Hai nhân vật Lila và Lenù trong phần ba series phim chuyển thể của HBO. Ảnh: HBO. |
Người bạn phi thường là tác phẩm đầu tiên thuộc bộ tiểu thuyết Neapolitan gồm bốn cuốn của Elena Ferrante. Tiểu thuyết mở đầu khi Elena Greco, hiện đã ngoài sáu mươi, hồi tưởng và suy ngẫm về tuổi thơ vào những năm 1950, khi Lenù (tên gọi tên thân mật của Elena) và Lila Raffaella Cerullo là đôi bạn thân thiết không rời.
Người bạn phi thường không kể một câu chuyện dễ thương, ấm áp dạy những điều tốt đẹp về tình gia đình, tình bạn thường được viết hướng đến giáo dục trẻ nhỏ. Đây càng không phải môtíp cổ tích với những xấu tốt, thiện ác phân định rạch ròi qua những hành động, lời nói của nhân vật.
Trái lại, cuốn sách khắc họa nội tâm phong phú của những đứa trẻ lớn lên trong khu phố lao động nghèo ở Italy hậu thế chiến, nơi giáo dục là một điều xa xỉ và người lớn đôi khi hành động phi lý. “Tôi không hoài niệm về tuổi thơ bởi nó chỉ đầy rẫy bạo lực”, Elena viết.
Nỗ lực để không bị bỏ lại phía sau
Sách Người bạn phi thường. Ảnh: T.A. |
Như tên sách đã gợi ý, chủ đề lớn nhất bao trùm tiểu thuyết là tình bạn giữa hai cô bé Lenù và Lila: một mối quan hệ mà trong dòng hồi tưởng của Lenù dường như chỉ nổi bật lên những cạnh tranh, song cũng hàm chứa rất nhiều yêu thương và gắn bó.
Cuốn sách ghi chép về tình bạn giữa Lina và Lenù, song cũng hệt như hồi ký của Lenù. “Tôi” soi rọi cuộc đời mình trên cuộc đời bạn, dùng đó làm phông nền và làm cả tấm gương để phóng chiếu cuộc đời mình. Ở những trang đầu của tiểu thuyết, Elena gợi nhớ về khoảnh khắc khởi đầu của tình bạn này, khi bàn tay Lila sáu tuổi chìa ra với mình ở một cầu thang tối: “Cử chỉ này đã thay đổi mọi thứ giữa chúng tôi, thay đổi mãi mãi”.
Buộc phải thôi học sau cấp một vì gia đình thiếu thốn, nhưng Lila vẫn tiếp tục con đường học tập của mình – không nhờ đến một người thầy nào ngoài những cuốn sách em đều đặn mượn từ thư viện bằng bốn chiếc thẻ đứng tên các thành viên trong gia đình. Quan sát và gặng hỏi xem Lenù học gì ở trường, Lila liền đón đầu, tự học trước bạn. Bố mẹ Lenù không nhiệt tình với việc cho con gái theo đuổi con đường học hành, nhưng khác với phụ huynh của Lila, họ nhượng bộ trước cô giáo Oliviero.
Qua lời kể của nhân vật “tôi” Lenù, Lila thuở ấu thơ là một thiên tài. Tư chất thông minh của Lila bộc lộ từ sớm, tách biệt em với những học sinh giỏi còn lại. Nỗ lực tự học của em có thể giải thích bằng hai lý do: một là bản chất hiếu tri; hai là mong muốn theo kịp bạn để bù đắp lại hoàn cảnh của mình.
Lila giúp Lenù vượt qua những khó khăn vấp phải trên con đường học vấn, thậm chí là nhân tố quyết định để khích lệ, dìu dắt Lenù không phải thôi học sau những năm đầu ở trước cấp hai. Thành tích của Lenù được bạn bè, thầy cô biết đến và công nhận nhưng sự xuất sắc của Lila không còn được ai biết đến, ngoại trừ Lenù.
Lenù chưa bao giờ vượt qua được “nỗi sợ rằng nếu lỡ mất những mảnh đời của cậu ấy, cuộc đời của tôi sẽ mất đi sức mạnh và tầm quan trọng của nó”. Giờ đây nhìn lại Lenù vẫn thấy ngày ấy “chẳng ai có thể cạnh tranh, Lila dường như nằm ngoài tầm với, như chiếc bóng ngược sáng đầy mê hoặc”.
Bản thân Lila dường như không hình dung được những áp lực mình đã vô tình tạo ra cho cô bạn thân. Chính Lenù có lẽ chỉ khi đã trở thành một người có khả năng “đọc sách và tư duy độc lập” về sau nhìn lại mới lý giải được những xung đột ngầm trong tình bạn này.
Nhưng đây chính là tình huống “áp lực tạo nên kim cương” khi những bước đệm ban đầu trong quãng thời gian học tiếng La-tinh, tiếng Hy Lạp, đọc sách cùng Lila đã tạo nền tảng vững chãi cho Lenù trên con đường học vấn.
