Mùa hè rực rỡ là chủ đề cho nhiều cuốn sách. Nhưng đọc những tác phẩm ấy, ta không chỉ thấy nắng vàng, nước trong, gió mát… được tái hiện, mà còn khám phá những thông điệp về thời gian, về tình thân, về mối tình đơn phương ấp ôm trong lòng.
Sách Thân gửi mùa hạ. Ảnh: Ehome Books. |
Thân gửi mùa hạ
Thân gửi mùa hạ kể những câu chuyện nhỏ, bình dị diễn ra xung quanh cuộc sống của gia đình ba người: Bà nội, bố và Sophia trên một hòn đảo thuộc vịnh Phần Lan trong một mùa hè.
Tác phẩm không kể một câu chuyện với những phần thắt nút, mở nút và gửi thông điệp qua lớp nghĩa rạch ròi. Nhưng cuốn sách nhỏ hấp dẫn bạn đọc bằng ngôn từ miêu tả giàu hình ảnh. Đôi khi người đọc không được nghe câu chuyện nào, mà chỉ thấy mình đang dành mọi giác quan để cảm nhận mùa hè được tác giả mô tả khéo léo.
Những mẩu chuyện nhỏ nhặt thường ngày được kể, như việc hai bà cháu Sophia trốn bố đi đến hẻm núi và tắm, chuyện về con mèo thích săn chim, chuyện về những ngày giữa mùa hè…
Thân gửi mùa hạ là những chuyện của mùa hè vùng Bắc Âu, nhưng những diễn biến nội tâm của nhân vật, những cuộc trò chuyện… cho thấy chiêm nghiệm về thời gian: “Khi gió tây nam thổi, người ta có thể dễ dàng cảm thấy ngày tháng cứ gối đầu, thay phiên nhau mà không có mấy đổi thay hoặc sự kiện rõ ràng, cả ngày lẫn đêm đều từa tựa nhau trong tiếng gió thì thầm”.
Cuốn sách kết thúc khi những ngày tháng tám đến và mùa hè sắp sửa qua đi, bà của Sophia ngồi bên đống củi và nghe nhịp tim mình. Mùa hè như một biểu trưng của những gì hiện hữu giữa vòng quay của thời gian, và con người, vạn vật cũng vậy…
Hạ đỏ
Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh thường viết về tuổi mới lớn, những mối tình trong trẻo, nhưng không tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Hạ đỏ cũng kể một câu chuyện tình, đó là câu chuyện tình đơn phương mang đậm hương sắc mùa hè.
Hạ đỏ kể về một mùa hè đặc biệt của Chương. Sau kỳ thi vào lớp 10, cậu được bố mẹ cho về quê nghỉ. Cậu kết giao với nhiều bạn mới, khám phá những trò chơi dân giã, được dạy võ và trải nghiệm mùa hè chốn đồng quê.
Trên tất cả, Chương được biết Út Thêm – cô gái dịu dàng, răng khểnh. Chương viết “thư tình” gửi Út Thêm, nhưng cô không đọc được chữ, vì gia đình đông anh chị em, cô chỉ được học tới lớp 2 và đến giờ đã quên hết chữ nghĩa.
Chương quyết định dạy chữ cho hai chị em Út Thêm. Công việc khiến cậu trở nên vui vẻ, hòa giải sự đối đầu của đám trẻ ở hai xóm.
Tới khi Út Thêm biết đọc, biết viết cũng là lúc Chương về thành phố. Cậu quyết định ôm theo tình cảm đơn phương mà không thổ lộ. Kết truyện buồn man mác, nhưng để lại dư vị sâu đậm trong lòng bạn đọc về một mùa hè nhiều cung bậc cảm xúc.
Sách Khu vườn mùa hạ. Ảnh: Sachnhanam. |
Khu vườn mùa hạ
Tác phẩm của Kazumi Yumoto kể về Kiyama, Yamashita và Wakabe, ba cậu học sinh lớp 6, bị ám ảnh bởi những suy nghĩ về cái chết và hồn ma. Vào đầu mùa hè, cả ba cảm thấy tò mò và quyết định theo dõi một cụ già sống gần đó, để xem ông cụ sẽ chết như thế nào, xem liệu có một thế giới của những người chết hay không…
Cuộc gặp gỡ với “ông cụ” đã khiến kế hoạch của ba cậu nhỏ thất bại. Bù vào đó, cả ba kết bạn với ông và có một tình bạn lạ kỳ. Suốt mùa hè, cả ba cùng ông sửa nhà, chăm sóc vườn hoa, giặt đồ, phơi phóng…
Ông cụ dạy ba cậu nhóc học chữ Hán, dạy chúng việc già đi cũng mang ý nghĩa. Họ cảm nhận niềm vui từ những điều giản dị như nhìn bông hoa nở, nhìn pháo hoa trên bầu trời mùa hè…
Nếu ban đầu ba đứa trẻ theo dõi ông cụ với mục đích hiểu về cái chết, thì khi truyện khép lại, cái mà chúng nhận được là bài học về sự ra đi, để từ đó thêm yêu quý sự sống.