Nhà văn Hiền Trang. Ảnh: Báo Nhân Dân. |
Mùa thu năm 2022, Hiền Trang được chọn tham dự chương trình International Writing Program (IWP) của Đại học Iowa tại thành phố Iowa, Mỹ. Ra đời vào năm 1967, IWP là chương trình lưu trú kéo dài 12 tuần hướng đến tạo điều kiện giao lưu, sáng tác cho các nhà văn không viết bằng tiếng Anh hoặc viết bằng tiếng Anh nhưng không phải người bản ngữ.
Viết về trải nghiệm tại IWP, Hiền Trang chọn lựa kể về thứ “ý nghĩa nhất với mình, cũng là thứ ý nghĩa nhất với Iowa” – văn chương. 19 chương sách là 19 chủ đề được gợi mở từ những kỷ niệm ở thành phố nhỏ bé của chỉ 75.000 dân Iowa, nơi ra đường là gặp nhà văn nhà thơ, mà tác giả cho rằng “không phải một nước Mỹ điển hình”. Qua đó, độc giả thấy được những quan điểm nghệ thuật của Hiền Trang, cách chị thưởng thức và tiếp nhận không chỉ văn chương mà cả điện ảnh, âm nhạc, hội họa, sân khấu.
Cuốn sách cũng là cách Hiền Trang nhẹ nhàng đáp lại những phê bình chị từng nhận được suốt sự nghiệp viết lách – từ chuyện người trẻ phải chọn đề tài sáng tác ra sao, đến những câu văn ngoằn ngoèo ngữ pháp thường bị chê là “Tây hóa”.
Chờ 10 năm để nhận mình là nhà văn
Mới đây, trong buổi giao lưu “Ngôn từ vươn trẻ vươn ra thế giới” diễn ra tại TP.HCM, Hiền Trang nói rằng thay đổi lớn nhất mà IWP mang đến với mình, chính là một thái độ nghiêm túc hơn với công việc sáng tác.
Trước đây, Hiền Trang không bao giờ nhận mình là nhà văn khi đi thực hiện thủ tục visa, bởi lẽ đó không là nghề nghiệp ổn định mang lại cho người đối diện cảm giác khả tín. Thay vào đó, chị sẽ trưng ra profile công việc copy writer của mình.
Nhà văn Hiền Trang chia sẻ với bạn đọc về văn chương tại TP.HCM hôm 18/8. Ảnh: Hana Sekai. |
Nhưng gần ba tháng “muốn làm gì thì làm” ở Iowa đã giúp chị “lần đầu tiên dám nhận nghề chính của tôi là làm nhà văn – tôi cố gắng mười năm để nói câu này”. Gọi mình là nhà văn, Hiền Trang cảm giác cam kết hơn với nghề, tự nhủ bản thân phải chuyên nghiệp, không được phép lơi là, phải “đối xử với văn chương xứng đáng với điều văn chương đã cho mình”.
Nhà văn Hiền Trang (trái) và nhà văn Huỳnh Trọng Khang (phải) trong buổi giao lưu. Ảnh: Hana Sekai. |
Tác giả sinh năm 1993 tâm sự rằng mỗi khoảnh khắc đều phải nhắc nhờ bản thân lựa chọn văn chương, vì luôn có những lí do để trì hoãn sự viết, để không chọn văn chương nữa. Xuất bản 9, 10 cuốn sách thì chưa chắc sẽ có cuốn thứ 11: “Cái khó nhất không phải là viết thế nào, mà là làm sao để ép bản thân ngồi vào bàn bắt đầu viết”, chị nói.
Ở tuổi ngoài 30, Hiền Trang đã có gần 10 đầu sách đa dạng thể loại từ truyện dài, tiểu thuyết đến truyện ngắn, tiểu luận. Chị nhận rằng bản thân vẫn đang trong quá trình tìm kiếm, định hình cá tính văn chương. Nhưng đến nay, chị cảm thấy mình gần gũi nhất với lối viết huyền ảo.
