Connect with us

Sách hay

Sài Gòn đi qua ký ức

Được phát hành

,

Chắt lọc 30 tản văn hay của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, sách bao quát các chủ đề: Di tích lịch sử – Văn hóa – Ẩm thực – Nghệ thuật, ghép nối thành thước phim tài liệu sống động trải dài từ đất Sài Gòn hơn nửa thế kỷ trước cho đến Thành phố Hồ Chí Minh của hiện tại.

Đi đâu cũng nghe, cũng thấy bước chân những người mở cõi, nhưng ngoài tên đường Lũy Bán Bích, đâu rồi những tấm bia ghi dấu vết kỷ niệm của các địa danh lịch sử, danh nhân từ thời lập đất Sài Côn – Đề Ngạn?

Chiều mưa lại đi ngang con đường Lũy Bán Bích quận Tân Bình. Nhìn bảng tên một con đường hiếm hoi mang tên một lũy thành ngày xưa, chợt nhớ đến vùng đất Sài Gòn với những bước chân mở cõi của các bậc tôi thần nhà Nguyễn – vâng mệnh Chúa – tìm đường hướng về phương Nam.

Lũy Bán Bích (lũy Nguyễn Cửu Đàm) đắp năm 1772 trên cơ sở của lũy Lão Cầm, huyện Tân Bình (1772), chạy dài từ chùa Cây Mai, vòng qua đồng Tập Trận, tới rạch Nhiêu Lộc thì theo đường sông xuống rạch Thị Nghè rồi chấm dứt nơi cầu Bông.

Cầu này có tên là cầu Hoa (hay cầu Cao Mên) nhưng trùng tên với một người vợ của vua Minh Mạng nên cải thành cầu Bông. “Cây cầu Cao Mên, thấy làm nguyên cột vắp ván trai” (Cổ Gia Định phong cảnh vịnh). Từ những cái tên, những phế tích còn sót lại sau nhiều cuộc bể dâu ẩn chứa từng quặng tầng lịch sử của đất phương Nam khởi nguồn từ Sài Côn – Prey Nokor.

Trước hết, vùng đất Sài Gòn xưa mang ơn vị quan nhà Nguyễn đã đến và xây dựng vùng đất này: Thống suất thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh – Năm 1698, “lấy đất Nông Nại đặt làm Phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn lập Phủ Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn”. Nhà Bè nước chảy chia hai / Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Sai Gon anh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik.

Trước đây, vùng đất này đã có người Việt định cư từ cuối thế kỷ XVI nhưng phải đợi đến chúa Nguyễn định danh thì vùng đất này mới là của người Việt. Sau khi dựng dinh Phiên Trấn, chúa Nguyễn còn cho phép quan chức tại Phủ Gia Định được quyền chiêu dụ người Việt đang lưu trú tại Lục Chân Lạp về định cư sẽ được miễn thuế ba năm… Bước chân của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược là bước ngoặt quan trọng đối với vùng Sài Gòn và toàn cõi Nam Bộ.

Dạo bước ngang con đường nhỏ Nam Quốc Cang nhớ ngày xưa đã có một ngôi chợ được gọi theo tên của Dinh Điều Khiển (góc Nguyễn Trãi – Phạm Ngũ Lão). Đường Lê Thánh Tôn, trước Bảo tàng Cách mạng, trong công viên Bách Tùng Diệp ta thấy một cây đa to rũ nhánh – dấu vết một ngôi chợ nổi tiếng mang tên Cây Da Còm ngày cũ. Cây da thằng mọi, coi bán đủ thuốc xiêm, cau mít (Cổ Gia Định phong cảnh vịnh).

Đình Tân Kiểng (Chợ Quán) còn đó nhưng chợ Tân Kiểng chỉ còn lại cái tên. Chợ Phố Sài Gòn, do Trần Thắng Tài (Trần Thượng Xuyên) thành lập trong khoảng những năm 1679-1731 bây giờ là khu vực ngay tòa nhà Bưu Điện quận 5. Đi ngang Hòa Hưng làm sao không nhớ đến Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ Trường Toản, thầy của Gia Định tam gia Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh.

