Nếu những tập thơ trước đây của Nguyễn Quang Thiều tựa dòng sông cuộn xiết vào mùa hạ, mang bao khát vọng, nỗi trăn trở réo gào khi chảy qua những khúc quanh, ghềnh đá…, thì đến Nhật ký người xem đồng hồ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023) vừa xuất bản, người đọc được chứng kiến một dòng sông đang tan băng vào cuối xuân, song hành cùng những biến động của cuộc sống đương đại.
Dòng sông ấy cuốn đi, đôi lúc phát ra tiếng nổ của những tảng băng bị rạn nứt. Từ vết nứt sắc lạnh và tối giản của ngôn từ trong tập thơ này, ta bỗng nhìn thấy những hình ảnh, tứ thơ lạ lẫm, tuyệt đẹp hiện ra trong những khoảnh khắc ngổn ngang, lo âu, đầy bất an của đời sống thường nhật.
“Nước vẫn chảy trong đó
Cây vẫn mọc lên
Lửa không bao giờ tắt
Giọng nói người thợ gốm
Chứa đầy khoảng rỗng chiếc bình”.
(Bình gốm)
Bung phá mạnh mẽ trong trào lưu cách tân thi pháp
Tập thơ là bước tiến mới trong lộ trình sáng tạo, cách tân thơ của Nguyễn Quang Thiều. Về thơ ông, có lần tôi đã viết: Bóng dáng thời đại và cách tân thi pháp là hai vấn đề lớn và quan trọng xuyên suốt hành trình sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều. Thơ ông tỏa sáng trong nhiều đề tài với những cách biểu đạt phong phú và đa dạng. Với tập thơ ngắn này, Nguyễn Quang Thiều thêm một lần nữa khẳng định sự thành công của ông trong cách tân thi pháp.
Ở Nhật ký người xem đồng hồ, nhà thơ đã ghi dấu những thăng trầm của cảm xúc, thời khắc đột sáng của tư duy trong những chuyển dịch của đời sống đương đại. Trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều, những sự vật và hiện tượng xuất hiện thường không tuân theo quy luật của đời sống, mà phụ thuộc vào những biến cố trong tâm hồn ông, những khát vọng và tư duy thẩm mĩ của riêng ông.
Vì thế hình tướng của nó luôn khác thường, mang những vẻ đẹp độc đáo và dị biệt. Bạn đọc sẽ ngỡ ngàng khi bước vào cõi thơ của ông, gặp lại những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống, nhưng giờ đây, chúng đã biến hóa, không nhận ra được nữa. Những sự vật và hiện tượng ấy như vừa được tái sinh, chuyển động theo quy luật riêng, hóa thành tấm gương phản chiếu đời sống và chính nó. Nhà thơ là người đã điều khiển những chuyển động này, làm cho dòng chảy thời gian trong đó như lệch nhịp, lúc tăng tốc, hỗn loạn, lúc trì níu, ngưng đọng.
“Đồng hồ trên tay tôi
4:11’
Tôi nhận một lời khen
Và lần đầu tôi biết
Tột cùng của sự xấu hổ
Khi tôi rời khỏi căn phòng
Một kẻ bắn thủng gáy tôi
Bằng hai hốc mắt
Đồng hồ trên điện thoại người bên cạnh
4:11’
Không có tôi ở đó”
(Lúc 4:11’)
Bằng cách thay đổi nhịp điệu thời gian, nhà thơ đã dẫn bạn đọc tới chính nơi họ đã và đang trải nghiệm, nhận chân các giá trị, nhìn thấy hướng đi khác mà trước đó họ không dễ dàng nhận biết. Đời sống ấy trước đây từng hiện ra khắc khoải, đau đớn, quặn thắt trong thơ Nguyễn Quang Thiều. “Chúng ta sống quờ quạng trong những tháng năm bóng tối nham nhở. Nhiều hơn thành phố vùi sâu vào đất” (Nhân chứng của một cái chết, rút từ tập thơ Bài ca những con chim đêm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1999). Nhưng đến tập thơ này, nó được phơi bày ở khắp mọi nơi bằng diện mạo khác, bạo liệt và tàn ác hơn những gì chúng ta đã biết. Những câu thơ sắc lạnh, chính xác như bản tin thông tấn được tác giả sử dụng khá nhiều trong tập thơ này.
