Rằm tháng 7 ngoài tên gọi là Tết Trung Nguyên (một tiết khí của văn hóa Đạo giáo), còn được gọi là lễ Vu lan báo hiếu và Lễ Xá tội vong nhân. Đây là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu thuận với cha mẹ, ông bà và cũng là dịp để người ta giúp đỡ những linh hồn đói khát.
Bố thí ẩm thực cho quỷ đói
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (sách Đặc khảo về Tín ngưỡng thờ gia thần), lễ Vu lan báo hiếu và lễ Xá tội vong nhân đều có nguồn gốc từ Phật thoại pháp sự thí thực ngạ quỷ (bố thí ẩm thực cho quỷ đói).
Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần. Ảnh: Tuấn Bình. |
Theo quan niệm của Phật giáo, chết không phải là sự kết thúc hẳn, nó chỉ là điểm cuối của một thời kỳ nằm trong chuỗi dài vô tận của 6 cõi / kiếp luân hồi (lục đạo: Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ, A Tu La, Người, Thiên). Theo đó, các vong hồn tùy theo các nghiệp và tội ác khác nhau khi sinh tiền sẽ phải trải qua phân loại, xét xử.
Ở đệ nhất điện (thập điện Diêm vương), nơi xét xử đầu tiên, các vong hồn sẽ được phân loại. Những người hiền đạo đức, hoàn toàn tốt, được cho tiếp dẫn về cõi Tịnh độ / Cực lạc, tức vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Những người hoàn toàn xấu bị đầy xuống địa ngục. Những người tội phước bằng nhau được chuyển thẳng đến điện thứ 10 cho đầu thai. Những người phước ít, tội nhiều thì tùy tội nặng nhẹ được chuyển qua điện thứ 2 đến điện thứ 9 để thụ tội. Các hình phạt nặng nhẹ, thời gian lưu giữ tại nơi luyện ngục dài hay ngắn tỷ lệ tương ứng với ít hay nhiều.
Theo tín niệm “âm dương đồng nhất” của Nho giáo, con cháu tu lo mồ mả, thực hiện đầy đủ cúng giỗ, đốt tiền vàng bạc, đồ mã, cốt để tổ tiên thế giới bên kia không bị đói khát, thiếu thốn.
Ngược lại, theo tín niệm của Phật giáo, việc chuộc tội cho vong hồn cha mẹ, thân thích có thể thực hiện được bằng việc bố thí, cúng dường tam bảo, chư tăng, làm việc thiện để tìm kiếm công đức cho tổ tiên sớm siêu độ, thoát khỏi u đồ ác đạo hoặc đạt được cảnh giới Cực lạc. Việc cúng dường chư tăng vào ngày Vu Lan bồn cốt nhờ công đức của chư tăng mà diệt trừ nỗi khổ cho vong hồn tổ tiên mình.
Theo Kinh Vu Lan Bồn, đệ tử của Phật tổ là Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn thông thấy mẹ bị đọa vào đường ngạ quỷ (quỷ đói), ngày đêm khổ sở liên tục. Thấy vậy, Mục Kiền Liên dùng thần thông xuống địa ngục dâng cơm cho mẹ, nhưng do ác nghiệp thọ báo nên cơm biến thành lửa, bà không ăn được.
Mục Kiền Liên cầu xin Phật giải cứu cho mẹ. Phật dạy Mục Kiền Liên: Vào ngày rằm tháng 7 dùng thức ăn quý, vật phẩm cúng dường tam bảo sẽ được vô lượng công đức, cứu được cha mẹ bảy đời.
Còn lễ xá tội vong nhân thì có nguồn gốc từ một Phật thoại khác đó là chuyện của A-nan – học trò của Phật đươc một ngạ quỷ (còn gọi là Diệm Khẩu) báo cho biết 3 ngày nữa sẽ bị chết và bị đọa vào đường ngạ quỷ. A-nan lo sợ, đến trước Phật cầu xin cứu độ.
Đức Phật nhân đó nói kinh Diệm Khẩu và Pháp thí thực cho ông nghe: Nếu ông có thể bố thí thức ăn uống cho hằng hà sa số ngạ quỷ thì chẳng những không bị đọa đầy vào đường ấy mà còn kéo dài tuổi thọ, được quỷ thần phù hộ gặp được an lành.
Qua hai phật thoại trên, có thể thấy pháp sự thí thực ngạ quỷ là nhằm xiển dương hạnh bố thí, cũng tức là thể hiện lòng đại từ bi đối với chúng sinh, đói khát khổ não.
Ở Vu Lan Bồn có ý nghĩa báo ân / báo hiếu có phần tương đồng với Nho gia, nhưng cái khác ở đây đối tượng dâng lễ vật không phải là các vong hồn của ông bà cha mẹ quá vãng mà là tam bảo, cụ thể là chư tăng qua đó, nương nhờ công đức tam bảo mà hồi hướng đặng siêu độ cho vong hồn thân quyến thoát khỏi nỗi thống khổ và sớm được siêu sinh.
Mục đích tối hậu của hai pháp sự này là rốt ráo nhằm vào cứu cánh giải thoát. Các biện sự về thế giới bên kia của Phật cốt yếu là phương tiện giáo hóa chúng sinh, hướng vào mục đích khuyến thiện trừng ác của con người trần thế.
Tranh vẽ tôn giả A Nan Đà gặp quỷ diệm khẩu. Nguồn: vtcnews. |
Hướng về các điều thiện
Cùng chung với cách lý giải của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc (sách Hà Nội phong tục văn chương) cũng cho rằng lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân cũng bắt nguồn từ hai phật thoại nói trên.
Sách Hà Nội phong tục văn chương. Ảnh: M.M. |
Tuy nhiên, phật thoại Xá tội vong nhân chỉ nói về việc bố thí quỷ đói, nhưng sang nước ta thì việc bố thí này có nghĩa rộng ra là bố thí cho tất cả vong hồn vật vờ không nơi nương tựa (do không có thân thích trên trần gian để cúng cho).
Vì vậy, ở ta lễ rằm tháng 7 vừa là cầu cho cha mẹ (và tổ tiên) thoát khỏi cảnh khổ nơi địa ngục lại vừa bố thí cho cô hồn. Dân ta coi đó là ngày Diêm vương mở cửa ngục cho tất cả vong hồn trên trần gian, vậy nên ngày này, ngoài việc cúng tổ tiên, trong dân gian còn có lệ cúng cháo cho chúng sinh.
Còn PGS.TS Bùi Xuân Đính (sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền) thì lại cho rằng nguồn gốc, các tiết lễ vào ngày rằm tháng bảy có sự khác biệt khá rõ rệt.
Lễ Vu lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Lễ Xá tội vong nhân có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian. Các lễ này dù không có cùng nguồn gốc nhưng có mối tương quan nhất định, đều lấy ngày rằm tháng bảy để thiết tế chay đàn, phóng sinh, bố thí và hướng về các điều thiện.
Theo tín ngưỡng dân gian, dịp rằm tháng bảy là dịp âm phủ mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân, nên có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều), còn gọi là cúng thí thực (tặng thức ăn) cho các vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân trên trần gian thờ cúng.
Lễ vật trên mâm cúng cô hồn gồm có quần áo giấy với nhiều màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng, hồng), các loại bánh kẹo, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, 12 chén cháo loãng (cháo hoa), tiền vàng mã, nước lã hoặc rượu nếp, chén muối, chén gạo, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại quả trong mùa (ổi, thị, na…).
Tác giả sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền còn cho biết, mâm cúng cô hồn tuyệt đối không dùng đồ mặn vì quan niệm đem bày đồ này sẽ làm dậy lòng tham của các cô hồn, sẽ quấy rối gia chủ.
Sau khi cúng cô hồn xong gia chủ phải thực hiện thủ tục “tiễn khách”, tức mời các vong đi, để tránh đưa vong hồn vào nhà.
You must be logged in to post a comment Login