Những người mở đường tuổi teen là cuốn sách phi hư cấu của nhà văn Mỹ Jennifer Calvert (Nguyễn Bích Lan dịch), với phần vẽ minh họa (gồm chân dung của nhân vật và những câu trích dẫn đầy cảm hứng) của họa sĩ Canada Vessna Asanovic.
Cuốn sách kể về 30 người phụ nữ trẻ tiên phong trong lịch sử đã sử dụng tiếng nói, sức mạnh và lòng dũng cảm của mình để mở ra những con đường mới hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Tất cả đều diễn ra trước sinh nhật lần thứ 20 của họ.
Những bông tuyết và quả cầu tuyết khổng lồ
Khi nói về thay đổi thế giới, phần lớn chúng ta đều nghĩ đó là một nhiệm vụ bất khả thi với những người bình thường. Đó là công việc chỉ những nhà lãnh đạo chính trị, nhà đổi mới kinh doanh và người nổi tiếng mới có thể làm được.
Sách Những người mở đường tuổi teen. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Tuy nhiên, trong cuốn sách Những người mở đường tuổi teen, tác giả Jennifer Calvert lại cho rằng sự thay đổi thực ra lại đơn giản và bất cứ ai cũng có thể làm được.
Theo tác giả, sự thay đổi này diễn ra từ từ, từng chút, từng chút một. Nó không phải là một quả cầu tuyết khổng lồ lăn xuống đồi với tốc độ chóng mặt – nó là những bông tuyết nhẹ bay trên núi. Quả cầu tuyết chẳng là gì nếu không có những bông tuyết và những bông tuyết chẳng là gì nếu không xuất hiện cùng nhau. Ngay cả những hành động nhỏ nhất cũng có thể đóng góp cho sự thay đổi đáng kinh ngạc.
Ví dụ như hành động của Claudette Colvin (sinh ngày 5/9/1939) – một người Mỹ gốc Phi – đã từ chối nhường ghế xe buýt cho một phụ nữ da trắng vào năm 1955. Hành động can đảm này khiến cô gặp không ít rắc rối, nhưng nó đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác hành động, trong đó có nhà hoạt động dân quyền Rosa Parks. Chẳng bao lâu sau, những hành động này đã trở thành quả cầu tuyết lớn lăn tới chỗ xóa bỏ hệ thống xe buýt phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
Hay như chuyện của diễn viên người Anh Emma Watson, khi vào vai một nhân vật yêu thích và nhanh chóng nổi tiếng với vai diễn này, cô nhận thấy rằng mình có thể sử dụng sự nổi tiếng đó để giúp các phụ nữ là nạn nhân của bất bình đẳng trên khắp thế giới. Hành động của này của Emma đã tác động lên quả cầu tuyết và nó bắt đầu lăn về phía sự bình đẳng.
Tuy nhiên, theo tác giả Jennifer Calvert, sự thay đổi thế giới chỉ có thể xảy ra khi có ai đó tưởng tượng rằng mọi chuyện có thể sẽ khác đi. Không phải ai cũng có tầm nhìn để vạch ra một con đường mới, hoặc có đủ sức mạnh để đối chọi lại những người bàn lùi, hoặc nói rằng điều đó là không thể hoặc không nên làm. Vì vậy, những người làm thế giới thay đổi chính là người mở đường. Họ khiến cho quả cầu tuyết chuyển động. Và thế giới cần nhiều hơn những người như thế.
Diễn viên Emma Watson dùng sự nổi tiếng của mình để đấu tranh với bất bình đẳng trong xã hội. Ảnh: Variety. |
Niềm cảm hứng cho những nhà tiên phong tuổi “teen” mới dấn bước
Ngày nay, hầu hết phụ nữ có được sự tự do và sự tự tin để đi theo bất cứ hướng nào mình thích. Họ cũng có những người đi trước mở đường hoặc làm hình mẫu. Nhưng các cô gái trong cuốn sách này không có ai để noi theo ngoài chính bản thân họ. Và họ cũng chính là người tiên phong trong lĩnh vực của mình.
Ví dụ, nhà thơ Phillis Wheatley Peters (khoảng năm 1753 – 5/12/1784) được công nhận là tác giả người Mỹ gốc Phi đầu tiên với một cuốn sách thơ được xuất bản.
Hay như nữ nhà văn người Anh Mary Shelly (30/8/1797-1/2/1851) viết tiểu thuyết Frankenstein, or The Modern Prometheus – tiểu thuyết khoa học đầu tiên trong lịch sử – khi bà mới 19 tuổi.
Hay Mary Pickford (8/4/1892-29/5/1979) – người phụ nữ Canada đầu tiên được ghi danh ở Hollywood trong thời kỳ đầu. Bà là một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất của những năm 1910-1920 và được mệnh danh là “Nữ hoàng phim ảnh”.
Hoặc như nhà báo người Mỹ Nellie Bly (5/5/1864-27/1/1922) đã đi tiên phong trong mảng phóng sự điều tra, trong khi tất cả phụ nữ khác đều đang sống trong kỷ nguyên mà phụ nữ được bảo phải ngồi yên và không được lên tiếng.
Theo tác giả Jennifer Calvert xã hội thời của các cô gái kể trên không kỳ vọng nhiều ở họ, cho nên họ phải kỳ vọng nhiều hơn từ chính bản thân mình. Ngày nay, xã hội hiện đại đã đi được một chặng đường dài, nhưng chúng ta vẫn cần có những sự thay đổi, để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Và đương nhiên thế giới này vẫn có nhiều con đường cho những nhà tiên phong tuổi “teen” mới dấn bước.
Cũng theo tác, những người phụ nữ trẻ phi thường trong cuốn sách này có thể khác nhau ở mọi khía cạnh – nơi sinh sống, thời gian sống, địa vị xã hội. Một số người có được lợi thế từ sự ủng hộ của cha mẹ, hoặc có tài năng thiên bẩm. Những người khác đơn giản chỉ tin vào điều lớn lao hơn bản thân họ. Một số người khởi đầu với mục đích thay đổi thế giới, những người khác ngẫu nhiên làm được điều đó.
Nhưng tất cả họ đều thông minh, sáng tạo, kiên cường, dũng cảm, tràn trề hy vọng, và sự tử tế. Ai trong số họ cũng phải vượt qua những trở ngại như đói nghèo, sự phân biệt giới tính, sự phân biệt chủng tộc, chiến tranh, và sự ám ảnh không thể tránh khỏi của cảm giác sợ hãi.
Tóm lại, Những người mở đường tuổi teen là bằng chứng cho thấy bất cứ ai và tất cả chúng ta đều có thể làm thay đổi thế giới. Và những câu chuyện được kể trong cuốn sách này, theo tác giả sách, mới chỉ là sự mở đầu. Khi bạn thực hiện một bước tiến nhỏ theo hướng mà bạn muốn quả cầu tuyết lăn tới, “hãy làm điều mà những cô gái thông minh này đã làm, và hãy bắt đầu để học hỏi nhiều hơn nữa”.
You must be logged in to post a comment Login