm nghề cầm bút, mày mò, nghiên cứu thêm nhiều ngữ nghĩa đa tầng xoay quanh tiếng Việt, mới đây, ông cho ra mắt bạn đọc bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt.
Bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt gồm ba tập. Ảnh: Quỳnh My. |
Tình yêu tiếng Việt bắt nguồn từ đâu?
Bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt gồm ba tập: Chơi chữ chanh chua chan chát chữ, Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo và Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm, lên kệ tháng 12, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành.
Ở từng tập sách, tác giả bàn về nghệ thuật sử dụng vốn từ trong giao tiếp lẫn nếp ăn, lối ở, cách mặc của người dân Việt Nam. Theo ông, đó là những yếu tố phản ánh giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời ẩn chứa cách sử dụng ngôn ngữ đa dạng của từng vùng, miền.
Khi thực hiện bộ ấn phẩm này, tác giả cho bạn đọc thấy được sự nặng lòng của mình với ngôn ngữ mẹ đẻ. Ông viết: “Dịu dàng, day dứt dùng da diết / Nặng nợ ngàn năm níu núi non / Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt / Tiếng ta tự tại tới trường tồn”.
Bộ sách không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ, mà là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm cá nhân của nhà thơ Lê Minh Quốc thông qua việc tìm hiểu thực tế và nhiều nguồn từ điển.
“Sự học tiếng Việt trong suốt 40 năm làm nghề viết lách đã giúp tôi tích lũy một ít kiến thức nho nhỏ, nay xin được chia sẻ với đông đảo những ai yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt”, nhà thơ Lê Minh Quốc viết.
Động lực để tác giả hoàn thành bộ sách là sự miệt mài học tiếng Việt và tình yêu tha thiết dành cho ngôn ngữ. Ông cho rằng tiếng Việt rất phong phú, phong cách dùng từ cũng đa tầng, đa nghĩa, biến chuyển theo không gian và thời gian.
Ba tập sách không sắp xếp theo hệ thống ký tự thường thấy của một cuốn từ điển, mà đan xen nhiều nét phong phú của ẩm thực, phong tục, tập quán, như một cách cởi mở để xâu chuỗi nhiều câu chuyện văn hóa theo một thể thống nhất.
Tiếng Việt nhìn từ văn hóa ngày Tết
Trong bộ sách này, tác giả dành nhiều phần, đoạn để bàn về nét văn hóa đặc trưng ngày Tết Nguyên đán. Qua đó, ta thấy được cách dùng ngôn ngữ từ thời xa xưa cho đến nay trong phong tục những ngày lễ, Tết của dân tộc.
Nhà thơ Lê Minh Quốc. Ảnh: NVCC. |
Từ những điển tích hay câu chuyện ngôn ngữ trong ẩm thực, lối ví von về cách ứng xử của người Việt và tập tục lễ, Tết đều được nhà thơ Lê Minh Quốc tìm hiểu và đưa vào sách.
Điều này được thể hiện qua các chương: Ăn Tết với nhau, rủ nhau đụng lợn; Nhìn bếp… thấy ông Táo; Lạm bàn chuyện đánh Cọp; Chơi hô lô tô; Dí dỏm như hô bài chòi; Chơi trống quan, lan man ca trù…
Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, có những từ ngữ liên quan ngày Tết đã sử dụng từ xưa, trải dài theo năm tháng, dần phai nghĩa. Do đó, thế hệ sau khó có thể hiểu trọn vẹn ngữ nghĩa của nó.
Tìm về chất liệu từ câu cửa miệng đã và đang tồn tại trong những dịp lễ, Tết cũng là một hướng quan trọng để tiếp cận văn hóa. Vì thế, khi viết bộ sách này, ông chú trọng hơn đến lời ăn, tiếng nói của người xưa.
Chia sẻ với Zing, tác giả cho biết: “Tiếng Việt thể hiện qua những nét văn hóa của người dân chúng ta. Trong bộ sách này, tôi khái quát đến phong tục, tập quán, lễ nghi, lời ăn, tiếng nói của các vùng, miền. Ngày Tết vừa là một trong rất nhiều lễ hội quan trọng, vừa là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Việt”.
Bên cạnh đó, nhà thơ Lê Minh Quốc khảo sát tiếng Việt từ những góc độ phong tục, tập quán, lịch sử, văn học để thấy được rằng ở mỗi lĩnh vực, người Việt đã sử dụng tiếng Việt như thế nào.
“Qua bộ sách này, tôi nghĩ rằng bất kỳ ai yêu tiếng Việt cũng có thể đưa ra những trao đổi, bình luận, chia sẻ xoay quanh tiếng Việt. Đây là một lĩnh vực rộng lớn, bởi tiếng Việt có một đặc trưng là mỗi vùng, miền sẽ có những cách sử dụng khác nhau dù cùng chỉ một sự vật”, tác giả nói.
Chính sự đa dạng trong văn hóa tiếng Việt (từ ngôn ngữ toàn dân đến thổ ngữ, phương ngữ) khiến tác giả dự định không dừng lại mảng đề tài này ở ba tập sách mà sẽ ra mắt nhiều tập tiếp theo trong thời gian tới.
“Tiếng Việt không phải của riêng ai. Chủ đề này cũng không phải đặc quyền viết của riêng tác giả nào. Ở những tập sách tiếp theo trong bộ Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, tôi tiếp tục bàn về những lĩnh vực ăn ở, ăn học, ăn chơi, ăn nói”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.
Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng. Từ năm 1988, ông làm việc cho báo Phụ nữ TP.HCM, là cây viết về văn học nghệ thuật và giữ chức Trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ nhiều năm liền.
Trong lĩnh vực sáng tác, Lê Minh Quốc là tác giả của hơn 50 đầu sách gồm 14 tập thơ, 14 bút ký, 8 truyện dài, 5 tiểu thuyết và 14 biên khảo.
Ông được trao giải nhất thơ nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong (1985), giải B cuộc thi viết về Tòa án nhân dân tối cao (2016), giải C Giải thưởng Sách quốc gia với tập thơ Chào thế giới, bây giờ con đã đến (2020)…