Sách “Khu tập thể hạnh phúc”. Ảnh: Baodansinh. |
Cho Chang In là nhà văn đương đại được yêu thích tại Hàn Quốc. Ông chinh phục độc giả xứ kim chi bằng những câu chuyện ấm áp và cảm động về tình cảm gia đình, ý nghĩa của tình yêu chân chính. Bạn đọc Việt Nam biết tới tác giả qua tiểu thuyết Bố con cá gai. Mới đây, một tác phẩm khác của ông là Khu tập thể hạnh phúc đã được dịch sang tiếng Việt.
Gia đình lớn không cùng huyết thống
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là cậu bé Woo Dong Dong, 12 tuổi. Từ khi chào đời, đứa trẻ ấy chưa một lần được nhìn thấy mặt cha. Sáu năm trước, Dong Dong lại phải xa mẹ. Trong thời gian đó, cậu bé được những người hàng xóm tốt bụng ở khu tập thể Hạnh Phúc săn sóc, đùm bọc.
Mọi người nói với Dong Dong rằng mẹ của cậu đang sống ở Paraguay. Hàng ngày, đứa trẻ tội nghiệp ấy vẫn tìm kiếm đất nước Nam Mỹ xa xôi kia trên bản đồ. Trong mắt mọi người, Dong Dong chẳng khác nào trẻ mồ côi.
Dù không được ở bên cha mẹ, nhưng chú bé ngoan ngoãn luôn được sống trong tình yêu thương. Cậu có một gia đình lớn rất đặc biệt, đó là những người láng giềng ở khu tập thể Hạnh Phúc. Họ đã chăm sóc đứa trẻ ấy trong suốt sáu năm qua, ân cần chẳng khác nào người thân trong gia đình.
Buổi sáng, bà Vẹo sẽ nấu cơm cho Dong Dong ăn. Nếu cậu bé không thích cá cơm rang hay canh rong biển mà bà chuẩn bị, bà sẽ càu nhàu vài câu, rồi cho Dong Dong thêm một quả trứng để trộn vào cơm. Còn cả chị An tốt bụng, thường hay cho cậu đồ ăn vặt và dặn chú bé cẩn thận mỗi khi tới trường. Tình cảm ấy chẳng khác gì sự ân cần mà người chị gái dành cho cậu em trai.
Dong Dong cũng dành cho chú Ai Ưa một lời cảm ơn tận đáy lòng. Đó là một người đàn ông chậm phát triển trí tuệ, ngốc nghếch nhưng lòng tràn đầy yêu thương. Lần nào gặp Dong Dong, chú Ai Ưa nhất định cõng cậu bé lên phòng 301, dù anh bạn nhỏ kiên quyết nói rằng mình đã lớn và có thể tự leo cầu thang một mạch lên tới tầng ba.
Câu chuyện của Dong Dong và những người hàng xóm trong khu tập thể Hạnh Phúc là một hành trình trưởng thành đầy ắp cảm xúc. Dù nhận được rất nhiều tình yêu thương của những người xa lạ, nhưng cậu bé vẫn cảm thấy trống trải, vì nỗi nhớ mẹ khôn nguôi. Bao giờ mẹ mới trở về, đó là câu hỏi luôn thường trực trong lòng đứa trẻ tội nghiệp.
Nhà văn người Hàn Quốc Cho Chang In. Ảnh: Trung tâm văn hóa Hàn Quốc. |
Bức tranh số phận và nội tâm sống động
Mỗi nhân vật trong Khu tập thể Hạnh Phúc đều mang trong mình một câu chuyện khiến người đọc day dứt. Đó là Dong Dong, một đứa trẻ luôn nhớ về mẹ, băn khoăn lo sợ bị mẹ bỏ rơi, ngày nào cũng sống trong hy vọng và chờ đợi.
Bà Vẹo thì ngược lại, ở cái tuổi gần đất xa trời, người mẹ ấy không biết có đợi được con trai mình ra tù hay không. Mười năm với một bà lão là quãng thời gian quá dài.
Ở khu tập thể ấy còn có một người chồng thiểu năng, ngày nào cũng ngóng mưa với mong mỏi người vợ đã bỏ đi sẽ quay trở về. Độc giả làm sao quên được một người cha luôn ngóng tin cô con gái từ Hawaii xa xôi, ông đã nhiều lần lên kế hoạch đi thăm con gái, nhưng cứ chần chừ mãi, hết lần này tới lần khác.
Những con người tội nghiệp ở khu tập thể mang tên Hạnh Phúc ấy chưa từng được nếm trải hạnh phúc một cách trọn vẹn. Họ sống một cuộc đời đầy khó khăn, nỗi buồn luôn nhiều hơn niềm vui. Thế nhưng, mọi người vẫn không ngừng nuôi hy vọng và tin vào ngày mai.
Cho Chang In là một nhà văn tinh tế và tỉ mỉ trong cách xây dựng nhân vật và tình huống truyện. Mỗi con người xuất hiện trong trang văn của ông đều có nét đặc sắc riêng, cá tính và không lẫn lộn. Họ góp phần làm nên bức tranh xã hội độc đáo trong tác phẩm.
Nhà văn rất khéo léo khi “dẫn dụ” người đọc bằng những chi tiết bất ngờ và giàu sức gợi, khơi lên trí tò mò của độc giả, được cài cắm xuyên suốt tác phẩm. Cuốn tiểu thuyết là một câu chuyện mang tính hành trình, người đọc khó mà đoán được Cho Chang In sẽ dẫn họ tới đâu.
You must be logged in to post a comment Login