Phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945. Nguồn: VOV. |
Nhà thơ Huy Cận là một trong những chứng nhân đặc biệt của lịch sử. Ông là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) vào kinh đô Huế để dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Ông cũng là người được giao nhiều trọng trách trong Chính phủ lâm thời như: Bộ trưởng (trẻ nhất) không giữ bộ nào (ra mắt quốc dân ngày 2/9/1945), Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên (tháng 11/1945), Bộ trưởng kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ Cách mạng lâm thời (tháng 12/1945)…
Trong cuốn Hồi ký song đôi, tập 2: Đổi thay và kiên định, ông có nhiều trang viết về Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những ngày đầu với tư cách người trong cuộc.
Giải quyết những vấn đề cấp bách
Trong hồi ký, Huy Cận cho biết sau ngày 2/9/1945, tình hình rất căng thẳng, phức tạp và chứa đựng nhiều nguy cơ, vận nước nghìn cân treo sợi tóc. Chính phủ lâm thời đã họp ngay ngày 3/9 và họp liên tiếp hàng ngày đến cuối tháng 9.
Có rất nhiều vấn đề quan trọng cấp bách cần giải quyết. Đầu tiên là chống nạn đói. Ngay cuộc họp 3/9, Chính phủ đã phải giải quyết vấn đề gạo cho Bắc Bộ. Xác định hiệu Tiến Lợi ở 132 phố Charron có gạo chở trong Nam ra 292 tấn và ở các nơi khác 5.000 tấn. Hội đồng quyết định chủ hiệu phải bán cho Chính phủ 3/4 số gạo, còn 1/4 thì được phép bán ra ngoài. Hội đồng còn phải lo việc vận tải từ Nam ra Bắc.
Hồi ký của Huy Cận cũng cho biết về tình hình tài chính thời đó. Người Nhật đã chở tiền Đông Dương ở Nhà băng Đông Dương đi nơi khác. Tuy vậy, Chính phủ cũng cố gắng trả lương cho công chức; tổ chức Quỹ độc lập; ban hành Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; và cho xuất bản tờ Công báo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Một việc quan trọng cần phải làm gấp là triệu tập Quốc hội. Theo Huy Cận, ngay trong phiên họp 5/9, Chính phủ đã quyết định triệu tập Quốc hội trong vòng 2 tháng. Số đại biểu dự kiến khoảng 500 người. Chính phủ cũng xác định tuy dân trí còn kém, nhưng ta vẫn chủ trương phổ thông đầu phiếu: nam nữ, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn không phân biệt, cứ 18 tuổi trở lên là có quyền bầu cử và ứng cử.
Đến phiên họp ngày 13/9, Chính phủ đã đặt ra một Ủy ban tổng tuyển cử để quy định thể lệ tuyển cử rồi công bố với quốc dân. Cùng việc đặt ra Ủy ban Tổng tuyển cử, Chính phủ cũng lập ra Ủy ban Dự thảo Hiến pháp.
Về y tế, theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình rất khó khăn: thiếu y sĩ, dược sĩ, thiếu thuốc và tiền. Những người có chuyên môn phần nhiều ra làm chính trị, Trường thuốc chưa mở kỳ thi. Vì vậy Chính phủ bàn nên cấp cho sinh viên năm thứ 6 một giấy chứng nhận để họ đi chữa bệnh. Nếu cần thì yêu cầu các ông y sĩ đang nghỉ ra giúp Chính phủ.
Về kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà đã đề nghị bãi bỏ tất cả luật lệ trước kia do người Pháp đặt ra để bênh vực quyền lợi của họ và một số luật lệ ngăn cản sự chế tạo, sản xuất… Hội đồng Chính phủ giao cho Bộ Kinh tế dự thảo sắc lệnh nghị định về những việc này.
Về giáo dục, cuộc họp ngày 12/9, Bộ Giáo dục báo cáo các kỳ thi đều hoãn; Ngày 1/10 sẽ khai giảng các trường trung học, học sinh không phải nộp học phí. Ông Vũ Đình Hòe Bộ trưởng Bộ Giáo dục đề nghị lập ra Hội đồng cố vấn học chính và cử ra một số nhân sự nằm trong hội đồng này.
Một việc cũng rất quan trọng khác là Hội đồng Chính phủ cũng quyết định tổ chức Tuần lễ vàng và cử các đại biểu của Chính phủ đi dự Tuần lễ này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3/9/1945. Ảnh: TTXVN. |
Đối phó với các thế lực và đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn
Về đối phó với người Pháp theo đuôi người Anh, trong phiên họp ngày 12/9, Hội đồng Chính phủ bàn hai cách đối phó: Một là ngoại giao, hai là tuyên truyền cổ động, tổ chức huấn luyện thêm quân lính.
Ở Sài Gòn có sự xung đột giữa người Pháp và người Việt Nam, các Bộ đề nghị Chính phủ ta khuyên dân chúng tránh những cuộc xung đột ấy. Đồng thời cử người vào Nam xem xét tình hình và liên lạc với Ủy ban nhân dân Nam Bộ.
Ta cũng phản kháng việc quân đội Anh chiếm trụ sở của Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Ngày 13/9, Chính phủ điện vào nói với phái đoàn Anh về việc vi phạm chủ quyền của ta và đề nghị họ làm việc với Ủy ban nhân dân Nam Bộ.
Về đối phó với quân đội Tàu (quân Tưởng Giới Thạch), Huy Cận cho biết, lúc đầu quân đội Tàu vào Lào Cai, Lạng Sơn rất tử tế. Nhưng liền sau đó gây rắc rối, hạ quốc kỳ của ta xuống. Dân chúng phản đối kịch liệt và không bán gạo cho. Họ phải thay đổi thái độ cho treo cờ của ta lên.
Hồi ký của Huy Cận cũng cho biết, trong những ngày đầu, Chính phủ lâm thời còn xem xét rất nhiều việc quan trọng và cấp bách khác như: việc tổ chức đền chùa và nhà thờ, việc tổ chức các sở, việc sản xuất đạn dược, việc quốc gia ngân hàng, đường dây thép và điện thoại, việc giải tán các hội phản động, việc bãi bỏ nhân viên ở sở kiểm duyệt Bắc bộ, việc Hội Văn hóa cứu quốc…
Tóm lại, qua hồi ký của nhà thơ Huy Cận – một trong những chứng nhân đặc biệt của lịch sử – chúng ta thấy được một núi công việc và hàng loạt vấn đề cấp bách, có ý nghĩa sống còn đặt ra cho Chính quyền Nhà nước cách mạng non trẻ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Tuy nhiên, với mong muốn xây dựng một xã hội mới, đề ra và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều quyết sách đúng dắn, đặc biệt là giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đưa nước nhà vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách.
You must be logged in to post a comment Login