Connect with us

Sách hay

Người đàn bà lái máy cày

Được phát hành

,

Mùa thu, Thoan nhận được công cày ở những khoảnh ruộng lớn ngay cạnh khe Kèm. Ngoài Thoan, một vài tổ máy khác, hầu hết là đàn ông, cũng làm việc này.

Một nửa làm đầy thế giới là tập truyện ngắn gồm 19 tác phẩm được tuyển chọn từ một cuộc thi viết về phụ nữ do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM tổ chức.

Các tác phẩm này đã vẽ nên chân dung, những vấn đề mà người phụ nữ trong xã hội hiện nay phải đối mặt.

Được sự đồng ý của NXB Văn hóa – Văn nghệ TP. HCM, Zing trích đăng một số truyện trong sách.

Thoan vốn là cô gái miền xuôi ven biển. 17 tuổi, cô quen, yêu và theo người đàn ông lái máy cày hơn mình mười tuổi phiêu dạt tới vùng thung sâu này.

Ngày đó, bố mẹ Thoan từng khóc hết nước mắt vì con gái. Nhà Thoan là lương dân, quyết định về nhà chồng, cô buộc phải cải đạo.

Tình yêu đã vượt lên tất cả, Thoan cam chịu cực khổ để được ở bên người đàn ông này. Cu Hiếu ra đời năm Thoan tròn 18. Vài tháng sau, bố Hiếu về với ông bà tổ tiên, để lại cho hai mẹ con khoản nợ lớn cùng chuỗi dài cơ cực phía trước.

Cũng từ lúc chồng mất, Thoan như trở thành một con người khác. Chiếc máy cày – công cụ lao động duy nhất nuôi sống cả gia đình được chồng Thoan để lại.

Nhiều lúc vì túng quẫn, Thoan đã tính bán đi. Thoạt nghĩ, để lại cũng chẳng làm gì được, trong khi Thoan lại là phụ nữ chân yếu tay mềm, khó có thể bắt con trâu già bằng sắt ấy nghe theo ý mình trên những đồi đất trơ cằn đá sỏi này. Nhưng Thoan đã quyết định và đã làm được.

Bà mẹ góa vừa tròn đôi mươi trở thành người đàn bà lái máy cày duy nhất trong cả cái vùng thâm sơn cùng cốc rải rác ba, bốn trăm nóc nhà với hàng ngàn đỉnh đồi.

Sau gần chục năm lái máy cày, bà quả phụ ở tuổi sắp sửa ba mươi trở thành tay cự phách nhất nhì trong vùng. Những món nợ trước đó do bố chồng và chồng để lại dần được trả hết. Về cuộc sống hàng ngày, ba mẹ con bà cháu không quá nhiều lo lắng.

Cô đã có một khoản kha khá để lo cho thằng Hiếu đi học, cũng như bà mẹ chồng già thường xuyên đau yếu. Riêng cuộc sống hạnh phúc riêng sau gần chục năm ở góa, Thoan vẫn chưa dám nghĩ đến. Cô không muốn cảm thấy có lỗi với người chồng đã khuất núi.

Dịp mùa thu, Thoan nhận được công cày ở những khoảnh ruộng lớn dưới thung, ngay cạnh khe Kèm. Ngoài Thoan ra, cũng có một vài tổ máy khác, hầu hết là đàn ông.

Có một lần, đang giữa buổi trưa, sau khi ăn vội bữa cơm mang theo, Thoan xuống khe Kèm tắm rửa.

Cô nhẹ nhàng chuồi xuống lòng khe như một con rái cá. Nước khe Kèm về mùa thu trong vắt, có thể nhìn thấy bàn chân chạm đáy cùng những cọng rong đuôi chồn phe phất.

Khi Thoan đang mải mê theo đuổi những ý nghĩ vẩn vơ thì có tiếng sột soạt từ phía ruộng ngô. Thiêm – người đàn ông trong một vài lần Thoan có lướt qua – đứng sững như trời trồng ngay mé nước.

Thoan vội vàng lên bờ, ôm chặt chiếc áo lao động và lao vào những ruộng ngô xanh mơn mởn. Mặt đỏ lựng vì giận dữ hoặc xấu hổ. Phía sau người đàn ông mới quen vẫn đang tạc tượng chính mình.

