Albert Sarraut (khoảng năm 1918) và Hoàng Thị Thế (năm 1930). |
Năm 1917, khi trở lại vị trí Toàn quyền Đông Dương, Albert Sarraut nhận trách nhiệm về tương lai của Hoàng Thị Thế, bấy giờ cô đã mười sáu tuổi. Lợi dụng sự thật là cô đã mồ côi, và làm ngơ việc chính ông ta chỉ đạo ám sát cha cô, Albert Sarraut trở thành người giám hộ của Hoàng Thị Thế.
Mục đích của quyết định này không phải vì hối hận hay thương xót, mà chính là để chấm dứt sự hiện diện của Hoàng Thị Thế ở Bắc Kỳ bởi lo sợ cô sẽ nối nghiệp cha mình trở thành thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa ở Bắc kỳ như một Jeanne d’Arc (1) xứ An Nam. Nỗi lo sợ các băng đảng sẽ tập hợp quanh “hậu duệ của cựu thủ lĩnh quân cường đạo” trên thực tế, như chúng ta thấy, đã được giới cầm quyền tối cao của Pháp chia sẻ với nhau từ bảy năm nay.
Cũng vì vậy mà Albert Sarraut, lấy danh nghĩa cha đỡ đầu của Hoàng Thị Thế, đã gửi gắm cô cho một bà tên là Caillot, vợ một viên chức sở Thuế và Hải quan, để bà này đưa Hoàng Thị Thế về Pháp và cho cô theo học “hoặc trong một trường, hoặc ở nhà, văn hóa và lễ nghi phù hợp với thiếu nữ thuộc gia đình tư sản”, tất cả điều này được hình thức hóa bằng một hợp đồng ký ngày 11 tháng 9 năm 1917 và được chính thức hóa bằng nghị định số 340 H ra ngày 19 tháng 9 năm 1917 (2).
Chúng tôi biết ơn một kiều dân Pháp, là một tay xã luận (3) thạo tin đã cho biết, ngoài ý kiến phẫn nộ của ông ta, là những chi tiết của bản hợp đồng giữa bà Caillot với viên Toàn quyền.
“Theo các điều khoản trong hợp đồng ký giữa chính quyền bảo hộ và bà C* thì, bà này về mặt đạo đức và lễ nghi sẽ có nhiệm vụ trông nom cách ăn ở của Hoàng Thị Thế như con đẻ của mình, và không bao giờ được ép buộc cô làm bất cứ một công việc nhà nào. Trên hành trình trở về Pháp sắp tới, bà C* sẽ nhận giấy đi tàu hạng hai của cô Hoàng Thị Thế.
Bà C* được trả1.500 francs mỗi năm, bao gồm phí ăn ở, học hành và những khoản chăm sóc khác dành cho con gái của Đề Thám. Số tiền này được trả trước cho bà mỗi quý, do đại diện của Toàn quyền ở sở Thuộc địa tại Paris đảm nhiệm, có xuất trình hóa đơn mang tên bà C*.
Hàng năm, bà C* phải gửi cho Thống sứ Bắc Kỳ một bản báo cáo về tình trạng sức khỏe, ăn ở và học hành của cô Hoàng Thị Thế. Bất kỳ hành động hoặc sự việc nghiêm trọng nào liên quan tới cô gái này đều phải được thông báo bằng thư đặc biệt. Hợp đồng có giá trị đến khi Hoàng Thị Thế kết thúc việc học, tới lúc đó, hoặc chính quyền sẽ chịu trách nhiệm bảo lãnh, hoặc tiếp tục ký hợp đồng mới với bà C* về việc đỡ đầu cô.
Nếu vì một lý do nào đó bà C* muốn hủy giao kèo, bà phải báo trước ba tháng và vẫn chăm sóc Hoàng Thị Thế cho tới khi nhận được mọi chỉ thị cần thiết từ Thống sứ. Nếu sau khi đã hủy hợp đồng mà Hoàng Thị Thế phải rời khỏi nhà bà C* trong khoảng thời gian ba tháng thì số tiền đã trả vào đầu quý vẫn thuộc về bà. Chính quyền cũng có quyền bãi bỏ hợp đồng vì bất cứ lý do nào mà chính quyền cho là phù hợp. Trong trường hợp bãi bỏ xảy ra vào giữa quý, chính quyền vẫn thanh toán quý đó cho bà C*”.
Hoàn toàn không biết động cơ chính trị đằng sau bản hợp đồng giữa “bà C*” và chính quyền bảo hộ, kiều dân Pháp – nhà xã luận của chúng ta chỉ phản ứng với thông tin này trên bình diện đạo đức chiếu theo hệ tư tưởng thực dân rất thịnh hành của nhiều người Âu châu ở Hà Nội thời đó.
“Không hiểu ông Sarraut muốn chế giễu ai và điều gì nữa. Hoàng Thị Thế vốn là con gái của một tên cướp khét tiếng từng ám sát hàng trăm người Pháp […]. Thế mà nạn nhân của hắn lại nuôi dưỡng đứa con gái như một công dân được trao Bắc Đẩu Bội Tinh! Trong khi con cái của lính tráng phải chịu số phận khốn khổ, những kiều dân không thể trở về Pháp vì bị buộc phải dành tiền nuôi con ăn học, thì cô Hoàng Thị Thế lại được nuôi dưỡng và dạy dỗ bằng tiền của Quốc gia chỉ vì là con gái của một kẻ cướp!
[…] Làm sao có thể giải thích được động thái không hợp thời này? Lẽ nào là sự hối hận – không đúng chỗ – vì đã triệt tiêu Đề Thám khỏi danh sách những kẻ sống sót? Còn biết bao kẻ mồ côi người Pháp và người An Nam, trong lúc này, đáng được quan tâm hơn cơ mà. Chúng ta không thể hiểu nổi”.
Các điều khoản bãi bỏ đã nêu trong hợp đồng ký kết giữa viên Toàn quyền và bà Caillot không lâu sau đã được bà này áp dụng. Albert Sarraut buộc phải thay đổi phương pháp cũ trong hợp đồng đó và công bố một nghị định mới (4):
“TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG
Chiểu theo sắc lệnh ngày 20 tháng 10 năm 1911…
Chiểu theo nghị định ngày 22 tháng 3 năm 1912…
Chiểu theo nghị định số 340 H ngày 19 tháng 9 năm 1917 về việc giao trách nhiệm giáo dục và chăm sóc cô Hoàng Thị Thế cho bà Caillot;
Chiểu theo thư của bà Caillot bãi bỏ hợp đồng đã ký ngày 11 tháng 9 năm 1917 giữa bà và chính quyền bảo hộ Bắc kỳ về việc giáo dục, nuôi dưỡng cô Hoàng Thị Thế;
Theo đề nghị của Thống sứ Bắc kỳ,
NGHỊ ĐỊNH
Điều một. Điều 2 và 3 của nghị định ngày 19 tháng 9 năm 1917 nói trên được bãi bỏ và thay thế bằng các điều khoản sau:
Số tiền học bổng cấp cho Hoàng Thị Thế sẽ được trả trực tiếp cho nhà trường nơi cô theo học, do đại diện của phủ Toàn quyền Đông Dương tại sở Thuộc địa phụ trách và xuất chứng từ thanh toán.
Điều hai. Thống sứ Bắc kỳ chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
Hà Nội, ngày 18 tháng 2 năm 1918.
Ký tên: A. Sarraut.”
Bà Caillot không cần phải đợi sở Thuộc địa trả lại số tiền bà chi ra cho việc học của Hoàng Thị Thế. Học phí của cô sẽ được trực tiếp chuyển cho trường học, do đại diện của phủ Toàn quyền Đông Dương tại sở Thuộc địa ở Paris thực hiện. Phương pháp này mặt khác đưa lại sự linh hoạt cao hơn cho việc chi trả những khoản phí đã nêu, vốn sẽ thay đổi tùy theo cơ sở học tập.
——————
1. Hoặc Joan d’Arc (1412-1431), ởtuổi 19 đã lãnh đạo quân Pháp chống quân Anh và khôi phục ngôi vị hoàng đế Pháp – BT.
2. Tài liệu lưu trữ CAOM-RSTAF.
3. Louis Bonnafont, Trente ans au Tonkin (Ba mươi năm ở Bắc kỳ), Eugène Figuière, Paris, 1924, tr. 368-369.
4. Tài liệu lưu trữ CAOM-RSTAF.
You must be logged in to post a comment Login