Kể từ khi Truyện Kiều được đại thi hào Nguyễn Du viết nên cho đến nay, trải qua bao thế kỷ với sự chảy trôi của thời gian, sự nổi chìm của thế sự, nhưng tác phẩm thì vẫn được độc giả đón nhận, trở thành một trong những tài sản văn học quý giá của dân tộc.
Và từ Truyện Kiều, biết bao nhiêu những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật xoay quanh tác phẩm đã được thành hình. Đó có thể là bói Kiều, lẩy Kiều, tuồng hát bội về Kiều, phú Kiều hay đờn ca tài tử về Kiều… Như vậy là, từ một tác phẩm có giá trị văn chương ban đầu, nằm ngoài ý muốn tác giả, Truyện Kiều đã phát sinh những giá trị văn học, văn hóa khác đáng quý.
Bản Kim Vân Kiều tân truyện xuất bản năm 1894. |
Với người Nam Bộ, Truyện Kiều cũng là một tác phẩm quen thuộc dẫu không do người Nam sáng tác, cho thấy sự lan tỏa sâu rộng của tác phẩm. Và trên cơ sở Truyện Kiều, những phó phẩm – sáng tác dựa trên nguyên tác và khác bộ môn có thể kể đến cơ man. Riêng với Nam Bộ, loại hình đờn ca tài tử là một loại hình sinh hoạt nghệ thuật sân khấu phổ biến, và Truyện Kiều trở thành một chất liệu sáng tác đáng quý, trong đó có thể kể đến Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ và bài bản nhạc tài tử miền Nam.
Tác phẩm do soạn giả Hoàng Thân soạn, Nguyễn Phúc An hiệu bình (điều thú vị ở chỗ người hiệu bình là con soạn giả, kế thừa tình yêu âm nhạc dân tộc từ cha). Tổng quan tác phẩm được thể hiện rõ ở phần “Dẫn nhập” trong đó giãi bày: “Tổng tập bài ca Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ và bài bản nhạc tài tử miền Nam này được chuyển thể, phổ nhạc, soạn lời như là một phóng tác bằng một loại hình khác đó là nhạc tài tử miền Nam, trọn vẹn như một tập Truyện Kiều mang hình hài khác so với hình thức truyện thơ ban đầu”, và tác phẩm này góp phần “Cống hiến cho người thưởng thức văn chương, cũng như giới mộ điệu nhạc tài tử Nam Bộ một cách tiếp cận Truyện Kiều của Nguyễn Du bằng một loại hình nghệ thuật tự sự của nhạc tài tử miền Nam”.
Tác phẩm Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ và bài bản nhạc tài tử miền Nam do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Tác phẩm có những đóng góp gì đáng chú ý? Ông Nguyễn Văn Sâm (tác giả của sách Văn học Nam Hà (Văn học Đường Trong thời phân tranh) cho rằng: “Đặc biệt công trình của soạn giả Hoàng Thân đã có những cố tình thay đổi cấu trúc nguyên thủy nhiều để phù hợp với giai điệu cần thiết của lòng bản đờn. Ông cũng đem lòng mình giãi bày thêm về suy nghĩ và tư tưởng của nhân vật trong các câu ca tiếng nhạc. Chắc chắn rằng văn chất của Nguyễn Du cũng được uốn nắn theo khả năng cần thiết của lòng bản nhạc tài tử, mà giới sáng tác ai ai cũng phải làm như vậy”. Vậy là với Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ và bài bản nhạc tài tử miền Nam, soạn giả Hoàng Thân đã tạo nên một phó phẩm liên quan đến Truyện Kiều mà như lời Nguyễn Tuấn Khanh (tác giả sách Bước đường của cải lương) nhận định: “soạn giả Hoàng Thân là người đầu tiên lấy toàn bộ Truyện Kiều để soạn lời cho bộ môn tài tử nói riêng và cho nền cổ nhạc Việt Nam nói chung”.
Từ 3.254 câu trong Truyện Kiều, với tác phẩm này, tác giả đã đặt lời ca theo thứ tự lớp lang của 3.254 câu trong truyện mà ông gọi là “tự sự”. Còn ông Nguyễn Tuấn Khanh diễn giải dễ hiểu hơn đây là “cuốn bài ca nhạc tài tử miền Nam phổ truyện thơ Kiều”. Với việc soạn lời Truyện Kiều cho bài bản đờn ca tài tử, soạn giả cố gắng dùng nguyên vẹn lời thơ Truyện Kiều để không làm sai lệch nội dung, ý nghĩa nguyên tác. Tỉ như lớp Nam Xuân mở đầu truyện:
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Khách má hồng trời già thường ghét ghen
Lần giở cảo thơm
Phong tình lục còn truyền sử xanh.
Rằng năm Gia Tĩnh, Minh triều
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng.
Có Vương viên ngoại người hiền lành
Sanh đặng ba người con ngoan…
Cảnh Kiều đền ân báo oán. |
Việc sắp xếp lời ca cho 20 bản tổ và các bài bản nhạc tài tử ứng với các hơi điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán làm sao cho hợp với 3.254 câu trong Truyện Kiều là một công việc khó, cần sự dụng công cũng như thấu hiểu nội dung nguyên tác, điêu luyện về bài bản đờn ca tài tử, nhưng soạn giả Hoàng Thân đã làm được qua tác phẩm Tự sự Truyện Kiều qua 20 bản tổ và bài bản nhạc tài tử miền Nam mà nội dung được thể hiện trong phần “Chính biên”. Không chỉ thế tác phẩm này với phần “Dẫn luận” còn giúp độc giả biết rõ về xuất xứ của Truyện Kiều trên cơ sở nghiên cứu những thư tịch Việt Nam và Trung Hoa. Ngoài ra những tên tuổi các soạn giả liên quan như Cao Hoài Sang (1901-1971), Nguyễn Văn Thinh (1907-1991), Nhị Tấn (1936-2018)… cùng những sáng tác bài bản cho nhạc tài tử của họ cũng được nhắc đến trân trọng. Phần “Phụ biên” sưu tầm thêm một số bài ca được soạn dành cho những tích hay liên quan đến Truyện Kiều..