Mắt nào xanh nhất là cuốn tiểu thuyết đầu tay nhưng lại là một trong những tác phẩm quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp của nữ nhà văn Toni Morrison, người đã giành giải Nobel Văn chương năm 1993 vì “tầm nhìn xa trông rộng và tính thi vị khác lạ trong sáng tác đã lột tả khía cạnh khắc nghiệt của hiện thực Hoa Kỳ”.
Tác phẩm là cuốn tiểu thuyết giàu chất thơ và dạt dào cảm xúc khi đối diện với vẻ đẹp và kết cục của những cá nhân không thể đáp ứng được tiêu chuẩn cộng đồng về cái đẹp. Sắc đẹp là thứ khiến người ta khao khát đến nỗi ám ảnh hiện hữu trong suốt chiều dài của lịch sử. Đó cũng là lý do vì sao cuốn sách tuy viết từ những năm 1940 mà vẫn có sức lay động độc giả ngày nay.
Tiểu thuyết Mắt nào xanh nhất là một trong những sáng tác nổi tiếng của Toni Morrison. Ảnh: H.Y. |
Nỗi bất hạnh của đứa trẻ da đen
Tiêu đề cuốn sách xuất phát từ mong muốn có được đôi mắt màu xanh của Pecola Breedlove, một đứa trẻ da đen mới chỉ 11 tuổi mà đôi mắt đã nhuốm màu buồn bã. Cô bé không biết món ăn của “búp bê da trắng” là như nào, hỏi mẹ thì bị đánh đòn; đi mua kẹo thì nhận lại cái nhìn khinh rẻ.
Cách duy nhất để trốn chạy thực tại khốn khổ của cô bé là thả trôi bản thân vào những mơ ước. Và Pecola cầu Chúa ban cho cô bé món quà là đôi mắt xanh, màu xanh đẹp đẽ mà cô bé từng thấy trên poster ngôi sao điện ảnh Shirley Temple tóc vàng da trắng. Cô bé tưởng tượng đôi mắt xanh sẽ làm rạng rỡ gương mặt của cô gái Mary Janes trên giấy gói kẹo.
Pecola cảm thấy, hoặc có lẽ thế giới mà cô đang sống nghĩ rằng, nếu cô bé sở hữu đôi mắt xanh biếc, cô sẽ được tự do, thoát khỏi màu đen u tối vẫn luôn bủa vây cô bé, thoát khỏi định kiến mà cộng đồng gán cho mình.
Cô đơn và tổn thương là những chất liệu đầu tiên để người nghệ sĩ sáng tác văn chương. Morrison đã tái hiện những đớn đau trong quá khứ của bà thông qua những trang sách như một cách lưu giữ bền bỉ nhất.
Áng văn trần trụi và khốc liệt
Nữ nhà văn viết Yêu dấu từ câu chuyện chân thật về Margaret Garner, một người mẹ nô lệ đã giết chết đứa con của mình vì không muốn con cũng phải chịu cảnh đày đọa như mình; thì Mắt nào xanh nhất cũng vậy. Bà viết cuốn sách khi nhận thấy làm thế nào có thể bảo vệ bản thân khi mình bị cô lập trong xã hội?
Giống như trong cuốn Nguồn gốc của ngoại tộc, Morrison bàn về nạn phân biệt chủng tộc, những tiêu chuẩn và định kiến do con người đặt ra. Cuốn tiểu thuyết đã đề cập đến những yếu tố trong xã hội tạo ra các tiêu chuẩn mặc định như thế nào là đẹp, thế nào là đầu óc bình thường, hay tổ chức gia đình cùng ham muốn tình dục sẽ phải nên như thế nào. Những định nghĩa mặc định như vậy chính là vấn đề đối với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, những người vốn đã bị loại bỏ quyền đại diện.
Tổng thống Obama trao Huân chương Tự do cho nhà văn Toni Morrison. Ngoài viết lách, bà còn tham gia nhiều hoạt động xã hội để đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Ảnh: VOV. |
Câu chuyện được xây dựng thông qua lời kể của Claudia, một đứa trẻ hung hăng, giọng điệu trịch thượng, sống trong một xã hội ngấp nghé khủng hoảng vì Thế chiến II. Pecola được gia đình Claudia cưu mang trong hoàn cảnh bị đánh đập, cưỡng hiếp rồi bị đẩy ra đường; cha đi tù, mẹ đi ở.
Claudia đã tiết lộ ngay từ đầu rằng gia đình họ hy vọng sẽ có thể cứu vớt được Pecola và đứa bé trong bụng của cô bé bằng cách gieo hạt giống cúc vạn thọ, thế nhưng, hạt giống họ trồng, cũng như tất cả những bông cúc vạn thọ trong năm đó đều không thể nở hoa. Cuốn sách một phần thể hiện sự bất lực của Claudia khi trưởng thành khi không thể cứu vớt Pecola. Điều duy nhất mà Claudia có thể làm đó là kể câu chuyện của mình.
Chính sự bàng quan của xã hội và tính chất phân tầng giai cấp đã đẩy cô bé Pecola vào một cuộc đời u ám. Không giống như những câu chuyện về phân biệt chủng tộc có phần “lãng mạn hóa” như Túp lều bác Tom của Harriet Beecher Stowe, Pecola tồn tại trong không gian hẹp giữa hai thái cực đối lập nơi cô sinh sống. Cô bé thấy mình đứng giữa cộng đồng người da đen và da trắng, cả hai đều không chấp nhận và xa lánh cô.
Ở phần cuối truyện, Pecola ở trong không gian lộn xộn và ngổn ngang mà Morrison cho là thiên đường, một nơi duy nhất dành cho cô bé đáng thương, trong một không gian đổ nát thế nhưng đã phá bỏ những định kiến về màu da, giới tính và sự phân hóa giai cấp, những thứ tạo nên sự cô độc của Pecola.
Bằng cách kết hợp từ ngữ mang tính bạo lực, Morrison đã phản ánh đặc điểm nguyên thủy của con người là tính hiếu chiến và thích được phục tùng. Nữ nhà văn không cố miêu tả sự phản kháng khi một con người bị khinh thường, mà đặc tả những hệ quả của việc chấp nhận sự coi thường đó, coi đó là điều hiển nhiên rồi tự căm hận chính mình, như những gì Pecola đã làm.
Trần trụi và khốc liệt, Mắt nào xanh nhất xứng đáng là tiểu thuyết mang sức nặng về phân biệt chủng tộc, là đại diện xuất sắc của nền văn học hiện đại Mỹ.