“Viên cảnh sát da trắng
bắn tám viên đạn vào một thanh niên da đen”
(Bản tin ngày)
“Thời khắc những cô gái trẻ
Vừa ngáp vừa đếm lại tiền”
(Lúc 1g sáng)
Hay:
“Nơi ngã tư một chiếc xe tải
Cán nát một cô gái”
(Nhật ký ghi dưới gốc cây gần quảng trường)
Hiện thực đời sống trần trụi, gai góc, phũ phàng trong những câu thơ trên như đẩy người đọc xuống cái hố sâu vốn đã ngổn ngang rác rưởi trong đó. Hiện thực ấy như bề mặt của lớp vỏ xấu xí, thô ráp, thường được Nguyễn Quang Thiều khắc họa, tốc ký vào những thời khắc nhất định trong đời sống chúng ta. Nó như “Đặt giữa chúng ta một chiếc bàn không có mặt bàn” (Một ghi chép tháng sáu). Câu thơ ấy gợi cảm giác trống rỗng, hoang hoải trong những mối quan hệ người, giữa con người với xã hội, môi trường sống.
Một câu hỏi đặt ra: Đời sống này thật hay ảo? Cái ta đang cầm trên tay là của ta hay chỉ là cú lừa ngoạn mục?… Những câu nghi vấn luôn chợt đến với con người trong mọi hoàn cảnh. Đoạn thơ sau cho bạn đọc hình dung những người vừa thức dậy qua một cơn ác mộng. Họ băn khoăn không biết mình vừa trải qua cung đoạn nào, kiếp sống nào, hạnh phúc hay bất hạnh, vinh quang hay cay đắng…? Cơn mộng ấy hung hiểm ra sao, chỉ riêng họ biết.
“Chúng ta có chết không?
Một người thức giấc hỏi.
Nhưng chẳng có câu trả lời nào”.
(Những con mồi)
Những dòng “nhật ký” như cố ý sao chụp lại hiện thực đời sống một cách trung thực, chính xác đến từng ký tự, không bình luận, và, như cố giấu đi cảm xúc của người viết. Nhưng qua đó, ta vẫn dễ dàng đọc được những ẩn ý và đồng cảm với tác giả trong cách lý giải về bản chất sự vật, hiện tượng đang diễn ra.
“Từ một thế giới nanh vuốt được công khai
Đến một thế giới nanh vuốt được che giấu
Và những cái chết không chảy máu”
(Hóa mèo)
Hiện thực đời sống trong Nhật ký người xem đồng hồ thường phồn tạp, có lúc làm ta choáng váng bởi sự xấu xa, ghê rợn của nó. Đó là một hiện thực đời sống “bắt chúng ta viết lại” (Một sáng chủ nhật). Và nhà thơ có lần đã nhìn thấy “Một người lao công/ Đi thu dọn chúng ta” (Người lao công).
“Nhưng có một bản hợp đồng
Chúng ta không chịu ký
Là bản hợp đồng
Thiết kế lại chúng ta”
(Bản hợp đồng)
Cách biểu đạt hiện thực, như tôi vừa nêu, chính là thủ pháp tương phản giữa ánh sáng và bóng tối mà Nguyễn Quang Thiều thường sử dụng trong thơ và hội họa của ông. Sự tương phản sáng – tối có lúc làm cho vật thể biến dạng và tạo cho chúng những đường nét kỳ diệu. Trên nền (background) thẫm đen, u tối, nhà thơ thường cho ánh sáng đột ngột xuất hiện nhằm đẩy xung đột lên cao, khơi lộ rõ ý tứ cần biểu đạt.
Trong những trường hợp này, những tứ thơ lạ, rực rỡ làm ta ngỡ ngàng, tựa như nhìn thấy một con cá đang bơi dưới khe nứt của tảng băng dưới dòng nước giá lạnh, mà trước đấy ngỡ như sự sống ấy đã chết. Đó là vẻ đẹp lung linh của đóa hoa loa kèn chợt xuất hiện qua “một lỗ thủng” trong ngôi nhà tối đen mà nhà thơ đã nhìn thấy.
“Tôi lần mò về phía lỗ thủng
Và nhận ra
Một đóa loa kèn”.
(Hoa loa kèn)
Đó là:
“Bóng những cái cây bị đốn gục
Từ từ đứng dậy
Đi tìm những cái rễ của mình”
(Người lao công)
Mỗi bài thơ trong Nhật ký người xem đồng hồ đều mang tinh thần của cái cây “bị đốn” biết tự đứng dậy đi tìm “những cái rễ” của mình. Chúng hé mở cho ta một hy vọng nhỏ nhoi, tựa một mầm cây, một bông hoa bật lên từ vết nứt của Trái Đất, của dòng chảy thời gian. Để kiến tạo những “vết nứt” này, Nguyễn Quang Thiều thường cho thời gian và vạn vật chuyển động chậm lại, hoặc ngưng đọng trong khoảng khắc.
