Ngồi bên chiếc bàn trong căn hộ của mình, tôi mở cuốn từ điển ra và lật nhanh những trang giấy mỏng manh, gần như trong suốt để tìm đến từ mang nghĩa “ngôn ngữ”: kalba. Xét về mặt từ ngữ, tôi thấy từ này thật đẹp. Đẹp và phù hợp. Đột nhiên những từ khác, trong các ngôn ngữ khác, xuất hiện trong đầu tôi: từ gulp [ngụm] của tiếng Anh, từ kello [chuông] của tiếng Phần Lan.
Thực ra không phải bản thân từ ngữ, mà là những ý nghĩa khác nhau đằng sau từ ngữ: gulp, một ngụm không khí; bell, một chiếc lưỡi bằng kim loại (1). Bằng cách này, trực giác trong tôi hiểu rằng kalba là một thành phần của miệng, của lưỡi (Giống như từ language [ngôn ngữ] có nguồn gốc tiếng Latin là lingua, nghĩa là “cái lưỡi”).
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Armin Rimoldi/Pexels. |
Tôi tiếp tục lật giở các trang sách và lắng nghe âm thanh sột soạt của chúng. Lần này tôi lật trang ngẫu nhiên và đọc được từ puodelis, nghĩa là cái cốc. Nếu như kalba là từ liên quan đến việc thưởng thức bằng vị giác, thì tôi cảm thấy rằng từ poudelis này thuộc về không gian giữa hai lòng bàn tay. Tôi nhắm mắt lại và xoa hai tay vào nhau như thể đang cảm nhận bằng xúc giác các âm tiết của từ này: pou-de-lis, pou-de-lis.
(1) Trong tiếng Anh, từ tongue vừa có nghĩa là lưỡi, vừa có nghĩa là quả lắc nằm bên trong chiếc chuông (còn gọi là clapper), khi dao động sẽ va chạm vào thành chuông và phát ra âm thanh (ND).
Mỗi lần ngồi học như vậy, tôi thường giở 5 trang, 10 trang, hoặc nhiều hơn nữa, tùy vào khả năng lĩnh hội của mình. Mắt tôi lướt từ mục từ này sang mục từ khác, tìm kiếm sự liên hệ tuyệt vời mà người ta chỉ bắt gặp trong các truyện cổ tích và các bài thơ siêu thực, loại liên hệ mà nhà từ điển học tay mơ là tôi đây vốn rất giỏi. Cat hair [lông mèo] và cathedral [thánh đường]. Mushroom [nấm] và music-hall [nhà hát]. Umbrella [cái ô] và umbilical cord [dây rốn].
Thú thực, nhìn từ góc độ này, tiếng Lithuania có thể giống như Grimm (1) hay chủ nghĩa Dada (2). Ở phần đầu nhóm từ D, tôi bắt gặp hai từ dagis [cây cúc gai] và dagus [dễ cháy], hai khái niệm khác hẳn nhau dù chỉ khác nhau một nguyên âm. Chúng gợi nhắc đến Exodus, cuộc di cư khỏi Ai Cập của người Do Thái, mang lại một phong vị Baltic cho câu chuyện kể về Moses và bụi cây cháy (3). Khi ngẫm nghĩ về điều này, tôi không khỏi tự hỏi, một bụi gai ở sa mạc đã thuyết pháp gì?
- (1) Grimm: Anh em nhà Grimm, nổi tiếng với những câu truyện cổ tích đồng thời cũng là hai nhà ngôn ngữ học có uy tín, tác giả của Luật Grimm, trong đó chỉ ra mối liên hệ giữa các âm tắc và xát trong các ngôn ngữ German với âm tắc trong một số ngôn ngữ Ấn-Âu. Trong trường hợp này, có lẽ tác giả muốn nói đến Luật Grimm (ND).
- (2) Chủ nghĩa Dada: Trào lưu nghệ thuật xuất hiện đầu thế kỷ 20, sau Thế chiến I. Những nghệ sĩ trong trào lưu này có thái độ bất mãn với xã hội tư bản hiện đại khi đó đang gặp khủng hoảng và lo ngại cho số phận của nhân loại trong chiến tranh. Thái độ này của họ thể hiện trong những nguyên tắc thẩm mỹ mà họ truyền bá như chủ nghĩa phi lý, chủ nghĩa hư vô phản thẩm mỹ; làm cho công chúng bất ngờ bằng những thủ pháp nghệ thuật kỳ lạ như kết hợp những từ ngữ âm thanh vô nghĩa với nhau, chắp nhặt những thứ bắt gặp ngẫu nhiên. Vì thế những tác phẩm của họ phần lớn là hỗn độn, bí hiểm, được tạo ra bởi những ngẫu hứng bất ngờ (ND).
- (3) Moses là người đã dẫn dắt dân Do Thái trong cuộc hành trình Exodus ra khỏi Ai Cập. Theo lời kể trong Kinh Thánh Hebrew, một lần trong khi Moses dẫn cừu đi sâu vào vùng núi thiêng Sinai, bỗng nhiên Thiên Chúa hiện ra ở giữa một bụi gai đang bốc cháy và chỉ đường để ông đưa con dân của Ngài tới Miền đất Hứa (ND).
Cuốn từ điển nhỏ bé nhưng sắc bén này chứa thật nhiều điều bất ngờ! Thật vui biết bao! Càng giở thêm trang, tôi càng cảm thấy vui vẻ khi làm bạn với cuốn từ điển này. Trong bầu tâm trạng phấn khích pha lẫn sự lo âu trong những ngày đầu tiên ở Kaunas, hầu như lúc nào tôi cũng kè kè cuốn sách nhỏ này trên tay.
You must be logged in to post a comment Login