Sau lần ấy, mỗi lần xuống khe Kèm tắm, Thoan đều mong ngóng một ánh nhìn, hay một tiếng sột soạt phía vô hình nào đó. Mỗi lần như thế, cô lại cảm thấy dằn vặt trước những ý nghĩ tội lỗi của mình.

Sach Mot nua lam day the gioi anh 1

Sách Một nửa làm đầy thế giới. Ảnh QM.

Cũng những lần sau đó, dù có phải lem luốc dầu mỡ vì sửa máy cày hay không, cứ đến giờ nghỉ trưa, Thiêm lại đi về khúc khe vô định. Thoan vẫn ngượng ngùng và bẽn lẽn như vậy. Vẫn dáng chạy tất tưởi cùng đôi tai đỏ lựng.

Từ đó, Thoan bắt đầu tìm hiểu khéo về Thiêm. Ba mươi hai tuổi, một thân một mình gà trống nuôi con. Dù hiền lành như cục đất, Thiêm từng đi tù 5 năm vì một lý do ít người biết đến.

Vợ anh chết trong trận lũ rừng cách đây hàng chục năm về trước. Con trai duy nhất cũng ngang tầm tuổi Hiếu. Nhà Thiêm ở tả ngạn, ven con khe Kèm này. Vào một đêm giữa rằm, mới nhập nhoạng tối mà vầng trăng đã như mâm vàng lơ lửng trên nền trời xám. Thoan cố cày đêm cho xong nốt khoảnh ruộng bù công để ngày mai chủ đất gieo ngô vụ mới.

Khi cô hoàn thành đường cày cuối cùng, Mặt trăng cũng đã chênh chếch mé đồi già. Thấy trong người bí bức, Thoan định bụng xuống khe Kèm tắm. Cả cánh đồng thung sâu, không một bóng người.

Thoan lao xuống lòng khe nhẹ nhàng như vầng trăng ẩn mình giữa chùm mây lớn. Có tiếng rột roạt tiến lại gần. Thoan bắt gặp ánh nhìn của Thiêm.

Thoan chạy lên bờ. Nhưng không phải để ôm chiếc áo bạc màu, cáu bẩn. Cô ôm chầm lấy Thiêm. Vòng tay anh chắc nịch, siết lại.

Không hiểu sao, câu chuyện Thoan quen biết Thiêm đến tai bà mẹ chồng trái tính. Từ hôm đó, bà cấm cô con dâu đi cày cánh đồng mạn dưới.

Trừ những lúc đi nhà thờ, cứ ở nhà ngồi bên bậu cửa, bà cụ vừa nhai trầu phèn phẹt vừa chửi rủa cô con dâu không ngớt mồm. Nào là người đàn bà lăng loàn, không giữ đạo hạnh. Mất nết, thất tiết, báng bổ thần thánh, chúa trời. Nào là quen quân vô đạo, vào tù ra tội.

Nhiều khi trong những cơn đau mê dại, người phụ nữ dùng chính sự bất hạnh của bản thân để soi chiếu cuộc đời. Họ không muốn người phụ nữ khác hạnh phúc hơn mình. Vốn quen với tính tình bà cụ, Thoan cũng không để tâm đến. Cô vẫn lặng lẽ làm việc nhà và dạy Hiếu học bài. Bao nhiêu năm nay, bà cụ vẫn ám ảnh việc một ngày nào đó con dâu sẽ đi bước nữa.

Một ngày sát Tết, Thiêm đánh con min-khơ chở theo thằng con trai cùng đôi gà sống đến nhà Thoan. Thiêm và Thoan xin phép bà cụ về chuyện của hai người. Điều lạ là bà không hề đồng ý, hay phản đối.

Cũng chả nói câu gì, chỉ lẳng lặng đi đến ban thờ thắp hương cho người chồng quá cố cùng đứa con trai độc đinh đoản mệnh. Xong bà lẳng lặng đi vào buồng trong.

Mùa xuân năm ấy, Thoan và Thiêm cưới nhau. Hôm đó, mẹ chồng Thoan ở lại nhà thờ cả ngày. Mùa thu, Thoan sinh cho Thiêm một đôi công chúa xinh xắn, mắt đen lay láy như những hạt đỗ rừng.

