Chúng ta nên sống với tình yêu thương. Ảnh: istockphoto. |
Tháng 2 năm 2016, cậu bé hai tuổi người Nigeria đã khiến cả thế giới xót xa khi xuất hiện trong một bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội. Em bé với thân hình còi cọc, đứng trần truồng giữa phố đang được Anja Ringgren Loven, một tình nguyện viên người Đan Mạch, cho ăn bánh quy và uống nước.
Cậu bé, được đặt tên là Hope (Hy vọng), đã bị chính gia đình của mình và dân làng ruồng bỏ, xa lánh vì bị cho là “phù thủy”. Cậu bé đã phải ăn rác để sống sót qua ngày suốt tám tháng trời.
“Lúc được chúng tôi cứu, Hope đang trong tình trạng tồi tệ. Cậu bé bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và mắc rất nhiều bệnh. Hai tuần đầu nằm viện, cậu bé luôn ở trong tình trạng nguy kịch. Chúng tôi thậm chí còn không biết cậu bé có vượt qua nổi hay không”, Anja xót xa kể lại.
Sau khi câu chuyện của Hope được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, quỹ từ thiện mang tên em nhanh chóng nhận được số tiền quyên góp lên đến 150.000 đôla (khoảng 3,7 tỷ đồng) chỉ trong hai ngày. Anja thậm chí đã vượt qua cả Tổng thống Barack Obama, được vinh danh là “Người truyền cảm hứng nhất thế giới” năm 2016.
Sau khi được giải cứu, Hope đã được Anja đưa về Land of Hope – tổ chức từ thiện được cô thành lập tám năm trước. Ở đây, cậu bé được chăm sóc và yêu thương, bên cạnh ba mươi bốn đứa trẻ bị bỏ rơi khác. Sau sáu năm được cưu mang và dạy dỗ, Hope đã có sự thay đổi ngoạn mục.
Tại Land of Hope, cậu bé được ăn uống đầy đủ, được đến trường học hành và có nhiều bạn bè thân thiết. Mẹ nuôi Anja chia sẻ rằng Hope thích chơi thể thao, năng nổ tham gia các trò chơi vận động tại mái nhà tình thương của mẹ nuôi. Đặc biệt, Hope còn nhiều lần đại diện cho đội của mình tham dự thi đấu.
Lòng yêu thương nuôi dưỡng tâm hồn con người. Ảnh: FNs. |
“Hope hiện rất khỏe mạnh và rất thích đi học. Thằng bé rất thông minh và có đam mê nghệ thuật. Hope thật sự có năng khiếu ở môn vẽ và nhiều bức tranh của thằng bé còn được hỏi mua. Mọi người ở đây thường gọi thằng bé là Picasso nhí”, Anja nói thêm.
Từ khi về sống tại Land of Hope, Hope chưa từng gặp lại cha mẹ ruột và tổ chức từ thiện này cũng không thể liên lạc được với bất cứ người họ hàng nào của em. Dù có khởi đầu gian nan, hiện Hope đã có thể vui vẻ xem lại bức ảnh chụp lại khoảnh khắc em được mẹ Anja tìm thấy.
“Thằng bé thường xuyên chỉ vào bức ảnh và mỉm cười như thể đang thấy rất tự hào”, Anja nói. “Nhưng tôi biết đó không phải là sự tự hào. Trẻ em sinh ra vốn đã có khả năng tha thứ vô điều kiện và không có định kiến. Chúng tôi nuôi dưỡng Hope là để thằng bé thù hằn cha mẹ mình – những người đã bỏ rơi em, buộc tội em là phù thủy và bỏ rơi em trên phố cho đến chết ư?
Không, tất nhiên là không. Mê tín dị đoan là hậu quả của việc không được giáo dục đàng hoàng, sự nghèo đói cùng cực, sự cuồng tín và nạn tham nhũng. Không xã hội nào có thể phát triển nếu người dân ở đó bị tước đoạt các quyền cơ bản của con người như quyền được tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội”.
Dù mới tám tuổi nhưng nhờ sự dạy dỗ đúng đắn của mẹ mà Hope rất trưởng thành, chững chạc. Cậu bé hiểu được sự thù hận là một gánh nặng chỉ khiến con người thêm đau khổ, bất hạnh. Hope rất chăm chỉ, cố gắng học tập và luôn trao tình yêu của mình đến với những người thân yêu. Cậu bé từng tâm sự rằng bất kỳ ai trong chúng ta cũng nên sống với tình yêu thương và san sẻ tình yêu thương ấy đến với mọi người.
You must be logged in to post a comment Login