Phản ứng thông thường của nhiều người khi gặp phải dịch bệnh là nỗi sợ hãi và lối suy nghĩ ích kỷ nhằm bảo toàn tính mạng cho riêng mình. Ít ai có đủ kiên nhẫn để có tư duy khác đi và tích cực hơn trong trường hợp khẩn cấp ấy. Trong cuốn Đốc-tờ Năm: Câu chuyện diệu kỳ về người chống lại bệnh dịch hạch, Đốc-tờ Năm (tên thật là Alexandre Yersin) cũng bị đưa đẩy vào tình huống tương tự như vậy trong hành trình đến với xứ Đông Dương ở độ tuổi từ 20 đến 35.
Ông đã chống chọi, không những với bệnh tật khắc nghiệt, mà còn phải vượt qua chính định kiến của những cộng sự. Có thể nhiều người sẽ đánh giá rằng tư liệu lịch sử có vẻ cũ, song về tư tưởng của nhà khoa học tài ba thì không bao giờ lạc hậu. Nó là bài học sâu sắc, phù hợp ở mọi thời đại.
Bệnh dịch hạch và những tàn phá ghê gớm của nó đối với con người
Bệnh dịch hạch xuất hiện ở châu Âu lần đầu tiên từ thế kỷ 5 và được mệnh danh là “cái chết đen” bởi mức độ lây lan và tính nguy hiểm của nó với những nơi nó càn quét qua. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, hậu thế vẫn phải sợ hãi về mức độ nguy hiểm của nó. Tháng 6/1894, khi đế quốc châu Âu tiến hành những cuộc xâm lược thuộc địa ở châu Á, bệnh dịch hạch đã bùng phát và hoành hành ở nơi đây và cụ thể là Hong Kong. Sự có mặt của căn bệnh khiến cho nhà chức trách khi ấy vô cùng lo lắng.
Dịch hạch hoành hành ở Hong Kong năm 1894, người ta phải tiêu hủy, tẩy uế nhà cửa, phố xá. |
Tuy nhiên, thay vì tìm ra phương pháp để cứu chữa cho người dân Hong Kong và đẩy lùi dịch bệnh, họ chỉ biết nhăm nhăm bảo vệ tính mạng của chính mình. Cuộc chiến đấu với bạo bệnh như một cuộc chạy đua hoang dại và điên loạn không có mục đích trước khi Yersin xuất hiện.
Thành phố Hong Kong đang trong mùa mưa. Mọi thứ xung quanh đều ướt nhẹp nhưng lòng người thì như lửa đốt khi những cuộc biểu diễn bị hủy, những cuộc trao đổi, bán buôn đều bị ngừng. Thành phố trở nên câm lặng như một vùng đất chết.
Người dân Hong Kong tìm cách trốn thoát đến vùng chưa có dịch. Họ mò mẫm lần tìm lối thoát như người mù trong đêm đen. Nhà cầm quyền Anh khi đó bắt đầu tìm đến những phương pháp để cách ly và khống chế căn bệnh. Họ tiêu hủy tất thảy những gì có thể để đổi lấy sự an toàn. Nhà cửa, xe cộ, đồ dùng sinh hoạt, trong phút chốc trở thành đống tro tàn. Và lòng người thì hoang mang.
Cuốn tiểu thuyết miêu tả: “Một cú dùi cui giáng xuống làm một người loạng choạng. Cảnh lộn xộn diễn ra. Người Trung Hoa phải bỏ cuộc trước lực lượng cảnh sát đang đông dần và càng trở nên nguy hiểm. Chỉ còn lại những tiếng kêu la và than khóc. Qua ánh mắt họ càng thấy rõ sự khiếp đảm”.
Nhà cầm quyền chỉ có thể dùng vũ lực để áp chế những con bệnh mà không thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ngoài hủy hoại thành phố, căn bệnh còn phá hủy cả niềm tin giữa con người với con người.
Dịch bệnh khốc liệt, nhưng định kiến của con người còn nguy hiểm hơn
Yersin là người biết đến bệnh dịch hạch và có ý thức phòng ngừa nó ở mảnh đất châu Á từ rất sớm. Nhưng ông lại là người đến sau bởi những định kiến, những quy định lẫn nhận thức của nhà chức trách. Tất cả những ý kiến của ông (khi ấy đang sống ở Đông Dương) về bệnh dịch hạch đều bị bác bỏ. Họ cho rằng nó không cần thiết, và quá xa để xảy đến với mảnh đất này. Chính điều ấy đã khiến căn bệnh dịch hạch càng khó khống chế. Khi ông được điều sang Hong Kong thì câu chuyện đã đi quá xa và ngoài sức tưởng tượng.
Bác sĩ Yersin. |
Tuy nhiên, việc khống chế căn bệnh gặp khó khăn hơn rất nhiều lần khi những ý kiến, phương pháp và tư tưởng của ông đều không tìm được tiếng nói chung. Nhà chức trách đã sớm đầu hàng dịch bệnh không điều kiện; sự chênh lệch về văn hóa, tư tưởng lẫn hoàn cảnh lịch sử khiến việc giao tiếp của ông với người bản địa trở nên khó khăn.
Và sự ích kỷ, hẹp hòi của những cộng sự đã đẩy việc chữa trị bệnh đi vào bế tắc. Thay vì tập trung tìm ra nguyên nhân của căn bệnh và cách phòng tránh nó, vị giáo sư người Nhật lại lo lắng Yersin tìm ra con vi khuẩn trước mình và tìm mọi cách để phản bác những lập luận của Yersin. Chưa hết, ông ta còn có những tác động tiêu cực khiến cho quá trình nghiên cứu bị gián đoạn và gần như không có lối thoát.
Và những khó khăn ấy đòi hỏi Yersin càng phải kiên định và quyết tâm hơn.
Vị bác sĩ đã tự tách biệt nghiên cứu của mình và không cần đến sự giúp đỡ từ nhà chức trách. Bằng tất cả những gì mình có, ông đã tự vạch ra phương pháp nghiên cứu của mình. Sự thiếu thốn về vật chất, khắc nghiệt của thời tiết đã không còn là vấn đề đối với lòng quyết tâm của ông lúc này.
Yersin xứng đáng là một minh chứng điển hình cho câu nói “Chỉ cần đủ đam mê thì thành công sẽ theo đuổi bạn”. Và Yersin là đại diện tiêu biểu trong việc nỗ lực hết mình vượt qua mọi giới hạn, định kiến vì nhân loại.
Sách Đốc-tờ Năm: Câu chuyện diệu kỳ về người chống lại bệnh dịch hạch. |
Bệnh tật hay bất kỳ điều may rủi nào đều là những điều chúng ta không mong muốn. Thời đại của Yersin cũng vậy, hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo: Khoa học kỹ thuật yếu kém, dân trí thấp, kinh tế khó khăn và sự lệch về nhận thức xã hội đã đẩy câu chuyện đi vào bế tắc. Bằng lòng dũng cảm, ý chí kiên định nên Yersin đã chiến thắng. Có thể nói, ông là người thành công ở những nơi nhiều người đã thất bại.
Dịch bệnh hay tất cả những điều may rủi nào trên cuộc đời này vốn như là sắc màu của cuộc sống, hiện hiện và không thể thiếu. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta tiếp nhận và ứng phó với nó ra sao.
Alexandre Émile Jean Yersin (22/9/1863 – 1/3/1943) là bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học, và nhà thám hiểm người Pháp và Việt Nam gốc Thụy Sĩ. Ông là người đồng phát hiện ra trực khuẩn chịu trách nhiệm về bệnh dịch hạch.