Ngày 29/8/1945, Bác Hồ và một số đồng chí giúp việc được Trung ương bố trí đến ở và làm việc tại nhà số 12 Ngô Quyền, cạnh vườn hoa Chí Linh, nơi trước đó là dinh của Thống sứ Bắc Kỳ, nay là Nhà khách Chính phủ. […]
Số nhà 12 Ngô Quyền không những là nơi ở và làm việc của Bác, mà còn là điểm tìm đến của bao nhân sĩ, trí thức, người giàu có và nhân dân lao động để góp phần đem sự hiểu biết, lòng trung thành và của cải, sức lực của mình ra sức xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ do Bác Hồ lãnh đạo.
Ít lâu sau, chính tại nơi ở 12 Ngô Quyền này, một sự việc rất đặc biệt đã xảy ra, bất ngờ sau hơn ba thập kỷ anh chị em ruột xa nhau. Đó là sau khi lần đầu tiên thấy ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà con họ hàng bên nội ở làng Kim Liên, bên ngoại ở làng Hoàng Trù, thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, bàn tán nhau nửa tin, nửa ngờ: “Phải chăng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, là Nguyễn Tất Thành, là Nguyễn Sinh Cung?”.
Để rõ sự thật, bà con cả hai bên nội ngoại liền cử cụ Thanh, tên thật là Nguyễn Thị Bích Liên – chị gái Bác Hồ, khăn gói lên đường ra Hà Nội xem sao. Khi đến cổng số 12 Ngô Quyền, cô Thanh để tạm xuống đất hai con vịt và chiếc bị bằng cói trong đựng vài chục quả trứng gà xung quanh phủ trấu, mang từ trong quê ra. Rồi cô đứng phủi phủi bộ quần áo nâu đang mặc, sửa sang lại ngay ngắn chiếc khăn nhung đen vấn quanh đầu. Vừa lúc, người gác cổng bước đến hỏi cô:
– Bà có việc gì, cần gặp ai?
– Tôi là chị ruột Cụ Hồ. Tôi ra thăm Cụ một chút rồi tôi về!
Nghe vậy, người gác cổng bảo cô chờ. Quả nhiên, chờ một chốc là có người ra dẫn cô vào nhà. Hai chị em gặp nhau sau mấy chục năm xa cách, người nào cũng nghẹn ngào xúc động.
Chuyện trò được một lát, khoảng nửa giờ, thấy có người vào trình việc, biết Cụ Hồ đang phải giải quyết nhiều việc cần kíp của đất nước khi mới giành được độc lập, cô Thanh về nhà người quen ở phố Hàng Nón.
Bà Nguyễn Thị Thanh, người chị kính yêu của Bác Hồ. Ảnh: TL. |
Hôm biết cô Thanh sắp về quê, Bác Hồ đang bận rộn quá nhiều công việc, phải nhờ người đem đến biếu cô mấy mét vải lĩnh để về may quần áo gọi là chút quà kỷ niệm sau nhiều năm chị em xa cách giữa lúc đất nước chìm đắm trong tối tăm, nô lệ. Nay hai chị em gặp lại trong không khí Tổ quốc đã giành được chính quyền về tay nhân dân.
Còn ông Cả Khiêm, tức Nguyễn Sinh Khiêm (tức Nguyễn Tất Đạt), người anh ruột hơn Bác Hồ hai tuổi, nhưng kém bà Thanh bốn tuổi, ít lâu sau cũng ra gặp Bác Hồ ở tầng hai của ngôi nhà số 12 Ngô Quyền. Khi thấy Bác Hồ trong phòng làm việc bước ra, nhận rõ là em ruột mình, không nén nổi xúc động, ông Cả Khiêm bước nhanh đến ôm chầm lấy Bác, miệng nói lặp đi, lặp lại:
– Chú Cung! Chú Cung! Chú có khỏe không?
Bác Hồ cũng rất xúc động, ôm chặt lấy ông Cả Khiêm, áp chòm râu rung rung lên má người anh ruột của mình nói rất thân tình:
– Anh đã ra thăm em… Đáng lẽ em phải về thăm anh trước… Anh có khỏe không?
Hai người cứ ôm nhau như vậy, lặng đi hàng phút, rồi ông Cả Khiêm mới buông tay và nói tiếp:
– Chị Thanh về có nói chuyện lại, bảo là chú gầy lắm, công việc bận suốt ngày…
Nói xong, ông Cả Khiêm mở chiếc vali đan bằng sợi mây cũ kỹ, lấy mấy quả cam Xứ Đoài biếu Bác Hồ. Bác Hồ đỡ lấy cam, cảm động rơm rớm nước mắt. Nỗi nhớ họ hàng, quê hương trào lên, Bác đọc luôn câu ca về xứ Nghệ:
Quê ta ngọt mía Nam Đàn
Bụi khoai Chợ Rộ, thơm cam Xứ Đoài
Ai về ai nhớ chăng ai
Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh.