Ngày 1/6/2017, Trần Đặng Đăng Khoa bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới bằng một chiếc xe máy tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Cùng người bạn đồng hành là chiếc xe số “cà tàng” được anh đặt tên là Memo, Trần Đặng Đăng Khoa đã trải qua hành trình dài 1.111 ngày, đặt chân tới 7 châu lục, 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, băng qua đường xích đạo 8 lần.
Chuyến đi ấy biến Trần Đặng Đăng Khoa thành người Việt Nam đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng xe máy. Cuốn sách 1111 – Sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng tái hiện chuyến đi kỷ lục với nhiều trang viết tâm sự, chia sẻ bí kíp du hành.
Tác giả Trần Đặng Đăng Khoa chia sẻ về hành trình vượt giới hạn an toàn để theo đuổi giấc mơ của anh và những chặng đường dẫn đến cuốn sách này.
Sách 1111 – Sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng. Ảnh: NXB Trẻ. |
Điểm hấp dẫn là ở những điều chưa được khám phá
– Thưa anh, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào tới hành trình của anh?
– Lúc tôi vừa mới tới châu Phi được một tháng, đang ở Madagascar thì thông tin về đại dịch lan tới. Tôi nhớ khi ấy là thời điểm gần Tết âm lịch, ngày 29-30 âm thì phải. Khi nghe tin, tôi cũng nghĩ chắc nó (Covid-19) sẽ qua nhanh thôi, nhưng không ngờ, đại dịch kéo dài.
Ở châu Phi được 3 tháng thì các cửa khẩu đóng cửa và tôi bị kẹt lại ở Mozambique. Cuối cùng, tôi thu xếp gửi được chiếc xe về và lên máy bay từ Nam Phi về Hà Nội, kết thúc chuyến đi. Cũng vì dịch mà hành trình của tôi có phần dang dở. Đấy cũng là một điều tiếc nuối. Vì nếu không, tôi đã có thể đi tiếp 1-2 năm nữa và có khi bây giờ vẫn còn đang phiêu lưu ở chân trời nào đó.
Nhưng có khi cũng là nhờ Covid-19 mà tôi trở về an toàn. Ai biết được? Giả như đi tiếp tôi gặp chuyện gì thì sao?
– Anh tìm kiếm gì ở mỗi cuộc hành trình?
– Thực ra, nếu biết được tôi tìm kiếm gì thì tôi đã không đi xa đến thế. Chính vì tôi không biết trước được điều gì sẽ xảy đến, tôi mới học được những điều mới, khám phá được những ngóc ngách mới của thế giới cũng khám phá được một điều gì đó ở chính bản thân mình.
Nếu biết được mình tìm kiếm gì thì tôi đã không đi xa đến thế. Chính vì không biết trước được điều gì sẽ xảy đến, tôi mới học được những điều mới, khám phá những ngóc ngách mới của thế giới cũng như khám phá chính bản thân mình.
Trần Đặng Đăng Khoa
Đó chính là những điều thúc đẩy tôi đi tiếp. Khi tôi đến một đất nước mới, tôi luôn muốn biết cuộc sống ở đó như thế nào, con người giao tiếp ra sao, họ ăn cái gì, họ vui buồn chuyện gì, cái định nghĩa về hạnh phúc của họ là gì và họ nghĩ về Việt Nam như thế nào…
Thu thập thêm càng nhiều kiến thức càng tốt, đấy là bài học cho cuộc đời của mình. Bất cứ cái gì mình gặp trên đường cũng đáng ghi nhận. Đó cũng là niềm vui mình tìm được trong mỗi cuộc hành trình.
– Xin anh chia sẻ một trải nghiệm đáng nhớ nhất đối với anh trong hành trình 1111 ngày?
– Tôi không thường trả lời được những câu hỏi nhất, tại vì mỗi nơi mình đi qua đều mang lại những trải nghiệm riêng mà mình không thể so sánh. Mỗi nơi có một văn hóa riêng, để lại trong tôi những kỷ niệm riêng nên cũng khó nói cái nào là nhất.
Ngoài ra, trong chuyến đi ấy tôi đi quá nhiều nơi, quá nhiều trải nghiệm thú vị. Như là khi ở Canada hay Greenland, tôi đã có những lúc phải chịu lạnh, rồi sang các khu sa mạc ở Iran hay Australia thì lại phải chịu nóng, có những nơi cảnh quan rất đẹp như là Iceland với những cực quang nhiều màu.
Những trải nghiệm khó khăn cũng đáng nhớ không kém. Lần tôi bị kẹt ở châu Phi là một ví dụ. Hay những khi tôi phải chờ đợi visa hay xe chuyển qua các châu lục cũng đáng nhớ, vì nhiều khi phải chờ trong cái nóng, cái lạnh, thậm chí cả cái đói.
Ảnh chụp cực quang ở Greenland. Ảnh: Trần Đặng Đăng Khoa. |
– Để thực hiện chuyến đi này, anh đã chuẩn bị tài chính như thế nào?
