Nhà văn Rebecca F Kuang. Ảnh: M Scott Brauer/The Guardian. |
Sau thành công với tác phẩm Babel, Rebecca F Kuang tiếp tục ra mắt một cuốn tiểu thuyết ly kỳ giật gân, lấy bối cảnh ngành xuất bản và kể câu chuyện của hai tiểu thuyết gia trẻ ở Washington DC.
Một bên là Athena Liu, nhà văn thành công cả mặt phê bình lẫn thương mại vừa ký hợp đồng với Netflix; bên còn lại là Juniper Hayward, người có tác phẩm đầu tay bị độc giả lãng quên, doanh thu kém nên không được phát hành bản bìa mềm.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu với cảnh đôi bạn nâng cốc chúc mừng thành công của Athena trong căn hộ sang trọng của cô ấy; Juniper, đang kìm nén sự phẫn uất của mình thì đột nhiên, Athena bị nghẹn một chiếc bánh kếp nhà làm và qua đời.
Tai nạn có một không hai này là bước ngoặt đầu tiên dẫn dắt mạch chuyện đến một vụ trộm bản thảo trơ trẽn.
Trước đó, Athena cho Juniper xem bản thảo bí mật mới của mình – một cuốn tiểu thuyết sử thi về những công nhân Trung Quốc được quân đội Anh tuyển mộ trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhân cơ hội, Juniper đã trộm bản thảo rồi xuất bản nó dưới tên của chính mình, lấy bút danh mới là June Song.
Bìa sách Yellowface. Ảnh: Goodreads. |
Vậy là mọi giấc mơ của Juniper đều trở thành hiện thực: Khoản ứng trước (trong xuất bản sách) hàng triệu đôla, lời khen từ giới phê bình, một vị trí trong danh sách bán chạy nhất của New York Times.
Tất nhiên, vẫn có một vài vấn đề nhỏ: Mẹ của Athena đã cầm cố sổ ghi chép nghiên cứu của con gái mình cho kho lưu trữ của trường đại học, chưa kể đến một số lời cằn nhằn từ một trợ lý biên tập người Mỹ gốc Á. Juniper đương đắm chìm trong ánh hào quang rực rỡ thì cộng đồng mạng lên tiếng và cô dính phốt đạo văn.
Nhằm bảo vệ cho lời nói dối của mình dưới mũi dùi dư luận, Juniper không chỉ lừa dối người ngoài mà lừa dối cả chính bản thân mình. Juniper tự nhủ rằng suy cho cùng, cô đã viết nốt một bản nháp mà có thể không bao giờ được hoàn thành kia mà. Vả lại, ngay từ đầu, chẳng phải Athena từng khai thác những chi tiết nhạy cảm về cuộc sống cá nhân của Juniper cho truyện ngắn đầu tay. Đã thế, các nhà văn da trắng thời nay luôn bị đánh giá, xét nét đủ thứ…
Yellowface chuyển biến từ một câu chuyện về tình bạn kỳ phùng địch thủ thành một câu chuyện báo thù rùng rợn và thậm chí là một chuyện ma. Tác phẩm không những mang đậm tính giải trí, mà còn hàm chứa ý nghĩa phê phán thực trạng ngành xuất bản, phê phán thái độ của cộng đồng này trước vấn đề đa dạng sắc tộc.
Cây viết Anthony Cummins của tờ Guardian dành lời khen cho những tình tiết hài hước tréo nghoe trong Yellowface. Đơn cử, Juniper tự huyễn hoặc rằng mình đã viết cuốn tiểu thuyết của Athena, nhưng lại rất vui mừng khi các nhà phê bình chỉ trích cuốn sách vì như thế nghĩa là Athena viết kém.
Theo Cummins, Kuang dường muốn nói rằng chúng ta đều là những kẻ bịp bợm và rằng bất kỳ hành động sáng tạo nào cũng là hành vi ăn cắp vặt dưới hình thức này hay hình thức khác.
Nguồn: https://zingnews.vn/chuyen-ly-ky-hai-huoc-ve-gioi-van-chuong-va-nganh-xuat-ban-post1435037.html
You must be logged in to post a comment Login