Những năm sau chiến tranh, của nả ruộng vườn hư hao mất mát, hào quang của quá khứ không thể biến thành những đồng tiền mới để mua được thức ăn nước uống hàng ngày.
Mệ nội tôi vận hành cả nhà bằng niềm tin, bằng nền kinh tế tự cung tự cấp đúng chuẩn thời đại. Bà bán đủ thứ, từ buồng cau, nải chuối trong vườn đến những mẻ bánh thuẫn nướng bằng lò than tỏa hơi hầm hập. Vậy mà, chúng tôi chưa từng một lần nghe bà than thở về vật giá ngoài chợ hay củi ướt trong nhà.
Đôi tay thô sần suốt ngày không rảnh của bà có biệt tài hóa phép tất cả cây trái tầm thường trong vườn thành món ngon, biến sắn khoai hèn mọn thành những thức ăn gây háo hức cho bữa lỡ, buổi xế.
Anh em chúng tôi một lòng tin rằng khoai ngào đậu đỏ, sắn chấm muối mè, chè bí đỏ đậu xanh… là những món ăn chơi cho vui thôi chớ không phải để thỏa cơn thiếu ăn của bọn con nít tuổi ăn tuổi lớn. Càng không thể ngờ rằng tép rang, dưa chuối, vả trộn… là những món độn tiết kiệm tiền.
Trong mâm cơm của mệ nội luôn có vô số món khoái khẩu được huy động từ vườn trước nương sau, từ bắp chuối, khế chua đến dưa cà, đu đủ…
Tất cả được chế biến sáng tạo đủ kiểu nóng hổi, thơm phức khiến cảm giác phủ phê no đủ tỏa khắp cả nhà, từ dưới bếp ra sau vườn, lên nhà trên, tràn ra đường cái.
Bà dùng cái bếp để điều hành cả nhà, cho nên đó không phải bếp thông thường, mà là một triều đại, chúng tôi là những thần dân của bà.
Nhiều món ăn do bà nấu đã trở thành chuẩn mực, làm thước đo để đánh giá mức độ thuần thục khéo tay cho cả đám đàn bà con gái trong nhà.
Tác giả cuốn sách Những người đàn bà phi thường. Ảnh: Q.M. |
Ba tôi kể hồi ông còn ở tù vì tham gia phong trào thanh niên Phật giáo tranh đấu, người nhà vào thăm nuôi nhưng không được gặp mặt, chỉ cho gởi đồ đạc tiếp tế vào.
Nhìn nồi cá kho khô nhiều ớt trái là nước mắt ông trào ra, vì ông biết mạ ông đang đứng bên ngoài. Màu sắc, mùi vị của nó ấm dậm, da diết đến nỗi dù có ở đỉnh cao thành đạt hay khúc bần cùng tù tội, ông cũng thấy không có chi ngon bằng.
Mệ nội tôi là kiểu đàn bà kinh điển của vùng đất này, lấy việc phụng sự gia đình chồng làm sự nghiệp. Xuất thân khuê môn nhưng bà không có dáng vẻ yểu điệu quý phái kiểu mệnh phụ.
Thay vào đó là một phẩm chất chính trực và chắc chắn kiểu võ biền, có lẽ được thừa hưởng từ người cha võ sư gốc Quảng. Bà già can trường ấy một tay chặn hết nhiễu nhương thời cuộc ngoài cửa ngõ, một tay vun vén trong nhà, cùng với mạ tôi xây cho chúng tôi cái tháp ngà êm ấm mà cả bọn tưởng là đương nhiên có sẵn.
Với chồng cũng vậy, tất cả ý muốn của ông nội tôi đều được bà toàn tâm toàn ý thực hiện, bất kể đó là những phút giây yên tĩnh đọc sách hay là một bữa tụ tập huyên náo bạn bè. Không hiểu trái tim của người đàn bà ngày xưa được cấu tạo bởi vật chất gì mà họ một lòng một dạ thờ chồng như thế.
