Thập niên 1930, cùng với việc cải cách y phục, một số tờ báo đã bắt đầu chú trọng tới việc xây dựng tiêu chuẩn vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ Việt theo Âu Tây. Đồng thời, đưa ra những phương pháp tập luyện hướng dẫn thực hành giúp chị em có thể đạt tới vẻ đẹp tiêu chuẩn ấy.
Sách Tự lực Văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta (Đoàn Ánh Dương giới thiệu; Nguyễn Minh Huệ, Vũ Thị Thanh Loan, Đào Thị Hải Thanh tuyển soạn), sách Áo dài Lemur của tác giả Phạm Thảo Nguyên cung cấp nhiều tư liệu quý từ hai tờ báo Phong hóa và Ngày nay cho biết cụ thể về vấn đề này.
Sách Tự lực Văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta và sách Áo dài Lemur. Ảnh: M.C. |
Vẻ đẹp hình thể được chú ý
Họa sĩ Lemur Cát Tường nhà thiết kế trẻ năng động, nhiều sáng kiến, phụ trách mục “Vẻ đẹp tặng riêng các bà các cô” trên báo Phong hóa và mục “Phụ nữ” trên tuần báo Ngày nay là một trong những người đầu tiên đề cập tới những chỉ số hình thể đối với người phụ nữ Việt.
Trong bài Thế nào là đẹp, trên tuần báo Ngày nay số 25 ra ngày 13 tháng 10 năm 1936, tác giả áo dài tân thời Lemur đã đưa ra quan điểm của mình về vẻ đẹp tuyệt mỹ của người phụ nữ hiện thời phải đáp ứng được các chỉ số về hình thể, vóc dáng.
Tác giả áo dài tân thời Lemur cho biết ở mỗi thời đại và mỗi nền văn hóa quan niệm về cái đẹp khác nhau và thời đại của ông cũng khác trước. Ông viết: “Ngày nay, ta đang sống ở một thế kỷ khác, mới mẻ hơn, một thế kỷ đầy những máy móc, khoa học, mỹ thuật với sự xa hoa không cùng của đời vật chất. Hàng năm biết bao nhiêu “mốt” nhà cửa, xe hơi, đồ gỗ, y phục thi nhau ra để thay cho những thứ cổ hủ. Thì cố nhiên mắt ta theo sự biến đổi chung quanh mà trông cái đẹp của đàn bà cũng mỗi năm một khác xưa”.
Nói về tiêu chuẩn hình thể của người phụ nữ, Cát Tường cho biết có một vị bác sĩ người Pháp tên là Richer đã đưa ra tiêu chí một người đàn bà đẹp thì phải có cái đầu ngắn hơn toàn thể 8 lần. Nghĩa là chia chiều cao người đàn bà ra làm 8 phần đều nhau: từ đỉnh đầu tới cằm; từ cằm tới ngực; từ ngực tới rốn; từ rốn tới trung tâm người; từ trung tâm đến giữa đùi; từ giữa đùi đến đầu gối; từ đầu gối đến giữa bắp chân; từ giữa bắp chân đến gót chân sát đất.
Tuy nhiên, Cát Tường cho rằng nếu căn cứ vào tiêu chí này để chọn ra người đẹp thì quá khó, vì có người sinh ra đầu to hơn một chút thì khó mà gọt giũa hay huấn luyện được. Vì vậy, người ta không bắt buộc đầu phải ngắn hơn toàn thể bảy lần rưỡi đến tám lần như xưa, mà tìm chọn cái đẹp ở chỗ so sánh bắp thịt, thân hình to nhỏ với chiều cao và cân nặng của toàn thể.
Như để minh chứng điều này, Cát Tường đã cung cấp một “bản khuôn mực một người đẹp tuyệt mỹ hiện thời” do bác sĩ Boudoir đưa ra và cho biết các cuộc thi sắc đẹp chọn hoa khôi ở Châu Âu hay các minh tinh màn bạc đều căn cứ vào bản khuôn mực cầu kỳ nhưng chặt chẽ này.
Bản khuôn mực một người đẹp tuyệt mỹ hiện thời này đã đưa ra các chỉ số/tỷ lệ tương ứng giữa chiều cao, cân nặng, vòng hông, vòng khung ngực, vòng thân, vòng cánh tay, vòng cổ, vòng bắp chân rất cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn người cao 1m 65 thì cân nặng 57 kg, vòng hông 90 cm, vòng khung ngực 87 cm, vòng thân (eo) 65 cm, vòng cánh tay 27,5 cm, vòng cổ 33,8 cm, vòng bắp chân 33 cm…
Theo Cát Tường căn cứ vào bản khuôn mực này thì có thể thấy ngay người đàn bà đẹp là một người khỏe mạnh, có bộ ngực rắn chắc, bắp thịt đều đặn.
Ông cũng khuyến nghị chị em hãy xem kỹ “bản khuôn mực một người đẹp tuyệt mỹ hiện thời” rồi đo xem tỷ lệ cơ thể của mình xem như thế nào. Nếu thấy nhiều thứ chưa tương ứng thì cũng đừng chán nản, vì ông sẽ lần lượt giới thiệu những môn thể thao, tập luyện dễ dàng có thể giúp chị em trở thành người đẹp tuyệt mỹ.
Bài viết Thuật thẩm mỹ giải phẫu với sắc đẹp bạn gái. Nguồn: TVQGVN. |
Phẫu thuật thẩm mỹ được quan tâm
Trên tuần báo Ngày nay số 36 ra ngày 29 tháng 11 năm 1936, Cát Tường đã viết bài Bộ ngực của đàn bà giới thiệu những bài tập theo ông là rất đơn giản nhưng có thể giúp cho bộ ngực của chị em nở nang, săn chắc.
Ông cũng cho rằng chỉ cần tập luyện khoảng 5 tuần liên tiếp, chị em sẽ có những cảm nhận khác biệt và thấy rõ được hiệu quả. Trước đó trên báo Phong hóa số 102, số ra ngày 15 tháng 5 năm 1934, Cát Tường cũng đề cập tới việc này khi đăng tải bài viết có nhan đề Một môn thể thao “cách luyện bộ ngực”.
Tiếp đó trên tuần báo Ngày nay số 37 ra ngày 6 tháng 12 năm 1936, Cát Tường lại giới thiệu những bài tập gắn liền thở ra hít vào để đem dưỡng khí vào trong cơ thể và huyết mạch.
Trên tuần báo Ngày nay số 42 ra ngày 10 tháng 1 năm 1947, Cát Tường có bài Phụ nữ và thể thao. Bài viết nhấn mạnh “không có vị thuốc nào có thể làm trẻ đẹp lại được bằng luyện tập thể thao…”.
Bên cạnh việc xây dựng xây dựng tiêu chuẩn vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ Việt theo Âu Tây. Đồng thời, đưa ra những phương pháp tập luyện, hướng dẫn thực hành giúp chị em có thể đạt tới vẻ đẹp tiêu chuẩn ấy, một số tờ báo còn hướng chị em vào khoa phẫu thuật thẩm mỹ Âu Tây để làm tăng vẻ đẹp thiên nhiên của mình.
Bài viết Thuật thẩm mỹ giải phẫu với sắc đẹp bạn gái của tác giả Lan Anh đăng trên Khoa học số 128 ra ngày 11 tháng 7 năm 1936 là một ví dụ.
Bài viết cho rằng với sự tiến bộ của khoa giải phẫu Âu – Mỹ nhất là tài khéo léo của những nhà ngoại khoa chuyên môn người Pháp, người ta có thể làm lại những khúc xương, thớ thịt; có thể bỏ sụn, mỡ, da…
Bài viết khuyến nghị “đứng trước sự thật hiển nhiên như thế, chị em ta còn ngần ngại gì không để ý tới khoa thẩm mỹ giải phẫu? Một khoa làm tăng vẻ đẹp tự nhiên của chúng ta và chữa các tật mà chúng ta chẳng may mắc”.
Bài viết cũng lưu ý chị em khi đến với thẩm mỹ giải phẫu phải xem xét hai vấn đề là tuổi tác và hợp thời. Ví dụ các ca tai vểnh hay cụp, tai bẹp quá, sứt môi, hàm lệch, mắt lác thì nên phẫu thuật ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Còn như chị em 40 tuổi chẳng may mũi hơi lệch thì cũng chẳng nên sửa làm gì.
You must be logged in to post a comment Login