Tập sách Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương cho độc giả nhìn lại Sài Gòn trong ký ức của người dân nơi đây. Khi ấy, Sài Gòn không phải là đô thành hoa lệ, không phải là thành phố không ngủ mà Sài Gòn đơn giản lắm, là ly cafe vợt, là bánh mỳ chợ cũ, là tà áo thướt tha của nữ sinh trên con đường đầy lá me bay…
Xen kẽ với những góc nhớ giản dị ấy, tác giả Cù Mai Công kể những câu chuyện lý thú và hấp dẫn, như chuyện hồ Con Rùa nhưng… chẳng có con rùa nào cả. Hay những câu chuyện không phải ai cũng biết, như chợ Bến Thành từng có nhiều cái tên khác và sự hồi sinh của khu chợ này.
Kết thúc chuyến du hành ở Sài Gòn, nhà báo Cù Mai Công đưa người đọc đến một vùng rộng hơn, đó là Gia Định. Ở đó, độc giả sẽ thấy thành Gia Định nơi gắn liền với tên tuổi ông Lê Văn Duyệt, sẽ hiểu thêm về đại đồn Chí Hòa nơi ông Trương Định đánh Tây… Và ở đó, chúng ta cũng biết thêm thông tin mà xưa nay nhiều người hiểu sai. Chẳng hạn như việc gọi rạch Nhiêu Lộc thành kênh Nhiêu Lộc, hoặc tên tác giả tấm bản đồ Gia Định Nguyễn Văn Học, thực chất là Trần Văn Học…
Những trang sách của Cù Mai Công mang đến cảm giác tự hào về truyền thống đấu tranh ở vùng đất này, rồi cũng sẽ bùi ngùi trước những đổi thay, như chuyện “Hàng cây xanh thắm màu” trên con đường Tôn Đức Thắng ra đi từng ngày một. Chầm chậm thôi, có khi người ta không để ý đến, để rồi một ngày giật mình nhận ra…
Cần lắm một tình yêu tràn trề, nếu muốn viết về mảnh đất nào đó. Và Cù Mai Công đã làm được điều này. Bởi lẽ, người viết về Sài Gòn, nghiên cứu về Sài Gòn không ít với những tên tuổi như Trần Văn Giàu, Sơn Nam, Nguyễn Đình Tư… Nhưng khi đọc Sài Gòn trong trang viết của Cù Mai Công, dễ nhận ra, tính sử học đã được anh làm mềm. Bởi tình cảm của anh như cơn mưa rào làm mát rượi mảnh đất Sài Gòn vốn nhiều nắng nóng. Tình yêu mảnh đất ấy của anh thể hiện ngay trong tên tập sách mà anh đã đặt Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương.
Không nhớ không thương sao được khi trong anh vẫn vẹn nguyên ký ức về những lần đạp xe đi tập võ, những ngày đi học ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền… “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” – Cù Mai Công đã thu hút bạn đọc bằng ký ức đượm đầy cảm xúc của anh với Sài Gòn trong Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương.
Nguồn: https://zingnews.vn/nhu-nhung-thuoc-phim-tai-lieu-ve-sai-gon-gia-dinh-post1427793.html
You must be logged in to post a comment Login