Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ. |
Đã có rất nhiều bài viết về Nguyễn Quang Thiều chủ yếu là nói về những đặc điểm về nội dung tác phẩm của ông, chúng tôi nghĩ một điều cần chú ý có thể nói là trước tiên và rất quan trọng đó là tìm hiểu quan điểm sáng tác của ông để từ đó có thể rút ra những vấn đề riêng lẻ khác về thi pháp trong các tác phẩm thuộc các thể loại mà ông tham gia.
Lẻ tẻ trong các phát biểu, bài viết đặc biệt trong các diễn ngôn xoay quanh tập thơ mới xuất bản Nhật ký người xem đồng hồ thì ông nói khá rõ về các quan điểm này. Những ý kiến xoay quanh các vấn đề: sáng tác là khôi phục lại ký ức, sáng tạo có quan hệ đến các giấc mơ, thơ có thể viết về bất cứ cái gì ở khắp nơi trong cuộc đời, hiện thực trong thơ khác với thông tấn của báo chí, nghệ thuật hướng đến cái đẹp…
Trong cảm nhận của chúng tôi, ông chủ trương mở rộng đề tài, biên giới hiện thực và biên độ cảm xúc của thơ. Hiện thực trong thơ có tính đặc thù. Đổi mới phương thức sáng tạo thơ. Chúng tôi thấy Nguyễn Quang Thiều có đổi mới trên các bình diện quan trọng của công việc sáng tạo nghệ thuật, từ đấy toát lên những điều chính yếu mà ít nhiều có khác với những quan niệm của một số người về thực trạng của việc viết lách bấy nay, những người mà ông cho rằng “Chính quan niệm đó làm nhà văn trở nên nghèo nàn và hạn chế”. Thơ ông khá mới, nền thơ nào muốn phát triển cũng cần những nhà thơ tiên phong đi trước dẫn đường cho đội ngũ và nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ cho công chúng.
Phương thức sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều khá đa dạng, chỉ riêng trên bình diện thi ca và cũng chỉ trong tập thơ mới này ta cũng không thể xếp tất cả vào cái khung có sẵn, chúng ta thấy ông cũng đã có gợi ý khi chia tập thơ thành hai: các bài viết về hiện thực gia đình, quê hương, thế sự thuộc phần 1- Nhật ký người xem đồng hồ; các bài giải trí ngẫu hứng thuộc phần 2- Hồ sơ tự khai của đồ vật có trong phòng. Ông chú ý nhiều đến chức năng thẩm mỹ của văn chương.
Có ý kiến cho rằng “Nguyễn Quang Thiều luôn đứng giữ những tranh cãi”. Không ít người cho rằng, nhiều bài thơ của ông chênh vênh giữa hai chức năng “nhận thức” và “giải trí”, những bài thơ nặng về hình ảnh kỳ lạ hơn là chiều sâu tâm lý, đa phần khó hiểu, ít xúc cảm. Bài viết này chúng tôi muốn góp thêm một vài cảm nhận về thơ ông nhân tập thơ Nhật ký người xem đồng hồ mới ra đời trong bối cảnh nền thơ Việt đang cố tạo một bước chuyển và không phải không có những phân vân trước thực tiễn mới.
Vấn đề nổi bật trước tiên là hiện thực trong thơ. Hiện thực thơ là hiện thực tâm trạng, nó khác văn xuôi nói chung đặc biệt là báo chí nói riêng, người ta thường ví như thế này: đời sống là gạo, văn là cơm, còn thơ là rượu, có nghĩa thơ là cái gì mơ hồ còn lại trên sự bay lên từ những cái vật chất cụ thể; có người thì nói cụ thể hơn, báo chí ghi lại đời sống hàng ngày, văn thì những sự kiện tiêu biểu, còn thơ thì ghi lại những dấu ấn trong tim.
Nói như vậy cũng có ý nghĩa tương đối toát lên một cái chung đó là thơ cũng phản ảnh hiện thực, phản ánh thế sự nhưng cái cách phản ánh của thơ nó khác văn ở chỗ một bên phản ánh hiện thực bằng cái hình hài cụ thể còn một bên phản ảnh bằng cái dấu ấn mà nó để lại trong tâm trạng, trong suy nghĩ.
Chỉ mấy câu thơ tâm trạng nhưng Chế Lan Viên đã khái quát được đầy đủ một thời kỳ, một xã hội mà nhà thơ đang sống: Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả / Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn! / Trái cây rơi vào áo người ngắm quả / Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn / Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ / Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn. (Tổ Quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?), cũng chỉ một câu thơ Ngoài thềm rơi chiếc lá đa / Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng (Cây) của Trần Đăng Khoa, thể hiện cái vẻ đẹp của làng quê Việt, tình yêu con người với thiên nhiên đặc biệt từ cái linh hồn tạo vật qua xúc cảm tinh tế của tác giả đã thể cuộc sống ung dung thanh thản của con người Việt Nam trong chiến tranh… Hiện thực trong thơ là hiện thực tâm trạng, là cái bóng của hiện thực ngoài đời là vậy!
Thơ của Nguyễn Quang Thiều xoay quanh các chủ đề chính mà ý nghĩa hiện thực, màu sắc thế sự cũng như thái độ tích cực của ông bộc lộ rất rõ. Đó là những hiện thực tâm trạng được thể hiện qua tình yêu quê hương xứ sở, là tình yêu gia đình, tình yêu đối với cái đẹp, sự phê phán cái ác, cái xấu… Những nội dung được thể hiện bằng một lối nói mới mẻ, ông thường sử dụng lối kết cấu phi tuyến tính cùng cách xây dựng hình tượng giàu yếu tố siêu thực cho đến nhạc điệu tự do, ngôn ngữ tạo sinh…, luôn tạo một dấu ấn khác lạ trong tiếp nhận của bạn đọc.
Nhà thơ của Xứ Chùa cổ kính mang nặng những nỗi niềm về cảnh và người nơi mình sinh ra. Quê hương là một cảm xúc lớn thường xuyên trong các tập thơ ông. Bài thơ Lễ tạ (Châu thổ), một bài thơ triết lý sâu xa về quê hương, tứ bài thơ xoay quanh hai biểu tượng hồ nước và con đường. Con đường từ đất quê ra đi, để mong tìm được những giải đáp nhân sinh, tìm được con đường mơ ước, nhưng để rồi câu giải đáp lại ở chính nơi đất quê, nơi “hồ nước cũ” từ đó anh ra đi! Chính cái triết lý giản dị mà sâu sắc này bao nhiêu thế hệ suy tư, xúc cảm. Cám ơn đất quê đã dạy ta bao điều trong cuộc sống để ta trưởng thành. Lễ tạ là lời tạ ơn của con người đối với quê hương, với cha ông.
Cảm nhận về quê hương trong tập thơ mới có khi gián tiếp xa xôi nhưng nồng nàn sâu lắng: Bầu trời rộng lớn / Đang nở mùa pháo hoa / Muôn màu rực rỡ /… Có những người lặng lẽ / Đi dưới cánh đồng pháo hoa / Trong lòng họ cũng đang nở / Một mùa hoa.. (Âm bản).
Và lan tỏa trong tình yêu quê hương là Mẹ – hình ảnh tiêu biểu thân thương nhất Áo xưa mẹ vẫn còn đây / Đêm đêm con mặc vào ký ức (Thư gửi mẹ), là Cha: Cha đã qua tuổi sáu mươi mỗi ngày con lại thấy / Cha gần hơn với chân trời… và lại thấy xa con hơn một chút / Trong không gian số phận những con đường (Cha về trong áng mây bay), là tình yêu đứa cháu nhỏ: Siêu nhân, tàu hỏa, khủng long… / Những đồ chơi của cháu không bao giờ có tuổi / Chỉ có một đồ chơi của cháu / Mỗi ngày một già / Và thi thoảng tỉnh giấc / Nằm nhớ chủ nhân của mình / Đang ngủ ở tầng trên (Đồ chơi của cháu nội). Cùng với một tình cảm đồng loại chân thành tha thiết: Dưới tán cây chiều nay hai người im lặng / Những hạt cây xếp bên nhau chuẩn bị khai mùa / Và bầy chim mỏ ngà từ trời xanh đậu xuống / Tán cây vàng / Nhặt họ / Bay đi (Những hạt cây).
Cảm xúc lớn về sự đa dạng đời sống nổi lên khá đậm trong thơ ông cũng như trong quan niệm thẩm mỹ về thi ca mà nhiều lần ông nói đến. Nhật ký người xem đồng hồ của Nguyễn Quang Thiều trình bày cho ta nhiều mảng màu đời sống. Ông viết về những người thân trong gia đình ông bà, cha mẹ, các con cháu, ông viết về bạn bè, những người quen trong làng xóm, những người chồng, người vợ đã mất con, người điên chạy trong đêm tối, ông viết về cố hương và cả những miền đất lạ, ông viết về những cánh đồng và mùa màng ở nông thôn thời đổi mới, ông viết về cuộc sống thường nhật và cả trong những giấc mơ…
Những hình tượng đan xen nói nhiều đến đời sống cộng đồng trong tập thơ này, từ những ô cửa sổ, những dòng sông, những con cá, những con chim, những đám mây, chuyến đò ngang, những cánh đồng, phiên chợ chiều… đến các em bé, các bà mẹ, Tất cả đều là những biểu hiện của sự sống, họ sống hết mình trong cuộc sống với nhiều va đập nhưng tràn đầy nhân ái, lạc quan, kể cả trước chết chóc, mất mát.… Và một người mở cửa / Cười trong hoa góc vườn / Ngôi nhà vừa nhóm lửa / Mùa đã về reo vang” (Người mở cửa buổi sáng).
Những bài thơ như những bức tranh minh họa rõ nét cho chủ đề Cái đẹp – một cảm xúc nhân văn đa dạng trong một thế giới đa chiều – không phải ở những hội hè, những thành tựu mà chính ở những vất vả, gian truân mà con người âm thầm vượt qua số phận để tồn tại. Tất cả là một tập đại thành về cái thế giới hiện hữu vận động và tồn tại… Đó là cái đẹp của thế giới trong cảm quan nhân văn Nguyễn Quang Thiều mà ông nhiều lần nhắc đến.
Về hình thức nghệ thuật, khuynh hướng nổi bật cách tân ở thơ Nguyễn Quang Thiều tạo một đổi mới đập vào cảm quan người đọc, thoáng qua là cách nói, là sự biểu cảm ngôn ngữ một cách mới lạ trên phương diện cú pháp cũng như từ vựng các nhà nghiên cứu đã nhắc đến.
Nhưng chiều sâu căn bản, theo chúng tôi, trầm tích bên dưới những hình ảnh khác lạ, ngôn ngữ tân kỳ là thủ pháp sáng tạo có sắc màu hư ảo siêu thực tạo sự khác lạ đầy tinh thần duy mỹ, trong chừng mực đã có một sự găp gỡ về lối “cảm nhận huyền ảo” giữa văn học truyền thống dân tộc và phương Tây hiện đại.
Ta bắt gặp các hình ảnh thật lạ trong các câu thơ: …Hai cánh tay đưa lên / Hai cành cây đang mọc…/ Gương mặt thì mở ra / Hoa đang nở trái mùa / Trên cánh đồng đầy tóc (Phạm Long Quận….) hay: Thịt da như là quả / Ngọt dần trong tiếng người /…Chăn gối tan như sương / Người đàn bà ngủ muộn…(Dậy muộn), hoặc là:
…Khi đôi mắt Kya mở ra / Bầu trời ngập tràn ánh sáng / Khi giọng Kya vang lên / Trong các vòm cây chim hót / Khi tay Kya xòe ra / Những cánh đồng hoa bùng nở / Và khi Kya ngậm bầu bú mẹ / Có những dòng sông ngủ quên trong đất / Gió thức dậy và tuôn chảy…” (Ngày Kya ra đời).
Nguyễn Quang Thiều, theo chúng tôi, ở một phương diện nào đó đã dung hợp những yếu tố hư huyễn có sẵn trong truyền thống thẩm mỹ dân tộc, điều mà chúng ta cảm nhận rõ là cái quan niệm “vạn vật hữu cảm”, “vạn vật hữu linh” trầm tích ở các tranh khắc, ở các phù điêu nơi đình chùa cũng như trong thơ ca dân gian với các thủ pháp nghệ thuật lạ hóa siêu thực khá phổ biến của nghệ thuật phương Tây hiện đại! Nó tô đậm vóc dáng hình tượng trong thơ cũng như tranh của ông.
Thơ ông khá mới, nền thơ nào muốn phát triển cũng cần những nhà thơ tiên phong đi trước dẫn đường cho đội ngũ và nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ cho công chúng. Tuy nhiên cái mới, cái đẹp nó khác cái xa lạ với thị hiếu thẩm mỹ công chúng! Cái mới chỉ thực sự có giá trị khi được công chúng tiếp nhận, rung động được trái tim công chúng.
Đúng là trên mặt đất nơi nào cũng có thơ “đại địa văn chương tùy xứ kiến”, cụ Nguyễn Du đã nói thế, nhưng không phải một cảm hứng bất chợt nào cũng là thơ, như câu thơ ông viết …Và trên một đám mây ngũ sắc / Làm bằng quần áo và khăn / Một người đàn ông và một người đàn bà / Làm tình cả khi đã chết (Mây ngũ sắc), có thể mải mê với cái lạ mà tác giả quên cái “gu” thẩm mỹ của công chúng, hay như lời mở của tập thơ: “Những bài thơ tôi viết trong tập thơ này để xác lập tôi trong thời khắc ở không gian của tôi và chỉ vừa chứa đủ tôi mà không có khả năng thêm một ai vào đó nữa. Cùng lúc đó bạn xác lập bạn ở một không gian khác trong cùng một thời khắc với tôi. Chúng ta luôn bình đẳng và luôn khác biệt. Chỉ với tinh thần ấy chúng ta mới có thể xác lập được nền độc lập của mình”.
Tác giả nghĩ đề cao “sự độc lập” trong sáng tạo “xác lập tôi trong thời khắc ở không gian của tôi và chỉ vừa chứa đủ tôi” sẽ tạo giá trị của tác phẩm nhưng liệu có thể có sự độc lập trong các sản phẩm tinh thần nhất là văn chương đặc biệt như trong một không gian xã hội dân chủ đầy tính cộng đồng như văn hóa chúng ta hay chỉ tự cô lập hóa thơ mình! Thơ phải tìm đến tâm hồn đồng điệu, tìm đến với công chúng mới có sức sống! Các thi bá xưa nay đều mong thơ mình đến các hang cùng ngõ tối, người ta chỉ cần biết thơ mà có thể quên tên tác giả.
Tiếp cận nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều, ta như vừa trải nghiệm một thế giới đa tầng đa phương, một vũ trụ nhân sinh chứa đựng nhiều phức điệu của cuộc đời và con người, xen lẫn những nghịch lý và phi lý. Trên cái nền hiện thực đời sống nhà thơ gửi gắm đức tin vào cái đẹp của cuộc đời.
Đó cũng chính là nét triết lý nhân sinh trầm tích bên dưới các tác phẩm của ông, cái điều mà thế kỷ trước trong sự nhiễu nhương của cuộc sống nhà văn nổi tiếng F. Dostoyevsky (1821- 1881) đã nói “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Đó chính là giá trị hiện thực và cách tân của thơ ông.
Nguồn: https://znews.vn/the-gioi-da-tang-trong-tho-nguyen-quang-thieu-post1447115.html
You must be logged in to post a comment Login