Các công thần nhà Nguyễn đã xây dựng cũng như đã hy sinh cùng nhân dân bảo vệ Sài Gòn – Gia Định trước cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Đại đồn Chí Hòa với tên tuổi của Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Trương Công Định luôn làm con cháu đất Sài Gòn hãnh diện về tiết tháo của người xưa.

Đi về miệt Gia Định, nhìn thấy cổng Lăng Ông sao lại không cảm khái nhớ đến Quan lớn Thượng Lê Văn Duyệt – người làm Tổng trấn Gia Định Thành trước sau hai thời kỳ – một Tổng trấn lâu năm nhất, được nhân dân nhớ ơn nhiều nhất vì tinh thần “chí công vô tư”, đặt phép nước cao hơn lệnh vua, biết “mở cửa” giao thương, tận dụng sức làm kinh tế của thương nhân…

Theo dòng lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt bắt đầu từ khi chúa Nguyễn lập Phủ Gia Định, phủ Gia Định / Nhà đủ người no chốn chốn / Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn / Ăn ở vui thú nơi nơi (Cổ Gia Định phong cảnh vịnh). Năm 1708 Mạc Cửu dâng Hà Tiên cho chúa Nguyễn. Năm 1755, Quốc vương Chân Lạp nhượng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp cho Võ Vương. Đất Ba Thắc (Sóc Trăng – Bạc Liêu), Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) sáp nhập vào phần giang sơn chúa Nguyễn từ năm 1757.

Mạc Thiên Tích mất năm 1780 không con nối dõi nên chúa Nguyễn đã thu phục Hà Tiên. Từ đây việc mở mang bờ cõi kéo dài trên 800 năm (từ năm 939) của Việt Nam với hình dạng như ngày nay đã hoàn thành. Dù trải qua nhiều phong ba bão táp của chiến tranh nhưng người miền Nam cũng như người Sài Gòn vẫn luôn nhớ ơn tiên hiền mở cõi đã giữ vững và xây dựng đất phương Nam theo ước vọng người xưa…

Đi đâu cũng nghe, cũng thấy bước chân những người mở cõi, nhưng ngoài tên đường Lũy Bán Bích, đâu rồi những tấm bia ghi dấu vết kỷ niệm của các địa danh lịch sử, danh nhân từ thời lập đất Sài Côn – Đề Ngạn? Ta có quyền quên chăng?

Nguồn: https://znews.vn/sai-gon-buoc-chan-mo-coi-post1530739.html

Sách hay

Các tập thơ thiếu nhi cho bạn đọc nhí nhân Ngày Thơ năm 2025

Được phát hành

,

Bởi

Bảy tập thơ thiếu nhi từ các tác giả thuộc nhiều thế hệ mang đến cho bạn đọc nhỏ những vần thơ trong trẻo, ngôn ngữ giàu sức gợi cùng hình ảnh sinh động.

Tiếp nối các tập thơ thiếu nhi trong tủ sách “Thơ hay viết cho thiếu nhi”, nhân Ngày thơ Việt Nam năm 2025, Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu đến bạn đọc những tập thơ thiếu nhi mới đặc sắc của các nhà thơ nhiều thế hệ, với ngôn ngữ trong trẻo, bình dị với phần minh họa màu sống động.

tho thieu nhi anh 1

Các tập thơ thiếu nhi giới thiệu đến bạn đọc nhỏ nhân Ngày Thơ Việt Nam 2025. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Đỗ trắng, đỗ đen là tuyển tập thơ của nhà thơ Phạm Hổ – tác giả thân thuộc với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam. Lấy cảm hứng từ bài thơ Câu chuyện ngày xưa: “Ngày xửa ngày xưa / Có ông Trình Tử / Dùng hai cái hũ / Và hai loại đỗ / Để tự rèn mình”, tập thơ tuyển chọn những bài thơ giản dị, ý nghĩa, khuyến khích các em làm thêm điều hay, sửa điều chưa hay trong từng việc làm nhỏ mỗi ngày.

Tập thơ Cháu là cổ tích của nhà thơ Đoàn Vị Thượng tựa xứ sở nghìn lẻ một chuyện kể của trẻ thơ. “Bà ơi! Ông Trăng vàng / Cũng hệt như trái thị / Cô Tấm đâu bà nhỉ / Cô có ngồi trong trăng?.” Mỗi bài thơ mở ra một câu chuyện cổ tích ở một góc nhìn mới, với ngôn từ trong sáng, có phần dí dỏm.

