Sinh thời, cố GS Trần Quốc Vượng có không ít bài viết đề cập đến vị trí, vai trò và những đóng góp của một số nhân vật là nữ giới trong lịch sử dân tộc. Một trong số đó là bài viết Ba người phụ nữ ngoại hạng của lịch sử Việt Nam thế kỷ XV – XVI (sách Trần Quốc Vượng – Những nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Dân tộc, 2020).
Ở trong bài viết này, cố GS Trần Quốc Vượng nói về 3 người phụ nữ Việt thế kỷ XV- XVI mà theo quan điểm của ông được xếp vào bậc ngoại hạng (trên cả hạng nhất, nhì…).
Tạo hình bà Nguyễn Thị Duệ qua tranh. Nguồn: VTC. |
Nữ trạng nguyên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam
Người thứ nhất theo đó là Linh phi – Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ (hiện còn bia đá ghi sự tích và mộ táng bà ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
Theo cố GS Trần Quốc Vượng, bà sinh sống vào cuối thời Mạc, đầu thời Lê – Trịnh. Thời buổi các kỳ thi Nho giáo, xã hội chính thống thời ấy trọng nam – khinh nữ với các “nhiệm vụ” rõ ràng: Gái thì “giữ việc trong nhà / Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa / Trai thì đọc sách ngâm thơ / Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Cũng theo cố GS, ở thời bà – mẹ ông (cuối thế kỷ XIX) vẫn còn là thế. Cô của ông toan đi học, nhưng ông bà thân sinh ra cô bảo: Con gái học làm gì? Học để viết thư cho giai à? Thế mà… Ở thế kỷ XVI, Nguyễn Thị Duệ cả gan học Hán – Nôm, kinh sử – tử – truyện, rồi cải nam trang (đóng giả trai) đi thi: Thi Hương: Đỗ cử nhân. Thi Hội: Đỗ hội thi. Thi Đình: Đỗ trạng nguyên (đứng đầu các tiến sĩ).
Theo lệ, các tiến sĩ tân khoa được vua ban mũ áo và ban yến, sau đó có lễ “vinh quy” về làng bái lạy tạ ơn Tiên tổ. Trong tiệc yến, Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ được ngồi gần vua nhất. Nhà vua nhìn tân Trạng nguyên chằm chằm rồi bảo:
– Sao quan Trạng nguyên đẹp như con gái tới thì vậy?
Nguyễn Thị Duệ Trạng nguyên vội quỳ rạp xuống:
– Muôn tâu bệ hạ, thần thiếp quả thật là nữ nhân ạ! Chỉ vì… chỉ vì… thiếp ham muốn học hành thi cử mà phép Vua không cho phận nữ đi thi, nên, cực chẳng đã, thần thiếp phải cải dạng nam trang, đi học, đi thi…
Nhà vua trầm ngâm giây lát, rồi phán bảo:
– Vì phép nước, Trẫm phải ra lệnh xóa tên Trạng nguyên khỏi bài Ký Đề danh Tiến sĩ… nhưng Trẫm cưới khanh làm vợ!
Thế là Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ bị xóa sổ đề danh “bảng vàng bia đá” ông nghè. Nhưng bà trở thành Linh phi của Vua Mạc (Kính Cung? Kính Khoan?) và cũng lại trở thành Linh phi của Chúa (Trịnh Trang? Trịnh Tạc?) và đều được giao phụ trách việc dạy bảo các thể nữ trong chốn cấm cung.
Tạo hình mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm qua tranh. Nguồn: vandieuhay. |
Người mẹ tài hoa bậc nhất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Người thứ hai được cố GS Trần Quốc Vượng xếp vào ngoại hạng là thân mẫu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (đỗ Trạng năm 1535) – người nổi tiếng với những câu sấm, như câu đoán cho Nguyễn Hoàng: Hoành Sơn nhất đái, Vạn đại dung thân. Hay câu sấm dành cho Trịnh Kiểm: Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản. Hay câu sấm dành cho con cháu Vua Mạc Đăng Dung: Cao Bằng nhất đái, tam đại khả dung thân.
Vậy ai dạy sấm đoán cho Trạng Trình? Nhiều người nghĩ là do thầy ông là Lương Đắc Bằng, truyền lại cho ông bộ Thái Ất thần kinh. Có thể là như vậy! Tuy nhiên theo Cố GS Trần Quốc Vượng, mẹ ông, bà Nhữ Thị Lan, đã có lời sấm đoán và biết đoán tướng trước ông.
Vào đời Vua Lê Thánh Tông với đỉnh cao Hồng Đức (1470-1497), Nho giáo cực thịnh, nhà nước có luật, xóm làng có hương ước, có đình làng để hội họp bàn xử việc công, rồi thờ thần, rồi lễ hội. Thế mà mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đoán: “Khoảng bốn chục năm nữa, nhà Lê sẽ đổ (theo sử: Mạc nối ngôi Lê năm 1527). Và nàng kén chồng để sinh ra vua mới. Kén mãi không được, đến 28 tuổi, nàng phải tạm lấy một ông quan lớn (tước hầu) song bà ra điều kiện: Vợ chồng phải động phòng giờ chính Ngọ (giữa 12 giờ trưa theo lịch bây giờ).
