Khu văn phòng của ban tổ chức giải Ngoại hạng được đặt ở quận West End của London, và phần lớn công trình này nằm dưới lòng đất. Chuyện này cũng không khiến cho họ quá nổi bật trong thế giới của các cơ quan quản lý bóng đá, khi trụ sở của FIFA ở Zurich cũng có 5 tầng nằm dưới lòng đất, bao gồm cả một phòng họp báo trông kỳ quái và nham hiểm như trong bộ phim Dr. Strangelove.
Thế nhưng, văn phòng của giải Ngoại hạng thì không có kiểu thiết kế như một hầm trú ẩn hiện đại như vậy. Nó không hề có phong cách như sào huyệt của một nhân vật phản diện chống lại điệp viên James Bond 007 và cũng không giống một phòng thí nghiệm người máy quân sự nào đó.
Điều đáng chú ý ở văn phòng ấy chính là sự khiêm nhường của nó. Trụ sở của giải Ngoại hạng trông chỉ giống như văn phòng tầm trung của một công ty luật cỡ vừa.
Nằm lẫn giữa một dãy nhà có phong cách kiến trúc trang nhã từ thời đại của vua George, với mặt tiền màu trắng và hàng rào song sắt màu đen, trụ sở của giải Ngoại hạng ở số 30 phố Gloucester Place chỉ nổi lên một chút xíu vì ngoại thất của nó có một tấm biển nhỏ màu bạc.
Tấm biển này không chỉ đề địa chỉ, mà còn đề rằng quyền ra vào văn phòng “chỉ dành cho người có hẹn trước”. Rất ít người chụp ảnh ở địa chỉ này, và những người chụp ảnh đều là thợ săn ảnh đứng trên vỉa hè để rình những ông chủ đội bóng tới dự các cuộc họp của giải – ảnh mà họ chộp được thường là cảnh những người đàn ông trung niên mặc những bộ đồ lòe loẹt chui ra từ những chiếc taxi màu đen.
Trong giai đoạn bùng nổ kể từ năm 2005, riêng bản quyền phát sóng truyền hình quốc nội đã đem lại doanh thu vượt quá 1 tỷ bảng lần thứ hai liên tiếp. Tỷ lệ người xem luôn cao ngất ngưởng.
Dù đã trở thành giải đấu nổi tiếng nhất trên toàn hành tinh, Ngoại hạng Anh vẫn không có một văn phòng làm việc với quy mô và sự phô trương như trụ sở của giải NFL – nằm ở vị trí cao trên góc phố 51 và Park Avenue ở New York – hoặc trụ sở của giải NBA – nằm trong một tòa tháp 51 tầng ở cách đó hai đại lộ.
Một phần là vì con số nhân sự của giải Ngoại hạng chỉ khoảng 110 người, nhỏ bằng 1/10 so với giải NFL và giải NBA.
Những người tới thăm ngôi nhà của giải đấu nổi tiếng nhất thế giới sẽ được dắt xuống lòng đất để tới một khu vực ngồi chờ khá nhỏ, có ghế sofa bày quanh một bàn uống trà và chiếc cúp vô địch giải Ngoại hạng.
Trụ sở của giải Ngoại hạng Anh. Ảnh: Dailymail. |
Bầu không khí ở đây tĩnh lặng như một doanh nghiệp đang vận hành rất hiệu quả. Giám đốc điều hành Richard Scudamore sắp xếp bộ máy ở đây một cách đơn giản, các phụ tá của ông ta làm việc để đảm bảo rằng mọi hợp đồng được thực thi đúng hạn, các đối tác luôn vui vẻ, và những hoạt động từ thiện của giải luôn diễn ra suôn sẻ.
Scudamore là giám đốc điều hành được trả lương cao nhất của giải Ngoại hạng, với mức lương căn bản chỉ có bảy con số. Nếu đem so với thu nhập 34 triệu USD trong năm 2016 của ủy viên giải NFL là Roger Goodell hoặc số tiền 20 triệu đô-la mà giải NBA trả cho ủy viên Adam Silver, thì bạn có thể dễ dàng thấy vì sao ban lãnh đạo của giải Ngoại hạng lại có bề ngoài khiêm tốn như vậy – dù một dòng tiền khổng lồ vẫn đang đổ về các câu lạc bộ của nó.
Ban lãnh đạo của giải Ngoại hạng là một cơ quan chủ quản nhỏ hơn rất nhiều so với các cơ quan tương tự ở Mỹ. Công việc chủ yếu và cũng là nhiệm vụ chủ chốt của cơ quan này là bán bản quyền truyền thông, còn các công việc như sắp xếp câu lạc bộ, lịch thi đấu, bố trí trọng tài và quả bóng thi đấu… đều chỉ là phụ.
Cơ quan này chỉ sử dụng sáu nhà tài trợ cho giải – chứ không hơn – ở các lĩnh vực bắt buộc phải có tài trợ như “món đồ ăn chính thức của giải”, “đồng hồ tính thời gian chính thức của giải”, và cả “quả bóng được sử dụng chính thức của giải” – vốn được đặt theo hợp đồng kéo dài từ năm 2000 với hãng Nike.
Ngược lại, giải NFL có tới 32 nhà tài trợ cho toàn giải vào năm 2015, bao gồm cả hạng mục như “món súp chính thức của NFC”.
Giải Ngoại hạng – tổ chức thể thao có lợi nhuận lớn nhất nước Anh – cũng không hề tham gia mua bán bất cứ một loại hàng hóa hiện hữu nào. Họ sẽ không bán cho bạn những chiếc mũ hay khăn quàng, đó hoàn toàn là việc của từng câu lạc bộ. Thậm chí, trang web của giải Ngoại hạng còn không hề có hạng mục cửa hàng bán đồ trực tuyến.
Đó là lý do tất cả hoạt động và công việc của họ có thể được gói gọn trong một văn phòng duy nhất, đặt ở một nơi khá ít người biết tới.
Thế nhưng, kể từ năm 2005, văn phòng khiêm nhường ở phố Gloucester Place ấy đã đóng vai trò cơ quan đầu não trong công cuộc thống trị thế giới của giải Ngoại hạng.