Con thú mù
Con thú mù là tập truyện “hai trong một” của bậc thầy trinh thám kinh dị xứ Phù Tang Edogawa Ranpo. Tập truyện gồm 2 tiểu thuyết ngắn.
Trong đó, Con thú mù kể về một hoạ sĩ khiếm thị, chỉ có thể cảm nhận sự vật qua đôi bàn tay. Lão cho rằng một tuyệt tác nghệ thuật phải được tiếp nhận bằng xúc giác. Bảy cô gái với bảy vẻ đẹp khác nhau đã bị lão dẫn về căn phòng riêng của mình. Sau đó những án mạng kinh hoàng xảy ra, để phục vụ cho một tuyệt tác nghệ thuật có một không hai.
Trong tác phẩm thứ hai Đảo kì dị, nhà văn Hitomi Hirosuke ôm mộng tưởng viết một tác phẩm lớn về một thiên đàng nhân tạo. Bước ngoặt đến khi anh biết đến cái chết của Komoda Genzaburo – người bạn có ngoại hình rất giống Hitomi. Anh quyết định giả mạo danh tính của người đã khuất để đoạt lấy tài sản, sau đó xây dựng một công viên giải trí độc đáo trên một hòn đảo huyền bí. Nhưng thiên đàng mà Hitomi định xây ngày càng giống với địa ngục…
Từng trang sách thấm đẫm vẻ đẹp ma mị, u hoài và lạnh gáy rùng rợn, Con thú mù và Đảo kì dị là hai đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Ranpo, khi ác tâm và chủ nghĩa duy mỹ thuần khiết đã sánh đôi nhau đi đến tận cùng.
Lô số 249
Tuyển tập Lô số 249 gồm 16 truyện ngắn được nhà văn Arthur Conan Doyle sáng tác trong giai đoạn từ cuối những năm 1870 đến năm 1894, hé lộ các đóng góp của ông cho thể loại văn học Gothic thế kỉ 19: những bóng ma vùng Cực Bắc vắng bóng Mặt trời, xác ướp hiểm ác, linh hồn lang thang trong dinh thự cổ, vũ khí bị ám, và kể cả kẻ sát nhân cuồng loạn…
Dù cho đều được viết cách đây hơn trăm năm, nhưng những câu chuyện này vẫn thôi khiến người đọc trải nghiệm cảm giác bứt rứt, bất an khôn nguôi. Luôn luôn tồn tại thứ cảm giác bất định đối với cả độc giả lẫn các nhân vật trung tâm. Chính bản chất của sự e sợ mơ hồ đó khiến ta căng thẳng, lo lắng, và bị cảm giác kinh hãi bao trùm.
Chuyện kể lúc hoàng hôn
“Các vị chú ý lời tôi nhé, chuyện có thật. Không phải những gì lấp lánh đều là vàng; nhưng những gì tôi sắp kể là sự thật”. Charles Dickens dành cả đời mình tìm hiểu về các sự kiện siêu nhiên. Ông luôn có một niềm yêu thích với các câu chuyện ma, đặc biệt là vào dịp Giáng sinh, luôn cởi mở, sẵn sàng tiếp thu và đặt câu hỏi về sự tồn tại của linh hồn. Bản năng hướng về các sự kiện kịch tính, giật gân và rùng rợn khiến ông trở thành một người kể truyện ma xuất chúng của thời đại.
Những truyện ma trong Chuyện kể lúc hoàng hôn, một số hài hước, một số quyến rũ, một số lại khiến người khác khó chịu. Nhiều câu chuyện trong số đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nhà văn nổi tiếng cùng thời như Edgar Allan Poe, M. R. James, Sheridan Le Fanu…
Nơi dãy núi điên dại
Tại vùng hoang mạc chưa được khám phá ở Nam Cực, đoàn thám hiểm Đại học Miskatonic bàng hoàng trước cảnh tượng đẫm máu khi tìm thấy khu trại của đội tiên phong. Toàn bộ thành viên trong trại cùng đàn chó kéo xe đã bị xé xác và giết hại tàn bạo.
Không có bất cứ manh mối nào về chuyện đã xảy ra, ngoại trừ một loạt các ngôi mộ tuyết mới được đắp. Dưới 6 ngôi mộ trong số này là mẫu vật của một chủng sinh vật quái dị chưa từng được biết đến. 8 ngôi mộ tương tự trống rỗng, nhưng có dấu hiệu bị phá ra từ bên trong.
Chuyến hành trình khởi đầu với mục đích tìm kiếm tri thức, sớm trở thành cuộc đối đầu đáng sợ với sự thực đầy tăm tối và đã bị quên lãng của thế giới. Dãy núi điên dại nơi lục địa khắc nghiệt kia mở tới những hang động thẳm sâu thuở cổ đại, lưu giữ lịch sử bí mật của hành tinh giữa đống đổ nát của nền văn minh đầu tiên, được xây dựng bởi các Cựu Thần đến từ ngoài vũ trụ.
Tác giả H. P. Lovecraft là người đã góp phần hình thành và lan truyền dòng văn “kinh dị vũ trụ”, thường xuyên pha trộn các yếu tố kinh dị và khoa học viễn tưởng vào nhau trong các tác phẩm của mình.
Sự sụp đổ của nhà Usher
Sự sụp đổ của nhà Usher là tuyển tập 30 truyện ngắn tiêu biểu của Edgar Allan Poe. Những câu chuyện dẫn dắt bạn đọc đến một thế giới riêng, nơi hiện thực và trí tưởng tượng điên rồ hoà quyện trong lối văn chương bí ẩn cổ quái.