Đầy tháng, vợ chồng Thoan đưa hai con gái nhỏ lên nhà thờ đá nhờ mẹ chồng làm lễ rửa tội. Dù dọn về nhà Thiêm, Thoan vẫn không bỏ đạo.

Thiêm thiết kế hẳn cho vợ một gian thờ Chúa ngay trong ngôi nhà của anh, sát cạnh với ban thờ ông bà tổ tiên. Thiêm cũng sửa sang cơi nới thêm hai gian buồng rộng rãi với ý định sẽ mời mẹ chồng cũ của Thoan về sống cùng để tiện thăm nom các cháu.

Vốn côi cút từ bé nên Thiêm xem bà cụ như mẹ ruột của mình vậy. Những con người bất hạnh tựa vào nhau mà làm nên hạnh phúc.

Và chính niềm hạnh phúc của Thoan đã dần cảm hóa bà cụ, giúp bà hồi tâm chuyển ý dọn về ở hẳn trong gian buồng sát vách phòng cu Hiếu và đứa con riêng của Thiêm.

Nguồn: https://zingnews.vn/nguoi-dan-ba-lai-may-cay-post1144398.html

Sách hay

Nghĩ lớn để thành công

Được phát hành

,

Bởi

Sách tiết lộ bí quyết, tư tưởng dám nghĩ lớn để thành công của Donald Trump, đồng thời truyền tải một phong cách sống, làm việc quyết liệt, kiên định, luôn hướng về phía trước của ông.

Trong sách “Nghĩ lớn để thành công”, Donald Trump tiết lộ ông không chỉ thừa hưởng trí tuệ mà còn học hỏi được rất nhiều điều từ người cha gốc Đức của mình.

Tôi đã hiểu được tầm quan trọng của sự đam mê nhờ cha mình. Cha tôi đã dạy tôi mọi thứ liên quan đến xây dựng, nhưng bạn có biết điều tôi thực sự học được từ ông là gì không?

Đó là niềm đam mê trong công việc. Cha tôi yêu công việc và ông không ngại làm việc cả thứ bảy và chủ nhật. Có lần, cha tôi tiến hành xây dựng một khu chung cư trong khi bên kia đường cũng có một khu nhà tương tự đang được xây dựng.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là thời gian hoàn thành và chi phí xây dựng công trình của cha tôi ít hơn mà khu nhà lại đẹp hơn khu nhà đối diện rất nhiều. Tôi đã học được từ ông rằng làm việc với niềm đam mê thật sự sẽ khiến ta vô cùng hạnh phúc và không bao giờ cảm thấy mệt mỏi.

Nhờ có cha mà tôi đã tìm thấy niềm đam mê trong công việc của mình. Tôi say sưa làm việc đến nỗi mỗi đêm chỉ ngủ từ 3 đến 4 giờ đồng hồ và luôn mong trời mau sáng để được bắt tay vào công việc.

Một trong những niềm đam mê mãnh liệt nhất của tôi là thực hiện những vụ thương lượng quan trọng. Tôi thích tham gia và giành chiến thắng trong các cuộc thương lượng. Tôi muốn áp đảo đối thủ và giành những quyền lợi béo bở về mình. Tại sao ư? Vì chẳng có cảm giác nào tuyệt vời hơn thế, thậm chí với tôi, cảm giác đó còn hơn cả ham muốn tình dục dù rằng tôi cũng là người thích tình dục.

Khi đạt được mục đích thương lượng của mình, khi cuộc đàm phán diễn ra theo chiều hướng mình mong muốn, bạn sẽ có cảm giác rất tuyệt. Có thể bạn đã nghe nhiều người nói rằng một cuộc đàm phán thành công là khi cả hai bên đều đạt được mục đích của mình. Điều đó thật phi lý. Đàm phán thành công có nghĩa bạn là người chiến thắng, chứ không phải đối phương. Trong các vụ thương lượng, tôi muốn đạt được một chiến thắng tuyệt đối. Đó chính là lý do tại sao tôi có thể thành công trong nhiều cuộc thương lượng quan trọng đến vậy.

Một niềm đam mê lớn lao khác của tôi chính là tạo nên những công trình xây dựng tuyệt đẹp, và đó cũng là đam mê dẫn dắt tôi đến thành công như ngày hôm nay. Phát triển xây dựng và bất động sản được coi là lĩnh vực có những yêu cầu rất khắt khe. Lĩnh vực này đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối và không được phép lơ là bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây tổn hại cho rất nhiều người.