“Mình sẽ thích viết những gì mình muốn đọc”, Hiền Trang nói, “mà tôi thì luôn yêu những nhà văn đưa mình đến một thế giới khác”. Chia sẻ về tác phẩm đang chấp bút, chị tiết lộ đó là một cuốn sách đòi hỏi chị phải đi chậm lại, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Dựa trên khung hiện thực “lịch sử không thể thay đổi”, Hiền Trang cố gắng viết để người đọc cảm thấy “tôi đang không ở đây, tôi ở một nơi nào đó khác” .
Hiền Trang chia sẻ nhiều điều cho thấy sự tự phản tư rất lớn trong quá trình trưởng thành của một cây bút: “Không điều gì kinh khủng bằng nghe lại giọng mình, đọc lại văn mình. Nhưng nhìn lại mà thấy mình viết dở, thì mới biết phấn đấu để cải thiện”.
Trước nay, văn của Hiền Trang luôn tràn ngập trích dẫn từ các văn hào, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, họa sĩ… Dù điều này cho thấy kiến văn sâu rộng song cũng khiến tác giả nhận lại nhiều chỉ trích. Chị thú thực ngày trước mình viết vậy để tăng uy tín cho lời văn vì “tự tôi nói ra thì có ai buồn tin”. Nhưng bây giờ, Hiền Trang thấy rằng khi đã thực sự hiểu sâu những tác phẩm mình trích dẫn, thì những trích dẫn mới thành ra “tự nhiên như hơi thở”.
Ngôn từ là viên gạch xây văn chương
Hiền Trang ví ngôn từ như gạch, có gạch chưa chắc đã có nhà, nhưng không có gạch thì chắc chắn không thể có nhà. Với chị, viết lách có cái thú, là thử nghiệm đa dạng từ ngữ, sắp xếp vào câu cho đến khi cảm giác “đúng là điều mình muốn kể”.
Trả lời trước câu hỏi về lựa chọn ngôn ngữ để sáng tác trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự nổi danh của nhiều nhà văn song ngữ hoặc chuyên viết tiếng Anh dù không phải người bản ngữ, Hiền Trang nhận rằng viết tiếng Anh thì chị không thoải mái và tự do chọn lựa được từ ngữ như khi viết tiếng Việt. Và hơn nữa, như lời chị tự tình trong cuốn sách: “Tôi viết tiếng nước tôi vì tôi mơ bằng tiếng nước tôi”.
Sách Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ. Ảnh: T.A. |
Ngoài ra, chị cũng chỉ ra thực tế rằng viết bằng một ngôn ngữ không phổ dụng, trong một nền văn chương không quá nhộn nhịp thì nhà văn cũng có được lợi thế không phải cạnh tranh gắt gao để nổi bật, để được xuất bản như ở nền văn học với cơ man tác giả dồi dào tác phẩm như Anh ngữ, Pháp ngữ hay Hoa ngữ.
Tuy nhiên, nhờ những lần dịch tác phẩm của mình từ tiếng Việt sang tiếng Anh, Hiền Trang mới nhận ra mình viết thừa khá nhiều, “chỉ đang bôi chữ”. Phương pháp này giúp chị lược bỏ, sửa được khiếm khuyết đó trong cách hành văn. Từ đây, khi làm thơ, chị thường dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, rồi dịch ngược về tiếng Việt. Cũng lại có lúc Hiền Trang thấy ý tưởng thú vị, sẽ thử nghiệm phát triển bằng cả hai ngôn ngữ xem mỗi cái đến được đâu.
Hành trình ý tưởng “du học” từ trong đầu ra thành câu chữ trên màn hình laptop, với Hiền Trang đã là một thành công, chứ chưa cần xét đến câu chuyện ấy có được xuất bản hay không, được độc giả đón nhận ra sao, được giới phê bình đánh giá thế nào.
Hiền Trang từng xuất bản một số tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tập tiểu luận như Bức tranh cô gái khoả thân và cây vĩ cầm đỏ; Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi; Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa; Dưới mái hiên đêm, những khách lạ; Chopin biến mất; Những khán giả ngồi trong bóng tối; Quán bar trong bụng cá voi… Chị cũng là dịch giả các cuốn sách Dưới bánh xe cuộc đời, Ông già và biển cả và là cây bút quen thuộc cho các chuyên mục về văn chương, điện ảnh, âm nhạc của nhiều tờ báo, tạp chí.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login