Người cao tuổi cần sự chăm sóc tận tình từ người thân. Ảnh: Một cảnh trong phim Điều ba mẹ không kể. |
Dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng, đất nước đang trên đà bước vào một xã hội siêu già hóa sau khi đã vượt qua giai đoạn xã hội già. Khi dân số già đi, tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ do tuổi già, một căn bệnh thoái hóa thần kinh tiêu biểu, không ngừng tăng lên và chi phí cho việc điều trị và quản lý chứng sa sút trí tuệ cũng ngày càng cao.
Theo báo cáo do Trung tâm chứng sa sút trí tuệ trung ương công bố năm 2019, số bệnh nhân sa sút trí tuệ từ 65 tuổi trở lên vào năm 2018 là khoảng 750.000 người và tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ (số người mắc bệnh chia cho tổng dân số) là 10% và dự đoán đến năm 2050, số bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ sẽ lên tới gần ba triệu người và tỷ lệ mắc bệnh sẽ đạt 16%. Theo đó, việc phát hiện và điều trị sớm chứng sa sút trí tuệ đang nổi lên như một vấn đề quan trọng.
Chứng sa sút trí tuệ là một căn bệnh khiến người bệnh không thể duy trì cuộc sống hàng ngày như trước do các chức năng nhận thức khác nhau của não bộ, bao gồm cả trí nhớ, bị tổn thương vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Không chỉ trí nhớ suy giảm mà các triệu chứng về tâm lý và hành vi như trầm cảm, căng thẳng, thờ ơ cũng thường xuyên xuất hiện, khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và tăng thêm gánh nặng chăm sóc cho người giám hộ. Điều này cuối cùng sẽ trở thành nguyên nhân khiến người giám hộ phải đưa bệnh nhân vào các cơ sở điều dưỡng.
Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ là bệnh Alzheimer, chiếm khoảng 55-75% tổng số nguyên nhân gây bệnh. Bệnh Alzheimer là một bệnh làm sa sút trí tuệ rõ rệt do thoái hóa thần kinh ở não (đặc biệt là hệ viền và thùy thái dương giữa).
Bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer bị suy giảm tổng thể không chỉ trí nhớ mà còn cả khả năng phân biệt không gian, thời gian, khả năng ghi nhớ làm việc (khả năng lưu giữ và ghi nhớ thông tin trong một thời gian), chức năng ngôn ngữ và chức năng quản lý. Ngoài ra, họ không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách bình thường và có các triệu chứng về tâm lý, hành vi nên nỗi đau tâm lý càng gia tăng không chỉ đối với bệnh nhân mà còn đối với người giám hộ, người chăm sóc họ.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh Alzheimer đã được phát hiện, bao gồm tuổi già, tiền sử gia đình, trình độ học vấn thấp, trầm cảm, chấn thương sọ não, hút thuốc và apolipoprotein E ε4 (một trong những thành phần của lipoprotein vận chuyển và chuyển hóa lipid).
Các triệu chứng tâm lý và hành vi của chứng sa sút trí tuệ nêu trên, chúng sẽ thay đổi theo thời gian và có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào. Trước đây, người ta cho rằng nó chỉ xảy ra sau rối loạn chức năng nhận thức hoặc là một triệu chứng xuất hiện cùng với suy giảm nhận thức, vì vậy thời điểm đó không có nghiên cứu tích cực nào được tiến hành.
Tuy nhiên, gần đây người ta đã tiết lộ rằng các triệu chứng tâm lý hành vi là các triệu chứng độc lập khác với chức năng nhận thức và thường xảy ra ở khoảng 70-95% người cao tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ sống trong các cơ sở điều dưỡng và 60% bệnh nhân được điều trị tại nhà.
Người ta còn cho biết thêm chính những triệu chứng này khiến các chức năng suy giảm, khả năng phục hồi ngày một xấu, do đó mối quan tâm của mọi người đến căn bệnh ngày một lớn hơn. Nếu phát hiện và điều trị sớm các triệu chứng về tâm lý hành vi, hiệu quả sẽ tốt hơn điều trị chức năng nhận thức, nhờ đó đem lại tác dụng rất lớn trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sa sút trí tuệ và người giám hộ của họ.
Các triệu chứng tâm lý hành vi của bệnh sa sút trí tuệ có liên quan chặt chẽ đến những nỗi đau, khả năng tử vong của bệnh nhân, đồng thời làm suy giảm nhận thức, làm tăng tần suất kê đơn thuốc chống loạn thần, tăng tỷ lệ phải điều trị tại các cơ sở chăm sóc dài hạn lên cao, tăng gánh nặng và chi phí chăm sóc cho người giám hộ.
Gần đây số lượng bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ gia tăng dẫn đến số người chăm sóc những bệnh nhân này cũng tăng lên đáng kể. Vậy nên mối quan tâm của xã hội đối với gánh nặng của người chăm sóc cũng ngày một lớn.
Không chỉ các nghiên cứu ở nước ngoài, mà cả các nghiên cứu trong nước cũng chỉ ra rằng các thành viên trong gia đình chăm sóc cho bệnh nhân sa sút trí tuệ đều mắc phải các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu khiến chất lượng cuộc sống của họ ngày càng giảm đi.
Trong số các yếu tố liên quan đến gánh nặng của những người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ, các triệu chứng về tâm lý hành vi của bệnh nhân có liên quan chặt chẽ nhất đến sự căng thẳng mà người chăm sóc phải chịu đựng.
You must be logged in to post a comment Login