Tiểu thuyết Đường hẹp lên miền Bắc thẳm của nhà văn Richard Flanagan. Ảnh: Hạnh Nguyễn. |
Đường hẹp lên miền Bắc thẳm, tên cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Richard Flanagan được lấy ý từ bài thơ cùng tên của Matsuo Masho, Oku no Hosomichi – một tác phẩm kinh điển trong văn học Nhật Bản thế kỷ 17. Basho đã đi về phía bắc từ Tokyo ngày nay, xuyên qua miền núi non hiểm trở mà mỗi bước đi được đánh dấu bằng những khoảnh khắc cô đơn khủng khiếp.
Cuộc sống là một hành trình. Nhân vật chính của Flanagan, vị bác sĩ trẻ Dorrigo Evans, giống đại tá Nicholson trong Cầu sông Kwai, đã cùng hàng nghìn tù nhân chiến tranh cũng phải trải qua cảm giác ấy khi bị buộc phải xây dựng tuyến đường sắt Thái Lan – Miến Điện.
Nước mắt của một tù binh
Mặc dù ông trở thành huyền thoại ở Australia thời hậu chiến vì lòng dũng cảm nhưng trong lòng Evans vẫn là cảm giác tội lỗi vì đã không thể ngăn cản một tội ác chiến tranh. Tuyến đường sắt đi qua vùng địa hình khó khăn lại thêm chướng khí dày đặc đã đẩy hơn sáu mươi nghìn tù nhân quân Đồng minh và hơn ba trăm nghìn công nhân vào cảnh bi thảm.
Họ bị đối xử tàn tệ, sống trong những lán trại không đủ tiêu chuẩn, lương thực, thuốc men đều thiếu thốn và đặc biệt là môi trường sống độc hại, bệnh tả, sốt rét, thiếu chất khiến những người tù binh sống không bằng chết.
Chính cha của tác giả, cũng là người được đề tặng đầu cuốn sách, tù nhân san byaku san juu go (số hiệu 335), đã phải trải qua những ngày tháng như địa ngục trần gian ấy. Ngày mà Flanagan gửi bản thảo cuốn tiểu thuyết đi sau mười hai năm thai nghén và không ít lần đã đốt bỏ, cha của ông cũng nhắm mắt qua đời.
Tuy nhiên cuốn sách không hẳn là câu chuyện cuộc đời cha ông, không chỉ toàn nói về giết chóc. Tác phẩm còn mang đến trải nghiệm rất khác về hai mặt của con người và các mối quan hệ tình bạn, tình yêu đan xen.
Tuổi thơ của Evans trải qua những ngày tháng khó khăn tại một tiền đồn xa xôi bị bỏ quên trên hòn đảo Tasmania, nơi còn chẳng có điện hay vô tuyến, hoang vu và cằn cỗi, nơi mà thành tựu chủ yếu của một con người là sống sót.
Mạch truyện triển khai khi Evans rời khỏi vùng quê khốn khó và cố gắng đạt được học bổng của Đại học Melbourne. Những ngày tháng là một bác sĩ phẫu thuật quân đội, Evans đã đem lòng yêu thương một phụ nữ có đôi mắt lấp lánh tên là Amy Mulvaney, cũng chính là vợ của dượng anh. Một tình yêu ngang trái đã nảy nở, dù chóng vánh nhưng đã trở thành chỗ dựa cho Evans trong những năm tháng hành quân khốn khó sau này.
Sau khi mối tình kết thúc, Evans gia nhập quân đội Australia và trung đoàn của anh bị bắt tại trận Java. Anh cùng nhiều tù binh khác bị đưa đi xây dựng tuyến đường sắt tử thần nhằm cung cấp vật tư cần thiết cho cuộc xâm lược Ấn Độ. Trong quá trình xây dựng, Evans miễn cưỡng được giao quyền lãnh đạo các bạn tù của mình và anh đã nhiều lần đấu tranh vì quyền lợi của họ nhưng có lúc lực bất tòng tâm. Evans tuyệt vọng chứng kiến bạn tù chết dần chết mòn.
Chiến sự leo thang, thiếu tá Nakamura, tên chỉ huy người Nhật ép những con người khốn khổ phải tăng cường hiệu suất lao động vì Thiên hoàng. “Giờ đây không còn ai gọi là người khỏe nữa. Chỉ có người yếu, người rất yếu và người sắp chết”. Lời nói thốt ra lạnh tanh, mạng người chẳng đáng một xu nơi rừng thiêng nước độc.
Ám ảnh chiến trận, nỗi đau không thể nguôi
Sau khi chiến tranh kết thúc, những người tù binh Australia được trở về quê nhà nhưng tổn thương trong tâm trí họ vẫn mãi đeo đẳng. Evans cũng vậy. Dù sự tôn kính của đồng đội giành cho Evans lớn lao nhưng vẫn không thể làm dịu đi cảm giác xấu hổ và ghê tởm bản thân đã tiếp tay cho đế quốc.
Nhà văn Richard Flanagan. Ảnh: The Australian. |
Đêm định mệnh cần một trăm tù nhân vượt trại đến đèo Ba Chùa, Evans biết họ sẽ chết thôi nhưng tên chỉ huy vẫn ép buộc anh phải đưa ra lựa chọn. Anh đứng trước quyết định hoặc để cho hắn chọn bừa phứa và cả những người yếu nhất cũng phải đi, hoặc anh sẽ nhặt lấy những người còn sức lực để giảm bớt thương vong.
Evans chờ đợi những người tù sẽ phỉ báng anh, căm hận anh nhưng không. Họ cảm ơn anh, vì tất cả. Đấy mới là sự đả kích lớn nhất, là vết thương tâm lí không thể xóa nhòa đối với Evans.
Đường hẹp lên miền bắc thẳm là một tổng thể giữa cái tốt và cái xấu trong một con người bằng xương bằng thịt và trên hết là phải sống ra sao sau khi trở về từ chiến tranh. Cuốn tiểu thuyết là bản giao hưởng đầy màu sắc giữa nốt cao của tình yêu và nốt trầm của lịch sử, được giới phê bình quốc tế nói chung và Australia nói riêng ngay thời điểm phát hành.
Nhà phê bình người Australia, Daniel Herborn đã ca ngợi cuốn sách là “một câu chuyện vừa đau thương vừa nhân văn sâu sắc, là tác phẩm mang tính cá nhân nhất của Flanagan trong nỗ lực lột tả nỗi kinh hoàng không thể tưởng tượng được của tuyến Đường sắt tử thần”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login