Trong thời đại ngày nay, trẻ thường tiếp xúc nhiều phương tiện thông tin và hình thức giải trí khác nhau. Nhằm bồi đắp cho các em tình yêu với những giá trị văn hóa truyền thống, bộ sách Kể chuyện văn hóa Việt do Thái Hà Books liên kết Nhà xuất bản Lao Động phát hành, ra mắt bạn đọc đúng dịp Tết Nguyên đán 2022.
Sách giúp các bậc phụ huynh trò chuyện cùng trẻ, dẫn dắt chúng đến một chân trời vừa mới mẻ, vừa thân quen để tìm hiểu những gì gần gũi nhất về văn hóa và cội nguồn dân tộc.
Bộ sách do TS Đặng Thị Phương Anh (bút danh Miên Thảo) thực hiện. Các bạn nhỏ sẽ cảm thấy gần gũi và thân thuộc với những từ ngữ quen thuộc như: “Ngày xửa ngày xưa”, “ngôi nhà”, “truyền thống”… trong thế giới của những bức tranh minh họa ấn tượng.
Hai cuốn Chuyện ở của người xưa và Người xưa đã mặc như thế nào? trong bộ sách Kể chuyện văn hóa Việt. Ảnh: T.H. |
Khám phá trang phục người xưa
Theo TS Đặng Thị Phương Anh, người Việt chú trọng từ cách đi đứng, ăn nói đến trang phục. Việc ăn mặc của người xưa cũng dựa trên giá trị đạo đức, lễ tiết truyền thống.
Với cuốn Người xưa ăn mặc như thế nào?, các bạn nhỏ sẽ được tìm hiểu, khám phá những điều thú vị về trang phục dân tộc thông qua các câu chuyện về nguồn gốc của nghề dệt vải.
Cuốn sách giúp trẻ giải đáp thắc mắc: Người Việt xưa mặc gì? Cha ông ta dệt may như thế nào? Áo dài có nguồn gốc ra sao?…
Đằng sau câu chuyện trang phục, ngoại hình là những giá trị văn hóa mà cha ông ta gìn giữ và phát triển. Mỗi phong tục đều thể hiện rất rõ cách con người ứng phó, thích nghi với môi trường tự nhiên xung quanh và điều kiện trong lao động sản xuất.
Bên cạnh đó, các em còn biết thêm về sự đa dạng của những loại áo, váy, phụ kiện khác nhau và phong tục truyền thống như nhuộm răng đen, vấn tóc của người Việt thời xưa.
Qua lời mẹ kể, tục nhuộm răng đen của phụ nữ xưa hiện lên thật thú vị: “Con gái cứ lớn 13, 14 tuổi là được các bà và mẹ dạy cách nhuộm răng đen. Thuốc nhuộm răng làm bằng nhựa cánh kiến được bày bán ở ngoài chợ trên khắp tỉnh thành nên rất dễ mua. Ban đầu sẽ phải trải thuốc nhuộm lên một miếng lá cau dài chừng 8 cm, rồi trước khi đi ngủ thì đặt ấp lên trên hai hàm răng. Phải mất quá nửa tháng trời để nhuộm thành răng màu đen nhánh. Trong thời gian này, cũng chỉ ăn cơm nuốt chửng với nước mắm để không phải nhai nhiều. Vậy mà, rất nhiều người phải nhuộm đi nhuộm lại mãi mới có được màu răng đen nhánh”.
Cuốn sách gồm những hình ảnh minh họa màu xinh xắn với nội dung thú vị và hấp dẫn, giúp các bé tìm hiểu thêm kiến thức về văn hóa trang phục Việt Nam.
Chuyện ở của người xưa
Cuốn Chuyện ở của người xưa giúp các bé giải đáp các thắc mắc: Người xưa xây nhà như thế nào? Trong nhà người Việt xưa có gì? Người Việt xưa làm nhà ở đâu? Tại sao khi đi xa, người Việt luôn nhớ về quê hương xứ sở?…
Tác giả lập luận: “Tại sao người Việt lại ở nhà sàn nhỉ? Phải chăng chỉ đơn giản là để tránh thú dữ? Vậy tại sao ở vùng đồng bằng, người Việt cổ cũng ở nhà sàn? Bố kể, từ thời Đông Sơn, vùng đất nơi đây ẩm ướt, ngập lụt quanh năm, lại còn nhiều côn trùng với thú dữ nữa. Do đó, để bảo vệ cuộc sống của mình, người Việt đã làm những cái nhà có chân mà bây giờ gọi là nhà sàn”.
Với cuốn sách này, các bạn nhỏ sẽ được tìm hiểu những điều lý thú về văn hóa nhà ở, làng xóm của dân tộc thông qua các câu chuyện về nguồn gốc của những ngôi nhà sàn, nhà nền đất, nhà thuyền và khám phá phong tục truyền thống trong quan niệm làm nhà của người xưa.
Độc giả nhí sẽ ngạc nhiên khi biết phía sau nhà ở là những câu chuyện và giá trị văn hóa của người Việt thời xa xưa.
Những cuốn sách thiếu nhi về văn hóa giúp trẻ hiểu thêm phong tục truyền thống của người Việt xưa. Ảnh: T.H. |
Câu chuyện văn hóa Việt
Đi kèm bộ sách dịp này là cuốn Tò mò kể chuyện văn hóa Việt: Lời ru của mẹ được phát hành trước đó của TS Đặng Phương Anh.
Cuốn sách biến những kiến thức học thuật có phần khó hiểu, khô khan về văn hóa Việt thành bài học dễ hiểu, dễ tiếp thu cho các bạn nhỏ.
Tò mò kể chuyện văn hóa Việt: Lời ru của mẹ giúp trẻ trả lời cho các câu hỏi: Mình là ai? Trông mình như thế nào?… Đó là những kiến thức quan trọng để cho dù bước vào thời đại kỹ thuật số, các em vẫn giữ được bản sắc rất riêng của người Việt.
Không gian đậm màu sắc văn hóa ấy sẽ chầm chậm dẫn dắt các bạn nhỏ vào câu chuyện, ngạc nhiên với những điều kỳ lạ hiện trên từng trang sách.
Sách có sự kết hợp giữa hình ảnh xưa và tranh minh họa hiện đại giúp độc giả nhí nhìn thấy bức tranh văn hóa Việt của thời xưa và thời nay khác nhau thế nào.
Việc so sánh và đối chiếu với văn hóa của các nước trong và ngoài khu vực cũng giúp trẻ hiểu rằng đất nước mình có những điều thật đặc biệt.