Chú dế đêm trăng là những cung bậc cảm xúc của một em bé quan sát thế giới bằng đôi mắt trong veo, đưa độc giả ngắm vạn vật qua mắt nhìn bay bổng của trẻ thơ: “Bé ngồi sau khung cửa / Trông giọt ngọc bên hiên / Soi bông mây trắng muốt / Long lanh đôi mắt huyền”.

Hạt bắp vỗ tay là bắt đầu hành trình khám phá miền tuổi thơ kỳ thú: “Con chim bay xa / Nhờ đôi cánh mở / Cánh hoa mới nở / Tỏa hương ngọt ngào / Con người yêu nhau / Mở ra lòng tốt”. Tuổi thơ càng tuyệt vời hơn trong khung cảnh vùng đất Tây Nguyên độc đáo, với tiếng khèn lá và tiếng đàn t’rưng, với nhà sàn và buôn làng, với ánh mắt cha mẹ dõi theo bé băng qua rừng núi để đi học…

“Con là mặt trời nhỏ / Thức trong mẹ mỗi ngày / Nơi bình minh con tới / Bao chân trời mê say”. Với những vần thơ trong trẻo, tập thơ Trắng mây tóc mẹ của nhà thơ Trương Anh Tú mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, từ Giấc mơ tuổi thơ với bát ngát “Bầu trời trong xanh / những cơn gió về đồng nội” đến cảm thức mênh mông về thiên nhiên đất trời trong Biển, Mặt trời, Hãy nở cùng tôi, Hoa mùa đông…

“Ồ, mát lành hơn gió / Êm ấm hơn đám mây / Dịu dàng hơn tán cây / Đẹp xinh hơn tia nắng” – những câu thơ dịu dàng ấm áp về tình cảm gia đình được tác giả Hoàng Ngọc Diệp thể hiện gần gũi, hồn nhiên theo góc nhìn trẻ thơ trong tập thơ Một cái ôm thật to. Đọc tập thơ, em bé nào cũng sẽ được đắm chìm trong cảm giác được chở che, vỗ về, trong vòng tay yêu thương của cha, của mẹ.

tho thieu nhi anh 2

Tập thơ Góc sân và khoảng trời của nhà thơ Trần Đăng Khoa tái bản lần thứ 48. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Tập thơ Viết trên lá mới chắt chiu tình yêu dành cho cô con gái nhỏ, là món quà cuộc đời mà nhà thơ Lê Minh Quốc muốn trao tặng cho con. “Âm thanh ngân réo rắt / Như suối reo thầm thì / Bầy se sẻ ùa đến / Nào chúng mình cùng thi”. Những câu thơ tươi tắn, sống động mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, mở ra thế giới đẹp đẽ, đầy ắp thanh âm trong veo.

Tập thơ Góc sân và khoảng trời của nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản lần thứ 48 với minh họa mới gần gũi, mộc mạc, đậm chất đồng quê của họa sĩ Phan Hà.

Nguồn: https://znews.vn/cac-tap-tho-thieu-nhi-cho-ban-doc-nhi-nhan-ngay-tho-nam-2025-post1530940.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Vì sao cúng rằm tháng giêng lại quan trọng nhất trong năm

Được phát hành

,

Bởi

Dân gian có câu “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng giêng” như một lời khẳng định về giá trị đặc biệt của ngày này.

Nguồn: thethaovanhoa.

Tết Nguyên tiêu diễn ra vào ngày rằm tháng giêng hàng năm (ngày trăng tròn đầu tiên của một năm mới).

Lễ Thượng nguyên

Trong đạo Phật, Tết Nguyên tiêu là ngày lễ quan trọng, các phật tử tin rằng ngày rằm tháng giêng là ngày mà ánh sáng từ bi của Phật có pháp lực mạnh mẽ, phổ chiếu nhân gian. Còn trong Đạo giáo mà người Việt chịu một phần ảnh hưởng, lễ cúng rằm tháng giêng còn được gọi là lễ Thượng nguyên.