“Chiếc đồng hồ hỏng
Dừng ở 10:3’10”
…
Nhưng chiếc kim giờ giữ mãi
Dáng một kẻ bệnh hoạn
Với cái lưỡi hôi thối
Chọc thủng ngàn cái tai
Và chiếc kim phút
Một người bị phản bội
Chết đứng đến giờ”
(10:3’10’‘)
“Tôi nhìn thấy
Con cá bị kẹt trong nước”
(Bản tin ngày)
“Tất cả các phím im lặng
Để soạn thảo ký ức”
(Máy chữ cũ)
Sự đứng hình đúng thời điểm này cho ta nhìn thấy toàn bộ cảnh quan, khung nền ở phía sau bức hình. Những câu thơ trên như đẩy ta ra xa một khoảng cách nhất định, để tự do cảm nhận, chiêm ngẫm. Lối kiến tạo những thi ảnh này, giống như khi trưng bày hiện vật trong bảo tàng, người ta cố ý chọn góc độ ánh sáng tối ưu để mở ra không gian đa chiều cho khán giả chiêm ngưỡng.
Và đây là tình huống khác. Tác giả làm cho thời gian lệch nhịp, bằng cách cho nó chết lâm sàng, rồi tái hiện trong sự phục sinh.
“Vào lúc 9h
Kim giây
Của chiếc đồng hồ đã chết
Bắt đầu ngồi dậy”
(Lúc 9h)
Những “vết nứt” thời gian trong thơ Nguyễn Quang Thiều hé lộ cho ta nhìn thấy những góc khuất của đời sống đầy gai góc và tàn ác. Ở những góc nhìn này, tác giả khắc họa sự khốc liệt, tha hóa của đời sống đương thời, đồng thời tạo sự đa nghĩa trong liên tưởng và cảm nhận.
“Đấy là giờ trên mặt đất
Những kiếp người trôi dạt
Trên những nẻo đường
Với một tài sản duy nhất mang theo
Đói, khát và hoảng sợ”
(Giờ G)
Hay, đoạn thơ dưới đây cho thấy sự khốc liệt, tương phản giữa cái đẹp và cái chết trong hai sự hủy diệt:
“Một người trồng hoa khác
Như một kẻ điên
Đang nhổ từng khóm hồng
Để tìm một người
Bị giết trong đêm tối
Xác vùi dưới một khóm hồng”.
(Những người trồng hoa)
Sách Nhật ký người xem đồng hồ. Ảnh: Thúy Hằng. |
Cảm xúc chân thành bên cạnh những bài thơ thế sự
Bên cạnh những bài thơ thế sự, Nguyễn Quang Thiều đã dành những dòng cảm xúc chân thành, cảm động cho gia đình, người thân, bè bạn. Ông có nhiều bài thơ hay về Mẹ.
Mẹ của ông chính là Làng Chùa quê hương ông, là hiện thân của bao bà mẹ Việt Nam tảo tần, gồng gánh trên vai những vinh quang và mọi đau buồn của lịch sử. Bên cạnh những bài thơ hay viết về mẹ, như Sông Đáy, Giấc mộng trưa, Thư gửi Mẹ,… Nguyễn Quang Thiều có bài thơ Mưa gần sáng thật lay động trái tim khiến ta nhớ về Mẹ của mình:
“Mẹ lau nước mắt cho con
Trên biên giới mùa thu mây trắng
Có một đứa trẻ vừa gọi mẹ vừa lớn
Chợt già đi trong những cúc thẫm chiều…”
(Mưa gần sáng)
Hình ảnh đứa trẻ, người mẹ và những bông cúc trong đoạn thơ trên như tan ra, nhòa đi trong cảm xúc, rồi kết tinh thành những giọt nước mắt trong suốt, đẫm tình mẫu tử. Tình cảm ấy dâng đầy trái tim ta, thấm trong cỏ cây, đất đai của Mẹ.
Hay bài thơ dưới đây về bức thư của con gái nhà thơ lúc 3 tuổi. Ngôn ngữ của trẻ thơ thật đáng yêu, ngộ nghĩnh, được thể hiện bằng những dự cảm từ vô thức.
“Con không phải nhà tiên tri
Nhưng tất cả những gì cha đang sống bây giờ
Con đã viết ra từ lúc đó”
(Thư của con gái lúc 3 tuổi)
Mối liên kết huyết hệ đó tựa mạch nguồn liên tục tuôn chảy trong những vần thơ Nguyễn Quang Thiều viết về cháu mình:
“Và tôi bế cháu tôi lên dưới vừng dương rực rỡ
Người ban tặng cháu tôi những hạt giống vàng
Để gieo xuống cánh đồng người năm tháng
Những mùa màng nhân ái mãi lên xanh”.
(Đưa cháu về quê nội)
Ngôn ngữ trong tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ gần với cách nói đời thường, hướng tới sự tối giản. Tôi thực sự thích thú những hình ảnh lạ lùng và tuyệt đẹp trong tập thơ này, điều ấy chứng tỏ tác giả có trữ lượng sáng tạo dồi dào, rất mạnh mẽ:
“Một que diêm
Đẹp như trẻ sơ sinh” (Cúc dại).
Ông cũng đặc biệt chủ ý tiết chế, lược bỏ các tính từ, thán từ, sử dụng nhiều động từ nhằm đẩy các chuyển động của thi ảnh đi nhanh hơn.
“Hai bàn tay đưa lên
Hai cành cây đang mọc
Đôi mắt Quận khép lại
Gương mặt thì mở ra
Hoa đang nở trái mùa
Trên cánh đồng tóc Quận”
(Phạm Long Quận lúc 4:33′)
Những hình ảnh siêu thực, tượng trưng cũng được nhà thơ sử dụng trong tập thơ này. Đoạn thơ dưới đây cho ta liên tưởng tới những bức tranh của Marc Chagall – được mệnh danh là danh họa của những ước mơ:
“Một tấm lưới khổng lồ trôi trên những nóc nhà
Và một con Sơn ca mất giọng
rúc sâu trong da thịt chúng ta”
(0g17 phút)
So sánh thơ Nguyễn Quang Thiều bây giờ với những tập đã in trước đây, ta thấy, ở những bài thơ có liên tưởng mở và vang vọng cảm xúc, thơ của ông ngày càng tinh lọc, nén chặt, và cũng quyến rũ hơn. Đây là đoạn thơ trước đây, trích trong tập Cây ánh sáng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2009):
“Và lúc này chàng nghe thấy tiếng chân những đàn bà xanh như nước biển bước đi như không bao giờ hết qua ngôi nhà chàng
Và lúc này những cái cây trên thế gian, những ngọn nến xanh khổng lồ thắp lên trên tất cả con đường…”
(Cây ánh sáng)
Và, đây là đoạn trong Nhật ký người xem đồng hồ:
“Dưới tán cây chiều nay hai người im lặng
Những hạt cây xếp bên nhau chuẩn bị khai mùa
Và bầy chim mỏ ngà từ trời xanh đậu xuống
Tán cây vàng
Nhặt họ
Bay đi”.
(Những hạt cây)
Dõi theo thời gian được ghi dưới mỗi bài thơ cho thấy, đa số những bài trong Nhật ký người xem đồng hồ được sáng tác trong thời gian gần đây. Ngoài ra, một số bài được viết rải rác từ thời điểm ra đời tập thơ Ngôi nhà tuổi 17 (1990) đến nay, nhưng chúng có cùng một phong cách nên được xếp chung trong tập thơ này.
Tập thơ mới của Nguyễn Quang Thiều là sự bung phá mạnh mẽ trong trào lưu cách tân thi pháp, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới thơ hiện nay. Một số bài trong tập tựa những mũi khoan dở dang, những tảng đá lớn vừa được khai phá. Tôi coi đó là sự dấn thân mạnh mẽ, dũng cảm của người đi khai sơn phá thạch.
Đây là cuốn “Nhật ký” thơ của một thi sĩ đã đặt nền móng cho khuynh hướng cách tân thơ Việt sau 1986. Với thủ pháp làm lệch nhịp thời gian, cuốn nhật ký bằng thơ này tràn đầy những hình ảnh ba chiều, tiếp nối nhau và khúc xạ, chuyển động theo một dòng chảy cuộn xiết.
Dù vạm vỡ hay mỏng mảnh, mọi bài thơ của Nguyễn Quang Thiều đều sáng rỡ và vững chắc một thi pháp riêng biệt, âm vang giọng thơ độc đáo của một tác giả tầm cỡ của thơ Việt Nam đương đại.
Nguồn: https://znews.vn/nguoi-lam-lech-nhip-thoi-gian-post1447533.html
You must be logged in to post a comment Login