Nhện góa phụ đen. Ảnh: devianart. |
Kho lưu trữ hiện tượng siêu nhiên tổng hợp câu chuyện về những hiện tượng kỳ bí trên thế giới, mang lại sự thích thú và say mê khám phá cho bạn đọc, nhất là độc giả nhỏ tuổi. Thông qua góc nhìn khoa học và quan điểm tiến bộ, mỗi trang sách giúp người đọc bóc tách từng lớp của hiện tượng, phơi bày sự thật phía sau những hiện tượng được cho là bí ẩn.
Thế giới muôn màu có nhiều động, thực vật kỳ lạ với đặc tính có phần bí ẩn. Chương 4 của Kho lưu trữ hiện tượng siêu nhiên đã bóc tách bí ẩn về những loài động, thực vật có phần kỳ lạ này.
Giải mã đặc tính của động vật
Một số động vật có khả năng tấn công mạnh mẽ. Chẳng hạn, ở Bắc Mĩ có loài động vật được đặt tên “Nhện góa phụ đen” (tên khoa học là Latrodectus). Sở dĩ nó mang cái tên đó vì đặc tính tàn nhẫn với bạn tình.
Đến tuổi sinh sản, nhện đực tìm kiếm bạn tình. Khi tìm được đối tượng, nhện đực sẽ bò vào mạng của nhện cái, chạm nhẹ vào người con cái. Nhện đực đưa xúc tu chứa tinh trùng vào cơ quan sinh sản trên bụng con cái. Sau khi việc giao phối diễn ra, nếu còn sống sót, con đực nhanh chóng bỏ đi. Bằng không, nó trở thành miếng mồi cho con cái.
Sở dĩ, nhện cái ăn thịt nhện đực vì trong quá trình giao phối, ấp trứng, nó phải tiêu hao năng lượng nên đói bụng. Nhện đực mệt mỏi sau quá trình tìm bạn tình và giao phối, nó lại ở gần con cái nên có thể trở thành miếng mồi.
Tuổi thọ của nhện đực cũng không lâu, chúng thường chỉ sống được một năm. Nhìn từ góc độ tiến hóa, việc nó trở thành dinh dưỡng gián tiếp nuôi trứng con có lợi hơn. Loài nhện lưng đỏ đực (tên khoa học là Latrodectus hasselti) còn tự động “hy sinh” khi nhảy vào miệng của con cái.
Nhện góa phụ đen khá nhỏ, với chiều dài thân khoảng 3-10 mm. Đầu của nó tuy nhỏ nhưng chứa chất độc có khả năng tấn công mạnh. Với con người, vết cắn của nó không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng khiến người trúng độc buồn nôn, khó thở, đau đầu, bị chuột rút hoặc phát sốt. Tuy vậy, nhện góa phụ đen không chủ động tấn công con người, nó chỉ cắn khi bị quấy rầy.
Sách cũng đưa ra lời giải đáp cho một số hiện tượng dễ thấy trong đời sống nhưng có phần khó hiểu. Chẳng hạn, ta thường thấy loài mèo có thể rơi từ cao xuống trong tình trạng bốn chân tiếp đất. Một thí nghiệm cho thấy mèo có thể rơi từ một tòa nhà cao 32 tầng mà thoát chết.
Ban đầu, mèo rơi với vận tốc ngày càng nhanh do chịu tác động của trọng lực, nhưng khi rơi được khoảng 5 tầng lầu thì chúng đạt được vận tốc cuối là khoảng 96 km/giờ. Vận tốc rơi này cho phép chúng có thời gian thả lỏng, sau đó giang rộng tứ chi để gia tăng lực cản không khí, khiến cho lực tác động khi chạm đất được phân bố đều khắp toàn chân.
Ngoài ra loài mèo có khả năng giữ thăng bằng tốt. Xương sống linh hoạt và trọng lượng cơ thể nhỏ giúp chúng có thể xoay mình giữa không trung để chân hướng xuống dưới, ngăn không cho rơi xuống ở tư thế đập đầu hoặc đập lưng xuống đất.
Cây bắt ruồi. Ảnh: gardenersworld. |
Những loài thực vật “ăn thịt”, thực vật gây dị ứng
Một số loài thực vật với đặc điểm có phần bí ẩn cũng được lý giải trong sách. Chẳng hạn, nhiều người biết đến cây bắt ruồi (tên khoa học dionaea muscipula) là loài cây ăn côn trùng.
Điều gì khiến một loài thực vật có thể “ăn thịt” động vật như vậy? Loài cây này dài khoảng 15 cm, nó có một “cái bẫy” trên mình, dài khoảng 2 cm. Trên lá của nó có những lông gai cảm ứng. Một con côn trùng chạm vào hai lông gai cảm ứng khác nhau trong vòng 20 giây, cái bẫy gồm toàn những sợi tua dài và cứng sẽ đóng sập lại. Bên trong cái bẫy cũng là một chất keo dính để ngăn con mồi chạy thoát.
Sách Kho lưu trữ hiện tượng siêu nhiên lý giải điểm đặc biệt ở một số sinh vật. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Thực vật thuộc chi nắp ấm (tên khoa học: Nepenthes) là cây ăn côn trùng. Chúng có một bộ phận hình ống mọc ra từ một chồi nhỏ. Bên trong “chiếc bẫy” này là một hợp chất polymer sinh học kết dính, giúp cho cây giam giữ con mồi không may rơi vào. Phần dưới của bẫy hình ống là các tuyến có thể hấp thụ chất dinh dưỡng của con mồi.
Những loài thực vật này thường bắt côn trùng nhỏ như ruồi, muỗi, thỉnh thoảng chúng cũng bắt những loài có kích thước lớn hơn, như chuồn chuồn.
Giải thích cho việc các thực vật này ăn thịt, sách nêu: “Khu vực sinh trưởng của chúng thường thiếu các loại khoáng chất cần thiết. Để bổ sung cho các chất dinh dưỡng đó, một số loài cây đã hình thành khả năng hút chất dinh dưỡng từ côn trùng như một hình thức sinh tồn”.
Nếu cây bắt ruồi có “cái bẫy” để bắt động vật thì một số loài cây khác có “ngòi độc”. Bề ngoài, chúng không khác những thực vật bình thường, nhưng nếu vô tình chạm phải, da của con người sẽ bị mẩn ngứa, khó chịu. Một số loài cây này thuộc họ tầm ma (tên khoa học là urticaceae).
Chẳng hạn, cây mán voi thuộc họ này. Lá của chúng tập trung mọc ở đầu cây, hình tim hoặc hình trứng, dài khoảng 15-22 cm. Mặt lá chứa những sợi lông ngứa màu trắng xám. Sơ ý chạm vào những sợi lông này, con người dễ bị dị ứng, nổi mề đay, mẩn ngứa.
Những sợi lông ngứa này có phần đầu cứng và giòn. Khi bị kích thích chúng dễ nứt vỡ, để lộ ra phần nhọn cắm vào da. Chất gây dị ứng bên trong tế bào sợi lông đó lập tức được bơm vào cơ thể động vật. Thành phần của chất gây dị ứng khá phức tạp, chứa một số chất như acetylcholine, histamin, serotonin, axit formic.
Với mong muốn thắp lên ngọn lửa khám phá bên trong mỗi độc giả nhỏ, để độc giả theo đuổi sự thật, cuốn sách còn nêu nhiều hiện tượng kỳ bí, phân tích dưới góc nhìn khoa học. Điều đó sẽ giúp độc giả nhìn hiện tượng có phần kỳ bí với thái độ cẩn trọng, kích thích và khơi gợi ham muốn tư duy.
You must be logged in to post a comment Login