Huyền thoại bóng đá Hà Lan Johan Cruyff. Nguồn: skysport. |
Ngày 2/3, chỉ đúng hai ngày sau Lionel Messi được FIFA vinh danh là Cầu thủ nam hay nhất năm 2022, có hai kẻ lạ mặt đi xe máy đã bắn 14 phát đạn vào siêu thị tại Rosario, Argentina và để lại thông điệp đe dọa: “Này Leo Messi. Bọn tao đang đợi mày trở về. Javkin (thị trưởng thành phố Rosario) sẽ không bảo vệ mày được đâu”.
Nguyên nhân vụ xả súng được cho là do có tin đồn Newell’s Old Boy sẽ là bến đỗ tiềm năng nếu Messi rời PSG. Điều này khiến người hâm mộ quá khích của các CLB đối địch với Newell’s Old Boy không hài lòng.
Vụ việc này đã dấy lên mối lo ngại lớn trong giới chức cầm quyền Argentina. Nhiều phương án được đưa ra để đảm bảo an toàn cho Messi, nếu cầu thủ này yêu cầu quyền giám hộ cá nhân khi trở về nước.
Trong thế giới túc cầu, không chỉ Messi, nhiều ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới từng bị mafia và những kẻ quá khích “hỏi thăm”. Thậm chí một số cầu thủ còn phải bỏ lỡ cả giải đấu lớn của cả cuộc đời mình khi bị những kẻ khủng bố uy hiếp đến tính mạng bản thân mình. Một số cuốn sách đã ghi lại những câu chuyện này.
Âm mưu bắt cóc Pelé
Sự việc này đã được tác giả Harry Harris cho biết trong sách Pele cuộc đời và thời đại.
Tại Mexico 1970, đội bóng vàng xanh của Pelé nằm ở bảng 3 với Anh, Romania và Tiệp Khắc. Khi Brazil đá tập với Guadalajara trước đám đông 70.000 người, cả thành phố đã nghỉ một ngày. Ở mỗi góc phố đều dán áp phích có dòng chữ “Chúng tôi nghỉ làm hôm nay để đi xem Pelé thi đấu”.
Dù Mexico là một địa điểm phù hợp với Pelé và đội tuyển xứ samba, đây cũng là quốc gia đầy biến động về mặt chính trị. Vào năm 1970, các cuộc đình công và đánh bom khủng bố đã đẩy đất nước này đến bờ vực vô chính phủ. Hai năm sau khi các vận động viên người Mỹ là Tommy Smith và John Carlos sử dụng Thế vận hội Mexico 1968 làm bệ phóng cho Black Panthers (Đảng Báo Đen), đã có những lo ngại rằng World Cup có thể bị lợi dụng vì mục đích tuyên truyền.
Pelé phải được bảo vệ sau khi một nhóm du kích bị giam giữ đã khai với cảnh sát Mexico về âm mưu bắt cóc Pelé trước giải đấu. Tổng hành dinh của tuyển Brazil là Suites Caribes, một nhà nghỉ theo phong cách hacienda ở vùng ngoại ô Guadalajara được chuyển đổi thành một khu trại kiên cố.
Mexico đã bố trí lính tại các chốt gác suốt ngày đêm. Các cổng trước được bảo vệ bởi hai xe cảnh sát và một ít đặc vụ mặc thường phục. Họ nói với các nhà báo rằng thẻ nhà báo chính thức do FIFA cấp là không đủ để vào khách sạn. Một tấm thẻ khác sẽ được cấp cho những phóng viên được minh xét là có uy tín và vô hại.
Khi Pelé rốt cuộc đã xuất hiện từ nơi “ẩn náu” để tập luyện tại câu lạc bộ Providentia gần đó, người ta đã cực kỳ cẩn thận trong việc xử lý và phòng ngừa các nguy cơ đe dọa ông.
Pelé được các nhân viên an ninh bao xung quanh khi lên xuống xe buýt, phải chuyển qua chuyển lại các chữ ký và thậm chí câu trả lời cho câu hỏi của giới báo chí thông qua các vệ sĩ của mình.
Vua bóng đá Pelé. Nguồn: vocetempo. |
Huyền thoại Hà Lan phải từ bỏ giấc mơ vô địch World Cup
Trong cuốn Bóng đá World Cup những góc khuất bí ẩn, nhà báo Lê Thành Trung đã cho biết lý do khiến Johan Cruyff – một trong những huyền thoại bóng hàng đầu thế giới nhưng không bao giờ vô địch World Cup.
Tại World Cup 1978, không ai có thể tin được Cruyff với tập thể Hà Lan hùng mạnh (khi đó cũng đang là Á quân Thế giới) lại xin rút lui khỏi giải đấu mà ông hoàn toàn có thể trở thành nhà vô địch.
Ngay khi công bố danh sách tham dự giải, ông đã xin rút lui với ý đả kích, chống lại chế độ độc tài chính trị, nhằm phản đối những trại tập trung tù nhân nằm rải rác khắp Argentina, với những số phận đang bị tra tấn, hành hạ dã man dưới chế độ Videla. Lúc ấy, quyết định của Cruyff đã gây ra những phản ứng trái chiều.
World Cup 1978 bắt đầu với Hà Lan bằng chiến thắng 3-0 khá dễ dàng trước Iran. Đội bóng này đã tiến thẳng tới trận chung kết sau những trận đấu kinh điển ở vòng bảng thứ 2 (gặp Đức, Italy, Áo) với hình ảnh của một ứng cử viên vô địch.
Hơn 30 năm sau, Johan Cruyff đã không thể giữ mãi những câu chuyện đáng sợ trước khi World Cup 1978 diễn ra, bức màn bí mật được vén lên.
Cuối năm 2008, Cruyff thừa nhận rằng, việc ông từ chối tham dự ngày hội bóng đá khi đó là do một sức ép bạo lực giáng xuống gia đình mình. Đó là một đêm đông cuối năm 1977. Một nhóm tội phạm có vũ khí đã đột nhập vào nhà ông ở Barcelona (khi đang chơi bóng cho CLB này). Mục đích của cuộc tấn công này rất rõ ràng, khi những khẩu súng được dí vào đầu Cruyff, vợ ông và những đứa trẻ, với thông điệp buộc ông phải vắng mặt ở World Cup 1978.
Sự việc bắt đầu vỡ lở vào năm 2009, khi Cruyff có cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Catalunya. Trong 45 phút của chương trình, Cruyff có nói một câu rằng: “Bạn nên biết rằng, tôi đã gặp nhiều vấn đề trong giai đoạn cuối của sự nghiệp. Tôi không biết nói với các bạn thế nào, khi có ai đó đặt khẩu súng trường lên đầu tôi, trói tôi và vợ tôi ở góc nhà, còn những đứa trẻ ngồi ở phía trước. Nó diễn ra ngay trong căn hộ của tôi ở Barcelona”.
Không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra, nhưng đêm hôm đó đã làm thay đổi cuộc sống, vinh quang và cả sự nghiệp của Cruyff. Và sau đó, tháng 12/1977, ba đứa con nhỏ của Cruyff từng bị bắt cóc (trong đó có cả Jordi Cruyff, một cầu thủ ngôi sao sau này từng khoác áo cả Barcelona lẫn Manchester Utd). Và đó cũng là nguyên nhân khiến Cruyff giã từ luôn đội tuyển Hà Lan, chia tay CLB Barcelona năm 1978, và đẩy sự nghiệp của mình lang bạt sang Mỹ trong 3 năm tiếp theo (1978 đến 1981 để khoác áo 2 CLB Los Angeles Aztecs và Washington Diplomats).
Hiện vẫn chưa có kết quả băng nhóm đột nhập gia đình Cruyff cuối năm 1977 là ai, thuộc phe cánh nào. Đó có thể là những áp lực từ phía những kẻ muốn triệt hạ sức mạnh của đội tuyển Hà Lan tại World Cup 1978.
Đây là giả thiết có lý khi mà World Cup 1978 đã xảy ra rất nhiều tai tiếng về những quyền lực đen đã áp đặt và điều khiển kết quả giải đấu nhằm giúp Argentina lên ngôi vô địch. Thậm chí, đó có thể là những áp lực chính trị từ chế độ độc tài Videla.
You must be logged in to post a comment Login