Sáng 24/5, tại TP.HCM, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức lễ công bố và trao giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ bảy.
Theo đó, giải nhì gọi tên tác giả Yang Phan với tập truyện dài Vụn ký ức và tác giả Duy Ân với truyện ngắn Nửa lời chưa nói.
Hai tác phẩm đoạt giải ba là Vệt sáng của bụi của Lê Quang Trạng và Chuồng cọp trên cao của Nguyễn Thu Hằng.
Giải tư gọi tên Nguyên Nguyên với Có thú dữ trong thành phố, Hoàng Công Danh với Bảy bảy bốn chín và Hiền Trang với Chopin biến mất.
Các tác phẩm lọt chung khảo giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ bảy. Ảnh: NXB Trẻ. |
Không có giải nhất
Thông tin từ ban tổ chức cho biết sau 7 kỳ tổ chức Văn học tuổi 20, số lượng tác phẩm dự thi lên đến 2.133. Trong đó, mùa thứ bảy có 511 tác phẩm gửi dự thi. Đây là con số lớn nhất trong các kỳ tổ chức vừa qua.
Đáng chú ý là bên cạnh các tác giả đã có tác phẩm xuất bản từ trước, giải thưởng thu hút những cây bút mới. Có những tác giả còn kiên trì theo đuổi giải thưởng bằng cách gửi bài dự thi 2-3 mùa. Họ đến từ mọi vùng, miền trên Tổ quốc, thậm chí có những tác giả đang học tập, làm việc tại nước ngoài.
Ban giám khảo vòng chung khảo là những tên tuổi có uy tín trong làng văn chương, báo chí như PGS.TS Ngô Văn Giá, PGS.TS Nguyễn Thành Thi, nhà báo Thúy Nga, nhà văn Phan Hồn Nhiên và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Theo thể lệ của giải thưởng, ban tổ chức sẽ trao một giải nhất, một giải nhì, một giải ba và 4 giải khuyến khích. Song, Văn học tuổi 20 mùa thứ bảy tiếp tục là một năm gọi tên 2 giải nhì và không có giải nhất.
Nhận xét về tập truyện dài đoạt giải nhì Vụn ký ức của tác giả Yang Phan, nhà văn Phan Hồn Nhiên dùng từ “vượt trội”. Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Tư đánh giá đây là một cuốn sách “hay, hấp dẫn, có văn”.
Nửa lời chưa nói là tập truyện ngắn được trao giải nhì của cây bút Duy Ân. Là thành viên trong ban chung khảo, PGS.TS Nguyễn Thành Thi nói tác phẩm này “mang lại cái nhìn ít nhiều có tính phát hiện trước một số vấn đề của đời sống, không chỉ của con người, xã hội mà còn là đời sống của ngôn ngữ và văn hóa. Tác giả có lối trần thuật khá linh hoạt, biết biến hóa, làm cho điều khó hiểu trở nên hấp dẫn”.
Tập truyện ngắn của Duy Ân được trao giải nhì. Ảnh: NXB Trẻ. |
Sự đa dạng của các ngòi bút
PGS.TS Ngô Văn Giá, thành viên ban chung khảo giải thưởng, đánh giá ở mùa giải này, các tác giả trẻ đã có thêm những yếu tố mới. Họ sống kỹ, đào sâu vào “vùng đất” của riêng mình theo cả nghĩa địa lý và tinh thần.
“Nền tảng tri thức, văn hóa và khát vọng làm mới như một hợp phần tự nhiên của các mùa giải Văn học tuổi 20 từ trước đến nay và vẫn là những tiêu chí mà ban tổ chức chúng tôi theo đuổi”, PGS.TS Ngô Văn Giá chia sẻ.
Theo ông, các cây bút đã biết đứng trong đời sống cần lao thường nhật để cảm nhận, phân tích và cắt nghĩa trạng thái tồn tại của đời sống. Trong những trang văn ấy, có nhiều nỗi niềm và những phận người đang bấu vào mặt đất này để sống. Qua đó, ta thấy được một nền tảng nhân đạo tin cậy cùng khả năng cảm thông và thấu hiểu con người.