Một ví dụ điển hình cho thấy tác động lớn lao của sự cạnh tranh, áp lực đồng trang lứa đến quá trình hình thành nhân cách và trưởng thành của trẻ nhỏ, thậm chí có phần sâu sắc hơn ảnh hưởng từ môi trường gia đình, trường lớp. Đặc biệt, khi sự cạnh tranh này không được người lớn nhận biết và can thiệp, lại dẫn đến những hệ quả sâu sắc khác.
Môi trường quyết định số phận
Trong câu chuyện này, hình bóng Lila bao trùm tuổi thơ của Lenù bao nhiêu thì vai trò của gia đình Lenù lại càng mờ nhạt bấy nhiêu. Như mọi đứa trẻ khác, những nhu cầu căn bản em được hưởng đều do sự quyết định của bố mẹ, song ngoại trừ một số khoảnh khắc quyết định chủ yếu liên quan đến việc cho Lenù đi học hay là không, thì phần còn lại, Lenù nhớ về gia đình Lila còn nhiều hơn gia đình mình.
Nếu như Lenù là hình mẫu “con ngoan trò giỏi” điển hình thì Lila lại ngỗ nghịch từ bé, tạo dựng được một hình ảnh riêng giữa những bạn gái và sẵn sàng đáp trả những hành động bạo lực của bọn con trai. Tuy vậy, trong gia đình mình Lila cũng không thể “nổi loạn” như bản chất vốn có mà dần gò ép mình vào nếp sống mặc định cho người như em, chấp nhận hoàn cảnh và sau rốt, đi con đường “truyền thống” hơn mọi bạn bè: lấy một tấm chồng có thể đảm bảo tương lai cho mình và người thân.
Kể cả lần đầu tiên tách khỏi nhau sau nhiều năm kè kè nhau ở khu phố, Lenù trong chuyến đi nghỉ ở một hòn đảo xa xôi cũng không thể ngơi nghĩ về Lila đang kẹt với những lo toan ở ngôi nhà tăm tối của mình. Tuy vậy, khi trở về Lenù ngộ ra “không còn tìm được mục tiêu nào gắn kết hai số phận của chúng tôi”, nhận thức rõ rằng mình và bạn đã trên hai con đường khác biệt nhau đến thế nào.
Hai nhân vật Lila và Lenù trong phần một series phim chuyển thể của HBO. Ảnh: HBO. |
Đây là điểm làm bật lên vai trò quyết định của môi trường gia đình, xã hội: một người có xuất phát điểm học thuật xuất sắc và tinh thần tự học bển bỉ nhưng nếu không được tạo điều kiện, bị hoàn cảnh vùi dập thì sau rốt khó lưu giữ và phát huy được những tư chất ban đầu. Trong khi đó, dù khởi điểm chỉ ở mức trung bình, tương đối nhưng qua thời gian mài giũa thì một cá nhân hoàn toàn có thể rèn luyện mình trở thành người học sâu hiểu rộng.
Lenù không được định hướng rõ ràng về con đường theo đuổi tri thức trải rộng phía trước với một cô bé có thành tích nổi bật như mình. Do đó, so sánh bản thân với Lila, Lenù lạc trong những chất vấn về cuộc đời và những giá trị nội tại, chất chồng thêm những mối lo vốn đã có từ trước về ngoại hình, về sức hút, về cá tính riêng.
Lối kể chuyện hấp dẫn với những tình tiết xoay chuyển liên hồi gần như không ngơi nghỉ, song song đó là sự đào sâu phân tích tâm lý, hành động của nhân vật mang lại giá trị văn chương lớn cho tác phẩm.
Ở những năm tháng tuổi thành niên quan trọng nhất, khi nhận thức và những giá trị quan liên tục được xây mới – phá vỡ và cực kỳ mong manh trước những tác động ngoại cảnh, cả Lila và Lenù đều hoang mang, chới với và đôi khi dẫn đến những quyết định non nớt, vội vàng. Hai cô bé mười sáu tuổi dẫu có yêu thương và hết lòng vì nhau đến đâu, cũng không bảo vệ được bản thân trước những cám dỗ.
Tác giả có lối kể chuyện hấp dẫn với những tình tiết xoay chuyển liên hồi gần như không ngơi nghỉ, song song đó cũng đào sâu phân tích tâm lý, hành động của nhân vật khiến tác phẩm có những giá trị văn chương nhất định. Kết thúc gây ngỡ ngàng của phần một trong bộ tiểu thuyết này là một điểm tạm dừng vừa gợi nhiều suy ngẫm, vừa gây tò mò cho những diễn biến tiếp theo trong ba tập còn lại.
Người bạn phi thường đã đứng đầu trong cuộc bình chọn 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 của The New York Times, khiến cuốn sách trở thành hiện tượng trên văn đàn thế giới chỉ sau một đêm. Hai cuốn sách khác trong bộ tiểu thuyết cũng lọt vào danh sách này là The Story of the Lost Child (tạm dịch: Chuyện về đứa trẻ thất lạc) và The Days of Abandonment (tạm dịch: Những ngày bị bỏ rơi). Dẫu vậy, tác giả Elena Ferrante đến giờ vẫn là một ẩn số, một trong những tác giả kín tiếng nhất của thế kỷ mạng xã hội này.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login