Ngày nay, các lễ tiết Trung nguyên, Vu Lan, Xá tội vong nhân vào ngày rằm tháng 7 đã trở thành sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Các hoạt động này là sự kết hợp giữa giáo lý tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa mang ý nghĩa xã hội.
Lễ Vu Lan báo hiếu. Ảnh: Việt Linh. |
Nguồn gốc Tết Trung nguyên, Vu Lan, Xá tội vong nhân
Theo bài Lễ Vu Lan trong lịch sử Phật giáo Việt Nam qua văn liệu Hán Nôm, của Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, đăng trên tập san Liễu Quán, Tết Trung nguyên là một tiết khí của văn hóa Đạo giáo.
Đạo giáo quan niệm, một năm chia làm ba tiết tương ứng với lịch âm lịch: Thượng nguyên tiết là vào rằm tháng giêng; Trung nguyên tiết vào rằm tháng 7 và Hạ nguyên tiết vào rằm tháng 10.
Vị thần quản trị của Thượng nguyên tiết là Thượng nguyên Nhất phẩm Thiên quan Tử Vi Đại đế; quản Trung nguyên tiết là Trung nguyên nhị phẩm Địa quan Thanh Hư Đại đế; quản Hạ nguyên tiết là Hạ nguyên tam phẩm thủy quan Động Âm Đại đế. Thiên quan tứ phúc; Địa quan xá tội; Thủy quan giải ách, là các quyền hạn của ba vị Đại đế. Ba vị đại đế này trong các tiết lịch trong năm kiểm soát quản lý việc thiện, việc ác, công lao hoặc sai trái của con người cũng như quỷ ma.
Căn cứ vào nhiều kinh điển Đạo giáo được lưu trong Chính thống Đạo tạng, ba tiết nhật này là ba ngày quan trọng trong một năm của văn hóa Đạo giáo và ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa Á Đông. Trong đó, ngày lễ Trung nguyên tiết được coi là ngày quan trọng khi tế tổ tiên, tế thần linh và cầu mong giải nguy ách, chuộc lại các tội lỗi đã diễn ra, cứu rỗi những vong hồn chịu hình phạt trong địa ngục.
Theo sách Nghiên cứu về nguồn gốc lễ Vu Lan của tác giả Viên Như, Vu Lan là cách gọi ngắn của Vu Lan Bồn, một lễ hội quan trọng của Phật giáo Bắc Tông. Lễ hội này diễn ra vào ngày 15 tháng 7 Nông lịch (trùng với Tết Trung nguyên), với ý nghĩa ban đầu là cầu nguyện cho mẹ đã qua đời được siêu thoát.
Lễ Vu Lan khởi đầu từ câu chuyện Bồ tát Mục Liên cứu mẹ, nhưng trên thực tế, lễ này bao gồm cả việc báo hiếu cho cả cha mẹ hiện tiền và đã qua đời, mục đích là thực hành hạnh Hiếu của con cái.
Xá tội vong nhân theo phong tục của một số nước Á Đông là ngày mở cửa địa ngục ân xá cho các vong linh không nơi nương tựa. Vì thế để các linh hồn lang bạt không quấy nhiễu cuộc sống dương gian người ta thường dâng cúng lễ vật vào ngày rằm tháng 7 để cầu mong sự bình yên.
Như vậy, có thể thấy nguồn gốc của các lễ tiết trong ngày rằm tháng 7 là khác nhau. Tết Trung nguyên có nguồn gốc từ Đạo giáo. Vu Lan có nguồn gốc từ Phật giáo Bắc Tông. Còn ngày Xá tội vong nhân lại mang màu sắc dân gian.
Xét về ý nghĩa, Trung nguyên vốn là tiết đánh dấu kết thúc nửa đầu của năm âm lịch. Ban đầu giới tu hành lấy ngày đó để chay tịnh và thiết đàn tế tự, sau dần trở thành ngày lễ dân gian cúng chay và đốt mã để dâng tiến gia tiên.
Vu Lan theo truyền thuyết là xuất phát từ câu chuyện kể về sự hiếu hạnh của Bồ tát Mục Liên muốn cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Theo lời Phật dạy ông đã cung thỉnh chư tăng mười phương hợp sức chú nguyện để cứu độ cho mẹ. Đức Phật thấu cảm lòng thành của ông cùng chư tăng đã cho khai mở lễ này hàng năm vào ngày rằm tháng bảy và dần trở thành truyền thống báo hiếu cha mẹ.
Xá tội vong nhân là ngày chính giữa của “tháng cô hồn”, ngày đó các nhà thường lập bàn tế chay để ban thí cho các vong lang thang không người hương khói.
Vì vậy xét về ý nghĩa các lễ này mặc dù không cùng nguồn gốc nhưng cũng có mối tương quan nhất định, đều lấy ngày rằm tháng bảy để thiết tế chay đàn, phóng sinh, bố thí và hướng về các điều phước thiện.
