Tác giả Jonathan Kaufman đã lần theo lịch sử và kể lại sự phát triển của Trung Quốc qua câu chuyện của hai gia tộc Sassoon và Kadoorie. Họ được coi là những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải.
Jonathan Kaufman là phóng viên từng đạt giải Pulitzer. Ông từng theo dõi và viết rất nhiều bài báo, phóng sự về Trung Quốc trong 30 năm cho các tờ The Boston Globe, The Wall Street Journal và Bloomberg News… Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách viết về người Do Thái.
Với đặc quyền riêng, trong đó có việc được tiếp cận nhiều tư liệu quý giá chưa từng được công bố như kho tư liệu và nhật ký đồ sộ của hai gia tộc Sassoon và Kadorie, Kaufman đã viết nên cuốn sách đậm chất sử thi, đầy li kỳ, lôi cuốn và hấp dẫn này.
Sách Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải. |
Gia tộc Sassoon
Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải bắt đầu bằng câu chuyện về David Sassoon, tộc trưởng của triều đại Sassoon, đã chạy trốn khỏi Baghdad (Đế quốc Ottoman) đến Bombay vào giữa thế kỷ XIX. Tại đây, ông cùng tám người con trai của mình đã kiếm được một khoản tiền kếch xù nhờ buôn bán thuốc phiện và xây dựng một đế chế kinh doanh mở rộng từ Bombay đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Thượng Hải, Trung Quốc.
Song song quá trình kinh doanh, nhà Sassoon cũng thành lập các trường học, khu đô thị của gia tộc để giúp đỡ, đồng thời thu hút những người Do Thái tị nạn từ khắp Đế quốc Ottoman và biến họ thành nhân viên.
Em đổi chú thích này giúp anh: Victor Sassoon (giữa) với Greer Garson (trái) và Laurence Olivier (phải). Nguồn: sheldonkirshner. |
Vào những năm 1920, Victor Sassoon, chắt trai của David Sassoon đã đưa ra quyết định định mệnh là chuyển công việc kinh doanh của gia đình từ Ấn Độ đến Thượng Hải. Ông đã mua địa điểm nổi bật nhất trên Bến Thượng Hải và cho xây dựng một trụ sở mới cho doanh nghiệp gia đình gọi là Nhà Sassoon – cao hơn 50 feet (tương đương 15 m) so với tòa nhà cao nhất thành phố vào thời điểm đó. Tại đây, ông đã thành lập một khách sạn tráng lệ mang tên Cathay (tên gọi được Marco Polo sử dụng để gọi tên Trung Quốc).
Không chỉ là một ông trùm kinh doanh thuần túy, Victor còn tài trợ cho chính phủ chống lại người Nhật và cứu hàng nghìn người tị nạn Do Thái chạy trốn khỏi chế độ Đức Quốc xã. Tuy nhiên “Victor luôn đưa ra những quyết định sai lầm, không đúng lúc và đúng chỗ”. Năm 1949, cách mạng nổ ra, Victor Sasson đã buộc phải rời bỏ Trung Quốc và phần lớn tài sản của ông bị tịch thu.
Gia tộc Kadoorie
Đế chế kinh doanh cạnh tranh với gia tộc Sassoon ở Thượng Hải là gia tộc Kadoorie. Người khởi đầu cho đế chế này là Elly Kadoorie. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là học trò và người làm thuê của gia tộc Sassoon, nhưng sau đó đã nhanh chóng lên đường tìm vận may cho riêng mình.
Elly đã xây dựng liên minh với các nhà cách mạng Trung Quốc như Tôn Trung Sơn, đồng thời tích lũy được một khối tài sản giúp ông trở thành một trong những người giàu có và quyền lực nhất Châu Á.
Gia đình Kadoorie, từ trái sang phải: Horace Kadoorie, Elly Kadoorie và Lawrence Kadoorie. Nguồn: thatsmags. |
Con trai cả của Elly là Lawrence từng ước mơ trở thành một luật sư nhưng đã bị cha ép tham gia vào công việc của gia tộc. Ông đã tiếp tục ở lại Trung Quốc sau cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc (năm 1949). Ông đã xây dựng lại cơ ngơi của gia tộc ở Hong Kong và được người Trung Quốc ủng hộ khi đất nước này bắt đầu phát triển (vào thập niên 1970).
Tính tới những năm 1930, gia tộc Sassoon đã kinh doanh ở Trung Quốc cả một thế kỉ, và chỉ có gia tộc Kadoorie mới đủ sức ganh đua với họ về sự giàu có. Sự ganh đua có phần khốc liệt này đã châm ngòi cho sự bùng nổ về kinh tế khi Trung Quốc vươn mình từ xã hội phong kiến thành một xã hội công nghiệp hiện đại.
Dù luôn cạnh tranh nhau, nhưng Sassoon và Kadoorie cũng hợp lực trong việc hỗ trợ người tị nạn Do Thái ở Thượng Hải trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, mỗi gia tộc lại đưa ra những lựa chọn khác nhau đối với chính phủ, dẫn đến những kết cục khác nhau.
Những ông trùm tư bản cuối cùng của Thượng Hải cung cấp một góc nhìn mới lạ về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, mà cụ thể là của thành phố Thượng Hải và Hong Kong, Trung Quốc, cũng như cho thấy những phương thức kinh doanh của hai gia tộc Do Thái vẫn còn mang tính thực tiễn cao cho tới tận ngày nay.
Cuốn sách mang tới cho bạn đọc thêm những góc nhìn đa dạng về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, về câu chuyện lập nghiệp và kinh doanh và về những đóng góp của người Do Thái, dân tộc được cho là thông minh nhất thế giới, đối với sự phát triển chung của nơi họ đặt chân đến.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login