Tôi nhớ có lần mâm cơm dọn lên không được ôn đụng đũa, bà phải tìm tòi đủ thứ khó nhọc để thay lên một mâm cơm mới. Ông nội tôi vốn là con một nhà quan, ý nhị và khảnh ăn kinh khủng.
Món ăn dù là bình dân hay quyền quý thì cũng phải đúng bài đúng vị, hàn nhiệt phải hài hòa hỗ trợ nhau. Món nào lại có kiểu chén dĩa riêng của món ấy. Nên bà tự tay mình làm hết, cả những món bản thân không ăn được, miễn là chồng thấy ngon miệng. Đổi lại, bà được chồng và cả nhà chồng nể trọng.
Những người đàn bà như mệ nội hay mạ tôi, tập tính nuôi con nên góc nhìn bé nhỏ. Họ không cần biết chiến sự đã xoay trở ra sao, đàn ông đang âm mưu vẽ lại bản đồ thế giới như thế nào, cuộc chiến của họ đơn giản là giữ lấy mái nhà cho bầy con của mình.
Họ lấy sức chịu đựng làm vũ khí bí mật, nội tâm bao dung làm sức mạnh, để chiến đấu với cuộc đời.
Về phần mạ tôi, bà tin rằng người con dâu trong một tiền kiếp nào đó là con ruột của mẹ chồng, kiếp này tìm về để lại làm con cho thỏa những vui buồn còn nuối tiếc. Họ cùng chia sẻ một niềm tha thiết cho cả đại gia đình với những mối quan hệ họ hàng chằng chéo ân nghĩa.
Mệ nội tôi tuy là đàn bà nhà quê, bà đặc biệt ham thích văn nghệ. Những dịp mùa hè, có đội chiếu bóng lưu động về chiếu phim, bà tranh thủ nấu nướng cho tụi tôi ăn tối từ lúc bốn giờ chiều – để dọn rửa sớm mà đi cho kịp buổi chiếu.
Bà dắt tụi tôi đi bộ mấy cây số, vừa đi vừa động viên sắp tới nơi rồi, còn một chút nữa thôi. Đến bãi đất trống của làng kế bên, bà lót tấm nylon bới theo để tụi tôi ngồi cho sạch sẽ, rồi phát cho mỗi đứa đủ thứ đồ ăn vặt, nào mía, nào bắp, bánh tráng, khoai khô đã chuẩn bị sẵn từ chiều.
Ký ức về những người đàn bà kinh điển của điện ảnh Việt trong Chị Dậu, Bãi biển đời người, Về nơi gió cát, chúng tôi có được là nhờ bà. Ngược lại, mỗi khi có đoàn cải lương hay kịch nói nào ra Huế biểu diễn là mạ tôi lại ra bến đò nhắn về làng để mệ nội thu xếp lên coi.
Bên hông chợ Đông Ba, ngay dưới chân cầu Gia Hội là một bến đò dọc tấp nập lên xuống chở người và hàng về các xã vùng biển. Ngay hôm sau là mệ nội tôi lên tới, hai mạ con dắt nhau đi coi những Lá sầu riêng, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt…Về không lần nào là khỏi khóc sưng mắt sưng mũi thương cái cô đào chánh khổ gì mà khổ quá.
Những ngày chợ ế, mạ tôi hay đem chuyện mẹ chồng mình ra kể cho hội chị em chạy chợ như một câu chuyện cổ tích có thật, làm ai nấy đều ngưỡng mộ.
Câu chuyện giữa hai người đàn bà xa lạ cùng yêu thương một người, ở giữa là một khoảng cách thế hệ và những quan niệm khác biệt mà cuộc đời sắp đặt lại bên nhau, yêu thương nhau, là thành tựu, là niềm tự hào của mạ tôi. Và bà tin rằng đó là món quà quý giá nhất mà số phận đã dành tặng.