Bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Ảnh: Thành Đông. |
Trong thời gian làm việc ở Bộ Binh, Lê Quang Định (1759-1813, Thừa Thiên – Huế) được vua Gia Long cử biên soạn bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Bộ sách được hoàn thành ở dạng chép tay, dâng lên vua vào năm 1806, với tổng cộng 10 quyển, 638 tờ.
Sự ra đời của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí mang ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt. Nhà nghiên cứu Phan Đăng – dịch giả của công trình này – chia sẻ với Zing về đặc điểm nổi bật cũng như ý nghĩa cụ thể của bộ sách.
Miêu tả cương vực, hiện trạng của đất nước
– Trong quá trình chuyển ngữ cuốn Hoàng Việt nhất thống dư địa chí – bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn, những chi tiết nào ông cho rằng có giá trị nhất?
– Thành công của bản in đầu tiên này, ngoài việc dịch, là chú thích và giới thiệu, công bố nguyên tác bản chữ Hán của bộ sách vốn đang ở dạng chép tay, chưa được in ấn lần nào.
Khi tiếp cận nguyên bản chữ Hán, chúng tôi nhận ra ngay đây là bộ sách quý, có giá trị lớn. Nội dung tác phẩm miêu tả rõ cương vực, hiện trạng của Tổ quốc; tài nguyên, vật lực của quốc gia; đường đi lối lại trong nhân dân; phong tục, tập quán từng địa phương; phong cảnh đó đây của đất nước; đồng thời đề ra các chính sách chính trị – xã hội một cách thiết thực, khẳng định cương vực đã có của một quốc gia độc lập và tự chủ.
Ngoài việc ghi chép tường tận về đất nước, tác giả còn trích chép khá nhiều thơ văn (56 bài thơ, câu thơ chữ Hán, 4 bài thơ Nôm) của nhiều vị vua chúa, tao nhân mặc khách khi có dịp đi qua các phong cảnh kỳ thú của đất nước hoặc các câu chuyện, câu nói nhằm giải thích một số cảnh quan, sự kiện, con người ở một số địa phương.
– Theo ông, sự ra đời của “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” có ý nghĩa như thế nào đối với triều đại nhà Nguyễn cũng như công cuộc xây dựng đất nước?
– Trước hết, đây là một tác phẩm địa chí có quy mô lớn và đầu tiên của triều Nguyễn, đánh dấu cho bước phát triển mới của lịch sử dân tộc trước những yêu cầu cấp bách của chính trị, xã hội và con người.
Mặt khác, tác phẩm còn ghi dấu ấn quan trọng trong việc xây dựng triều đại nhà Nguyễn, cũng là một triều đại phong kiến mới sau những cuộc khủng hoảng, suy thoái, cát cứ… của các triều đại phong kiến trong hơn hai thế kỷ trước đó mà nhân dân chưa thể nào quên.
Sau bao năm gian truân dựng nghiệp, vua Gia Long đã nghĩ ngay đến việc biên soạn một công trình quan trọng như Hoàng Việt nhất thống dư địa chí nhằm kịp thời thể hiện niềm tin với nhân dân, cũng để khẳng định nền độc lập, tự chủ của một đất nước, một triều đại. Điều này thể hiện tâm huyết của một vị vua trong tình hình mới của đất nước.
– Qua cuốn sách này, ông đánh giá thế nào về lòng quyết tâm và tầm nhận thức của vua Gia Long?
– Hoàng Việt nhất thống dư địa chí ra đời trong thời điểm đặc biệt: Nhà vua vừa đăng quang, tình hình xã hội còn ngổn ngang, việc xây dựng bộ máy hành chính cũng chỉ mới bắt đầu, phân định đơn vị hành chính và thành lập chính quyền địa phương từ “Tuyên Lạng đến Hà Tiên” cũng không phải việc đơn giản, nhưng nhà vua vẫn nghĩ đến việc lớn, quan trọng hơn là cho biên soạn bộ địa chí để khẳng định biên cương đất nước, nền văn hóa, văn hiến của dân tộc, tạo ra sức mạnh tinh thần có công năng rất lớn cho việc xây dựng sự nghiệp vương quyền và truyền thống giữ nước, dựng nước của nhân dân.
Đó là một việc làm có ý nghĩa lớn với đất nước trong thời điểm cụ thể của lịch sử, đồng thời thể hiện sự quyết tâm và tầm nhận thức đúng đắn sâu sắc của nhà vua trong những ngày đầu của triều đại mới.
Nhà nghiên cứu, dịch giả Phan Đăng (đứng) trong buổi giao lưu giới thiệu bộ địa chí. Ảnh: Minh Hiền/Báo Thừa Thiên Huế. |
Bộ địa chí với quy mô đồ sộ
– So với các bộ địa chí có từ trước, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí có điểm gì khác biệt? Nội dung sách được phát triển ra sao so với những công trình nghiên cứu trước đó về lĩnh vực này?
– Tài liệu xưa từng chép năm 1172, Lý Anh Tông đã cho biên soạn bộ Nam Bắc phiên giới địa đồ. Từ đó về sau, triều đại nào cũng có tổ chức làm địa chí với hình thức tương tự.
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí thể hiện rõ cách nhìn nhận về hình thể đất nước, niềm tự hào của con người, triều đại trước sự kỳ tú của non sông đất nước và truyền thống dân tộc. Trước đó đã có những tác phẩm thuộc loại này như Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1435); Ô Châu cận lục của Dương Văn An (1555), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776)… nhưng nội dung còn sơ lược hoặc mang tính địa phương (phương chí).
So với tác phẩm cùng loại trước đó, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí có bề thế về quy mô, phong phú về nội dung hơn rất nhiều. Với những tác phẩm địa chí sau đó, bộ sách này lại có một vai trò rất lớn, trở thành công cụ tra cứu, tham khảo chính của nhiều tác phẩm địa chí khác như Hoàng Việt dư địa chí của Phan Huy Chú (trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, 1821); Gia Định thành thông chí (1820-1822) của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Tự Đức, 1865-1882)…
– Từ tác phẩm này, những điểm chính nào sẽ trở thành công cụ tra cứu chuẩn mực, chính xác cho những tác phẩm tiếp theo nếu khai thác cùng đề tài?
– Bộ sách không chỉ góp phần nâng cao tri thức về sự phong phú, tươi đẹp của đất nước và niềm tự hào của dân tộc; mà còn là công cụ tra cứu về địa danh, nhân danh, đơn vị hành chính và sản vật; cho đến trạm điếm, hành cung, cầu cống, bến đò, sông rạch, chợ búa, đền miếu, thành quách, biên ải.
Bộ sách còn ghi rõ đường thủy bộ từ kinh đô Huế đến các dinh, trấn, thành, đạo; rồi từ các thủ phủ đó đi đến khắp nơi. Đặc biệt, sách còn lưu ý tình trạng từng nơi như chỗ hiểm, chỗ có thú dữ, trộm cắp, chỗ có thể nghỉ chân, có những món ăn đặc sản, độ sâu cạn của từng sông suối, đường nào nên đi và đi vào những lúc nào… Ngoài ra, sách cũng chép những giai thoại, truyền thuyết, thần tích, ca dao, thơ văn gắn với từng vùng, từng sự kiện nổi bật một cách rất đầy đủ và sinh động.
Có thể nói Hoàng Việt nhất thống dư địa chí sẽ giúp cho người yêu thích môn địa chí hay triển khai những đề tài thuộc lĩnh vực địa chí có thêm nhiều tư liệu quý và bổ ích, nhằm thực hiện công trình của mình thuận lợi và sâu hơn.
You must be logged in to post a comment Login