Muốn con lớn lên kiên cường, hãy để bé đương đầu với thử thách. Ảnh: F.G. |
Kiên cường là có thể đứng dậy sau vấp ngã, căng thẳng, thách thức, bi kịch, sang chấn hoặc nghịch cảnh. Đó là một trong những công cụ hiệu quả nhất mà bạn từng có trong bộ đồ nghề nuôi dạy con để giúp ích cho con cái.
Kiên cường là khả năng linh hoạt trong suy nghĩ và hành động cho dù phải lặn lội qua những nghịch cảnh hoặc khó khăn, thách thức. Dù thích hay không thì nghịch cảnh và thử thách cũng là một phần không thể vắng mặt trong cuộc đời mỗi người.
Không phải lúc nào bạn cũng kiểm soát được những gì diễn ra trong cuộc sống. Và bạn chắc chắn không thể kiểm soát được mọi hành vi và lời nói của bạn đời hay những người ngoài gia đình. Dù bạn có muốn bảo bọc các con trong một trái bóng để giữ chúng tránh xa mọi thứ xấu xí có thể xảy ra đi chăng nữa thì cũng không thể được.
Việc bạn có thể làm là giúp chúng học cách sử dụng vô vàn các kỹ năng và bồi dưỡng lối tư duy đối phó được với nhiều thử thách cảm xúc cũng như thể chất mà chúng gặp phải trong đời. Nói cách khác, bạn có thể dạy các con trở nên kiên cường.
Những tiến bộ hiện nay trong khoa học thần kinh đã trao cho chúng ta nhiều thông tin giá trị về cách để trở nên kiên cường. Trong khi một số chiến lược ban đầu có vẻ chẳng hơn gì một sự hiểu biết thông thường thì hóa ra, trên thực tế, chúng lại được chống đỡ chắc chắn bởi nhiều nghiên cứu chuyên sâu.
Trong những chương tiếp theo, chúng tôi sẽ trình bày nhiều chiến lược để hỗ trợ và giúp bạn luôn là chỗ dựa tinh thần và hồi đáp những nhu cầu của con cái. Những kinh nghiệm rèn tính kiên cường này sẽ giúp bạn làm gương và dạy cho con những cách giải quyết vấn đề hiệu quả.
Với một người có bạn đời sở hữu tính ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới, việc suy tư và lên kế hoạch sẽ dạy dỗ cho con cái những gì có vẻ như là một việc làm quá sức. Nhưng đừng lo, vì bạn có thể làm được.
Bản lĩnh kiên cường được rèn luyện thông qua những hành động nhỏ lặp đi lặp lại thường xuyên. Trước khi đi sâu tìm hiểu, chúng ta hãy tóm lược lại một chút về khái niệm bản lĩnh kiên cường nhé.
Kiên cường là một sự tổng hòa của những hành động và tư duy. Những đứa trẻ (hoặc người lớn) kiên cường sẽ áp dụng nhiều kỹ năng khác nhau để giúp bản thân hồi phục, đứng dậy sau những thất vọng và thử thách dọc đường.
Theo thời gian, bạn rèn cho mình một tư duy tích cực, giúp bạn đứng vững trước những va đập của cuộc đời. Chính lối suy nghĩ sẽ có tác dụng tạo ra một khung tư duy tích cực cho bạn thay vì cứ mãi bế tắc hoặc cảm thấy mình là nạn nhân yếu đuối trong một tình huống nào đó hoặc trong bàn tay kiểm soát của một người nào đó.
Nhà trị liệu, tiến sĩ và là tác giả viết sách Bonnie Badenoch gọi cảm giác bế tắc này là “lớp xi măng thần kinh”. Bản lĩnh kiên cường sẽ giúp chúng ta phá tan lớp xi măng đó.
Cậu bé Micah mới tám tuổi, cậu đang háo hức chờ đến ngày được đến nhà ông bà. Họ đã lên kế hoạch tham gia một khóa tập golf mini mà cậu rất ưa thích ở một thị trấn gần đấy. Khi ngày đó đến, Micah mặc quần soóc và đội mũ, khấp khởi kỳ vọng đó là một ngày chơi golf vui vẻ.
Nhưng thật không may, trước đó một ngày, chiếc xe hơi của ông bà dở chứng, phát ra tiếng lanh canh và họ rất ngại đi đường trên chiếc xe đó. Họ bảo Micah là họ không thể đưa cậu đi được với chiếc xe hơi này, và rồi vạch ra một kế hoạch khác với nhiều trò vui trong thị trấn.
Thật dễ hiểu khi phản ứng đầu tiên của cậu bé là thất vọng. Đôi mắt ầng ậng nước, đôi vai so lại và khuôn mặt tối sầm như thể có đám mây giăng phủ. Ông bà để cậu mặc sức thất vọng thay vì dỗ dành cậu. “Bà biết là con mong đến ngày chơi golf lắm,” bà nói. “Thật khó có thể chấp nhận là mọi chuyện không diễn ra như ta đã lên kế hoạch.”
Micah gật đầu. Mấy phút sau, cậu nói: “Vậy là chúng ta sẽ đến chỗ giàn nhún và rồi đi dã ngoại ở công viên phải không ạ?” Cậu hít vào một hơi thật sâu, đôi vai cậu đã buông xuống thư thái. “Nghe cũng hay đấy. Có thể chúng ta sẽ đi đánh golf vào ngày khác.” Ông bà cậu cũng nhất trí như vậy.
Micah không bị tắc lại trong tấm xi măng tinh thần. Người lớn thừa nhận nỗi thất vọng của cậu và để cậu có thời gian trải nghiệm nỗi thất vọng đó.
Vì cậu đã được làm gương về thái độ kiên cường rất nhiều lần rồi, nên giờ cậu có thể tự điều chỉnh mình và bỏ qua sự không vừa ý. Cậu đang hình thành bộ kỹ năng giải quyết vấn đề của riêng mình để sử dụng mỗi khi có một kế hoạch không diễn ra như ý.
You must be logged in to post a comment Login