Bất kỳ sơ suất nào cũng không được chấp nhận. Nhưng tôi yêu thích những thử thách mà một công việc đòi hỏi sự kỹ lưỡng và chính xác mang lại. Tôi nghĩ tôi đã làm tốt được công việc đó bởi tôi thực sự yêu thích nó. Và tôi đã áp dụng “chân lý” này trong mọi việc mình làm.

Donald Trump anh 1

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Tôi nhớ ở Tổ chức Trump có một nhân viên luôn thắc mắc không hiểu tại sao chúng tôi phải mất nhiều thời gian đến thế cho việc kiểm tra các công trình đã được hoàn thiện. Dù tên tuổi đã được khẳng định và các công trình do chúng tôi xây dựng đều được nhiều người biết đến và đánh giá cao, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện việc kiểm tra hết sức kỹ lưỡng.

Người nhân viên kia đã không hiểu được rằng chúng tôi làm việc đó để luôn đảm bảo rằng các công trình của mình phải đạt tiêu chuẩn tốt nhất và luôn duy trì được những tiêu chuẩn đó. Có thể với người khác đây là điều không cần thiết nhưng với chúng tôi, đó lại là điều vô cùng quan trọng.

Tôi thích mua những mảnh đất chưa được ai đầu tư và tự mình biến chúng trở thành cái gì đó thật nguy nga và tráng lệ. Vẻ đẹp và sự tao nhã, bất kể ở một người phụ nữ hay một tác phẩm nghệ thuật, đều là niềm đam mê của tôi. Cái đẹp không phải ở vẻ bề ngoài hay thứ gì đó chỉ để ngắm nhìn. Cái đẹp chính là một sản phẩm mang phong cách và được toát lên từ tận sâu bên trong. Với tôi, niềm đam mê cái đẹp luôn song hành với những thành công đã đạt được. Tôi muốn cả hai.

Khi đến văn phòng của mình trong tòa nhà Trump ở thành phố New York, tôi rất thích ngắm nhìn khu đại sảnh tráng lệ mà mình đã tạo nên. Tôi thích chứng kiến đám đông trầm trồ thán phục trước bức tượng cẩm thạch tuyệt vời cùng thác nước nhân tạo đẹp ngoạn mục cao gần 25 mét.

Tôi thích chứng kiến sự hưởng ứng mang cảm xúc, sự trầm trồ kinh ngạc và thái độ trân trọng của mọi người trước vẻ đẹp lạ thường của tòa nhà. Cảm giác của tôi và của họ cộng hưởng với nhau. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng tôi thấy gần gũi với họ hơn, bởi đó chính là cảm giác tôi đã từng có khi xây tòa nhà Trump này.

Nguồn: https://znews.vn/bi-mat-thanh-cong-cua-trump-tri-tue-vuot-troi-tu-gia-toc-duc-post1510769.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Kinh tế học tốt và kinh tế học tồi trong một thế giới bất ổn

Được phát hành

,

Bởi

Cuốn sách “Kinh tế học thời khó nhọc” của hai nhà kinh tế từng đoạt Nobel đưa ra các ý tưởng và giải pháp để xây dựng một xã hội nhân văn hơn.

Sau Hiểu nghèo thoát nghèo, bộ đôi nhà kinh tế học Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo từng chiến thắng Nobel năm 2019 tiếp tục cho ra mắt một cuốn sách bàn về kinh tế cho những người làm chính sách cũng như người bình thường mơ về một thế giới tốt đẹp và lành mạnh.

Cuốn sách Kinh tế học thời khó nhọc đưa ra giải pháp thuyết phục dựa trên chủ nghĩa can thiệp thông minh và một xã hội lấy lòng trắc ẩn và tôn trọng lẫn nhau làm cốt lõi khi thế giới đang được vận hành trên sự bất ổn.

Sach kinh te anh 1
Cuốn sách Kinh tế học thời khóc nhọc. Ảnh: NXB Trẻ.