Những câu chuyện ly kỳ mang đậm sắc màu u ám nhưng hàm chứa nhiều giá trị khoa học, từng bước khai mở những uẩn khúc nằm sâu trong bản chất tội ác của con người, để rồi khi chiêm nghiệm từng trang sách, bạn đọc không khỏi băn khoăn rằng liệu những điều vừa xảy ra chỉ là hư ảo hay có thật?
Và có khi nào trong tương lai chính họ cũng sẽ nhập vai vào những câu chuyện lạ kỳ không kém phần hấp dẫn dành riêng cho mình?
Vào vùng nước xoáy
Vào vùng nước xoáy tuyển dịch 18 truyện kinh dị của Edgar Allan Poe. Sách có thể xem là bức chân dung đầy đủ những nét chính yếu làm nên phong cách của nhà văn độc đáo này. Độc giả sẽ bắt gặp ở đây những vụ án bí ẩn, những câu đố tưởng như chẳng hề có đáp án, những hiện tượng siêu nhiên.
Nhưng đồng thời, chúng ta cũng sẽ được thưởng thức một khía cạnh ít được nói đến của ông: sự hài hước. Những truyện ngắn của ông, sau hơn 150 năm, vẫn chẳng hề cạn đi vẻ đẹp của chúng, vẫn không ngừng mời gọi độc giả tham gia cuộc phiêu lưu vào cõi bí hiểm siêu nhiên.
Edgar Allan Poe là nhà văn, nhà thơ, và nhà phê bình người Mỹ được biết đến với những tác phẩm kinh dị ly kỳ, và được coi là một trong những tác giả hàng đầu của thể loại kinh dị và trinh thám.
Carrie
Carrie White là cô gái đáng thương, ở trường thì bị bạn bè tàn nhẫn bắt nạt và biến thành trò cười, ở nhà thì phải chịu đựng bà mẹ cuồng tín đến bệnh hoạn. Nhưng có một điều không ai bên ngoài căn nhà của Carrie biết, đấy là cô có niệm lực bẩm sinh có thể dịch chuyển mọi thứ chỉ bằng ý nghĩ.
Khi buổi vũ hội cuối cấp đến gần, những kẻ bắt nạt Carrie bày ra một trò chơi khăm độc địa mà không hề nhận ra mình đang châm ngòi một quả bom khủng khiếp.
Không chỉ đơn thuần là tiểu thuyết kinh dị máu me, Carrie còn ghi nhận sự sáng tạo của Stephen King trong việc tạo ra một lối dẫn truyện kết hợp giữa lời kể thông thường với những mẫu phỏng vấn, các bài báo, sách nghiên cứu. Cách làm này của King đặc biệt mới lạ vào thời điểm đó, khiến người đọc cảm thấy câu chuyện kinh hoàng trong cuốn sách không diễn ra ở một thế giới tưởng tượng xa vời, mà là ngay gần kề mình, chỉ cần hé cửa là sẽ thấy. King không tạo ra một thế giới đáng sợ, mà ông khiến chính thế giới của chúng ta trở nên đáng sợ khủng khiếp.
Trò chơi tình ái
Truyện mở đầu trong bối cảnh một căn nhà gỗ xa lạ nằm tách biệt trong một khu rừng hoang. Thi thoảng vọng lại từ không gian vắng lặng ngoài kia là tiếng kêu thê lương, thảm thiết của một con thú hoang hoặc một con chim lạ. Hai vợ chồng Jessie đang tận hưởng kỳ nghỉ dưỡng “đặc biệt” trên giường và “trò chơi tình ái” mà người chồng Gerald đề xướng.
Jessie bị chồng mình trói hai tay vào thành giường, nhưng khi chuẩn bị hành sự thì chồng cô lên cơn đau tim rồi đổ gục xuống tử vong ngay tại chỗ. Khi ấy, cơn ác mộng của Jessie bắt đầu.
Trong tình thế ngặt nghèo như vậy, Jessie đã trải qua những cảm giác kinh khủng nhất trong cuộc đời mình, khi cô không thể kêu cứu, cũng chẳng có cách nào thoát ra khỏi cái còng. Cơn khát, sự đau đớn khiến cô trải qua một loạt ảo giác kinh hoàng. Những giọng nói kỳ lạ vang lên trong đầu cô, họ đối thoại nhưng chẳng thể giải quyết được gì.
Qua những trường đoạn miêu tả tâm lý đầy căng thẳng, tác giả tiết lộ quá khứ không mấy tốt đẹp của Jessie: bị chính cha ruột lạm dụng, cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn với người chồng.
24 giờ vật lộn giữa sự sống và cái chết cho chúng ta thấy một Jessie tổn thương và không kém phần kiên cường: vừa cố gắng thoát ra khỏi cái còng, vừa tranh đấu tâm lý để đối diện với bóng ma ký ức đang quay lại để hành hạ.
Con thỏ nguyền rủa
Chiếc đèn hình thỏ mang sức mạnh nguyền rủa, cái đầu nhớp nhúa trồi lên từ bồn cầu, vụ tai nạn xe hơi ly kỳ giữa đầm lầy, con cáo chảy máu vàng ròng, những kẻ sống và người chết bị trói buộc trong dòng chảy thời gian…
Con thỏ nguyền rủa là tập truyện ngắn đầy ám ảnh, hài hước, gớm ghiếc và ghê rợn về những cơn ác mộng của cuộc sống hiện đại, trong một thế giới “nhìn chung là khốc liệt và xa lạ, đôi khi cũng đẹp và mê hoặc, nhưng ngay cả trong những giây phút đó, về cơ bản nó vẫn là một chốn man rợ.”
Cuốn sách là tuyển tập 10 truyện ngắn kinh dị của nhà văn Hàn Quốc Chung Bora, tái hiện lại những cuộc đời cô độc giữa xã hội vô cảm lạnh lùng.
You must be logged in to post a comment Login