Một trong hai “kiểu văn chương” mà ban giám khảo nhận thấy ở giải thưởng này là sự “cất lên từ văn hóa, học vấn, tri thức và nghề nghiệp chuyên môn”. Điều đó được thể hiện qua các tác phẩm của Duy Ân, Hiền Trang hay Yang Phan… Bảy tác phẩm lọt chung khảo đều có sự đa dạng, phong phú trong cách biểu đạt ngôn từ.
Đại diện đơn vị tổ chức và ban giám khảo trao giải ba cho 2 tác giả Nguyễn Thu Hằng và Lê Quang Trạng. Ảnh: NXB Trẻ. |
Chẳng hạn, truyện dài Bảy bảy bốn chín của Hoàng Công Danh (tác phẩm giành giải tư) được ban giám khảo nhận xét là đưa người đọc qua nhiều cung bậc cảm xúc, suy tư. Mạch truyện nhất quán, mang tính gợi mở; lối văn lôi cuốn, hấp dẫn, chan chứa chất nhân văn.
Hay như Chopin biến mất (truyện dài giành giải tư của Hiền Trang) được PGS.TS Nguyễn Thành Thi đánh giá là có “trường liên tưởng rộng, mạnh và sâu, mang lại cho tác phẩm sự sang trọng đáng quý. Giọng văn vừa sôi nổi, vừa thấm đẫm suy tư, không dễ đọc nhưng giàu sức cuốn hút; bảo đảm được tính chỉnh thể nhờ sự xâu chuỗi, kết nối giữa các chương thông qua chủ đề, thông điệp chính”.
Trong khi đó, khi đọc Chuồng cọp trên cao (truyện ngắn giành giải ba của Nguyễn Thu Hằng), nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận thấy “những tình cảm lặng thầm, khát vọng đổi đời, hy vọng và cả thất vọng, hay những đốm sáng còn lại sau giông bão”.
Vệt sáng của bụi (truyện ngắn giành giải ba của Lê Quang Trạng) lại hấp dẫn nhà văn Phan Hồn Nhiên bởi “lối kể giàu chi tiết, tình huống bất ngờ, thỏa mãn người đọc. Bên cạnh các truyện ngắn độc lập, 3 truyện liên hoàn tạo nên kết cấu thú vị”.
Thay lời ban giám khảo cuộc thi, PGS.TS Ngô Văn Giá nói ở mùa giải này, các tác phẩm đã cho thấy “một tinh thần sống kỹ, chuyên chú trong lựa chọn để khám phá, sáng tạo”.
“Đây là điểm nổi trội của giải thưởng lần này. Chúng tôi mong các tác giả trẻ hãy thỏa sức khám phá thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm của chính mình, làm đầy không gian sống bằng ngôn ngữ”. PGS.TS Ngô Văn Giá bày tỏ.
Bà Phan Thị Thu Hà – Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ (đơn vị tổ chức cuộc thi) – cho rằng Văn học tuổi 20 đã “phát hiện, đánh thức, gọi tên một lực lượng sáng tác trẻ, góp cho văn đàn một tài sản có ý nghĩa, với hơn 50 tác giả được vinh danh và 63 tác phẩm được trao thưởng”.
Theo bà Hà, những tên tuổi như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, Phong Điệp, Nhật Phi… vẫn đang tiếp tục thể hiện bút lực và cá tính sáng tạo, nhưng cũng đồng thời khẳng định sức sống của một giải thưởng có tên Văn học tuổi 20.
Văn học tuổi 20 là cuộc thi sáng tác văn chương do Nhà xuất bản Trẻ, báo Tuổi Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức 6 lần. Sau lần thứ sáu (trao giải năm 2019), 2 đơn vị là Hội Nhà văn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ không còn đồng hành cùng cuộc thi.
Nhà xuất bản Trẻ quyết định duy trì và chuyển thành giải thưởng Văn học tuổi 20. Các bản thảo phù hợp sẽ được đơn vị này chọn in trong tủ sách “Văn học tuổi 20”, định kỳ 3 năm một lần.
Giải thưởng lần thứ bảy có chủ đề “Tuổi 20 hôm nay – Cuộc sống và Góc nhìn”, diễn ra trong khoảng thời gian 1/1/2019-30/10/2021.