Kinh tế học tồi bóp méo tranh luận công khai

Kinh tế học thời khó nhọc gồm 9 chương chính, đưa ra cách nền kinh tế đang vận hành như thế nào trước những vấn đề chung của nhân loại như tình trạng nhập cư và nạn phân biệt đối xử, quá trình toàn cầu hóa và sự sụp đổ của công nghệ, tốc độ tăng trưởng chậm và biến đổi thời tiết…

Một trong những tranh luận nổi bật nhất của nước Mỹ nói riêng cũng như các nước phát triển nói chung là vấn đề dòng người nhập cư. Phần lớn mọi người cho rằng dòng người nhập cư ồ ạt đổ vào đất nước của họ sẽ làm ảnh hưởng đến cư dân địa phương.

Cuốn sách đưa ra dẫn chứng về các cuộc di cư trong lịch sử chứng minh rằng dòng người đó không hề cướp mất việc làm của người bản xứ, thay vào đó giúp vạch trần những lỗ hổng trong dịch vụ công và nhà ở xã hội mà chính sách của quốc gia đó đang thực thi.

Qua đó, mọi người có thể thấy được việc nhập cư có vẻ có lợi cả với dân nhập cư lẫn dân địa phương. Nguyên nhân này bắt nguồn từ bản chất dị biệt của thị trường lao động và gần như không ăn khớp với câu chuyện cung cầu phổ thông.

Kinh tế học tồi tạo ra cơ sở cho việc tặng người giàu những món quà hào nhoáng, siết chặt các chương trình phúc lợi, đồng thời rao giảng ý tưởng nhà nước bất lực và tham nhũng, trong khi người nghèo thì lười biếng. Từ đó mở đường cho tình trạng bất bình đẳng và sự giận dữ khôn nguôi từ phần đông bộ phận người lao động nghèo.

Kinh tế học tốt trong thế giới bất ổn

Nhiệm vụ hàng đầu của Kinh tế học thời khó nhọc là làm thế nào để những hiểu biết sâu sắc này của hai nhà kinh tế học mang lại một thế giới nhân đạo hơn.

Một cuốn sách chỉ ra những trường hợp khi chính sách kinh tế thất bại, khi ý thức hệ che mắt khiến con người bỏ qua những điều hiển nhiên, nhưng cũng đồng thời cho thấy những hoàn cảnh và nguyên do mà kinh tế học tốt đã tỏ ra hữu dụng, nhất là trong thế giới ngày nay.

Khi con người tôn trọng lẫn nhau và giàu lòng trắc ẩn, mong muốn những điều tốt đẹp vì lợi ích chung là lúc kinh tế học tốt được thực thi.

Kinh tế học tốt đẩy mạnh việc phát thuốc kháng virus cho bệnh nhân HIV ở các nước đang phát triển để đảm bảo xét nghiệm được rộng rãi hơn và cứu sống hàng triệu sinh mạng. Cũng nhờ kinh tế học tốt mà sự ngu dốt và ý thức hệ đã bị đánh bại, giúp cho màn tẩm thuốc diệt côn trùng được phát miễn phí tại châu Phi, nhờ đó giảm một nửa số trẻ em bị tử vong do sốt rét.

Sach kinh te anh 2
Hai nhà kinh tế học Abhijit V. Banerjee (trái) và Esther Duflo. Ảnh: IMF.

Những nhà kinh tế vì người nghèo

Trước Kinh tế học thời khó nhọc, Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo từng nổi tiếng với cuốn sách Hiểu nghèo thoát nghèo. 2

Vậy nên, là những nhà kinh tế chuyên nghiên cứu các nước nghèo, hai tác giả hiểu rõ được thực trạng nền kinh tế đang diễn ra ra sao, đặc biệt là ở những quốc gia họ từng sống và làm việc. Họ cũng ý thức sâu sắc được rằng thực tế đáng chú ý nhất trong 40 năm qua là tốc độ thay đổi của nền kinh tế cả theo chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Kinh tế học thời khó nhọc bàn về cả các vấn đề cũng như cách thức để sửa chữa thế giới này, với hy vọng mang đến sự cân bằng và bình đẳng hơn giữa các quốc gia.

Kinh tế học tưởng tượng ra một thế giới năng động mà không có rào chắn ngăn cản. Kinh tế học là những ý tưởng, chúng có thể thúc đẩy để thay đổi. Khi các nhà kinh tế học sẵn lòng thử nghiệm các ý tưởng và giải pháp, cho dù có làm sai hay đúng, miễn là đưa đến cái đích tối thượng, chính là xây dựng một thế giới nhân văn hơn.

