“Chuyên khảo này có giá trị khoa học và thực tiễn cao vì lần đầu tiên xây dựng được một cơ sở khoa học, cập nhật và hiện đại, phù hợp các quy chuẩn quốc tế được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận để xác định ranh giới thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật biển. Do đó, nó được sử dụng chính thức trong quản lý biển đảo, phục vụ khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh và quốc phòng trên vùng biển Việt Nam.
Đặc biệt, hiện tại sách còn được sử dụng như một trong những công cụ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trong chiến lược biển của Việt Nam”.
Đó là khẳng định của bà Phạm Thị Hiếu – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – khi chia sẻ với Tri thức – ZNews về cuốn sách Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật biển của các tác giả Bùi Công Quế (Chủ biên), Phùng Văn Phách, Đỗ Huy Cường, Trần Tuấn Dũng, Lê Đức Anh.
Cuốn sách đã tổng hợp kết quả của cụm công trình điều tra nghiên cứu về vùng biển Việt Nam trong hơn 20 năm qua về chủ đề quản lý biển và xác định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đó là 1 dự án và 3 đề tài khoa học, công nghệ ở cấp quốc gia được thực hiện, hoàn thành tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam liên tục từ những năm cuối thế kỷ 20 cho đến hiện tại.
Sản phẩm của quy trình xuất bản khắt khe
Bà Phạm Thị Hiếu khẳng định vì là sản phẩm khoa học, Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật biển được thực hiện thông qua quy trình xuất bản nghiêm ngặt.
“Ngay từ khi bản thảo còn ở dạng đề cương, nội dung sách đã được thông qua hội đồng khoa học là các chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực đó thẩm định, nhận xét, góp ý”, bà cho hay.
Cuốn sách “Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật biển”. Ảnh: Việt Linh. |
Khi các nghiên cứu được tác giả hoàn thiện dưới dạng bản thảo, hai chuyên gia phản biện do hội đồng đề xuất sẽ đọc chi tiết và góp ý để tác giả chỉnh sửa hoàn thiện. Lúc này cuốn sách mới chính thức được đưa vào các khâu của quy trình xuất bản.
Sau đó, đội ngũ chuyên viên chế bản và biên tập viên sẽ tiếp tục định dạng và biên tập cuốn sách theo đúng quy trình xuất bản nghiêm ngặt của nhà xuất bản.
Bên cạnh đó, các tác giả của cuốn sách đều là chuyên gia đầu ngành về địa chất và địa vật lý biển. GS.TS Bùi Công Quế là nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và địa vật lý biển, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất – Mỏ; TS Phùng Văn Phách là nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và địa vật lý biển; TS Đỗ Huy Cường, TS Trần Tuấn Dũng là Viện trưởng và Phó Viện trưởng Viện Địa chất và địa vật lý biển.
Các tác giả đều đang và từng là những người đứng đầu đơn vị chủ trì thực hiện các công trình nghiên cứu về chủ đề xây dựng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý, đã xuất bản nhiều cuốn sách chuyên khảo có giá trị trong lĩnh vực này.
Cơ sở khoa học xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam
Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ cho biết đến hiện tại, Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật biển là cuốn sách đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đề cập chi tiết xây dựng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý để phục vụ cho việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo Điều 76 của Công ước Liên Hợp Quốc 1982.
Quy mô ấn phẩm gồm 4 chương, trình bày cô đọng và tổng hợp những nội dung phong phú và sâu rộng về việc xây dựng và ứng dụng cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên Hợp Quốc 1982 về luật biển.
Bà Phạm Thị Hiếu – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Cụ thể, chương 1 tổng hợp giới thiệu về Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật biển (viết tắt là UNCLOS), còn được gọi là Hiến pháp về đại dương thế giới với những điều luật và quy định về quyền lợi và trách nhiệm của các quốc gia có biển xác định phạm vi giới hạn vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình.
Chương 2, chương 3 trình bày nội dung của cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam theo các quy định và điều lệ của UNCLOS. Chương 4 trình các phương án ứng dụng cơ sở khoa học địa chất và địa vật lý nói trên để xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam.
Lan tỏa những ấn phẩm khoa học có giá trị
Bà Phạm Thị Hiếu thừa nhận sách khoa học như cuốn Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật biển là thể loại sách giới hạn độc giả. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà ấn phẩm và những cuốn sách chung thể loại không có sức lan tỏa mạnh.
“Bởi chỉ cần một số ít trong các độc giả tiếp cận được với cuốn sách cũng có thể từ đó tạo ra những công trình nghiên cứu có giá trị khoa học hay những phát minh có tính ứng dụng, mang lại lợi ích cho xã hội”, bà chia sẻ.
Bà Hiếu cũng nhận định đối với những cuốn sách có giá trị cao như chuyên khảo Cơ sở khoa học để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật biển, tự thân cuốn sách đã có lượng độc giả của mình.
Tuy nhiên để sách có thể đến được với nhiều bạn đọc hơn, tạo cơ hội để độc giả được tiếp cận những cuốn sách có hàm lượng khoa học cao, được xuất bản nghiêm túc và cẩn trọng, những người làm xuất bản như bà cần đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, giới thiệu các cuốn sách nhiều hơn trên truyền thông hay xuất bản dưới dạng điện tử.
Nguồn: https://znews.vn/gia-tri-cua-cuon-sach-ve-vung-bien-viet-nam-post1449415.html
You must be logged in to post a comment Login