Bồ công anh là tác phẩm dang dở cuối cùng của Kawabata. Ảnh: Huy Hoàng. |
Được viết và đăng dài kỳ trên Tạp chí Shincho từ tháng 6 năm 1964 đến tháng 10 năm 1968, Bồ công anh cũng như Ngàn cánh hạc tuy còn dang dở nhưng có thể coi là một tác phẩm hoàn chỉnh, bởi kết cấu của từng chương như một truyện ngắn.
Tác phẩm xoay quanh nhân vật Inako và chứng “nhân thể khuyết thị” mà cô mắc phải. Căn bệnh khiến cô không thể thấy thứ mà mình yêu thương, từ đó có khả năng cao tự làm hại mình. Vì thế mẹ cô và Kuno – người yêu của Inako, đã đưa cô đến dưỡng trí viện ở thị trấn Ikuta. Trong suốt một ngày ở nơi chốn đó, cả hai đã cùng đối thoại về Inako và cuộc đời.
Bi cảm nhân sinh
Trong văn hóa Nhật Bản, cảm thức “mono no aware” hay “bi cảm nhân sinh” biểu thị những xúc cảm nhẹ nhàng, sâu lắng trong sự biến chuyển không ngừng của cuộc sống, sự nhạy cảm với những điều phù du, hay lòng đồng cảm với vạn vật. Đó là nỗi buồn phảng phất nhưng ngập tràn trong tâm hồn, một nhận thức về sự vô thường và cảm giác đăm chiêu trước thực tại cuộc sống.
Cũng như phần lớn tác phẩm của Kawabata, khi nhân vật thường là những người già lão, bi quan và bị động trước cuộc sống, ở Bồ công anh có một Inako với chứng bệnh hiếm gặp, một người mẹ cô độc, người yêu bơ vơ…
Nỗi bi cảm nhân sinh đó được tác giả thể hiện trong sự mong manh và cái hữu hạn của cõi lòng người. Inako không xuất hiện trực tiếp mà gần như “vô ảnh vô thanh” trong tác phẩm này, nhưng người đọc cảm được sự tồn tại của cô qua những trăn trở của người mẹ, của chàng trai, và qua tiếng chuông chùa cô gióng lên.
Bắt đầu từ căn bệnh mà Inako mắc phải, hai người còn lại đã tự đi tìm những lời hồi đáp, lý giải nguyên nhân cho bi kịch của Inako và của chính mình. Họ tự hỏi đâu là nguyên nhân khiến Inako mắc căn bệnh ấy? Phải chăng là ký ức không thể bôi xóa về cái chết của người cha, từ nỗi ghen tuông của người phụ nữ, hay là khuynh hướng liên kết bi kịch vốn thường xuất hiện ở trong mỗi người?
Nhà văn Kawabata Yasunari (1899 – 1972) là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên đoạt Giải Nobel Văn học năm 1968. |
Nói như người yêu của Inako, “chứng nhân thể khuyết thị chẳng phải là căn bệnh mà không nhìn thấy phần nào đó của mình, không nhìn thấy phần nào đó của người mình yêu thương, không nhìn thấy phần nào đó của cuộc đời sao?”
Cả mẹ của Inako lẫn Kuno đều tự quẩn quanh trong suy nghĩ ấy. Rồi họ nhận ra ngay bản thân mình cũng không thể nắm bắt những điều cốt lõi của cuộc sống này. Bởi lẽ họ nhận ra rằng dù có làm gì hay tác động gì, thì con người khi được sinh ra là đã nhận lãnh một trách nhiệm lớn. Ai mới là người thực sự đang sống? Người “nhân thể khuyết thị” hay “người giả vờ như mình đang sống”?
Bi cảm thiên nhiên
Xuyên suốt tác phẩm Bồ công anh, cảm thức “mono no aware” đi từ lòng người thấm vào cảnh vật, làm cho không gian ở tác phẩm này biến ảo u hoài và khó lý giải.
Không hẳn ngẫu nhiên mà Kawabata khoác lên dáng vẻ mùa đông đầy suy sụp cho các cảnh trí. Những mô tả của ông dù là cái bóng kéo dài trong chiều đông để rồi gãy khúc xuống dưới lòng sông hay rừng cây trầm mặc, chân trời xám nhạt, sương mỏng thẫm màu, dòng nước xám đậm, sơn trà bất động… thì đều cô độc một nỗi buồn man mác.
Nỗi bi cảm ấy cũng được thể hiện trong sự mong manh, tản mác của loài bồ công anh – hình tượng chính của tác phẩm này. Như loài cỏ dại nghiêng mình trong gió, Inako bị bỏ rơi lại, những mảng ký ức cô từng dự phần giờ đây buông mình trong chính tâm trí đối nghịch của những người xung quanh cô.
Đối với người mẹ chính là ký ức về cô con gái hay bị lạnh chân, là nỗi ngại ngần khi tắm cùng mình, là trận bóng bàn năm lớp 11 khởi phát cho một căn bệnh có phần nghiệt ngã… Từ nỗi nhớ đó, trong bà hình thành sự tự trừng phạt, vì nỗi ghen tuông cũng như bất an khi để con mình trong dưỡng trí viện.
Trong khi với Kuno là sự phản kháng, là sự chân thành mong muốn cứu lấy người mình hằng yêu bằng cách kết hôn. Anh nghe trong những tiếng chuông điều cô muốn nói, muốn hiểu mọi thứ về cô.
Cả hai người họ đều tự ôm ấp những kỳ vọng riêng về người vắng mặt. Họ đối đầu nhau về cách xử trí với Inako, nhưng lại không thể làm gì, mà chỉ có thể tự huyễn hoặc mình với lời an ủi mẹ yêu con gái, tình cảm gái trai. Tất cả biến ảo, hòa vào tiếng chuông, vọng âm ngân mãi.
Bằng sự không chắc chắn và những hình tượng sầu muộn, mong manh, nhà văn Kawabata Yasunari đã khái quát được sự hữu hạn trong cuộc sống này. Trong Bồ công anh, bi cảm “mono no aware” thấm vào mọi thứ, từ đó người đọc như được phản tư và nghe thấy lại tiếng chuông ngân vang từ dưới đáy sâu của tâm hồn mình.
You must be logged in to post a comment Login