Nguồn: https://znews.vn/kinh-te-hoc-tot-va-kinh-te-hoc-toi-trong-mot-the-gioi-bat-on-post1509322.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Sách về tình thầy trò của hai vị tướng nhận hai đề cử Sách Quốc gia

Được phát hành

,

Bởi

“Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã viết về ông Ba Quốc như vậy trong sách “Người thầy”.

tinh bao anh 1
Ông Ba Quốc (ngồi) và thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Tư liệu.

Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một tác phẩm giá trị về cuộc đời người tình báo, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc).

Trong cuốn sách Người Thầy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã khắc họa sâu sắc mối quan hệ đặc biệt giữa ông và người thầy đáng kính – Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc). Cuốn sách không chỉ kể lại những câu chuyện xúc động mà còn chứa đựng những bài học sâu sắc về lòng trung thành, sự hy sinh và ý chí phụng sự đất nước.

Cuốn sách Người thầy cho ta thấy mối quan hệ của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Ba Quốc – Đặng Trần Đức không chỉ đơn giản dừng lại ở mức độ thầy trò.

Ông Ba Quốc đã rèn luyện cho người lính trẻ Nguyễn Chí Vịnh biết, hiểu mọi thứ về nghề tình báo. Khi tác giả Nguyễn Chí Vịnh mới ở Việt Nam sang Campuchia ông cho làm ở Phòng N, sau xuống đội X, là đội nhận những nhiệm vụ quan trọng nhất của phòng.

Sau nhiều thử thách thì làm trợ lý trực tiếp cho ông Ba, rồi những bữa cơm chiều rỉ rả chuyện đời thường ông Ba kể chuyện cho học trò nghe về mọi điều đã trải qua trong đời mình, chuyện đời thường nhưng sau mỗi câu chuyện là kinh nghiệm, cách làm việc, đối nhân xử thế… đều là những bài học quý với thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

tinh bao anh 2
Sách Người thầy.

Kể hành trình dọc biên giới phía Bắc những năm còn chiến tranh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho thấy hình ảnh một người thầy tình báo can trường, đầy trách nhiệm.

Trong một lần di chuyển qua biên giới, khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị đổi vị trí ngồi vì lo ngại pháo kích, ông Ba Quốc đã khẳng định dứt khoát: “Không, tôi ngồi ghế trước.” Hình ảnh ông ung dung trên ghế trước trong bối cảnh biên giới căng thẳng là minh chứng sống động cho tinh thần dũng cảm và trách nhiệm của một người lính tình báo.

Đối với tướng Nguyễn Chí Vịnh, những câu chuyện bên bếp lửa tại nhà người dân ở Lạng Sơn hay những ngày rong ruổi trên đường số 4 đã trở thành những ký ức không thể phai mờ. Trong khoảnh khắc giản dị đó, ông Ba Quốc đã có dịp chia sẻ nhiều bài học từ kinh nghiệm thực chiến, từ lý tưởng sống cho người học trò.

Thông qua những câu chuyện quá khứ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được biết sâu hơn về con người ông. Đó là tình cảm sâu kín của người tình báo vĩ đại với đồng chí, đồng đội, với những người trong gia đình…

Cho đến những năm tháng cuối đời, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn ở bên người thầy của mình. Vào lúc đó, ông Ba đã tâm sự: “Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một”. Với ông, tình yêu chỉ có một là tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước có độc lập và hòa bình, người dân được hưởng hạnh phúc.

Cuộc đời của ông Ba Quốc không chỉ là tấm gương sáng về trí tuệ và bản lĩnh mà còn là bài học nhân văn sâu sắc. Cuối cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết: “Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Tình thầy trò giữa ông Ba và Thượng tướng Vịnh mãi mãi là biểu tượng của tình yêu, lý tưởng và sự hy sinh vì tổ quốc.

Với những giá trị to lớn, cuốn sách Người thầy đã được đề cử ở hai hạng mục là Sách được bạn đọc yêu thích và Sách Văn học – Nghệ thuật tại giải Sách Quốc gia 2024.

Nguồn: https://znews.vn/sach-ve-tinh-thay-tro-cua-hai-vi-tuong-nhan-hai-de-cu-sach-quoc-gia-post1512302.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng