(Từ trái sang) MC Xuân Huy, hai người con của bà Đỗ Duy Liên (Liên Hoan, Thái Hỷ), bà Nguyễn Thế Thanh và bà Quách Thu Nguyệt. Ảnh: Thanh Trần. |
Trong buổi ra mắt sách tại Đường sách TP.HCM sáng ngày 20/5, ký ức về bà Đỗ Duy Liên lại một lần nữa được nhắc lại bởi những cựu lãnh đạo, các đồng đội, đặc biệt là những người con của bà khiến người nghe rưng rưng nước mắt.
Làm sách về mẹ
“Chúng tôi đã rất hạnh phúc khi hoàn thành cuốn sách này. Rất nhiều người ở đây khi đọc sách của cô Tư đã rưng rưng. Và tôi nghĩ ai đọc cuốn sách cũng sẽ thấy được hình ảnh của một người phụ nữ hoạt động trong chiến tranh gian khổ đến nhường nào, hy sinh đến dường nào”, bà Quách Thu Nguyệt – nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ – chia sẻ trong buổi ra mắt sách.
Bà Đỗ Duy Liên sinh ra trong gia đình công chức khá giả. Trong bước đường lớn khôn, trưởng thành, và tham gia cách mạng cho đến gần hết cuộc đời, bà đều gắn bó với mảnh đất phương Nam, với Sài Gòn – TP.HCM.
Sau khi nghỉ hưu, khoảng năm 1992, bà Đỗ Duy Liên bắt đầu viết trang đầu tiên của hồi ức Cuộc đời của mẹ, khi đó chính các con bà cũng chưa biết. Về sau, các con của bà tìm thấy các tập bản thảo dở dang khi dọn phòng, từ đó mới hoàn thành nốt những phần còn lại dựa vào lời kể của bà Duy Liên lúc còn tỉnh táo, cộng thêm những cảm nhận riêng, và những bài bà viết đăng trên sách báo, tạp chí, kỷ yếu…
Cuốn sách Hồi ức Đỗ Duy Liên – Cuộc đời của mẹ vừa được xuất bản. Ảnh: NXB Trẻ. |
“Khi chăm sóc, ngồi nói chuyện với mẹ dù trong im lặng, nhìn vào mắt mẹ, tôi biết vẫn còn nhiều điều ngổn ngang mẹ muốn nói mà không nói được thành lời. Im lặng, không phải là không nói, mà là không nói bằng lời. Tôi làm sách về mẹ để mẹ có thể nói về những gì đã viết và chưa nói ra từ một người cán bộ, người vợ, người mẹ”, ông Lê Thái Hỷ – con trai bà Đỗ Duy Liên – chia sẻ.
Ngoài ra, cuốn sách cũng tập hợp nhiều bài viết kể lại những kỷ niệm, phát biểu của bà Đỗ Duy Liên, cũng như cảm tưởng của nhiều người từng là đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, người thân… về bà.
“Cô Liên không bao giờ cho chúng tôi thấy cô chỉ là một nữ cán bộ tốt, mà cô luôn là một người phụ nữ. Một người lãnh đạo nữ phải chia xa vĩnh viễn với người chồng, xa con một thời gian dài, nhưng không bao giờ kể khổ, kể công. Viết về cô Tư Liên luôn là nguyện vọng của tôi, và cũng là trách nhiệm để viết về người thầy của mình”, bà Nguyễn Thế Thanh – nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM, người từng được bà Đỗ Duy Liên dìu dắt khi mới vào nghề báo – cho biết.
Tình yêu thương là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách
Trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ, với bao biến động thời cuộc, bà đã kiên cường với vai trò người mẹ, người vợ, người nữ chiến sĩ trung kiên trong thời chiến và người nữ cán bộ tâm huyết, tài năng trong thời bình. Nhưng người đọc cũng dễ dàng nhận ra cội nguồn sức mạnh của bà Đỗ Duy Liên – nhân vật chính của hồi ký này, chính là “Tình yêu thương”.
Đó là tình thương của bà với người chồng mất sớm kéo dài mãi đến vài chục năm sau, qua những lá thư tha thiết bà viết cho ông; tình yêu thương đối với con và tình yêu nước nồng nàn đã giúp bà đứng vững trong những thời khắc thử thách nhất trong thời chiến và hoàn thành những công việc lớn lao trong thời bình.
Nhiều cựu lãnh đạo, bạn bè, đồng đội và người thân của bà Đỗ Duy Liên có mặt tại buổi ra mắt sách đã rưng rưng nước mắt khi nhắc về những kỷ niệm . Ảnh: Thanh Trần. |
“Trước đây khi tôi đọc lời nói đầu của cô Tư viết cho các con, câu chốt hạ của cô Tư ‘Đấy là mệnh lệnh!’ cho tôi thấy một người phụ nữ rất cứng cỏi. Nhưng khi đọc những bức thư cô viết cho chồng, phải nói rằng tôi thấy một con người rất tinh tế, rất mềm mại, sâu sắc với một tình yêu cháy bỏng”, bà Quách Thu Nguyệt tâm sự.
Còn với bà Nguyễn Thế Thanh, nhớ về “cô Tư” Đỗ Duy Liên là nhớ về đóng góp của bà, tác phong làm việc của bà. “Và điều đặc biệt nhất mà chúng tôi học được đó là tình yêu thương chồng con chưa bao giờ nguôi. Tình yêu đó đã làm cho cô Tư trở nên đặc biệt”, bà nói thêm.
Ngoài những tình cảm với chồng, con, những người cộng sự… bà Đỗ Duy Liên còn dành nhiều tâm huyết cho những người con của liệt sĩ ở trường Lý Tự Trọng (những người thương quý gọi bà là “má Tư”). Bà đã dành hơn 20 năm nghỉ hưu cho hoạt động từ thiện vì người nghèo và những đối tượng chịu thiệt thòi trong xã hội.
Tiếp nối tinh thần cống hiến ấy, gia đình bà Đỗ Duy Liên cho biết toàn bộ nhuận bút của cuốn sách này sẽ được trao cho Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM – một trong hai hội từ thiện bà đã tham gia sau khi nghỉ hưu.
Nguồn: https://zingnews.vn/nhung-giot-nuoc-mat-trong-buoi-ra-mat-sach-cuoc-doi-cua-me-post1432908.html
You must be logged in to post a comment Login