Một số sách đề cập đến các lễ tiết trong ngày rằm tháng 7: Tết Trung nguyên, lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân. Ảnh: M.C. |
Sự giao thoa giữa các quan niệm tín ngưỡng dân gian với các lễ thức của Phật giáo, Đạo giáo
Theo cách lý giải của một số nhà nghiên cứu, học giả Việt Nam, các lễ tiết Trung nguyên, Vu Lan hay Xá tội vong nhân vào ngày rằm tháng 7 là sự kết hợp giữa giáo lý tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa mang ý nghĩa xã hội.
Trong cuốn Việt Nam phong tục, khi đề cập đến Tết Trung nguyên, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Phan Kế Bính viết: “Rằm tháng 7 gọi là Tết Trung nguyên. Ta tin theo sách Phật thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất cũng hay đốt mã làm chay về hôm ấy”.
Tương tự cách lý giải của Phan Kế Bính, tác giả Nhất Thanh trong cuốn Đất lề quê thói viết: “Rằm tháng 7 là Tết Trung nguyên. Ta theo sách Phật hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là có người dưới âm phủ được tha ngày hôm ấy. Các nhà làm lễ cúng gia tiên, mua vàng mã đốt… Những nhà nào có người mới chết trong vòng một hai năm thường đốt mã, làm chay ngày Trung nguyên”.
Bên cạnh đó, tác giả có đề cập đôi nét về tục cúng cô hồn: “Nhiều nhà bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà, rìa đường phố, cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc… hậu hĩ thì có xôi chè, và thế nào cũng có một nồi cháo hoa; vàng mã cúng chúng sinh thường là những xấp giấy tiền, những xấp giấy cắt hình cái áo… ít khi cúng vàng hồ, vàng thoi”.
Học giả Nguyễn Văn Huyên trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt thì cho rằng chính ngày rằm tháng 7 là ngày lễ của người chết, đồng thời khẳng định đây là một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo.
Ông cho biết, theo tín ngưỡng của người Việt Nam thì con người có 2 nhóm linh hồn: “ba hồn” và “bảy phách” hay “vía”. Đàn bà có nhiều hơn đàn ông hai “phách”. Những linh hồn này tồn tại trong thân thể. Con người tiếp nhận hồn khi sinh hoặc thụ thai. Còn khi chết thì hồn bỏ đi.
Nhưng cái chết không phải là sự kết thúc hẳn, nó chỉ là điểm cuối của một thời kỳ nằm trong chuỗi dài vô tận của những kiếp luân hồi đạo Phật. Nhưng trước khi hóa kiếp, hồn người chết phải bị mười Diêm vương xét xử, tương ứng với đó là mười tầng địa ngục.
Những cảnh khủng khiếp ở địa ngục được vẽ ở chùa lớn và được truyền bá trong nhân dân bằng tranh dân gian, khiến mọi người đều khiếp sợ. Để tránh cho cha mẹ khỏi những hình phạt ở địa ngục mọi người đều khấn và cúng tiến vào các tu viện, hoặc của bố thí nói chung. Ai cũng mong người thân của mình mau chóng hóa kiếp và có cuộc sống tốt đẹp.
Theo lời Phật dạy, để đạt được sự giải cứu cho các linh hồn, thì ít nhất phải cầu xin sự giải cứu bằng cách tụng niệm trong 50 ngày sau khi người chết. Và trong chính ngày rằm tháng 7 là lúc noi gương Mục Liên, nhờ có tất cả sư sãi tập hợp để có nhiều cơ may hơn trong việc cầu xin sự đại xá linh hồn đang bị đày ở địa ngục. Ngoài ra muốn được thương xót, tối hôm đó, sau khi cúng gia tiên, người ta cúng tất cả các linh hồn bị bỏ rơi…
Cũng theo học giả Nguyễn Văn Huyên, ngày xá tội vong nhân là ngày có tầm luân lý lớn. Ngày này khuyến khích mọi người ăn ở tốt đẹp trong cuộc đời ngắn ngủi trên trái đất của mình, an ủi các hồn trong cuộc đấu tranh giành sự sống. Tục này khiến linh hồn phải hoàn thiện, phải làm tinh tế bản thể của mình bằng cách thực hành đức nhân từ và từ bỏ cuộc đời phàm tục.
Cùng chung nhận định này, tác giả Bùi Xuân Đính, trong sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền viết: “Tết rằm tháng 7 của người Việt với sự giao thoa giữa các quan niệm tín ngưỡng dân gian với các lễ thức của Phật giáo, Đạo giáo, thể hiện tư tưởng hiếu nghĩa, tính nhân văn rất cao, qua đó góp phần củng cố quan niệm sống từ bi, hướng thiện, nhân văn cho con người”.
Tóm lại các lễ tiết trong rằm tháng 7 đều mang ý nghĩa hướng thiện, là dịp thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ. Đây chính là hạnh hiếu của nhà Phật và tâm hiếu của con người, đồng thời là nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt Nam.