Lứa tuổi thiếu niên, hay người ta thường gọi là “tuổi teen” là một “khúc cua” đáng nhớ trên chặng đường dài mang tên khôn lớn. Lúc này, nhiều người thường than vãn: Con cái thay đổi đến chóng mặt khiến bố mẹ trở tay không kịp. Đôi khi, các bậc phụ huynh còn ngỡ ngàng tự hỏi: Không biết đứa trẻ ương bướng kia có phải do mình sinh ra hay không?
Là mẹ của hai cô con gái ở độ tuổi teen, nhà văn Phong Điệp nhiều lần cảm thấy bối rối trước những thay đổi bất ngờ trong tâm lý, cũng như tình cảm của các con. Thay vì nổi nóng hay tìm cách áp đặt chúng trong những khuôn khổ mà người lớn đặt ra, chị chọn cách trò chuyện cùng con để hiểu con. Cùng con vượt “bão” tuổi teen là cuốn cẩm nang hữu ích được viết từ kinh nghiệm của một người mẹ.
Chiến đấu với con quái vật mang tên bướng bỉnh
Nhiều bậc phụ huynh thường than phiền rằng: Khi bước vào cấp II, con cái họ trở nên khó bảo và ương bướng một cách vô lý. Thay vì làm theo những gì cha mẹ nói như hồi tiểu học, chúng chỉ thích cãi lại và làm theo ý mình. Nếu cha mẹ ra sức ngăn cản hay ép buộc, đứa trẻ ngoan hiền ngày nào bỗng chốc biến thành một “quả bom nguyên tử” và sẵn sàng bùng nổ trong cơn giận.
Sách Cùng con vượt “bão” tuổi teen của nhà văn Phong Điệp. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó! Mới có mười mấy tuổi, nhưng xem ra các “bạn teen” còn đãng trí hơn cả các cụ già. Dường như chúng có thể quên tất cả mọi thứ: Quên lời bố mẹ dặn, quên làm việc nhà, để quên sách vở, quên làm bài tập. “Con quên mất rồi” đã trở thành câu “thần chú” quen thuộc để giải thích cho mọi lỗi lầm.
Nhiều ông bố, bà mẹ cảm luôn thấy đau đầu vì không biết dạy con thế nào cho phải. Khuyên bảo nhẹ nhàng như hồi con bé thì không có hiệu quả, quát mắng hay áp dụng các hình phạt nghiêm khắc lại dễ làm bọn trẻ nổi khùng, và chống đối bố mẹ một cách quyết liệt hơn. Vì giận bố mẹ, có đứa trẻ sẵn sàng bỏ nhà đi. Sợ con làm điều dại dột, nhiều bậc phụ huynh nhắm mắt làm ngơ trước tính xấu của con, họ sẵn sàng “nhịn con như nhịn cơm sống”.
Không những thế, sở thích hay đam mê của lứa tuổi dở dở ương ương này cũng thay đổi liên tục, khiến cho phụ huynh cảm thấy hoang mang. Hôm nay, con yêu của họ thích anh chàng ca sĩ này, nhưng ngày mai, chúng lại mê mệt cô diễn viên nọ. Hình ảnh một đám “trẻ con” cao lớn phổng phao đứng khóc nức nở khi biết tin thần tượng nhập ngũ khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khó hiểu.
Giáo dục hay yêu thương, trước hết hãy nhìn cuộc đời hồn nhiên như bọn trẻ
Là một người mẹ, và cũng từng là một cô gái mới lớn với nhiều suy nghĩ chẳng giống ai, nhà văn Phong Điệp nhận ra rằng: Các “bạn teen” hay nổi loạn vì muốn làm người lớn. Lứa tuổi này là một giai đoạn chuyển giao quan trọng giữa hai khái niệm “trẻ con” và “trưởng thành”. Những đứa con bé bỏng ngày nào cảm nhận được mình đang là người lớn và muốn khẳng định bản thân.
Sợ con cái bị tổi thương là một ám ảnh với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Vậy chúng ta nên làm gì khi con bị bắt nạt ở trường? Lập tức báo với giáo viên chủ nhiệm hay để tự con xoay sở, giải tỏa khúc mắc với bạn bè? Nên làm gì khi con biết rung động trước bạn khác giới? Nói chuyện với con về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn có phải là “vẽ đường cho hươu chạy”? Nhà văn Phong Điệp sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích cho “hội phụ huynh”.
Giáo dục, bảo ban và uốn nắn con cái là việc làm cần thiết mà những bậc cha mẹ phải làm. Nhưng “mẹ” Phong Điệp nhắc nhở chúng ta rằng: Hãy cho con quyền được sai. Miễn là sai lầm đó không ảnh hưởng đến nặng nề đến cuộc sống của trẻ. Có những lúc, chúng ta cũng phạm sai lầm, vậy tại sao lại bắt bọn trẻ phải hoàn hảo?
Thay vì cấm đoán trước những rung động đầu đời, hãy dạy con yêu đúng cách và có trách nhiệm. Ảnh: Moweek. |
Bước vào tuổi teen, con cái luôn muốn làm người lớn. Thế nên, đây là thời điểm tốt nhất để cho chúng tự lập. Nuôi dạy một đứa con 3 tuổi, khác với việc giáo dục một đứa trẻ 13 hay 15 tuổi. Bảo bọc con cái một cách thái quá, chính là cướp mất quyền trưởng thành một cách hoàn thiện của con. Rồi một ngày nào đó, lũ trẻ sẽ phải rời xa vòng tay của bố mẹ, chúng sẽ sống ra sao nếu không tự nấu được một bữa ăn tử tế cho mình, hay tự giác mang quần áo bẩn đi giặt?
Làm cha mẹ trong thời đại 4.0 với sự bủa vây của mạng xã hội cũng không hề đơn giản. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bực mình khi không được con cái “kết bạn” qua mạng. Nếu đôi bên có thể “làm bạn” với nhau, nhiều ông bố, bà mẹ lại thấy “xây xẩm mặt mày” vì cách bọn trẻ nói chuyện trên Facebook. Tại sao con than buồn, vì sao chúng lại cảm thấy thất vọng? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra khi bố mẹ làm bạn của con trong thế giới ảo.
Đôi khi, một dòng trạng thái mang “nỗi buồn vu vơ” chẳng có gì nghiêm trọng cả. Có thể, nguyên nhân đến từ những rắc rối vụn vặt trong ngày như giận dỗi với cô bạn thân, hay bài kiểm tra không như ý. Những nỗi buồn ấy sẽ biến mất vào ngày hôm sau. Khi đó con bạn lại vui vẻ nói cười.
Bằng những câu chuyện thực tế rút ra từ quá trình nuôi dạy hai con, cùng nhiều chia sẻ thẳng thắn và chân thành, Cùng con vượt “bão” tuổi teen nhà văn Phong Điệp đã mang đến cho các bậc cha mẹ chiếc chìa khóa vạn năng để bước vào thế giới của những cậu ấm, cô chiêu tuổi ẩm ương.
Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái là một thế hệ, thế nên để làm bạn cùng nhau là điều không đơn giản. Ngoài tình yêu thương, hãy biến sự tôn trọng và thấu hiểu là món quà để dành tặng con cái.
Những xung đột mâu thuẫn đến từ mối quan hệ bạn bè, khiến các bạn teen cảm thấy áp lực. Ảnh: Phim Thiên tài bất hảo. |