Giữa thời buổi Nho giáo cực thịnh, đấy là một điều kiện “tày trời!”. Chồng không dám thực hiện, đêm khuya mới vào phòng. Nàng phải “làm bổn phận”, song thở dài nói: Thế này thì chỉ sinh được Trạng thôi!
Lấy chồng rồi, nàng vẫn đi đây, đi đó, có quân hầu kẻ hạ. Một chiều, trên bến Hàn Giang (thuộc Hải Dương nay) nàng thấy một chàng trai chài cá, đóng khố bao, vóc dáng to khỏe, nước da ngăm ngăm đen. Nàng cứ “tặc tặc lưỡi” mà rằng: Tiếc quá! Giá cứ ở vậy ít năm, gặp “thằng này”, lấy nó làm chồng, nó lên làm vua, có phải mình trở thành hoàng hậu rồi đẻ ra vua không? Người ấy chính là Mạc Đăng Dung – vua đầu nhà Mạc (1527-1529).
Người phụ nữ được thờ phụng ở đình làng Tiến sĩ Mộ Trạch
Người thứ ba theo cố GS Trần Quốc Vượng là bà Quận Quế (chưa rõ tên thật của bà). Bà người làng Mộ Trạch đất Hồng Châu (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), giỏi buôn giỏi bán. Làng bà nổi danh cả nước là “Tổ tiến sĩ” với không ít hơn ba chục tiến sĩ, phần nhiều họ Vũ.
Thế nhưng, như ông Vũ Việt, nguyên cán bộ cấp vụ đã về hưu “ai oán” nói với cố GS Trần Quốc Vượng rằng: Họ ông, làng ông biết bao người đậu tiến sĩ, thế mà xây đình làng được thờ phụng lại là… một người đàn bà: Bà Quận Quế.
Như trên đã nói, bà buôn bán giỏi, được vua chúa trao cho một vạn quan tiền (lúc ấy một mẫu ruộng khoảng 3600 m giá từ 3 đến 5 quan) đem thuyền vào xứ Thanh mua quế cho triều đình (quế Thanh Hóa nổi tiếng là món thuốc ngon, bổ). Bà vô xứ Thanh thấy dân tình đói khổ, lũ lụt mất mùa. Thương dân, bà đem vạn quan tiền của vua “phát chẩn” cứu đói cho dân.
Cầm vạn quan tiền, về chân tay không, bị xử tội chém là cái chắc. Nhưng bà vẫn làm từ thiện, chẳng nề tội tử hình sau đó. May sao, trên sông có một cây cổ thụ do lũ lụt trốc rễ trôi trên sông ghé gần thuyền bà. Nhìn sang, hóa ra là cây quế dư bách thiên niên, cực quý. Bà sai người nhà kéo cây quế quý, đẽo hết vỏ từ ngọn chí gốc rồi kéo kèm theo cả cây, đưa về Thăng Long thành trình vua.
Cái cây cổ thụ này đáng hơn vạn quan tiền nhiều, vì vậy vua ban thưởng cho bà nhiều tiền. Quế ấy cứu cả bệnh vua ta, cả bệnh vua Tàu, bà càng được ban thưởng nhiều nữa.
Tiền đó, bà dùng mua gỗ, gạch ngói, xây lên đình làng Mộ Trạch lừng danh. Ít lâu sau, dân xứ Thanh nổi loạn, vì đói kém, vì quan lại nhũng… Vua sai mấy ông quận công cầm quân vào xứ Thanh dẹp loạn, đều thất bại trở về. Vua và cả triều đình lo lắng… Giữa lúc đó bà xin vào xứ Thanh dẹp loạn, chỉ xin vua cấp tiền như mấy ông quận công trước, nhưng bà không mang theo đại quân mà chỉ đem theo ít chục gia nhân. Vua và triều đình y lời.
Bà vào xứ Thanh. Dân nhận ra bà đã “phát chẩn” cho dân mấy năm trước nên rất nể trọng chứ không đánh lại. Bà lại mang tiền, gạo dùng cho việc quân phát hết cho dân và bảo dân trở lại quê nhà, “an cư lạc nghiệp”. Loạn yên, bà trở lại kinh thành tâu vua là đã thắng trận.
Vua và triều đình mừng lắm, phong ngay cho bà chức Quận công. Và khi bà mất, vua cho dân thờ bà làm Thần (Đương cảnh Thành hoàng). Tới nay dân gian vẫn loan truyền câu chuyện về bà Quận Quế.
You must be logged in to post a comment Login