– Thực ra lúc đi tôi không có nhiều tiền. Đi rồi mới thấy có nghề blogger, có thể kiếm tiền từ việc dịch, viết bài quảng cáo, chụp ảnh, quay phim. Đi đến đâu tôi làm đến đó thôi, có bao nhiêu xài bấy nhiêu chứ cũng không có tiền hay kế hoạch tài chính rõ ràng từ trước.
Tôi cứ thử xem mình đi được đến đâu với số tiền ban đầu tôi có thôi. Thế rồi tôi đi càng xa, tôi càng thấy có nhiều điều thú vị để chia sẻ. Và vì là người Việt Nam đầu tiên thực hiện hành trình như vậy, có nhiều người theo dõi câu chuyện của tôi và tôi kiếm tiền được từ đó.
Đi đến đâu viết đến đấy
– Ý tưởng viết sách đến với anh từ khi nào?
– Trước khi đi, có một anh phóng viên rất thân có bảo tôi là mỗi ngày hãy cố gắng viết một ít để tập hợp thành sách cho chi tiết và đầy đủ. Ai mà biết được sẽ có bao nhiều chuyện sẽ xảy ra sau chuyến đi dài xuyên lục địa như thế? Sau này về có muốn nhớ lại để viết cũng không hết được đâu.
Vậy nên tôi vừa đi vừa viết, định khi nào về sẽ tập hợp lại. Mất 1-2 năm mới có thể hoàn thiện được. Mình không phải một nhà văn chuyên nghiệp, mình đi đến đâu viết đến đó. Xong phải nhờ người biên tập lại, bố cục lại nữa mới có thể biến những bài viết, những trang nhật ký của mình thành sách được.
– Thời gian giãn cách có giúp anh tập trung viết sách?
– Cứ nghĩ giãn cách thì sẽ rảnh vậy thôi, chứ thực ra lúc đó tôi lại đi tình nguyện, đi từ thiện để hỗ trợ bà con trong dịch như đi hỗ trợ thuốc men, cấp cứu… Nên chính ra đó lại là thời gian bận nhất. Sau khi hết giãn cách, tôi mới tập trung cho cuốn sách. Nhưng thực sự thì sách mình viết xong từ ngày về rồi, mình chỉ dành thời gian biên tập lại thôi.
– Với “1111 – Nhật ký sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng”, anh mong muốn truyền tải thông điệp gì đến các bạn trẻ?
– Với 1111 – Nhật ký sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng, tôi chỉ mong muốn các bạn trẻ nếu có một niềm tin, một giấc mơ thì hãy theo đuổi nó đến cùng, đừng quan tâm người khác nghĩ gì. Hãy cứ theo đuổi.
Bản thân con người ai cũng có những khi không tự tin, còn ngần ngại hay giấc mơ của mình không đủ lớn. Ta phải biết vượt qua những mặc cảm ấy. Cái khó nhất của bất kỳ hành trình hay ước mơ nào luôn là khoảnh khắc chuẩn bị lên đường.
Sau khi đã lên đường rồi thì mình sẽ thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Vậy nên, ít nhất hãy có một lần cố gắng thực hiện ước mơ của mình. Nếu không sau này mình sẽ phải sống trong hối tiếc vì mình đã để những giấc mơ ở mãi trên trang giấy mà không hiện thực hóa nó.
Sách in kèm nhiều hình ảnh do chính tác giả chụp. Ảnh: NXB Trẻ. |
– Sau dịch, anh đã đi được những đâu khác và liệu anh có đang tìm kiếm tư liệu cho cuốn sách tiếp theo?
– Sau dịch, tôi đã đi một số ngọn núi ở Việt Nam, qua Mỹ, đi những tiểu bang chưa có dịp đến thăm ở Mỹ, qua châu Âu, thăm được thêm vài quốc gia ở đây. Tôi cũng đã đến được 3 nơi rất mong muốn được đặt chân tới mà chưa có duyên là Côn Đảo, Trường Sa và đất nước Nhật Bản.
Sau này tôi cũng muốn hoàn thành một số cung đường còn dang dở do vướng phải đại dịch như ở Tây Phi, Trung Á, Trung Mỹ… Tôi muốn đi thêm 28 nước nữa cho đủ mục tiêu 100 quốc gia trước năm 40 tuổi. Hy vọng là tôi sẽ hoàn thành được mục tiêu này.
– Chúc mừng anh vì sách đã được tái bản trước cả ngày phát hành chính thức!
– Cảm ơn. Mình may mắn được mọi người ủng hộ nhiều và 3.000 cuốn in lần xuất bản đầu tiên đều đã được tiêu thụ hết. Mình rất biết ơn bạn bè gần xa, cả trong và ngoài nước đã theo dõi và tiếp sức cho chuyến đi, đồng thời giúp đỡ đứa con tinh thần của mình được chào đời và lan tỏa niềm yêu thích du lịch đến mọi người. Mình sẽ đại diện gửi tặng tiền nhuận bút từ cuốn sách bé nhỏ này đến các quỹ cho trẻ em để giúp các em theo đuổi giấc mơ của mình!
You must be logged in to post a comment Login