Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ là những khám phá của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền về TP.HCM – quê hương thứ hai của bà. Đó cũng là tình cảm, sự lưu luyến của tác giả gửi gắm vào thành phố này cùng những vùng miền mà bà đã đi qua, với những điều lắng đọng, trìu mến.
1
Từ lúc học trò còn ôn thi cuối năm, mỗi khi hẹn bạn cà phê tôi chẳng cần suy nghĩ mà nói ngay địa điểm Cà phê 30 tháng 4 Dinh Thống Nhất. Lý do tôi thích ngồi nơi đây, khoảng thời gian này, là chỉ để được nghe tiếng… ve kêu inh ỏi, đôi khi muốn điếc tai!
Điều nữa, từ Nguyễn Thị Minh Khai ầm ào tiếng xe, vừa rẽ vào Huyền Trân Công chúa là thưởng thức được dàn hợp xướng ve sầu đến hết con đường râm mát, một cảm giác rất khác lạ. Tuy nhiên, tôi thì thích vậy, nhưng bạn tôi lại than phiền nghe ve kêu… nhức đầu quá!
Tôi lên Google tìm kiếm loài côn trùng này, thấy trên một diễn đàn có người bảo rằng không thích tiếng ve, mùa nóng nực, công việc dễ khiến mệt mà ve kêu điếc đầu thật… muốn điên!
Liền có người khác bình luận trêu, ve cũng nóng nên nó kêu cho… mát, cũng như có người bực bội quá phải lên diễn đàn xả stress vậy mà. Kèm theo loạt icon mặt cười!
Sách Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ. |
Ngồi nhấm nháp ly cà phê trong không gian ngợp tiếng ve khiến tôi nhớ những mùa hè ở thành phố nhỏ của tôi, hầu như nơi nào cũng có tiếng ve. Chỉ cần vài cây to, bóng mát là đã nghe chúng râm ran suốt ngày.
Mùa phượng, mùa ve sầu, mùa chia tay, biết bao kỷ niệm tuổi học trò. Với những người không có chuyên môn về côn trùng học thì ve kêu báo hiệu mùa hè, xếp sách vở, mùa thi…
Cha mẹ có điều kiện cho con đi chơi đâu đó, về quê, còn đa phần lại tiếp tục học hè. Có cha mẹ thoải mái khi hè đến thì cũng không ít cha mẹ than thở chuyện vừa phải “chăm” con mùa hè lại thêm việc đưa đón học ngoại khóa, trái giờ, trái giấc.
Thế nhưng, với các nhà khoa học thì rạch ròi đâu ra đó, loài côn trùng vô hại này được trời ban cho chức năng quyến rũ bạn tình vào mùa hè.
Con đực ra sức kêu để dụ con cái, chúng “tạo âm thanh bằng cách rung hai cái ‘loa làm bằng màng mỏng, phát triển từ lồng ngực, có những vòng sườn bên trong được co giãn thật nhanh, làm rung màng mỏng, tạo sóng âm thanh để mời gọi ve cái”. Và, “ve cái không tạo được âm thanh nhưng cũng có hai cái màng hai bên mình chỉ dùng để ‘nghe‘ ve đực hát và bị dụ dỗ”.
Vậy là đã rõ, đó chỉ là mùa chuẩn bị sinh sản của ve sầu, loài côn trùng của mùa hè nhưng con người dành cho bài ca ve bao mỹ từ, dành cho tuổi học trò và mùa phượng.
Có thể bởi con người biết rằng mọi thứ sẽ qua nhanh lắm nên phải tận hưởng những giây phút đáng nhớ trong cuộc đời để sau này còn có thể nhớ lại những kỷ niệm đẹp nhất!
2
Cuối tuần rồi tôi hẹn bạn là một giáo viên đến Cà phê 30 tháng 4, nói thêm với bạn là ra đó nghe tiếng ve ồn ào lắm nha. Chỉ hơn tuần không đến mà thật khác vì hoàn toàn không còn tiếng ve. Tự nhiên tôi thấy hẫng!
Tôi hỏi cô bé phục vụ ve hết kêu khi nào vậy? Cô bé ngớ ra một lúc và có lẽ hơi buồn cười vì câu hỏi của tôi, cô ấy bảo hết hè rồi nên ve không còn kêu nữa.
Tôi nhìn phía sân chơi có nhiều trẻ em và cha mẹ và nói với cô bé ấy rằng chỉ mới nửa mùa hè.
Cô bé phục vụ cười quay đi, chắc cô cho là tôi lẩn thẩn. Mà tôi cũng lẩm cẩm thật, cô bận rộn như vậy lấy đâu ra tâm trí và hơi sức để chú ý đến tiếng ve?
Bạn tôi mới tủm tỉm cười: “Lũ ve sầu đi học hè hết rồi nên chúng không còn hát nữa”.
Ừ nhỉ, chẳng cần nhà khoa học nào giải thích đã qua mùa giao phối của ve, câu trả lời của bạn tôi, một giáo viên dạy văn là… chính xác nhất!