Bà Phan Hiếu Dân – con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự buổi ra mắt sách ngày 24/12 tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần. |
Tác phẩm Võ Văn Kiệt – trăm năm trong một chữ Dân bao gồm 32 bài viết của nhiều tác giả là các chính trị gia, nhà nghiên cứu, chuyên viên, nhà văn, nhà báo… Hầu hết câu chuyện trong sách chưa từng được xuất bản trước đó. Ấn phẩm đã phác họa nhiều khía cạnh độc đáo, mới lạ về con người và di sản của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Trong buổi ra mắt sách tại TP.HCM ngày 24/12 với sự có mặt của nhiều đồng sự cũ và người thân của cố Thủ tướng, nhiều câu chuyện thú vị cũng như cảm động đã được nhắc lại.
Một đời gắn với chữ “Dân”
Chữ “Dân” là tôn chỉ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong cả cuộc đời hơn 60 năm cống hiến cho đất nước. Điều đó cho đến nay vẫn còn được nhắc lại thông qua những đồng sự cũ, những người từng làm việc với ông hoặc từng được ông lắng nghe. Trong các câu chuyện đó, ông thường được nhắc đến với tên gọi “Sáu Dân” một cách gần gũi, thân mật. Ông đã có những chỉ đạo đầy quyết đoán với câu nói nổi tiếng: “Để mất đất, mất dân lúc này là mất tất cả”.
Có mặt trong buổi trò chuyện ngày 24/12 còn có bà Phan Hiếu Dân, con gái của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Lắng nghe từng câu chuyện kể về cha mình, nhiều lúc bà không kìm được nước mắt cũng như tiếng cười, pha lẫn “xúc động” và “tự hào”. “Có những câu chuyện gia đình đã biết, có những câu chuyện đến hôm nay mới được nghe và cảm nhận một cách sâu sắc”, bà chia sẻ với Zing.
Với bà, chữ “Dân” mà tựa sách nhắc đến là chữ Dân lớn mà cố Thủ tướng đã gắn bó gần như cả đời mình. “Ông luôn luôn sống với nhân dân và gắn với chữ Dân từ khi thoát ly gia đình. Tên của tôi cũng chỉ nằm trong một chữ dân này thôi”, bà nói.
Nhà thơ Nguyễn Duy kể về những lần “góp ý” bằng thơ với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khiến độc giả tại đường sách thích thú. (Từ phải sang) Nhà thơ Nguyễn Duy, bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Phạm Chi Lan, bà Phạm Phương Thảo, nhà báo Nguyễn Thế Thanh. Ảnh: Thanh Trần. |
Bà Phạm Phương Thảo – nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng ở cố Thủ tướng, ba điều quan trọng đó là một nhà lãnh đạo hòa mình vào dân, biết lắng nghe và dám có những quyết định táo bạo, có lợi ích cho dân. Ba điều tuy đơn giản nhưng để có thể làm được, bà cho rằng cần phải có sức chịu đựng rất lớn.
“Ông kể có khi đứng ở trên bục, tay phải giữ cái bục cho chặt để khỏi sừng sổ khi người ta phê bình mình. Vì nếu mình sừng sổ, lần sau người ta không dám góp ý nữa”, bà nhớ lại câu nói của cố Thủ tướng.
Những bài học để lại
“Cụ Sáu ngoài những công trình về kinh tế, chính trị, ngoại giao… có một công trình tôi cho là lớn nhất, đó là công trình Tình cảm đối với cả dân tộc”, nhà thơ Nguyễn Duy nói.
Trong buổi trò chuyện, bên cạnh những câu chuyện vừa vui vừa cảm động về cố Thủ tướng, nhiều bài học đáng giá cũng được gợi lên. Đó là những bài học về tinh thần biết lắng nghe, từ ý kiến của dân đến ý kiến chuyên gia, là “sự thành công đến từ sự chân thành”…
“Từng đảm nhận chức trách Bí thư Thành ủy TP.HCM, tôi là lớp người đi sau, đã học ở ông rất nhiều để vận dụng vào công việc lãnh đạo. Tôi học ở ông trước hết là phải gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, tin ở dân và mọi việc làm của mình đều vì lợi ích của nhân dân”, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ trong tác phẩm.
“Ông luôn kể những câu chuyện, những mảnh đời khác nhau và thường xuyên đưa con cháu đến nhiều trại cải tạo để chứng kiến cuộc sống của những người bạn cùng trang lứa. Đó là những bài học thực tế mà ông đã dạy cho chúng tôi về cách nghĩ, cách sống vì mọi người xung quanh”, bà Hiếu Dân nhớ lại.
Trong ấn tượng từ nhỏ của bà, ông cũng luôn là một người cha hết mực tin tưởng con cháu và trao đổi một cách cởi mở để có thể tiếp cận thông tin từ thế hệ trẻ.
Bà Chi Lan gửi đến gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bức tranh lụa do các trẻ em khuyết tật tại Hà Nội thực hiện. Ảnh: Thanh Trần. |
Là một người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ của Việt Nam nói chung, đặc biệt là ở TP.HCM, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được xem như một biểu tượng để học tập. Ông thường nói “không ai chọn cửa sinh ra”, song tất cả đều có thể cố gắng để đạt được điều mình muốn.
Bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế của Việt Nam – khẳng định: “Có hàng nghìn công trình không kể hết mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại. Điều đó chứng minh rằng trình độ của người Việt Nam cũng rất cao, chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đó là bài học rất lớn từ cố thủ tướng Võ Văn Kiệt”.
Nhắc lại những kỷ niệm của cố Thủ tướng trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, văn hóa… nhà báo Nguyễn Thế Thanh – chủ biên của tác phẩm, cho rằng những nhận xét về ông có thể không thống nhất, nhưng tất cả đều đồng ý “ông Sáu Dân là một người sâu về tâm, xứng về tầm”.
You must be logged in to post a comment Login