Vào ngày này, người ta thường thả hoa đăng, hay lên chùa khấn Phật. Các gia đình thường làm một mâm cỗ mặn cúng gia tiên và cúng chay trước bàn thờ Phật.

Ông cha ta quan niệm rằng “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng giêng” như một lời khẳng định về giá trị đặc biệt của ngày này.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng giải thích quan niệm coi trọng ngày rằm tháng giêng khi xem xét ở hai khía cạnh khung cảnh lễ hội và góc độ tín ngưỡng.

Nhà nghiên cứu cho biết, ở quê ông (Quảng Ngãi) người ta có câu “Rằm tháng giêng ai siêng thì quảy”. Tức là người siêng thì cúng người không siêng thì thôi, chứ không phải tập tục mọi nhà đều cúng.

Tuy nhiên, vào ngày rằm tháng giêng, các cơ sở tín ngưỡng người ta thường làm lễ nguyên tiêu, đặc biệt là các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa (họ rất coi trọng ngày rằm tháng giêng và lễ nguyên tiêu).

Theo nhà nghiên cứu, lễ nguyên tiêu của người Hoa được tổ chức với quy mô lớn, nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra, có múa lân, múa rồng và các hoạt động văn hóa, vui chơi. Vì thế, có thể hiểu rằng, ngày rằm tháng giêng là lễ hội đôngvui, tưng bừng, náo nhiệt và nó hơn hẳn những ngày rằm thông thường khác.

Ram thang gieng anh 1

Người Việt rất coi trọng ngày rằm tháng giêng. Ảnh: Chí Toàn.

Ngày cúng Thiên quan

Ở khía cạnh thứ hai, nhìn ở góc độ tín ngưỡng, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết trong năm có 3 ngày rằm lớn người ta gọi là Tam Nguyên (rằm tháng giêng là Thượng nguyên, rằm tháng 7 là Trung nguyên, rằm tháng 10 là Hạ nguyên). Ba ngày lễ này có gốc là tín ngưỡng thờ Tam quan, tức là ba vị thần quan Trời, đất và nước.

Ngày rằm tháng giêng người ta thờ cúng Thiên quan. Vị này có công năng là Thiên quan tứ phước, tức là quan Trời ban phước cho mọi người. Ngày rằm tháng bảy, người ta thờ cúng ông Địa quan. Vị quan này có chức năng là Địa quan xá tội, tức là xá tội cho người cõi âm, hoặc cúng cho người cõi âm thoát khỏi tội lỗi.

Còn ngày rằm tháng 10, người ta thờ cúng Thủy quan giải ách. Vị này có công năng giúp mọi người khỏi bị tai nạn, hạn ách. Trong ba vị quan này, người ta coi trọng ông Thiên quan hơn, nên người ta đề cao ngày rằm tháng Giêng hơn hai ngày rằm kia.

Cùng cách giải thích có phần tương tự, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, trong cuốn Bách khoa thư về làng Việt cổ truyền, PGS.TS Bùi Xuân Đính cho biết, Tết Thượng nguyên được coi là một tết nằm trong hệ thống Thượng – Trung – Hạ nguyên (Tết Trung nguyên là rằm tháng bảy và Tết Hạ nguyên là rằm tháng mười).

Ba tết mang các ý nghĩa khác nhau theo quan niệm của Phật giáo: Tết Thượng nguyên là Tết hướng thiện, cầu phúc, cầu an; Tết Trung nguyên là địa quan xá tội; Tết Hạ nguyên là thủy quan giải ách.

Vào ngày này chư tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết pháp; người theo đạo Phật lấy ngày này để tưởng nhớ Đức Phật… Các chùa làm lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, sau đó làm lễ phóng sinh. Nhiều gia đình tổ chức lễ cầu an, “cúng sao giải hạn”.

Trong cuốn Tín ngưỡng Việt Nam thuộc bộ Nếp cũ, bên cạnh việc giải thích ngày rằm tháng giêng ngày lễ Phật, ngày Tết Trạng Nguyên, học giả Toan Ánh cũng cho biết ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía Thiên quan (theo các nhà thuật số).

Nhân ngày này, tại các đền chùa có làm lễ dâng sao, nghĩa là cúng các vị sao để giải trừ tai ách quanh năm. Cúng lễ dâng sao, người ta lập đàn tràng tam cấp, trên cúng Trời Phật, Tiên Thánh, giữa cúng các vị sao thủ mạng, ở dưới cùng cúng bố thí chúng sinh.

Nguồn: https://znews.vn/vi-sao-cung-ram-thang-gieng-lai-quan-trong-nhat-trong-nam-post1530583.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Cuốn sách ‘năm lần, bảy lượt’ không thể chuyển thể thành phim

Được phát hành

,

Bởi

“A Confederacy of Dunces” của John Kennedy Toole là tác phẩm châm biếm đoạt giải Pulitzer được Hollywood chú ý và muốn chuyển thể thành phim nhiều lần nhưng không thành công.

“A Confederacy of Dunces” thường được ca ngợi là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của Mỹ và ảnh hưởng tới nhiều tiểu thuyết hiện đại. Ảnh: Pbs.

Một số cuốn sách được định sẵn sẽ thu hút độc giả qua nhiều thế hệ, nhưng khi được đưa lên màn ảnh, chúng lại không thể tạo ra được điều kỳ diệu tương tự.

Một ví dụ như vậy là A Confederacy of Dunces (tạm dịch là Liên minh những kẻ ngu đần) của tác giả John Kennedy Toole. Cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer này là tác phẩm đã tồn tại trong nhiều thập kỷ được độc giả yêu mến. Mặc dù vậy, những nỗ lực chuyển thể cuốn sách của Hollywood gặp thất bại liên tiếp, biến quá trình này thành một câu chuyện cảnh báo trong ngành giải trí.

A Confederacy of Dunces có gì?

Được xuất bản vào năm 1980, A Confederacy of Dunces là tác phẩm nổi tiếng sau khi tác giả John Kennedy Toole qua đời. Chiến thắng này là nhờ nỗ lực của mẹ ông không ngừng ủng hộ cuốn sách sau cái chết bi thảm của con trai vào năm 1969.

Lấy bối cảnh ở New Orleans, cuốn tiểu thuyết kể về Ignatius J. Reilly, một nhân vật lập dị, vĩ đại, người có thái độ khinh thường đối với xã hội hiện đại và những cuộc phiêu lưu kỳ lạ tạo nên một bức tranh phong phú về sự châm biếm, trí tuệ và lòng nhân đạo.

Những cuộc phiêu lưu hỗn loạn của Ignatius, khi anh ta điều hướng môi trường xung quanh mình bằng cả sự phi lý và trí tuệ, đã gây ấn tượng với độc giả. Cuốn sách đã giành được Giải thưởng Pulitzer cho Tiểu thuyết năm 1981 và kể từ đó trở thành một tác phẩm được yêu thích.

Sự hài hước sắc sảo, lời chỉ trích xã hội và những nhân vật khó quên khiến nó trở thành một cuốn sách khó có thể sao chép.

Sach chuyen the phim anh 1
A Confederacy of Dunces nổi tiếng và giành giải Pulitzer nhiều năm sau khi tác giả John Kennedy Toole qua đời. Ảnh: Americanmagazine.

Những nỗ lực thất bại của Hollywood

Con đường chuyển thể A Confederacy of Dunces trải qua rất nhiều chông gai. Trong nhiều năm, các đạo diễn, nhà sản xuất và diễn viên đã cố gắng đưa Ignatius J. Reilly vào cuộc sống, nhưng dự án này đã gặp phải vận rủi và bất đồng sáng tạo ở mọi ngã rẽ.

Một trong những nỗ lực đầu tiên vào những năm 1980 liên quan đến huyền thoại hài kịch John Belushi, người có tính cách dường như được thiết kế riêng cho vai diễn Ignatius. Thật không may, cái chết không đúng lúc của Belushi đã kết thúc tham vọng chuyển thể bộ phim trước khi nó có thể bắt đầu.

Sau đó, những cái tên như John Candy, Chris Farley và Will Ferrell đều là những lựa chọn tiềm năng cho vai chính. Các đạo diễn như Harold Ramis và Steven Soderbergh đều quan tâm đến dự án. Tuy nhiên, những bất đồng sáng tạo, vấn đề với kịch bản và thậm chí là các cuộc chiến pháp lý đã liên tục làm trì hoãn quá trình phát triển của bộ phim.

Vào những năm 2000, một nỗ lực đặc biệt đầy tham vọng đã được khởi xướng với Steven Soderbergh và David Gordon Green chỉ đạo, với sự tham gia của Will Ferrell trong vai Ignatius, Mos Def và Drew Barrymore trong các vai phụ. Tuy nhiên, quá trình sản xuất lại một lần nữa đổ vỡ do các vấn đề về tài chính và bất đồng về kịch bản.

Cho đến nay, không có phiên bản nào của bộ phim vượt qua được giai đoạn tiền sản xuất.

Tại sao lại khó thích nghi đến vậy?

Một phần khiến A Confederacy of Dunces được yêu thích đến vậy là sự phức tạp của nó. Ignatius J. Reilly là một nhân vật không giống bất kỳ ai khác – hào nhoáng, đáng giận và kỳ lạ là đáng thông cảm. Tính cách huênh hoang và những trò hề kỳ lạ của anh ta gắn liền sâu sắc với bức tranh văn hóa phong phú của New Orleans, gần như là một nhân vật chỉ có ở trong sách.

Việc chuyển tải sự cân bằng phức tạp giữa châm biếm, chiều sâu nhân vật và bối cảnh thành một bộ phim dài 2 giờ là một thách thức to lớn. Hơn nữa, sự hài hước của cuốn sách rất trí tuệ và tinh tế, với phần lớn sự quyến rũ của nó đến từ những độc thoại nội tâm và logic kỳ lạ của Ignatius.

Việc nắm bắt được sự hài hước đó trên màn ảnh mà không làm loãng bản chất được xem là rất khó nắm bắt đối với các nhà làm phim. Như nhà sản xuất Scott Kramer, một trong nhiều người gắn bó với dự án, đã từng nói: “Ignatius vừa là nhân vật thông minh nhất vừa là nhân vật kỳ cục nhất. Việc có được tông điệu phù hợp là điều gần như không thể”.

Sach chuyen the phim anh 2
Bức tượng của nhân vật Ignatius J. Reilly được xem là bản sắc văn hóa của thành phố New Orleans. Ảnh: Atlasobscura.

Tác động văn hóa của cuốn sách

A Confederacy of Dunces thường được ca ngợi là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của Mỹ và ảnh hưởng của nó có thể được nhìn thấy trong nhiều tác phẩm tiểu thuyết hiện đại. Độc giả xem lại hành trình của Ignatius như lời nhắc nhở về sự phi lý của cuộc sống và tầm quan trọng của việc tìm thấy yếu tố hài hước trong hỗn loạn.

Ở New Orleans, cuốn sách đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa của thành phố. Một bức tượng của Ignatius J. Reilly được dựng trong thành phố, kỷ niệm bối cảnh của cuốn tiểu thuyết và tác động lâu dài của nó. Người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đến thăm địa điểm này để tỏ lòng tôn kính với thiên tài của Toole.

Một cuốn sách không nên chuyển thể thì tốt hơn?

Có lẽ A Confederacy of Dunces là một trong số ít những cuốn sách tốt hơn là không nên chuyển thể. Sự xuất sắc của nó nằm ở cách Toole kể câu chuyện cụ thể, và bất kỳ nỗ lực nào để diễn giải lại nó cho một phương tiện truyền thông khác đều có nguy cơ mất đi giọng văn độc đáo đó.

Trong khi Hollywood thích khai thác văn học để tạo ra những bộ phim bom tấn, một số câu chuyện được đánh giá cao nhất ở dạng gốc của chúng.

Đối với những người hâm mộ cuốn sách, nỗ lực chuyển thể không thành công gần như là một huy hiệu danh dự. Chúng là minh chứng cho thực tế một số tác phẩm nghệ thuật quá độc đáo đến mức không thể sao chép.

Và có lẽ đó là di sản thực sự của A Confederacy of Dunces: một kiệt tác kiên cường đến mức chỉ có thể tồn tại trên trang giấy.

Nguồn: https://znews.vn/cuon-sach-nam-lan-bay-luot-khong-the-chuyen-the-thanh-phim-post1530369.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng