Không ai sống giống ai trong cuộc đời này là tác phẩm đoạt giải Goncourt 2019 của nhà văn Jean-Paul Dubois. Tiểu thuyết theo chân nhân vật Paul Hansen qua miền ký ức lần lại cuộc đời từ thời thơ ấu, tuổi trưởng thành cho đến hiện tại trớ trêu nơi phòng giam 6 m2.
Trong buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách tối 6/9 tại Hà Nội, TS Mai Anh Tuấn nhận định Paul Hansen là một nhân vật rất bình thường, một người ta có thể gặp ở bất kỳ đâu. Những biến cố, những thất bại và mất mát trong số phận bình thường ấy lại tạo nên một tác phẩm phi thường.
Hình ảnh từ phim Le trou. Ảnh: Ghislain Cloquet. |
Câu chuyện đậm tính cá nhân về tình yêu và cái chết
Nhà văn Gérald Berche-Ngô cho rằng hai chủ đề: tình yêu và cái chết, dù hơi cực đoan nhưng là hai chủ đề đẹp nhất trong văn chương. Và trong Không ai sống giống ai trong cuộc đời này, nhà văn Jean-Paul Dubois đã khắc họa thành công cả tình yêu lẫn cái chết.
Nhân vật chính/người kể chuyện xuất hiện bên trong xà lim lạnh lẽo, lần lại cuộc đời mình. Lý do thực sự khiến Paul phải vào tù chỉ được hé lộ ở cuối sách; xuyên suốt tác phẩm, độc giả được giới thiệu tới những con người xuất hiện trong đời anh, những người anh dành tình yêu sâu sắc. Đó là cha mẹ, vợ và con chó của anh. Những nhân vật ấy hiện lên sống động trước mặt Paul Hansen dù cho lúc ấy, họ đều đã qua đời.
“Tôi không thường xuyên nhắc đến mẹ mình, có thể bởi vì tôi chưa bao giờ biết tại sao bà lại rời bỏ dàn nhạc sớm đến thế. Trên chiếc bàn đầu giường của bà, một dàn bè dài của vô số loại thuốc điều trị, một bản cantana của những dược chất được sắp đặt để làm câm nín những nhịp đập của trái tim. Ngoài ra không còn thứ gì khác. Thậm chí không có lấy một lời nhắn nào dành cho bạn tình người Thụy Sĩ, ông chồng cũ người Đan Mạch hay đứa con người Pháp của bà. Anna đã tự tử ở tuổi 61 vào ngày 14/5/1991”, trích nội dung sách.
Nhân vật Paul Hansen nghĩ về mẹ mình với nỗi xót thương, có phần căm giận, nhưng luôn đi kèm thứ tình cảm thiêng liêng đến lạ. Hansen tưởng tượng ra bà, ra cách bà sẽ phản ứng khi thấy anh vào tù. Vì Hansen hiểu mẹ mình và luôn giữ hình bóng bà thật gần bên mình.
Chính cách khắc họa các nhân vật bình dị nhưng thú vị và chân thật tạo nên nét hấp dẫn cho cuốn sách.
Theo Gérald Berche-Ngô, lối kể chuyện lôi cuốn, tạo sự hồi hộp cho độc giả cũng là một điểm thành công khác của Jean-Paul Dubois. Nhà văn giữ bí mật về lý do Paul Hansen phải vào tù tới tận cuối sách. Tuy nhiên, ông không làm độc giả cảm thấy nóng vội phải biết bằng được lý do nhân vật chính ngồi tù. Giọng kể vừa dịu dàng, vừa mỉa mai cuốn độc giả vào từng chi tiết được tiết lộ từ tốn qua mỗi chương sách.
Ngoài ra, nhà văn Gérald Berche-Ngô dành lời khen cho cái kết của cuốn sách. “Kết thúc một câu chuyện sao cho suôn sẻ không phải là việc làm dễ”. Ông nhận định kết thúc của Không ai sống giống ai trong cuộc đời này là một cái kết rất đẹp, khi nhân vật biết chấp nhận lỗi lầm của cha mẹ mình và giữ niềm kính yêu dành cho hai đấng sinh thành.
Chính những đặc điểm trên, theo Gérald Berche-Ngô, là lý do Viện hàn lâm Goncourt vinh danh tác phẩm của Jean-Paul Dubois.
Tác phẩm Không ai sống giống ai trong cuộc đời này. Ảnh: Nhã Nam. |
“Không ai sống giống ai trong cuộc đời này”
Tên của tác phẩm được đặt theo câu nói của nhân vật người cha của Paul Hansen; ông nói câu này sau khi trải qua cuộc đời đầy rẫy thất bại. Xuất thân là một mục sư không quá tên tuổi, giữ vị trí khiêm tốn trong nhà thờ, sau đó ông cá cược đua ngựa, bị thua lỗ, ông quay sang cờ bạc đỏ đen. Sau quá nhiều thất bại, ông chọn cái chết. Và tại ngưỡng này, ông nói lại với con mình câu nói của cha mình:
“Cha xin đề nghị các con hãy ghi nhớ trong tâm trí câu nói giản dị mà cha học được từ cha của mình, câu nói mà ông ấy dùng để giảm nhẹ lỗi lầm của mỗi người: không ai sống giống ai trong cuộc đời này. Cầu Chúa, nếu người thấy các con hãy ban phúc cho các con”.
Theo TS Mai Anh Tuấn, câu nói này có hai lớp nghĩa quan trọng. Thứ nhất, đặt trong mạch câu chuyện, câu nói chính là lời biện minh cho những thất bại của người cha, yêu cầu con mình hãy cởi mở, cảm thông trước những thất bại của người khác. Đó là bi kịch chung của nhiều thế hệ từ nửa sau thế kỷ XX, thế hệ trải qua nhiều biến cố lớn. Một con người bình thường có thể phạm phải rất nhiều sai lầm.
Lớp nghĩa thứ hai là lớp nghĩa độc giả Việt Nam có thể tiếp cận gần gũi hơn. Theo TS Mai Anh Tuấn, trong một thời gian dài, người Việt có lẽ không được sống cho riêng mình. “Chúng ta đôi khi phải sống theo những ngữ pháp của số đông, của tập thể, bi kịch này được văn học Việt Nam đề cập đến khá nhiều”, Mai Anh Tuấn nhận định.
Qua tác phẩm của Jean-Paul Dubois, ta nhận ra rằng để mỗi người được sống là mình là một việc rất khó khăn. Để chấp nhận cách sống, kịch bản số phận của một con người, người ta phải có một sự cởi mở và bao dung rất lớn, ta cũng bị đòi hỏi phải chấp nhận những giới hạn của chính mình, đồng thời phải cảm thông được cho những đặc điểm riêng ở người khác.
Câu nói “không ai sống giống ai trong cuộc đời này” đề cao cách sống của mỗi cá nhân, tôn vinh kịch bản cuộc đời riêng của mỗi người, đồng thời làm lung lay những quan điểm cố hữu về cuộc đời và số phận nghiệt ngã của con người.
Ý nghĩa nhân văn lớn của cuốn tiểu thuyết được thể hiện tương đối trọn vẹn qua nhan đề tác phẩm.